Hôm nay,  

Đính Chính Của Nhà Văn Phan Lạc Tiếp

04/10/200200:00:00(Xem: 7231)
Kính thưa qúy độc giả! Tuần qua, sau khi Việt Báo Online (vietbao.com) bên Hoa Kỳ đăng bài viết “Ôi! Những Anh Hồn Bên Giòng Sông Cũ” của nhà văn Phan Lạc Tiếp, do Sàigòn Times gửi, chúng tôi có nhận được email của tác giả, trong đó ông có yêu cầu đăng lá thư Đính Chính của ông về những điều không được chính xác trong phần giới thiệu của Sàigòn Times. Thay mặt tòa soạn, chúng tôi chân thành cáo lỗi cùng nhà văn Phan Lạc Tiếp và qúy độc giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu nguyên văn thư Đính Chính của ông.

Thưa anh Hữu Nguyên,

Mới đây trên Việt Báo có đăng lại lời giới thiệu về tôi phát xuất từ Sài Gòn Time, nhân bài viết về Trận Ba Rài (Ôi! Những Anh Hồn Bên Giòng Sông Cũ). Trong lời giới thiệu này có một vài điều không được chính xác, dễ gây ngộ nhận. Do đó, nhân đây tôi xin được minh xác về Dự Án Hải Sử và sự đóng góp của tôi vào Dự Án này ra sao. Xin được nhờ anh phổ biến rộng rãi tới tất cả những nơi đã đăng lời giới thiệu trên.

1- Dự Án Hải Sử là một công trình tập thể được Tổng Hội Hải Quân đề xướng trên 15 năm qua, qua nhiều nhiệm kỳ Tổng Hội Trưởng, nhưng công tác trên không tiến hành được bao nhiêu, nếu không muốn nói là đã bị quên lãng. Cho tới nhiệm kỳ do anh Trần Chấn Hải làm Tổng Hội Trưởng, cách đây trên 4 năm, Dự Án này mới thực sự được sống lại và có những đóng góp tích cực và rộng rãi của đại gia đình Hải Quân.

2- Một cách cụ thể, Dự Án này đặt dưới sự điều hợp của Tổng Hội Hải Quân do vị Tổng hội Trưởng phụ trách. Nhưng về nội dung Dự Án được sự hướng dẫn bởi Hội Đồng Hải Sử, do cựu Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng làm Chủ Tịch. Cho đến nay, sau hơn 4 năm làm việc, Dự Án này đang hoàn tất công tác, gồm 2 phần: Lược Sử Hải Quân, và Tuyển Tập Hải Quân. Lược Sử Hải Quân do cựu Hải Quân Trung Tá Vũ hữu San biên soạn. Đó là một tài liệu gần với "chính sử", dày độ 400 trang.

3- Tuyển Tập Hải Quân, gồm những bài viết dưới nhiều thể loại như hồi ký, phỏng vấn, nhật ký hành quân.v.v... phản ảnh cuộc sống linh động của quân chủng Hải Quân trong sông, ngoài biển và cả những đơn vị trên bờ, từ khi được thành lập năm 1952, cho đến ngày 7 tháng 5 năm 1975, khi Hạm Đội Hải Quân VNCH làm lễ hạ kỳ trên Biển Đông. Tuyển Tập này dày độ 700 trang khổ lớn, gồm trên 80 tiết mục, với sự góp mặt rất rộng rãi, từ các vị niên trưởng cấp Đô Đốc, đến các tầng lớp Sĩ Quan và Đoàn viên thuộc mọi cấp bậc. Nếu không có gì trở ngại, Tuyển Tập Hải Quân sẽ được phát hành trước Tết âm lịch, vào đầu năm 2003 tới đây.

4- Riêng cá nhân tôi, một người trong Ban Biên Tập, dưới nhiều thể loại, đã đóng góp khoảng 20 bài cho Tuyển Tập. Nhiều nhất là những bài phỏng vấn các vị niên trưởng, nặng về tổ chức và lý thuyết phòng ngự, để Tuyển Tập có những cái nhìn tổng quát. Do đó nét phong phú, sinh động phản ảnh nếp sống gian lao nhưng cũng đầy dũng liệt của người lính Hải Quân là do những bài viết của đa số những người khác đã kể lại những kinh nghiệm máu xương của chính mình. Quý vị sẽ tìm thấy những uẩn khúc về Trận Chiến Hoàng Sa; về cái chết của Đại Tá Hồ tấn Quyền. Quý vị sẽ thông cảm và chia sẻ những gian lao buồn chán nhưng đầy hữu hiệu của người lính thuỷ trên các chiến hạm, các Duyên Đoàn ngày đêm tuần tiễu săn tìm tàu địch xâm nhập trên lãnh hải Miền Nam. Quý vị sẽ thấy được những đụng độ khốc liệt, bạo tàn của những đơn vị Thuỷ Bộ trên những khúc sông hung hiểm trong rừng U Minh. Quý vị sẽ hiểu được sự hữu hiệu của người lính Giang Đoàn Xung Phong chống lại sự tấn công vũ bão của địch trên khúc sông huyết mạch tiếp tế cho Nam Vang; cũng như làm sao để bảo toàn thuỷ lộ chính của nền kinh tế Miền Nam, giữ cho con sông Sài Gòn-Vũng Tàu không bị trắc trở. Quý vị sẽ có dịp chia sẻ những hành động tràn ngập tình tương thân, đoàn kết giữa Hải Quân và các đơn vị bạn trong những cuộc hành quân yểm trợ, cũng như giờ phút nguy nan sống chết của cuộc di tản ở Miền Trung. Đặc biệt chúng ta sẽ biết vì sao cánh quân của [tướng CS] Lê Đức Anh phải nằm dí ở hữu ngạn sông Vàm Cỏ, không vượt được qua sông, để có mặt cùng các cánh quân khác vào Sài Gòn trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 như đã hẹn. Và Võ nguyên Giáp đã phải thú nhận gì về mặt trận này; cũng như bằng cách nào đoàn tàu của Hải Quân đã ra khơi đúng lúc và an toàn như thế.
Những dữ kiện lịch sử ngồn ngột sức sống, đầy đặc trong Tuyển Tập Hải Quân mà tác giả không chỉ là các quân nhân Hải Quân, mà còn có những đóng góp của bạn bè binh chủng khác, kể cả gia đình Hải Quân. Tất cả những điều ấy làm nên Tuyển Tập.
Nói tóm lại, cá nhân tôi chỉ là một thành viên trong Ban Biên Tập, như rất nhiều người trong gần 5 năm qua, đã góp chút công sức để hoàn thành Tuyển Tập mà thôi. Công lao ấy thuộc về tất cả tập thể Hải Quân. Vì quan trọng hơn hết, nếu không có những đóng góp hào hùng, gian khổ của mọi quân nhân các cấp, chúng tôi sẽ không có gì để viết, để ghi lại.
Xin cám ơn những lời giới thiệu rộng lượng của anh và bằng hữu. Nhưng để tôn trọng sự công bằng, xin anh cho phổ biến rộng rãi lời Đính Chính này.

Trân trọng,
Phan lạc Tiếp
San Diego, 17.9.2002

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.