Hôm nay,  

Đi Tìm Lại Một Mùa Xuân...

25/09/200400:00:00(Xem: 2416)
(Bài đăng hai kỳ/tiếp tuần trước)
CÁC VẤN ĐỀ TRONG MỘT GIA ĐÌNH "CHẤP NỐI"
Xây dựng một gia đình đã khó, xây dựng một gia đình "chấp nối" càng khó hơn. Các mối quan hệ trong và ngoài gia đình phức tạp hơn, vai trò của những người trong gia đình cũng khó xác định và hay thay đổi hơn. Gia đình "chấp nối" không chỉ có hai vợ chồng và con cái, mà còn có các vai trò khác như cha kế/mẹ kế (stepfather/stepmother), con riêng của chồng/vợ (stepchildren), chồng/vợ trước (ex-spouses),.. .
Những vấn đề sau đây có thể xảy ra trong một gia đình "chấp nối":
- Con cái trong các gia đình "chấp nối" thường có đến 2 "cặp" cha mẹ có quyền lực đối với chúng, ví dụ như con cái ở với người mẹ thường có 2 cặp cha mẹ là: mẹ ruột và cha kế sống chung nhà, và cha ruột và mẹ kế sống ở nhà khác. Các loại quyền lực gia đình không bình thường này có thể làm cho trẻ con và cả người lớn cảm thấy bối rối và bực dọc.
- Người cha kế/mẹ kế giữ vai trò của một người cha/mẹ nhưng không phải là một người cha/mẹ thật sự, và những đứa con riêng biết điều này. Chúng có thể từ chối không chấp nhận quyền hạn của người cha/mẹ kế, không nghe lời dạy bảo của họ. Điều này có thể làm cho người cha/mẹ kế tức giận, thậm chí có thể dẫn đến việc gia đình tan vỡ.
- Con cái có thể có quyền năng làm cho một gia đình chấp nối tan vỡ. Chúng có thể tạo ra một bầu không khí căng thẳng và làm cho người cha/mẹ kế bực tức bằng cách so sánh cuộc hôn nhân sau với hôn nhân trước, người sau với người trước, và dĩ nhiên là những so sánh này thường không vui gì cho người phối ngẫu sau. Người cha/mẹ kế có thể bị coi như là một người ngoài, một người xa lạ, và thậm chí là một người có tội trong việc tan vỡ của gia đình trước. Người phối ngẫu sau có thể không chịu đựng nổi và sẽ đầu hàng trước những áp lực này.
BA LOẠI VAI TRÒ CỦA NGƯỜI CHA/MẸ KẾ:
Người cha/mẹ kế có thể tự cho mình đóng một trong ba vai trò sau đối với con riêng của vợ/chồng:
1- Đóng vai trò của một người cha/mẹ khác (the other father/mother): phần lớn những bà mẹ kế muốn giữ vai trò này, muốn có được sự tôn trọng, quyền lực, và trách nhiệm của một người làm mẹ. Sự "co kéo", giành giựt của hai bà mẹ có thể làm cho những đứa con bối rối , bực dọc; quan hệ của người chồng và người vợ sau cũng có thể có nhiều mâu thuẩn vì chuyện này. Theo nhiều cuộc nghiên cứu, đây là loại vai trò gây ra nhiều mâu thuẫn nhất trong một gia đình chấp nối.

2 - Thay thế người cha/mẹ ruột: người cha/mẹ kế có thể thành công trong vai trò thay thế người cha/mẹ ruột nếu như người cha/mẹ ruột đã qua đời hay không còn liên lạc với con cái của họ nữa. Trong trường hợp này, nếu người cha/mẹ kế thật lòng thương yêu và lo lắng cho con riêng của chồng/vợ, gia đình chấp nối này sẽ có được sự thương yêu và hoà thuận giữa cha kế/mẹ kế và những người con riêng.
3- Đóng vai trò một người bạn: thay vì cố gắng trở thành một người cha/mẹ khác, người cha/mẹ kế có thể chỉ đóng vai trò một người bạn của những người con riêng. Trong vai trò này, người cha/mẹ kế chỉ cần được con riêng của chồng/vợ tin tưởng và gần gũi, coi họ như một người bạn lớn tuổi, và họ chấp nhận những đứa con riêng mà không hề phê phán hay tìm cách răn dạy chúng. Vai trò này có thể là một vai trò thích hợp cho người cha/mẹ kế trong những trường hợp người cha/mẹ ruột đang nuôi dạy và gần gũi với con cái của họ.
ĐỂ XÂY DỰNG THÀNH CÔNG MỘT GIA ĐÌNH CHẤP NỐI
Để có một cuộc sống hạnh phúc, những thành viên trong một gia đình chấp nối cần phải xử sự linh động, biết thích nghi với mọi hoàn cảnh. Sau đây là vài điều mà một gia đình chấp nối cần phải có để giữ cho hạnh phúc gia đình được bền vững:
-Giao kết/commitment: hai người phối ngẫu cần phải giao kết trước với nhau là cả hai quyết tâm giữ vững mối quan hệ của họ và họ sẽ làm tất cả mọi việc cần thiết và có thể được để giữ lấy gia đình trước những trở ngại và phiền toái mà một gia đình chắp nối sẽ phải chịu đựng.
-Gắn liền/cohesion: cần phải tạo ra và làm phát triển những tình cảm/cảm giác gần gũi, gắn liền với nhau trong một gia đình chấp nối, ví dụ như cha/mẹ kế và con riêng cần phải cố gắng xoá đi cảm giác xa lạ khi tiếp xúc với nhau.
-Giao tiếp đúng cách/ effective communication: một trong những nguyên nhân làm cho cuộc hôn nhân trước tan vỡ có thể vì hai người phối ngẫu đã không giao tiếp đúng cách với nhau, và vấn đề này có thể tiếp tục xảy ra trong cuộc hôn nhân kế tiếp, vì vậy những người phối ngẫu trong các gia đình chấp nối cần phải đặc biệt lưu ý đến vấn đề này. Ngoài ra, giữa cha kế/mẹ kế và con riêng của chồng/vợ có thể có nhiều hiểu lầm, vì vậy cần phải tiếp xúc và nói chuyện với nhau để tránh hiểu lầm và để hiểu rõ nhau hơn.
Chúc các bạn, một khi đã tìm lại được mùa xuân, sẽ được sống hạnh phúc mãi trong mùa xuân đó - dù cho đó là một mùa xuân "chấp nối".
Nguyễn Minh Hà
Tài liệu tham khảo: "The Individual, Marriage, and the Family" - Lloyd Saxton

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.