Hôm nay,  

Tác Phẩm Cho Người Học Phật: ‘luận Giải Trung Luận...’

17/12/200300:00:00(Xem: 4579)
PHOTO: Bìa sách "Luận Giải Trung Luận..." (trái); và Thư Pháp của Thầy Tuệ Sỹ (phải).

Một cuốn sách cần phải có cho người học Phật" Đúng vậy. Tác phẩm biên khảo "Luận Giải Trung Luận: Tánh Khởi và Duyên Khởi" của nhà nghiên cứu Phật học Hồng Dương Nguyễn Văn Hai là một tác phẩm có sức mạnh nhiều hơn việc nghiên cứu, vì còn chứa đựng những suy tưởng, phân tích, giải nghĩa... có thể đưa người đọc thâm nhập được các chỗ uyên nguyên, thâm áo của Đại Thừa.
Tác phẩm dày 690 trang, xuất bản bởi Nguyệt San Phật Học năm 2003, được tác giả ghi trong Lời Đầu Sách là "thu góp các bài học Phật từ sáu phẩm đầu của Trung Luận," và là phần tiếp theo cuốn sách "Tìm Hiểu Trung Luận: Nhận Thức và Duyên Khởi" đã in năm 2001.
Vào sách là một tấm Thư Pháp của Thầy Tuệ Sỹ, viết bằng Hán tự câu kệ nổi tiếng của Bồ Tát Long Thọ, "Dĩ hữu không nghĩa cố, Nhất thiết pháp đắc thành."
Tập sách này được tác giả Hồng Dương Nguyễn Văn Hai ghi nhận là "được hình thành là nhờ có sự ân cần khuyến khích, hướng dẫn, và chỉ giáo của Thầy Tuệ Sỹ qua điện thư... Thành kính mong Thầy nhận nơi đây tất cả tấm lòng ngưỡng mộ và biết ơn sâu xa của tôi."
Độc giả nếu có thể tìm đọc cuốn trước đó, sách "Tìm Hiểu Trung Luận: Nhận Thức và Duyên Khởi" thì dĩ nhiên rất là tốt vì có sự chuẩn bị khởi đầu, nhưng đối với những vị có trình độ học Phật vài năm cũng có thể đọc thẳng vào cuốn "Luận Giải Trung Luận: Tánh Khởi và Duyên Khởi."
Tác phẩm thực sự trình bày nhiều hơn là Trung Luận, vì gần như các hệ tư tưởng chính của Phật Giáo đều nằm trong cuốn này. Đặc biệt, tác phẩm còn nói về các pháp tu phổ biến và thường dụng như Quán Vô Ngã Tướng, Minh Sát Thiền, Thiền Tông Đốn Ngộ Tiệm Tu, Bồ Đề Tâm...


Tác phẩm gần như không bỏ sót các trào lưu tư tưởng chính nào của lý luận nhà Phật, trình baỳ hết về các đề tài Duyên Khởi, A Tỳ Đàm, Tánh Không, Duy Thức, Như Lai Tạng, Phật Tính... và trích dẫn từ các kinh như Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Hoa Nghiêm, Lăng Già, Đại Bát Nhã, Tâm Kinh Bát Nhã... và do vậy, tác phẩm cho dù chỉ nói lên tinh hoa các hệ tư tưởng cũng mang rất nhiều tính cô đọng, và không dễ hiểu hết. Chưa hết, trong tác phẩm còn có một số chỗ bàn về các nhà tư tưởng hiện đại như Krishnamurti, David Bohm... Cuốn sách không phải đã viết từ các hạt bụi xưa cổ trên Tàng Kinh Các nhà chùa, mà còn liên hệ tới và đối chiếu với các trào lưu tư tưởng mới của nhân loại.
Nhưng không phải thế mà tác phẩm thiếu tính quyến rũ. Theo nhận xét của người viết, khi ngồi đọc cuốn này tới 2 giờ sáng, tới 3 giờ sáng... vẫn chưa muốn rời sách để ngủ cho dù là sáng hôm sau có phải dậy sớm đi làm. Sức lôi cuốn này hơn hẳn cuốn thứ nhất, phần vì văn cú và phần vì khi đọc tới mà thấy như là đang đọc tự tâm mình lưu xuất ra. Nghĩa là, những dòng chữ tác giả Hồng Dương Nguyễn Văn Hai viết không phải là sự nghiên cứu khô khan, mà phải là những gì tác giả đã sống, và chắc chắn là đã chứng nghiệm phần nào những chân lý này.
Tác giả Hồng Dương Nguyễn Văn Hai, Tiến sĩ Quốc Gia Toán tại Sorbonne, Paris, từng giữ chức Phó Viện Trưởng kiêm Khoa Trưởng Đại Học Khoa Học Viện Đại Học Huế, Phó Giám Đốc Trung Tâm Liễu Quán của Phật Giáo Huế, nguyên Dân Biểu Quốc Hội thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa. Từ 1975, giảng dạy tại Đại Học Kentucky. Hiện đã nghỉ hưu.
Địa chỉ để thỉnh sách:
Phật Học
P.O. Box 221483
Louisville, KY 40252-1483
Email: phathoc@phathoc.org; website: www.phathoc.org.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.