Hôm nay,  

Bông Hồng Số 4

19/08/200300:00:00(Xem: 4158)
Le sens trop précis rapture la vague litérature.
[Cái nghĩa quá rạch ròi làm hại cõi văn mơ mòng] (1)

Nước Pháp phát minh ra tôi. Tôi đâu có hiện hữu. Caillois làm cho tôi được nhìn thấy. Than ôi, thiên hạ nhìn ông ta rõ quá!
[Borges viết về Roger Caillois, người giới thiệu ông với độc giả Pháp và sau đó, thế giới].

Trong bảng phong thần cho những cuốn sách cuối cùng, trước khi cúng bà hoả [Dernier inventaire avant liquidation], tác giả Frédéric Beigbeder chỉ chọn được 50 cuốn. Đứng đầu bảng là cuốn Kẻ Xa Lạ của Camus. Ông Hoàng Nhỏ của Saint-Exupéry, số 4.

“Làm ơn vẽ cho tôi một đại tác phẩm. Làm ơn chỉ cho tôi số 4 trong Bảng Phong Thần Cuối Cùng” là cuốn nào"

‘Ông Hoàng Nhỏ của Saint-Exupéry [1900-1944] là câu chuyện thần tiên độc nhất của thế kỷ 20. Thế kỷ 17 người ta có chuyện cổ tích của Perrault; thế kỷ 19, của Andersen. Tới thế kỷ 20, người ta có Ông Hoàng Nhỏ, một cuốn sách được viết bởi một ông phi công người Pháp lưu vong tại Huê Kỳ từ năm 1941 tới 1943. Cuốn sách được in ấn tại đó, trước khi được xuất bản tại Pháp vào năm 1945, một năm sau khi tác giả mất. [Do kỹ thuật in ấn của ông Tây quá tệ, bản tiếng Tây do đó đã phải giữ y chang những bản vẽ trong bản in lần đầu bằng tiếng Mẽo]. Từ khi xuất hiện cuốn sách có hình này đã trở thành một hiện tượng trong ngành in ấn, mỗi năm phát hành chừng vài triệu cuốn trên toàn thế giới.”
“Tại sao" Bởi vì, không cố tình [làm ra vẻ ngây thơ] Saint-Exupéry đã sáng tạo ra những nhân vật ngay lập tức trở thành huyền tượng [figures mythiques].”

Người ta có thể cho cuốn sách một cái tên khác, là, ‘Đi tìm một đứa trẻ thất lạc’, Frédéric Beigbeder đề nghị. Bởi vì theo ông, “tác giả cuốn sách luôn nhắc tới ‘những người lớn’ nghiêm túc, biết suy nghĩ điều hơn lẽ thiệt, và bởi vì cuốn sách không thực sự nhắm tới những đứa trẻ mà là tới những người tin rằng họ không còn trẻ nữa. Đây là một ‘pamphlet’ [bài văn đả kích] chống lại tuổi lớn và những con người hữu lý [rationnel], được viết bằng một thứ thơ ca dịu dàng, một minh triết giản dị [une sagesse simple] (Harry Potter, hãy về nhà với mẹ của mi đi!), và với một sự ngây ngô giả vờ, thực ra, giấu ở bên dưới sự ngốc nghếch đó, là một sự hóm hỉnh và một nỗi buồn thê lương.”

Đi tìm một đứa trẻ đã mất. Khi đặt tên lại cho cuốn sách như trên, theo tôi [NQT], tác giả Bảng Phong Thần Cuối Cùng, bởi vì là người Pháp, nên đã “vơ vào”, nghĩa là muốn nhắc tới Proust, một ông Tây khác nữa, tác giả Đi Tìm Thời Gian Đã Mất.
Nhưng còn một lý do nữa, là chính cái chết của Saint-Exupéry đã khiến bật ra cái tên thứ nhì này. Tác giả Phong Thần Bảng cho thấy, như rất nhiều nhà văn khác, thí dụ như Lewis Carroll, Saint-Exupéry thuộc thứ tác giả không chịu già: vài tháng sau khi Ông Hoàng Nhỏ được xuất bản, tác giả của nó, lúc đó 44 tuổi, bèn lên máy bay, làm một phi vụ thám sát [mission de reconnaissance] bên trên vùng trời Địa Trung Hải, và biến mất như nhân vật của mình…

Saint-Exupéry là một tác giả quá quen thuộc với những tác giả, luôn cả độc giả, và luôn cả học trò người Việt: ở Sài Gòn, trước 1975 có một trường học mang tên ông. [Tôi không hiểu bây giờ còn không.]
Trong lần về Việt Nam, nói chuyện bên “chén riệu” [ly rượu] với mấy anh em cũng dân viết lách, tại nhà một ông cũng “có một nỗi buồn thê lương”, nhân câu chuyện PXN còn nóng hổi, TTĐ gật gù, “Nhầm Ông Hoàng Nhỏ với Cõi Người Ta là một sơ suất nặng!”
Chúng ta tự hỏi tại sao lại có sự lầm như thế.
Không lẽ cứ buông một câu, tại dốt, tại không đọc!
Với một tác giả xa lạ, có thể, nhưng với “Xanh-Tếch”, như cách gọi thân mật của người Việt dành cho ông, ở một xứ sở tuy “người Pháp đã ra đi, nhưng nước Pháp ở lại [Malraux], chuyện không đơn giản.
Vậy thì, tại sao"
(còn tiếp)
NQT
Chú thích: Tôi không nhớ tên tác giả. NQT

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.