Hôm nay,  

Võ Đạo Và Trà Đạo

01/01/200400:00:00(Xem: 5110)
Sau một mùa Giáng sinh với nguyện cầu Hòa bình, vào đầu năm Dương lịch 2004, tôi có dịp nghĩ đến bạo lực lạnh, bạo lực của gươm đao thép lạnh chặt đầu địch thủ hay mổ bụng tự sát khi cần. Tôi gọi đó là tàn bạo lạnh để đối xứng với tàn bạo nóng của hỏa lực súng đạn, nhưng bất luận là nóng hay lạnh, bạo lực nào cũng tàn độc. Cuốn phim "The Last Samurai" đã được trình chiếu ở Mỹ và nhiều nơi trên khắp thế giới. Đây là một chuyện hư cấu (fiction) của điện ảnh Hollywood dựa vào bối cảnh có thật của lịch sử Nhật Bản. Tôi không muốn mất thì giờ kể lại chuyện phim vì có lẽ phần đông các bạn cũng như tôi đã đi xem cuốn phim này, bạn nào chưa xem đã có báo chí Mỹ và Việt thuật lại cũng như quảng cáo rầm rộ về cuốn phim đã nói đến hơi nhiều. Ở đây tôi chỉ muốn viết về lịch sử samurai và những gì tôi hiểu biết về một nét đặc thù của văn hóa Nhật Bản. (Chữ Nhật phiên âm theo văn tự La Mã, o đọc là ô, e đọc là ê, chữ d đọc như đ).
Nhật Bản lập quốc khoảng 660 năm trước Công nguyên với truyền thuyết các vị vua đều là những vị thần. Theo lịch sử có văn tự để lại, vào khoảng năm 400 (CN), giòng họ Yamato kiểm soát toàn thể đất nước lên làm Hoàng Đế, xưng danh là con cháu Thái dương Thần nữ và giòng họ đó tiếp tục trị vì cho đến ngày nay, vì thế dân Nhật gọi Hoàng đế của họ là Thiên Hoàng Bệ Hạ (Tenno Heika). Nếu người Trung Quốc thời xưa tự hào là "Nam tử Hán đại trượng phu", người Nhật cũng tự hào là "Yamato no Danji" có nghĩa là nam nhi của giòng dõi Yamato tức Thái dương Thần nữ. Ở Việt Nam tổ tiên của chúng ta cũng nhận là giòng dõi Lạc Hồng, tức con Rồng cháu Tiên. Các dân tộc lớn ở Á đông đều có truyền thuyết về gốc gác của mình, đó cũng là do tinh thần tự ái dân tộc chớ không có gì lạ.
Khoảng năm 1180, Nhật bản có loạn sứ quân cũng giống như Thập nhị sứ quân trong lịch sử Việt Nam trước thời Đinh Tiên Hoàng. Tuy nhiên ở Nhật, Thiên hoàng vẫn trị vì, chỉ có các bộ tộc võ trang đánh lẫn nhau tranh quyền tôn thờ Thiên hoàng để nắm luôn quyền cai trị thống nhất. Lịch sử võ sĩ samurai bắt đầu từ đây. Samurai là những dũng sĩ kiếm thuật cao cường được các "daimyo" tức lãnh chúa bộ tộc tuyển lựa, lúc đầu chỉ đóng vai vệ sĩ, nhưng từ khi có loạn sứ quân, họ trở thành những người lính tuyệt đối trung nghĩa với chủ. Năm 1192, Sứ quân Minamoto Yoritomo chiến thắng tất cả, trở thành vị Shogun (Tướng quân) đầu tiên của Nhật Bản. Muốn hiểu vai trò của Shogun như thế nào, chỉ cần nhìn lại tình hình vua Lê chúa Trịnh trong lịch sử Việt Nam. Thiên hoàng chỉ ngồi làm vì, còn bao nhiêu quyền hành nằm trong tay Shogun, các lãnh chúa khác đều phải quy thuận. Các Shogun giòng Minamoto cai trị đến năm 1338 thì bị truất phế sau một thời gian xung đột. Ashikaga Takuji lên làm Shogun, nhưng đến giữa thế kỷ 15 trong nước lại có đại loạn, trên 20 lãnh chúa daimyo thế lực nhất kiểm soát các địa phương nổi lên chém giết lẫn nhau. Giai đoạn nội chiến này trong lịch sử Nhật Bản được gọi là "thời đại chiến quốc" kéo dài suốt 100 năm. Giòng họ Ashikaga mất quyền kiểm soát, đến năm 1603 một lãnh chúa hùng mạnh nhất là Tokugawa Ieyasu chiến thắng nên được tôn làm Shogun. Thời đại các Shogun của giòng Tokugawa tiếp tục trong hơn hai thế kỷ, đến năm 1868 có phong trào Duy tân, tức đổi mới, mọi quyền hành thực sự đều phải trả lại cho Thiên hoàng lúc đó là Minh trị (Meiji), chế độ Shogun chấm dứt từ đây.
Samurai theo ngôn ngữ gốc Nhật từ thời cổ chỉ có nghĩa là người phục dịch, đến thế kỷ 5 người Nhật du nhập chữ Hán, họ dùng chữ "thị" để đọc là samurai. "Thị" theo Hán tự có nghĩa là người hầu cận, như trong các chữ kép thị thần là quan hầu, thị vệ là vệ sĩ hoặc thị nữ là các nàng hầu. Từ khi có chế độ Shogun các kiếm sĩ samurai trở thành một giai cấp được tôn sùng rất đặc biệt tuy họ chỉ là một thiểu số trong xã hội Nhật qua các triều đại. Samurai đi đến đâu, dân chúng đều rạt sang một bên đường, gập người cúi đầu kính bái. Hình ảnh samurai ngày nay đã được phổ biến trên khắp thế giới. Khi ra trận samurai mặc giáp trụ nặng, lúc bình thường họ mặc giáp nhẹ, nhưng dễ nhận nhất là họ luôn luôn đeo hai kiếm bên sườn, một thanh dài gọi là katana để chiến đấu, một thanh ngắn gọi là wakizashi dùng để tự sát. Khi thua trận hay không làm tròn sứ mạng, samurai thà chết chớ không chịu bị bắt làm tù binh, hoặc khi danh dự bị va chạm họ đều mổ bụng chết. Cũng như Việt ngữ, Nhật ngữ sử dụng rất nhiều chữ Hán chuyển âm Nhật lâu dần trở thành văn tự chính thức. Chữ harakiri là ngôn ngữ bình dân, "hara" là bụng "kiri" là mổ, hai tiếng này dễ phát âm nên thế giới bên ngoài đã quen nói đến. Nhưng trong giai cấp quyền quý cũng như trong văn bản chính thức của Nhật Bản, người ta dùng hai chữ Hán: chữ "thiết" là cắt hay chém và chữ "phúc" là bụng, ghép lại theo cách phát âm Nhật ngữ là "seppuku" nên coi khác lạ. Sự thật hai lối phát âm đều có cùng một ý nghĩa. Riêng tôi nghĩ kiếm dài là ngoại để đối phó với kẻ thù, còn kiếm ngắn là nội, tiêu biểu cho nội tâm.

Nghi lễ harakiri rất trong thể, người samurai tử tiết thường mặc áo trắng, họ ngồi quỳ xệp xuống, gươm ngắn để trước mặt còn gươm dài tuốt trần trao cho một người "phụ tá" có khi là cấp chỉ huy của họ đứng bên. Samurai dùng gươm ngắn, không phải chỉ đâm một nhát vào bụng mà theo đúng nghi lễ phải đâm vào bụng bên trái rồi rạch một đường dài qua bên phải. Sau nhát này samurai ngả người về trước, đầu gần đất gáy lộ ra, đúng lúc đó người "phụ tá" cầm gươm đứng cạnh phải chém một nhát thật mạnh để đầu samurai lìa khỏi xác. Tại sao samurai cần có người chặt đầu giùm họ" Trước hết samurai coi cái chết chặt đầu là một cái chết vinh dự, thứ hai vì lý do thực tế. Khi rạch môt đường dài ngang bụng, ruột gan xổ ra, samurai không chết ngay mà còn hấp hối một lúc. Bởi vậy họ muốn được chặt đầu cho cái chết đến sớm. Tàn nhẫn và rùng rợn quá phải không" Samurai sinh ra đời, khi đã đeo hai thanh gươm là chỉ mong được chết dưới đao kiếm chớ không chết già trên giường bệnh. Dân Nhật thường tự hào về điểm này, họ gọi samurai là những bông hoa sakura, tức anh đào, nở rộ vào mùa xuân.
Samurai sống và chết theo một bộ luật riêng của họ gọi là Bushido (Võ sĩ đạo) gồm cách chiến đấu, tác phong và đạo lý, giống như các hiệp sĩ Âu châu thời Trung Cổ. Samurai dùng kiếm là chủ yếu nên kiếm pháp của họ gọi là Kendo (kiếm đạo). Ngày nay Kendo trở thành một môn thể thao cũng như Judo đã được phổ biến trên thế giới. Hồi tháng 4 năm 2000, nhân dịp Hội Kendo Thế giới tổ chức thi đấu quốc tế ở San Jose, tôi đã viết hai bài về kiếm pháp của samurai mà căn bản nằm trong bốn chữ "Khí, Kiếm, Thể, Nhất" (ki, ken, tai, ichi). Khí là khí công, kiếm là vũ khí, thể là thể lực và nhất là hợp nhất. Luyện Kendo là phải luyện làm sao cho chân khí nhập vào kiếm, phối hợp với sức mạnh của cơ thể để những uy lực đó trở thành một. Ngoài kiếm pháp, samurai còn phải học bắn cung tức Kyudo (Cung đạo) và Judo (Nhu đạo). Họ cũng phải luyện cách đánh bằng dáo mác khi ngồi trên mình ngựa.
Lịch sử samurai là một chuỗi dài những cuộc nội chiến đẫm máu ghê rợn. Sau chiến thắng có lúc samurai chặt hàng ngàn thủ cấp địch đem về trình chủ tướng để lãnh thưởng. Nhưng lạ lùng thay, giữa những thời nội chiến quyết liệt, các lãnh chúa hùng mạnh lại thấy cần tìm đến thi phú và tu thiền của Phật giáo để làm dịu bớt những nỗi niềm u uất trong thâm tâm của họ. Vào khoảng thế kỷ 14, các thiền sư Nhật Bản đã giới thiệu với các Shogun giòng Ashikaga một nghi lễ đặc biệt để uống trà trong phủ Chúa gọi là Trà đạo. Các Shogun kế tiếp đã theo nghi lễ này và còn đặt thêm nhiều thể thức thật long trọng. Trà đạo còn được truyền tụng đến ngày nay. Có chứng kiến những cử chỉ chậm rì, trang trọng, đúng phép tắc thủ pháp quy định, từ việc lấy nước, nấu nước, pha trà cho đến lúc nâng chén trà uống, người ta mới thấy Trà đạo gần gụi như thế nào với "zen" tức thiền định của Nhật Bản. Sát vùng ngoại thành Tokyo ngày nay, khi đến dự Trà đạo trong một căn phòng thanh tĩnh, phía trước là một sân rộng có tảng đá lớn làm hòn non bộ, trên sân trải sỏi được rửa sạch trắng nõn sắp xếp giống những các ngọn sóng bao quanh một hòn đảo, bạn sẽ thấy bỗng nhiên lòng nhẹ lâng lâng, tâm hồn thư thái như quên hẳn cảnh phồn hoa đô hội của thủ đô Nhật Bản.
Các chiến sĩ samurai đã tự chọn một cuộc sống hùng nhưng ngắn tựa hồ hoa anh đào rụng trước gió xuân, có lẽ họ thấy gần gụi hơn với triết lý nhà Phật. Cái chết coi nhẹ như lông hồng, cuộc sống tất chỉ vô thường, sắc là hư tướng là ảo. Bạo lực cũng không vĩnh cửu, bởi vì khi anh có bạo lực mạnh nhất trong tay, tất nhiên lại có bạo lực lớn hơn trị anh. Thiên ngoại hữu thiên, ngoài trời còn có trời nữa là vậy đó. Lưỡi kiếm của samurai không phải vô địch, bởi vì đã có súng đại bác trị nó dễ dàng và thuốc nổ rút cuộc cũng có một thứ nổ khác lớn hơn. Tất cả đều vô thường, vậy không có gì là hữu thường vĩnh cửu hay sao" Có...có...Đó là những gì đẹp nhất trong trái tim con người. Các vở kịch Kabuki ngày nay ở Nhật làm sống lại hình ảnh người dũng sĩ samurai, nhưng đàng sau ánh thép lạnh của luỡi gươm đã nổi bật lên một chữ "nghĩa" từ đáy con tim người Võ sĩ đạo. Và Trà đạo còn đó, sẽ còn mãi mãi. Hãy nâng chén trà lên nhấm nháp để sự bình thản ngấm dần vào tâm khảm, trong một chốn hư vô đến tận cùng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.