Hôm nay,  

Dân Tộc Tự Vấn

23/10/200300:00:00(Xem: 4864)
Tự Vấn gì" Và tại sao phải tự vấn"
Đó là điều tôi muốn trao đổi với người Việt, trong cũng như ngoài nước, nhất là với các bạn trẻ, tương lai của đất nước.
Hãy nghĩ về đất nước mình.
Trong nửa thế kỷ qua thế giới chuyển mình một cách nhanh chóng. Nước Nhật tan hoang sau khi thua trận Thế giới chiến tranh II đã trở thành một lực lượng kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Các nước Á châu khác như Nam Hàn, Đài Loan, và các nước trong vùng Đông nam á như Singapore, Thái Lan đều vươn lên mang đến một đời sống đầy đủ ít nhất về vật chất cho dân nước họ. Và nay trước ngưỡng cửa của thế kỷ 21, dân các nước ấy đều hướng nhìn về tương lai tràn đầy tin tưởng.
Trong khi đó nước Việt Nam chúng ta như thế nào" Tôi sẽ không đưa ra những con số thống kê rườm rà. Tôi chỉ nói những điều các bạn trẻ đều biết. Nước Việt Nam còn rất nghèo, kinh tế được xếp hạng thấp trong mức thang kinh tế thế giới. Thành phố phát triển thiếu qui hoạch, dân thành phố chen chúc sống trong những khu ổ chuột. Nông thôn tuy có một ít điện, điện thoại và đường sá có mở mang hơn nhưng dân quê vẫn còn sống trong cơ cực. Nhiều bạn sẽ cho rằng sự chậm tiến là do chế độ chính trị hiện tại ở Việt Nam thiếu cởi mở đã kềm hãm sức phát triển của đất nước. Điều này đúng, nhưng chỉ đúng một phần. Tình trạng chậm tiến của đất nước còn có thể do nhiều nguyên nhân khác nữa. Chúng ta nên bình tỉnh và chịu khó tìm hiểu.
Hãy xét vài sự việc sau. Trên thế giới con người sinh ra ở những lục địa khác nhau được ban phát một trí tuệ cao thấp khác nhau, và thiên nhiên cũng ưu đãi con người khác nhau. Cho nên điều kiện phát triển tại Phi châu và Nam mỹ không bằng Âu châu và Bắc mỹ. Không ai mang vấn đề tế nhị này ra mổ xẻ, nhưng ai cũng đồng ý như vậy.
Việt Nam có rơi vào trường hợp đó không" Khẳng định là không.
Nói về lịch sử, sử gia thế giới có lý do để nể dân tộc Việt Nam. Trong thế kỷ 13 Việt Nam ba lần đánh thắng quân Mông cổ, một đoàn quân đã chinh phục Trung quốc lập ra nhà Nguyên và vó ngựa xâm lăng đã băng qua Nga đến tận Trung đông. Gần đây hơn, trong 50 năm qua Việt Nam đã thắng quân Pháp dành lại được độc lập, và là quốc gia duy nhất trong lịch sử cận đại làm cho Hoa Kỳ không thực hiện được một phần chính sách toàn cầu tại châu Á trong hậu bán thế kỷ thứ 20.
Chúng ta có thể cho rằng hai cuộc chiến thắng sau này là những thắng lợi của đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này chỉ đúng ở chỗ đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo các cuộc chiến thắng đó về phương diện tổ chức và huy động sự yểm trợ của khối cộng sản quốc tế; nhưng nếu không có dân tộc Việt Nam với những con ngưòi bền bỉ, chịu đựng và can trưòng thì đã không có những chiến thắng đó.
Cuộc vượt biên của hằng trăm ngàn người Việt bỏ chế độ cộng sản ra đi bất chấp gian khổ, bị giết, bị hiếp ngoài biển cả đã làm cho thế giới xúc động chứng tỏ tính gan lì và liều lĩnh của ngưòi Việt. Và chưa qua một thế hệ, ngưòi Việt đã ổn định nhanh chóng ở môi trường mới và các em rời nước khi còn trong trứng nước hay sinh ra trên đất nước ngưòi đã thành công nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực, nhất là các ngành khoa học, kỹ thuật và y khoa. Điều này chứng tỏ người Việt có một khả năng trí tuệ không kém các dân tộc được ưu đãi khác.
Đó là con người. Về tài nguyên, nước Việt Nam không thiếu. Núi rừng trùng điệp, sông ngòi chằng chịt, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long phì nhiêu, khí hậu cao nguyên tốt, đất cao nguyên mầu mỡ, biển dài, nước ấm, nhiều hải sản.

Thế mà trên một đất nước như vậy, với những con người như vậy, hôm nay, trong thời đại tin học này, 80 triệu dân Việt vẫn còn sống trong chậm tiến, và càng ngày càng tụt hậu trước sự tiến bộ nhanh chóng của các nước khác trên thế giới.
Vậy các bạn trẻ thấy gì" Người Việt Nam phải có vấn đề. "Vấn đề gì" là điều các bạn cần suy nghĩ. Sự suy nghĩ của mỗi ngưòi có thể đưa đến những kết luận khác nhau. Tôi xin nêu ra một số vấn đề ai cũng có thể thấy:
1. Người Việt Nam chúng ta thông minh, nhưng thiếu tư duy dài hạn. Biểu hiện: không có nhiều đại tác phẩm văn chương, ngoài một Truyện Kiều khiêm tốn.
2. Ham học hỏi, tiếp thu kiến thức nhanh nhưng không học vì muốn khám phá thiên nhiên mà để có địa vị xã hội và sống an nhàn hơn người khác. Biểu hiện: không có khám phá khoa học nào có tầm vóc.
3. Liều lĩnh nhưng không có tinh thần mạo hiểm. Biểu hiện: vượt biên không sợ bị đắm thuyền, bị giết, bị hiếp, nhưng không có một cuộc mạo hiểm khám phá biển cả bao la chung quanh trong suốt chiều dài lịch sử.
4. Dũng cảm bảo vệ quê hương ở chiến trường, nhưng do dự trước sự phi lý và bất công. Biểu hiện: từng chiến thắng nhiều cuộc xâm lăng, nhưng không có phản ứng tập thể trước sự suy vong của đất nước, một tình trạng kéo dài từ năm 1975 đến nay.
5. Thích kết đoàn, nhưng không có tinh thần sinh hoạt dân chủ và tập thể. Biểu hiện: có nhiều đoàn thể và tổ chức tại hải ngoại, nhưng không có sức mạnh chính trị.
6. Người Việt Nam ít tha thiết với đất nước. Biểu hiện: đa số muốn bỏ nưóc ra đi, và tự hào được là người Việt ở nước ngoài.
7. Người Việt nam giàu tự ái nhưng trong tiềm thức có chất tự khinh mình. Biểu hiện: chúng ta dùng mấy chữ "Việt Nam mà ...", hay "Việt Nam thì ..." để ám chỉ đó là điều dở. Trái lại chúng ta dùng hai chữ "Nhật mà ... " để hiểu là tốt, là tin cậy được.
8. Chúng ta chấp nhận văn hóa nước khác một cách quá dễ dàng. Nói cách khác chúng ta có tinh thần vọng ngoại. Biểu hiện: ôm chặt văn hóa Tàu quá lâu, bỏ Tàu ôm văn hóa Pháp khi người Pháp đến, sau đó ôm văn hóa Nhật một thời gian dù ngắn ngủi, rồi hai miền Nam Bắc chia nhau ca tụng văn hóa Mỹ, Nga. Không có một chỗ trống nào để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam.
Nói tóm lại chúng ta có vấn đề vì chúng ta:
1. Khôn nhưng không ngoan.
2. Thiếu sự tự hào dân tộc
3. Thiếu truyền thống tập thể và dân chủ.
4. Thiếu tâm thức dân tộc.
Để giải quyết phải đánh vào gốc của "vấn đề".Trước hết cần có một chương trình giáo dục nhằm tạo thói quen dân chủ và tập thể, khuyến khích sự tự hào dân tộc, và tinh thần yêu nước đích thực. Mặt khác xây dựng truyền thống và văn hóa, tạo nên tâm thức dân tộc và sự nhìn xa.
Ai có thể khởi phát chương trình này trên đất nuớc" Người lãnh đạo chính trị. Nhưng, cái vòng luẩn quẩn là, người đang lãnh đạo chính trị là sản phẩm của những "vấn đề" của ngưòi Việt, nên họ không ý thức nổi vấn nạn của đất nước để vượt thoát.
Cần phải bức phá cái vòng tròn luẩn quẩn đó để khai mở đại chương trình giáo dục quốc dân.
Nhiệm vụ bức phá là ở nơi các bạn trẻ trong và ngoài nước, nhất là các bạn trẻ trong nước. Sức mạnh bức phá sẽ đến với các bạn nếu các bạn tự vấn để thấy hổ thẹn và đau lòng khi nghĩ đến con nguời và đất nước Việt Nam.
Trần Bình Nam
Oct. 22, 2003
BinhNam@earthlink.net
http://www.vnet.org/tbn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.