Hôm nay,  

Khi Ngài Qua Bờ Bên Kia

09/12/200300:00:00(Xem: 4691)
Ni Sư Thích Nữ Trí Hải đã tới với cuộc đời bằng những bước đi thật khiêm tốn, thật nhẹ nhàng và thật dịu dàng, nhưng các bước đi này đã in sâu vào dòng lịch sử dân tộc và vào nền Phật Học Việt Nam những dấu ấn khó thể phai mờ.
Ni Sư Thích Nữ Trí Hải đã viên tịch. Đây là một mất mát không gì đo lường nổi đối với Phật Tử Việt Nam. Những gì mà Ni Sư đóng góp cho cuộc đời nhiều hơn những gì mà chúng ta có thể nhìn thấy; đó là những gì người ta không thể thấy bằng mắt thường.
Từ một giáo sư Anh văn, tới một Thư Viện Trưởng Đại Học Vạn Hạnh, tới một người luôn luôn hoạt động vì đồng bào đau khổ, và rồi lui về một góc chùa để dịch kinh sách cho đời sau. Một cuộc đời rất mực đơn giản của một Ni Sư. Nhưng những dòng chữ của Ni Sư, những hạnh nguyện vào đời của Ni Sư đã lập nên một quốc độ rất mực thơ mộng cho người đời sau trên lối đi dò tìm thực tướng cuộc đời.
Thời còn ở trung học, tôi dã may mắn được đọc tiểu thuyết Câu Chuyện Dòng Sông do Ni Sư, lúc đó ký tên theo thế danh là Phùng Khánh cùng với em là Phùng Thăng, chuyển ngữ sang Việt Ngữ. Đây là bản dịch cuốn Siddharta của Herman Hess. Việc lựa chọn tác phẩm này để dịch cũng là một nhân duyên tiền định: con đường đi tìm sự hiểu biết, để lắng nghe dòng sông cuộc đời và để vượt qua dòng sông sinh tử. Khi gấp sách lại, trong một buổi chiều ngồi nơi sân Chùa Xá Lợi, tôi vẫn còn nghe văng vẳng bên tai tiếng dòng sông chảy và như là tiếng ai gọi đò của hơn hai ngàn năm trước.
Một cuốn tiểu thuyết khác do Ni Sư dịch, cũng ngay lập tức được giới học trò Việt Nam ưa thích: cuốn “Bắt Trẻ Đồng Xanh,” dịch từ cuốn “The Catcher in The Rye” của J. D. Salinger. Khi sang Hoa Kỳ, một trong những việc đầu tiên mà tôi làm là tìm bản Anh ngữ của cuốn này. Không phải cuộc đời này rất mực thơ mộng sao, khi còn giữ tâm hồn trẻ thơ, khi trốn học và chỉ thắc mắc về các con ngỗng, con chim, con vịt trời... nơi một chiếc hồ xứ tuyết.
Không chỉ trên trường văn học, Ni Sư vẫn nhiều phen đứng ở hàng đầu các biến động lịch sử của dân tộc và đạo pháp. Ni Sư bị bắt trong đợt nhà nước đàn áp Tăng Ni và Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất các năm 1984 và 1985: cùng bị bắt với Ni Sư đợt này là quý thầy Hòa thượng Đức Nhuận, các Thượng tọa Tuệ Sỹ, Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), Nguyên Giác, Chơn Nguyên, Sư cô Thích Như Minh, các Cư sĩ Phan Văn Ty, Tôn Thất Kỳ, Lê Đăng Pha, Hoàng Văn Cường, Ngô Văn Bạch, v.v... Đến ngày 30.9.1988, toàn thể 21 người bị bắt mới đem ra xét xử trong một phiên tòa trá hình tại Saigon. Hai án tử hình dành cho hai Thượng tọa Tuệ Sỹ, Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), hai án chung thân cho hai Cư sĩ Phan Văn Ty và Tôn Thất Kỳ... Sau vì áp lực quốc tế, nhà nước buộc ân xá hai án tử hình còn 20 năm tù... Khi Ni Sư rời nhà tù, mới lui về dịch kinh sách, và nhiều tác phẩm đã được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ấn hành.

Chắc chắn là Giáo Hội nhà nước, tức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, sẽ lúng túng khi in tiểu sử của Ni Sư cho một tang lễ trọng đại và đầy đau đớn này. Không lẽ bôi xóa luôn một khoảng nhiều năm trong đời Ni Sư"
Nhưng nhìn lại cuộc đời và các tác phẩm của Ni Sư, chúng ta sẽ thấy rằng lòng của Ni Sư thật sự không có biên giới giáo hội nào. Giáo hội thật sự của Ni Sư cũng không lệ thuộc gì tới cả biên giới quốc độ dù đó là Việt Nam hay Ấn Độ... Từ nhiều thập niên, Ni Sư đã nhẹ nhàng đứng dậy ra khỏi mọi vướng mắc của cuộc đời, nơi tất cả Sắc Không hết còn gì để ràng buộc, như Ni Sư đã viết:
“Đã là chân không thì không có sinh tử, khổ vui, mê ngộ. Thấy được như vậy thì luôn ở trong niết bàn....” (Bài “Đường Đi Không Gió, Lòng Sao Lạnh”)
Ni Sư thật sự đã bước vào Giáo Hội Vô Tướng trên đỉnh núi Linh Thứu, nơi các Pháp Hội của Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn còn tiếp diễn. Ni Sư đang đứng trong hàng quý Trưởng Lão Ni của những ngàn năm trước, nơi quý ngài lúc nào cũng sống với Thanh Tịnh Pháp Thân.
Giáo Hội Vô Tướng vẫn biến khắp, không hề bị hư hoại, dù cho bao nhiêu vùi dập của lịch sử. Bất kể nhiều ngàn ngôi chùa Tây Tạng bị đốt phá, bất kể nhiều ngàn vị sư Trung Hoa và Việt Nam trong nửa thế kỷ qua bị thúc ép hoàn tục, và bất kể mọi mưu đồ xóa tên các Giáo Hội tại các quốc độ, Giáo Hội Vô Tướng vẫn hiển hiện với người đã Thấy Tánh.
Trong Giáo Hội Vô Tướng, chỉ một giáo chủ là Đức Phật. Tất cả quý Tăng Ni Phật Tử của các Giáo Hội trần gian, nếu tựï thân không thể khế nhập được Giáo Hội Vô Tướng thì tất đều sẽ lạc vào đường ma cả, bấy giờ thì lại không chịu thờ Phật mà lại cứ thờ tượng ma, ảnh ma.
Những năm cuối đời, Ni Sư đã hiện Ni Tướng trông như là một bà Ni già, ngồi cặm cụi dịch kinh sách, đi làm từ thiện xã hội khi có dịp, chỉ dẫn cho các Học Ni lối đi tu học... Nhưng thật sự Ni Sư Trí Hải đã hiện thân vào Giáo Hội Vô Tướng của chư Phật. Nơi đó, không còn biên giới ta người hay quốc độ nào nữa. Nơi mà mắt của chúng sanh không thể nhìn thấy được.
Ngài đã viên tịch. Mất mát này không gì đo lường được. Đau đớn này không lời nào ghi lại được. Những gì Ngài để lại không gì so sánh được.
Khi Ngài đã bước qua dòng sông sinh tử... Yết-đế yết-đế, ba-la yết-đế, ba-la-tăng yết-đế, Bồ-đề tát bà ha.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.