Hôm nay,  

Yêu Thầy

14/10/200600:00:00(Xem: 5075)
Thời còn đi học, chúng ta vẫn thường có những nỗi niềm dấu kín, trong đó “yêu Thầy" dường như là một sự kiện …vĩ đại đối với tuổi học trò.
Phố rùm Việt Báo, Nhóm Gia Long & Thân Hữu một dạo, bàn tán xôn xao đề tài này, mà các anh, chị, tuổi đã cao, tóc đã trắng, mới thủ thỉ chuyện xưa. Những chuyện đã từng chôn sâu dấu kín biết bao lâu, nay sợ bụi thời gian lụt mòn trí nhớ, lại nương nhờ vào người tình mặt vuông gián tiếp chuyên chở giúp nỗi lòng mà không ai biết chủ nhân thiệt thọ của những tâm tình trên thế giới ảo là ai, càng dễ dàng bộc lộ những ý tưởng thầm kín ngày nào.
Mời bạn nghe chơi chuyện nắng mưa, qua những đối đáp rất cởi mở, thân tình của nhóm Gia Long và một vài anh bạn, anh Rể GL trong một góc phố rùm bật mí nhiều bất ngờ của tuổi học trò.
Anh Rể GL khơi mào câu chuyện:
- Tổng chào quí vị,
Có người đề cập đến vụ nữ sinh yêu Thầy giáo, tôi bèn thắc mắc: Sao kỳ dzậy cà" Nhờ các chị giải thích, phân tách dùm.
Riêng tui, hỏng có ghen à nha. Tui là Rể GL rồi mờ. Bắt chước Đức Huy mà rống họng:
Và tui cũng yêu em ( Gia Long )
Và tui cũng yêu em ( Gia Long )
Yêu em nồng nàn, yêu em rộn ràng, yêu em chứa chan …
Mỗi ngày ba lần vậy là bà xã cưng thấy mồ.
Ký tên : Rể GL
Anh RGL này thả ít dòng ngắn ngủi rồi …trốn !
Chị NA rón rén ra chào, ngọt ngào, dè dặt, vì chưa biết phải nói sao .
- Kính chào anh Rể GL.
Câu hỏi của anh chắc nên hỏi lại bà xã thì đúng hơn. Cám ơn anh đã ghé mắt qua quán Hiệu Đoàn nhỏ này.
Anh RGL mừng húm vì có người trả lời, lấy tinh thần trở vô nhắn tiếp :
- Chào chị NA
Tôi hỏi thì bả nói không biết, như vậy có thể kết luận :
1-Bả không biết thật
2-Bả biết mà không nói
3-Chuyện xạo, chỉ có trong tiểu thuyết, kiểu “Vòng tay học trò”"
Thôi ! coi như đề tài này vô duyên vậy! Chào các chị, tôi về!
Ai lại để cho người khách đến thăm rồi hờn dỗi đòi về , chị Y. ra chào :
- Chào anh,
Chuyện học trò yêu Thầy có gì mà phải “ théc méc” dữ dzậy ha" Nếu các cô học Đệ Nhất, Đệ Nhị thì tuổi cở 18, 19, trong khi đó, có nhiều Thầy mới ra trường tuổi chỉ 23-25 thì chuyện trai tài, gái sắc mến mộ nhau là thường. Có nhiều trường hợp đôi bên vẫn giữ gìn chừng mực, cho tới ngày nàng khoa bảng đề danh rồi ung dung lên xe hoa với Thầy, danh chánh ngôn thuận, có gì đáng để thiên hạ “théc méc, thì thào, thổn thức, thút thít …"”
Chị T., một bạn bước vào góp câu chuyện:
- Các chị GL thân mến, T. không phải là dân GL, nhưng trưởng thành trong ngôi trường của …bạn GL.
Câu chuyện học trò mê Thầy là chuyện thực sự có, vì khi người con gái mới lớn, tuổi 16, 17, tuổi sẵn sàng yêu đương, đang tìm người trong mộng, khi đó, Hoàng Tử là Ông Thầy trẻ mới ra trường, lại đẹp trai nữa , làm sao không tránh giao động. T. sẽ kể trường hợp “mê Thầy “ cho các bạn nghe…
NA. từ sớm vẫn lắng tâm theo dõi câu chuyện, nay thấy các bạn cởi mở tâm sự nên cũng góp ý kiến :
- Tình yêu của trò dành cho Thấy thường phát sinh từ lòng kính phục. Như trường hợp Thầy Đ, Thầy dạy rất hay. Môn Triết là môn khó nuốt thành biến thành môn học lý thú, nên nhiều cô học trò đã yêu Thầy Đ., trong đó có … bạn của NA. Giờ Thầy dạy thường đông đủ học trò. Mối tình cảm này phát xuất tự nhiên theo lý giải của Triết: con gái thường yêu người Cha hơn người Mẹ, và con trai thì ngược lại, yêu Mẹ hơn Cha. Thay thế hình ảnh cao ngất của người Cha là người Thầy, gần gủi mỗi ngày ở trường lớp, tình cảm phát sinh cũng là chuyện dễ hiểu.
Theo NA, mối tình yêu này không thể dùng chữ “mê” được, nó thần thánh hơn nhiều lắm. Những mối tình một chiều này không đi đến đâu hết, nhưng sẽ để lại trong lòng cô học trò mối tình cảm rất lâu dài. Và nếu sau này trong trường đời có cho gặp lại người Thầy cũ mà mình đã từng yêu, tình cảm của mình với Thầy vẩn là mối tình cảm của thuở mình 18 tuổi.
Anh Rể GL có thể tin, hay không tin, có thể cho nó là chuyện chỉ có trong tiểu thuyết cũng đúng, nhưng chuyện “Song Ngoại “ của bà Quỳnh Dao là chuyện có thật của nữ sĩ.
Chị NAL đang ngồi đâu đó, góp vui câu chuyện :
- Chuyện trò mê Thầy có thật, vì tôi còn nhớ vào giờ Thầy L. (chồng của Cô DC) dạy, lớp học bổng dưng gia tăng dân số một cách kỳ lạ. Lúc đó tôi không biết mấy chị lớp khác vì nghe tiếng Thầy dạy hay, hay tại vì Thầy quá đẹp trai (ngây thơ cụ mà lị).
Theo tôi nghĩ, Thày dạy hay, hay đẹp trai, trò đều có quyền mê cả, vì tuổi học trò mê Thầy là tôn thờ Thầy như thần tượng, chứ không hề nghĩ một ngày nào đó đuợc trở thành người yêu của Thầy “Quân, Sư, Phụ” mà. Đó là ý nghĩ của riêng tôi, cổ lổ sĩ .
Một anh bạn chen vào góp ý :
- Khi đọc sách báo, thấy mấy vụ tình yêu Thầy trò, HT cũng muốn làm ông Thầy đẹp trai dạy giỏi để có nữ sinh mê, nhưng chỉ ao ước trong chốc lát à, hihihi.
Chị T. trở lại với câu chuyện:
- Nghe NA nói về “Song Ngoại” làm T. nhớ lại , đã có một thời T. say mê chuyện này. Sở dĩ T. say mê Song Ngoại là vì … cốt truyện sao giống tâm trạng của mình quá … Tâm trạng “yêu “ … không biết T. dùng chữ yêu có đúng không " nhưng mà xao xuyến lắm, mỗi lần ngước nhìn lên bảng đen …
Mà tâm trạng này không phải một mình tui … không đâu, mấy đứa bạn tui cũng vậy """
Sở dĩ tui biết được là bất thình lình hôm đó tới nhà nhỏ bạn, bắt gặp trên bàn học hắn có chưng hình ông Thầy toán lý hoá . Chao ôi! Hình chụp cả lớp mà nhỏ này dám cắt riêng hình Thầy phóng to lộng kiếng …Hắn bắt tui thề thốt đủ thứ là… là… đừng nói cho lũ bạn biết, nhưng hắn có biết đâu là tui cũng đang âm thầm giữ hình bóng Thầy trong tim mà không dám bạo gan để hình Thầy trên bàn học như nó.
Bây giờ thì xa rồi, nghìn trùng xa cách rồi, nghĩ đến chuyện xưa còn thấy nao nao. Phải chăng là mối tình đầu, dù không bao giờ tỏ, nhưng không bao giờ quên.
Ôi ! Tuổi thơ, kỷ niệm …niềm riêng một đời dấu kín.
Anh RGL thấy câu chuyện có chiều hướng …trút nỗi lòng của các chị GL, bèn nhào vô:
- Chính các chị đã viết ra thì phải là có thiệt chứ. Cũng hợp tâm lý mà. Hồi đó, nam sinh tụi tôi cùng lứa tuổi, dĩ nhiên bị coi như con nít rồi, khi so sánh với người Thầy đứng trên bục giảng .
Anh PN tiếp cuộc bút đàm:
- Lòng tôi vẫn ước ao :
Kiếp sau xin được làm Thầy
Đường đường đứng trước một bầy …tiên nga …
Còn người Thầy thì có ý nghĩ gì trước sự kiện này nhỉ" Mong có ai đã từng làm Thầy cho biết cảm nghĩ. Riêng phần tôi, ngạc nhiên khi được biết có những niềm “yêu” lãng mạn thời mới lớn như vậy. Tưởng cuộc đời trưởng thành sẽ làm thay đổi, nào dè như chị T. đã viết “… không bao giờ tỏ, mà cũng không bao giờ quên” Hay như chị NA “…tình cảm rất lâu dài, và nếu trường đời có cho gặp lại người Thầy cũ mà mình đã từng “yêu” tình cảm của mình với Thầy vẫn là mối tình cảm thuở mình 18 tuổi.”
Còn những ai đã đạt được giấc mơ là chung sống với người Thầy thần tượng, bây giờ sẽ có những ý nghĩ gì". Câu hỏi này phải chờ có người nào trong cuộc trả lời…
Anh ĐC tiếp cuộc bút đàm một cách thiệt thà dí dỏm:
- Có tôi đây, trời! Năm 1968 tôi đã đi dạy rồi nhưng lại không được dạy lớp nữ sinh vì mấy ông Cha thấy tôi còn trẻ quá, mới có 23 tuổi, nên đẩy tôi dạy lớp nam sinh. Vậy mà mỗi khi ra khỏi lớp, nhất là lúc xuống cầu thang từ lầu ba tới lầu một là các cô Đệ Nhất, đệ Nhị cứ đi đàng sau để trêu “Giáo sư trẻ quá” nên tôi sợ và xấu hổ quá sức lẽ mình, chỉ có nước đi thẳng chớ không dám nói, hay nhìn các cô đâu. Lúc đó, nếu có cô nào “yêu tôi” dám tôi bỏ trường luôn. Cũng may là tôi dạy lớp nam sinh chứ mà phải dạy các cô chắc tôi sợ các cô lắm.
Hihihi , nhát thì thôi!
NA chen vào thắc mắc:
- Ngày xưa anh dạy trường nào" Có thể cho chúng tôi biết được không "
Anh ĐC trả lời ngay:
- Tôi dạy ở trường Trung học Thánh Thomas nhà thờ Ba Chuông ý mà , đường Trương Minh Giảng, Quận Ba, Saigon. Sau đó tôi dạy trường Thánh Tâm ngay ngã ba ông Tạ. Bây giờ nghĩ lại tôi cũng còn sợ!
Umm, Thầy này nhát thì thôi !
Ngày qua, tuần lể sau, không có người trong cuộc nào lên tiếng “théc méc” của anh RGL, anh trở lại diễn đàn.
Chào năm mới chị NA.
Chắc chị đã cùng gia đình gia đình ăn một cái Tết xum hợp và hạnh phúc" Nghe tiếng gọi tên mình, NA vội vào tiếp chuyện:
- Dạ, chào anh, chắc anh cũng ăn Tết vui vẻ .
Câu chuyện đầu năm sắp lại xôm tụ .
- Câu thắc mắc của anh RGL, NA chịu thua vì tình xưa là tình câm mờ . Hy vọng có thêm người vào góp ý kiến cho vui câu chuyện đầu năm. Riêng cá nhân NA, sau khi ra trường ít năm, có một người bạn trai làm Giáo sư Toán của trường Trung học Tây Ninh. Anh ấy vẫn cho NA coi những bức thư tỏ tình của mấy cô học trò anh, nhét vào mấy cuốn tập vở chấm bài. Thì như tâm lý học trò mình đã trải qua, Thầy mới ra trường, còn trẻ lắm, lại đẹp trai và dạy giỏi như anh ấy trò “yêu” cũng phải thôi, mình biết rồi mà, nên không thèm ghen chi cho mệt.
Có điều NA hơi ngạc nhiên, sao mấy cô nữ sinh ở tỉnh này bạo dạn quá đi. Thuở mình dám “yêu Thầy”, tình cảm dấu kín bưng, nào dám cho Thầy biết ngoài những lúc ngẩn ngơ, ngó lên tấm bảng đen nơi Thầy đứng giảng bài, hay những đứa bạn gan trời lí lắc lắm mới ca nghêu ngao giờ vắng Giáo sư, hay trong những buổi văn nghệ tạp lục bỏ túi trong lớp …
Nếu hỏi rằng, em yêu ai
Thì em rằng em yêu ba này,
Thì em rằng em yêu má này
Yêu chị yêu anh,
Yêu hết cả nhà
Con nhỏ ca sởi sẽ nhăn nhó cái mặt …khỉ đưa hai cánh tay dài ra, làm một động tác như muốn ôm trọn cái gì đó vào trái tim học trò của mình …
Nhưng … nhất là…là…là …em yêu Thầy cơ !
Bốn chữ “EYTC” được kéo dài, nũng nịu rất …hề.
Đám bạn bè cùng lớp lại ầm ỉ vổ tay cười vang, rung rinh cả bàn ghế .
Ôi! Thương làm sao lũ bạn bè náo nhiệt ngày xưa. Chị NAL ơi , chị ăn Tết có vui không """ Ở nhà với con cháu hay lãng du nơi nào """.
Chị NAL trả lời ngay :
- Cám ơn lời thăm hỏi của em, vâng, chị vừa trở về từ Canada, chị để 5 con, 5 cháu ở lại thành phố. Chị bay lên đó để ăn Tết với Mẹ chồng và gia đình chồng. Mẹ chồng chị năm nay đã 94 tuổi rồi. Bà rất vui khi được ăn một cái Tết xum họp gia đình như năm nay.
Thôi ta trở lại câu chuyện “yêu Thầy” nha.
Anh bạn hỏi về một mối tình Thầy trò nên duyên cầm sắc, có không" Xin trả lời, có chứ, mà xảy ra rất đẹp, để kể cho nghe nha.
Vào thời chị, trong lớp quá đông, lại toàn con gái, trường Nữ mà, nên chị nào mà yêu Thầy thật đúng nghĩa của tình yêu trai gái thì chị đó cố gắng làm cho Thầy chú ý đến mình. Trong lớp của chị thời đó, tuổi xê xích giữa chị nhỏ nhứt với chị lớn nhứt có khi lên đến 4,5 tuổi, cho nên có chị biết yêu rồi, trong khi ngược lại, có chị còn con nít trân, chỉ khoái ăn vụng thôi.
Tụi chị có ông Thầy tên VNĐ, rất đẹp trai, dạy Lý Hoá năm đệ ngũ. Trong lớp có một chị vừa đẹp, vừa lớn tuổi nhứt lớp, yêu Thầy. Vào lớp, chị ưa khóc, duy nhứt là vào giờ Thầy. Thế là Thầy đến kế bên thăm hỏi, ân cần “làm sao " tại sao em khóc …"” .
Có lần chị vào lớp vào giờ Thầy, với đoá hoa đại cài trên mái tóc. Trong sân trường mình, NA nhớ không, trồng cả mấy hàng hoa đại, bên sân chùa Xá Lợi cũng đầy hoa đại, nên học trò thường lén hái, nhưng cài hoa đại lên mái tóc giờ Thầy là cả một chuyện động trời.
Tụi bạn chị chọc quá trời. Vậy mà chuyện liều lĩnh ấy lại thành công. Về sau, Thầy với chị kết duyên tơ tóc và chung sống hạnh phúc cho đến ngàyhôm nay.
Chị T. đang ngồi đâu đó trước PC, vào viết ngay:
- Chị nhắc lại Thầy Đ., ông Thầy thật đẹp trai, có cặp mắt to đen, mơ màng …đôi lông mi dài cong vút…có cái miệng cười …thật duyên thật tươi, đã lấy cô học trò từng khóc và cắm đoá hoa đại lên tóc vì yêu Thầy… Chị biết không, ông Thầy mà em muốn nói trên là Thầy VNĐ đó chị ơi, chị làm mấy mươi năm mà em dấu kín mà bây giờ em … muốn khóc quá … Thật đúng như cô Tín Hương đã than thở:
Có những niềm riêng lòng không muốn nhớ
Nhưng sao tâm tư cứ luôn mộng mơ
Có những niềm riêng gần như hơi thở
Nuôi ta cô đơn nuôi ta đợi chờ
Thầy đã tìm được hạnh phúc bên người học trò đã yêu Thầy.
Xin cám ơn Thượng Đế.
Chị XH ngồi lặng thinh đâu đó góp lời:
- Ngày xưa đi học, bất cứ Giáo sư nào dạy hay là có học trò mê , không cần là Thầy hay Cô. XH thích Cô Y. dạy Sử Địa, Cô T. dạy Toán. Thấy các anh chị bàn luận đề tài này khá xôn xao , XH bèn hỏi thăm ba sắp nhỏ. Chèn ơi, ổng trả lời nghe mà thấy tội, nào là vô tới lớp giảng bài mà không dám nhìn các cô sợ bị chọc . Thấy cô học trò nào có vẻ e thẹn, ổng cũng hỏng dám gọi trả bài …
Chào chị NAL, chị T, chào XH. Tội thì thôi! ông Thầy của XH.
NA không biết Thầy Đ., vì NA thuộc loại con nít trân còn ăn vụng trong lớp cho tới khi lên lớp sáng. Chị T. nên cười và không còn cảm giác cô đơn nữa, vì người thầm yêu đã có hạnh phúc. Tình yêu thiệt thọ trong lòng người con gái là mong cầu cho người mình yêu hạnh phúc, phải vậy hông nà " Với NA, khi yêu, NA. tháp cho tình yêu đó đôi cánh … rồi … tha hồ, đôi cánh cứ bay …
- Hi NA.
NA. nói đúng đó , tháp cho tình yêu đôi cánh để bay xa … thật xa.
Tuổi học trò thật là lãng mạn, thơ mộng. Tình yêu, luôn luôn đi đôi với sự kính trọng vì khi đó cô học trò tuổi mới lớn nào thấy ai là thần tượng hơn ông Thày, nhất là Thầy trẻ và đẹp trai. Sau này lên đại học, T. có chị bạn yêu Thầy, dù Thầy đáng tuổi bố chị ấy, đó là giáo sư VVM (Thầy đã qua đời ). Tình yêu đó đã được Thầy đáp lại . Lên năm thứ hai, Y. ngồi bên T. đưa ngón tay áp út khoe chiếc nhẫn đính hôn của Thầy và Y. Sau việc không thành, khi đó Y. đã là một luật sư, T. cũng là đồng nghiệp ngồi bên nhau trong phòng LS Toà TT ở SG, Y. tâm sự vì con gái của Thầy phản đối quá nên mối tình tan. T. có gặp lại bạn cũ từ VN sang, cho biết sau này Y. buồn quá nên đã vô chùa tu.
Đúng là chuyện đời muôn vạn nẻo!
Thôi! Hãy quên đi..hãy quên đi, tui chừ cũng có con đầy đàn, học hành thành tài bên ông chồng yêu thương hạnh phúc.
NA ngậm ngùi nối tiếp câu chuyện:

- Trời! sao mình nhiều điểm chung vậy há. NA cũng học Luật, cũng là học trò của Thầy VVM đó, nhưng chỉ yêu Thầy qua giọng giảng bài thật hay mà thôi. Thầy dạy hay lắm mà mình thì lúc nào cũng chậm lụt, hỏng kiếm đuợc chỗ ngồi đàng hoàng cho nên chỉ nghe được tiếng giảng bài của Thầy văng vẳng qua micro mà thôi. Thầy dạy môn cổ luật, luật bất thành văn cho tới Luật Gia Đình. Lúc đó thấy Thầy cũng lớn tuổi lắm rồi, NA lúc đó có ông bồ là giáo sư mới ra trường nên Thầy M …hên (J/K ). Lãng mạn là tuổi vàng của người con gái, nói chi … bây giờ mình cũng vẫn còn lãng mạn đó thôi. Có người bạn nói rằng thế giới của người mộng mơ không có tuổi, may thay NA là người có một “thế giới mộng mơ” .
T. đồng ý :
- Đúng đó NA , mộng mơ không có tuổi. Nhiều khi ngồi nghĩ vẩn vơ thấy mình còn mênh mông như thời kẹp tóc, những mối tình tưởng tượng…một thời, làm mình tạm quên tuổi già đang sồng sộc chạy đến. Lúc T. học trường Luật, Thầy M. cũng đã già, nhưng Thầy nhuộm tóc xanh rì hà. Vợ Thầy mới mất mấy năm. Mình không hiểu sao nhỏ Y. quen để bày đặt yêu thương. Hồi đó cũng có một sinh viên yêu Thầy VQT, nhưng Thấy có vợ nên chỉ theo Thầy ở trường thôi.
À, sau này NA có đi cùng nghề với T. không" Hay rẽ sang làm nghề khác". Nếu cùng nghề, biết đâu mình nhìn ra nhau, quả đất tròn mà. Hồi NA học trường GL, có học các cô giáo TN, BH không" Rất vui khi biết chúng mình có những điểm chung.
Chị NAL vẫn theo dõi câu chuyện “Yêu Thầy”:
- T., NA mến,
Nói đến Thầy Đ., mình không thể nào quên được mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ, môi đỏ như son, răng trắng và đều như ngọc của Thầy, chị T. nhỉ. Hình như mình còn giữ được hình của Thầy thì phải, nếu có thì giờ mình sẽ tìm lại thử xem, bây giờ đi làm về còn lo cơm nước, ngày cuối tuần còn cháu nội, cháu ngoại về thăm thành thử chưa có dịp lục tìm. Nếu có, mình sẽ báo cho chị hay.
Thân mến
NA trả lời thư T.:
- Chị T. ơi, làm sao mình theo nghề được! Năm 75, cuối tháng tư đen thui đó, năm đó mới học trường Luật năm thứ hai thôi, nhỏ hơn T. nhiều lắm. T. có biết ai tên NHH, nghe nói hình như sau này làm Chánh Án Toà TT, nếu có biết thì NA mừng lắm, trái đất tròn.
Tiếc quá, Chị NL ơi, NA không có học Thầy Đ. Và cũng không biết mặt mũi Thầy “Phan An, Tống Ngọc” ra sao mà nhiều người còn nhớ mãi. Cô TN người Huế phải không " NA không có học cả hai Cô giáo này , hình như mình cách quãng nhau nhiều năm, chị T. cùng học một thời với chị NL, hai người chung chia nhiều kỷ niệm đẹp quá. Không biết anh Rể GL mấy hôm nay đi đâu mất " Tạm thời ta đổi đề tài nha, NA nói chuyện học trò hồi học trường Gia Long đây.
Cô PVT, trước khi làm Hiệu Trưởng, là vị Giáo sư dạy Vạn Vật năm mình học đệ ngũ, là một cô giáo thương học trò hiếm có. NA nhớ , hôm đó đang học, bỗng một chị ngã xỉu. Cô đã bồng cô học trò trên đôi cánh tay yếu ớt từ lầu hai xuống tới bịnh thất tuốt luốt phía sau trường. Khi Cô làm Hiệu Trưởng, Cô cũng không quá nghiêm khắc như vị HT trước.
NA là dân đi xe Hiệu đoàn trường từ năm mới lon ton vô trường GL cho tới năm đệ Nhất đó. Năm cuối chuyển qua xe của tư nhân, chung với trường Tabert, nên có một giờ trống chờ xe, được bạn chở đi uống café , vui hết biết thuở học trò.
Thuở đó, đi học về ngày nào cũng có cái đuôi theo sau. Mãi tới khi học trường Luật cũng vẫn còn nguyên những mộng và mơ . Cuối tuần, mua vài tấc vải phin làm khăn tay, cây kim, hay tép chỉ thêu cũng là cái cớ để dạo phố Saigon.
NA có nhỏ bạn thân suốt bảy năm Trung học. Nhỏ ca bài “Hẹn hò” thiệt hay mà NA vẫn kể hoài đó . Nhỏ ấy hong mê Thầy, mà mê nhà văn mới chết! Lúc nhỏ ấy mê nhà văn DA, (tác giả Ngựa Chứng Trong Sân Trường. ) Ngày nào tan học cũng mang một bông hoa tới toà soạn Tuổi Ngọc để tặng chàng. Lần đó, NA dấu của nó cái bông mười giờ tím hồng dể thương hết biết, phá mà. Sao thời tuổi vàng mê thần tượng vậy há, yêu chỉ để yêu thôi, không đi đến đâu hết.
NA lúc ấy còn con nít thí mồ luôn, còn nghêu ngao hợp bầy ca du ca:
Làm việc đi không lo khen chê
Làm việc đi hãy say và mê, cứ bắt tay gan lì chúng ta thẳng tiến …
Thế giới ngày nay không còn ma quái, thần tượng tàn rồi, còn anh với tôi
Chúng ta đi tới bằng cái tầm thường thôi …
… thì nhỏ ấy cứ đỏ hồng đôi má khi nhắc tới tên “thần tượng” của nó.
Dể ghét!
Chị TL nảy giờ ngồi đâu đó theo dõi câu chuyện “yêu Thầy”, góp ý:
- Lãng mạn và tình yêu thì không lệ thuộc thời gian và tuổi tác, nên có những chuyện đã mấy mươi năm qua vẫn còn âm ỉ, chỉ cần khơi nhẹ, lại cháy bùng lên.
TL cũng lãng mạn, nhưng không yêu Thầy nào hết , chỉ có chú kỷ niệm hơi “quê” khi học đệ Tam. Lúc ấy Thầy HNB mới ra trường, TL ngồi đầu bàn, lo mơ mộng nên vẽ … tên Thầy lên trang vở, lúc ngẩng lên thì thấy Thầy đã đứng ngay đó từ bao giờ. Khi bài kiểm tra phát ra, bên cạnh cột điểm số 13 là phần lời phê của Giáo sư “đừng bao giờ làm thế nữa”. Lúc đó TL vẫn còn viết bằng mực tím, nét chữ rất đẹp, có thể vì vậy mà được chút lưu tâm của Thầy, Cô, nhưng không có ai mê ai hết . Nhắc tới Cô DC và Thầy L. , có ai còn nhớ đôi uyên ương tài sắc này mà giờ đây đã ra người thiên cổ. Đối với TL, đẹp trai không là chuẩn, chỉ thích người trí dũng, nên có nhiều kỷ niệm với các Cô hơn, còn Thầy thì “chạy tét” vì thời đó đâu có Thầy nào đuợc yên thân với những trò nghịch ngợm của TL. Tội nghiệp Thầy D. bị nhỏ phá chịu không thấu phải xin đổi lớp, nhưng vẫn không xong, các bạn tiếp tục đề tài tình sử nóng bỏng đi …
Chị TL ơi, NA cũng có học Thầy B. nữa đó. Thầy trẻ, thiệt hiền, nhỏ nhẻ, hay … đỏ mặt. Ngoài Thầy Đ. Ra, NA không mê Thầy nào hết , đa số mê cô giáo hơn, nhất là các cô dạy môn Văn chương. Và cũng vì mình hoạt động xã hội nhiều cho nên sớm không yêu thần tượng. Lúc này là lúc NA ái mộ ( chỉ ái mộ thôi nha ) anh NĐQ (du ca ) hihihi … còn bạo hơn yêu thần tượng nữa đó (Hi anh reGL)
Chúc các bạn một ngày vui.
NA, NAL ơi
- Đúng là hữu duyên thiên lý …
Tụi mình tự nhiên gặp nhau trong thế giới ảo này . Nhắc lại chuyện xưa, buồn vui lẫn lộn, lòng xao động, chuyện Thầy, chuyện bạn, ai còn ai mất . T. buồn cười nhất là chuyện Thầy Đ., mấy mươi năm rồi còn gì. Vậy mà mình vẫn dấu kín trong tâm tư. Tối hôm qua, sau khi đọc post của chị NL. , T. ngồi cười một mình, ông xã hỏi, T. đem chuyện khai hết, ổng cười quá chừng, và bảo là tại sao dấu kín vậy" “tình yêu con nít” ai mà ghen … Ừ … con nít thật mà… “tình chỉ đẹp khi tình …con nít”. Nếu cho va chạm vào thực tế chưa chắc còn đẹp và thơ mộng như vậy đâu. NA ơi, H. của NA thì T. có biết lúc ông ấy tập sự ở Toà Thượng Thẩm. Ổng còn trẻ, mấy cô luật sư cũng để ý lắm. Biết đâu những dòng chữ này ông CA năm xưa lên tiếng " Còn nhà văn DA đã mất rồi. Đúng là quả đất tròn, vui ghê đi. Mình sẽ cùng nhau kể chuyện xưa cho quên đi những chuỗi ngày xa xứ .
NA xúc động,
- Ôi T. ôi, tim NA muốn ngừng đập!, mối tình đẹp nhất trong đời ta đó T. Có biết tin H. cho NA hay nha.
NA mến
Để T. hỏi thăm nha, có thể sẽ tìm ra anh H., T. có người bạn cũng là Chánh Án, bị học tập cải tạo mới qua Mỹ độ 10 năm nay. Có thể trong nghể họ biết. T. vẫn còn nhớ mỗi sáng đi tập sự ở toà án, anh H. hay đi ngang văn phòng chỗ T. làm việc. Một hôm đi cùng qua Toà án, T. hỏi anh vì sao thích ngành đó, khi nào cũng trang nghiêm, không chán sao" anh trả lời vì vào đó được hoãn dịch…
NA buồn buồn :
- Mình vẫn thường tìm kiếm đó T. Có những mối tình cảm mà khi nửa đường đứt gánh …nó đọng thành khối trong tim mình, khi mình luôn có cảm giác … “giật mình biết đâu đó”. Khi NA đậu Tú tài I, anh có đến chúc mừng, và tặng cho NA cây viết Paker làm quà cho … cô em nhỏ. Lúc ấy anh vừa từ Đà Lạt trở lên, hốc hác, râu ria thấy tội ! Sau này NA mới biết khi hai đứa xa nhau, anh ấy về quê, tự vận, may sao cô em hay được. NA chỉ muốn biết tin anh ấy ra sao thôi. Cầu cho anh gặp hạnh phúc. Thời gian khá lâu, hơn phần tư thế kỷ. T. ơi, anh ấy là con trưởng, và độc nhất, cùng bầy em gái. Cha mất sớm nên anh ấy phải bảo bọc các em, làm sao đi lính được. T. ơi, cố giúp dùm NA. Có hai trường hợp :
-Người xưa có gia đình yên ấm, cầu cho điều đó xảy ra, NA sẽ tháp cho mối tình xưa đôi cánh và thả bay…
-Người xưa cô độc, lẻ loi, tuổi già, thì chân trời hay góc bể, NA cũng sẽ tìm.
Biết đâu
Đi mòn cả dép không tìm thấy
Trở về hoa nở trên đầu cây..
(không nhớ tên tác giả)
Mình thật không ngờ có dịp thấy lại hình bóng người xưa qua T.
NA ơi, đọc tình sử của bạn mà lạnh cả người, bi thảm quá . Trường hợp nào cũng làm T. xót xa, thương cảm. Anh H. ở đâu mà đọc được những lời này của NA, giữa thời đại này sao có những tâm hồn như NA, chắc anh sẽ cảm xúc lắm. T. sẽ cố gắng tìm giúp. Cầu mong NA bình an trong tâm hồn.
Chị NL ơi, cô học trò cài hoa đại ấy sao mà khôn ngoan quá. Thời ấy mình cứ nghĩ yêu Thầy là làm một chuyện tội lỗi lắm nên dấu kín.
Câu chuyện bổng dưng quanh ngả khác . Buồn buồn!
Chị T. chuyển sang chị NAL:
- Chị NAL ơi, khi nào chị tìm ra tấm hình Thầy Đ. nhớ cho T. nhìn lại nha. Thầy bây giờ tuổi hạc đã cao. Tóc bồng bềnh nay chắc bạc trắng, đôi mắt to đen chắc đã mờ, hàm răng còn trắng ngà đều đặn hay đã chiếc rụng chiếc lung lay" Ôi! thời gian tàn nhẫn.
Trên thế giới ảo, Chị NAL dịu dàng ngồi ghé bên cạnh NA thủ thỉ:
- NA ơi, mình có một mối tình đầu rất ư là … nhưng không nên duyên chồng vợ chỉ vì kỳ thị chủng tộc Bắc-Nam. Buồn cười quá nhỉ. Cùng một dân tộc mà các cụ kỳ thị đến chia uyên, rẽ thuý . Các bạn biết không, đã 45 năm trôi qua, nhưng chỉ cần một chút gợi nhớ là hình ảnh người xưa lại trở về, quặn thắt con tim. Các bạn ơi, mình xin đừng cho cơ hội gặp lại người xưa, chỉ muốn giữ hình ảnh người yêu vào thời điểm đó mà thôi.
Trở lại câu chuyện “Yêu Thầy”, mình chỉ tìm được tấm hình chụp chung với Thầy và cả lớp năm 1957 trong cuốn tập Lưu bút của các Thầy Cô với dòng chữ của Thầy “Gởi lại em chữ ký của tôi để làm kỷ niệm, ký tên Đ. Saigon 28/5/57” .
Mình còn nhớ Thầy M. thường làm biếng cạo râu, đi dạy mang dép quai chéo màu nâu, lè phè. Thầy T. được tụi học trò đặt tên là Thầy sút bù long vì Thầy đi hay thẩy thẩy cái chân. Rồi Thầy H., và còn Thầy Đg nữa, có phải là Đg. reten hong " Thầy NKL bị tụi này đặt biệt hiệu là Cây carbon .
Đúng là nhứt quỉ nhì ba thứ ba học trò hén các bạn. Còn thầy VĐC tụi này đặt tên là Papa long jambes.
T. vẫn giữ nguyên ý nghĩ của mình ban đầu:
- Các bạn ơi, đúng đó. Mình chỉ nên giữ lại hình ảnh đẹp trong mộng . NA có đọc truyện “Song Ngoại” của nữ sĩ Quỳnh Dao không " Đoạn kết thật là phũ phàng chua xót.
Đúng đó NAL, các Thầy thường bị lũ học trò đặt tên. Trường nữ mà nghịch ngợm đâu thua trường nam. Cách đây mấy năm T. có gặp lại Thầy “ sút bù lon”. Lớp mình có con bạn bắt chước tướng đi của Thầy in hệt, mỗi lần nó đi là cả lớp cười ngất hà . Có lần cả lớp suýt bị phạt vì cô giáo vô trễ bắt gặp mấy cô học trò quỉ đang bắt chước những tật của Thầy, Cô. Thầy T. sút bù lon rất nghệ sĩ, đi đâu cũng mang theo ống sáo thổi. Thầy đang sống ở Paris và vẫn còn độc thân.
Nhắc lại chuyện xưa vui ghê .
Chị NA trở nên trầm trầm lắng đọng
- Cám ơn T. đã hết lòng. Tin tức của H., NA tìm được cho tới năm 1987 do một người đồng xứ sở cho biết. Chuyện tình buồn, tình tan của NA nguyên do kỳ thị Bắc-Nam như chị NL nói. Riêng tận sâu kín, NA vẫn tin mình sẽ gặp lại anh H.. Chị NL ơi, Na không hề sợ phải nhìn thấy tuổi già của người xưa, mình cũng đã già mà, ai tránh khỏi. Trong lòng mình, tình cảm xưa vẫn mãnh liệt, vì tình yêu nảy sinh từ lòng kính trọng nhau chớ không vì dáng vẻ bên ngoài. H. không đẹp trai, có nét phong trần và có tâm hồn lớn. Nhờ anh, mà NA có được một tình yêu văn chương còn mãi cho tới ngày hôm nay. Mà thôi, chuyện xưa, khuấy động, rồi sẽ lắng xuống. Không sao đâu bạn, mình biết cách giữ cho tâm hồn mình an vui. Về các Thầy, Cô NA nhớ nhiều lắm. Nhớ nhứt là cô KO dạy nhạc hay cười, cô LP có giọng nói Huế thiệt du dương, Cô T., Cô Đ, Cô BT, cô TN, Cô LM, và một người Thầy tên P. chuyển từ Quảng Trị vô sau năm Mậu Thân. Thầy nghèo, đi dạy bằng xe đạp trong lúc nhiều Thầy Cô lái xe hơi, xe Honda … ngay cả học trò. Nhiều lúc nghe các bạn nói với nhau “mình chạy xe ngang qua Thầy”, NA nghe xót thương quá. Có ai còn nhớ cô BT dạy Việt Văn năm đệ lục, hay mặc áo dài trắng, đầu tóc quấn vành khăn nhung đen chạy xe đạp y như nữ sinh, giảng bài bằng giọng Bắc êm như ru “…Hôm nay trời đẹp như một ngày Thu đất Bắc …” cô đưa mình bay bổng ra tận miền đất chỉ có trong trí tưởng tượng bên kia bức màn sắt: hình ảnh 36 phố phường và những nhân vật trong Tự Lực Văn Đoàn.
Nhớ làm sao thời mới lớn. Yêu làm sao những mối tình trong các sách của Tự Lực Văn Đoàn.
Trở lại chuyện “mê Thầy” ngày đó, chuyện này là một chuyện rất lớn, rất … tội lỗi trong ý nghĩ của nhiều người, ảnh hưởng khắt khe của nền giáo dục thời đó. Sau này, năm NA học đệ nhị, lớp có giờ trần thuyết, cô giáo cho từng nhóm được chung góp ý kiến về một cuốn sách nào đó, rồi lên bảng bình giảng, cùng trả lời cũng như binh vực cho lập trường của nhóm về cuốn sách đó. Cuốn “ Vòng Tay Học Trò” đã được nhóm mình tưng bừng mổ sẻ rất vui.
Anh Rể GL từ khi khơi mào câu chuyện vẫn ngồi yên lắng nghe và ghi nhận, đến giờ cuối của chương trình bút đàm mới lên tiếng :
- Cám ơn các chị trong nhóm Gia Long & Thân hữu đã chia sẻ và thố lộ những tâm sự thời mới lớn. Tôi hiểu thêm ít nhiều về tâm hồn của phụ nữ , nói chung.
Trước đây, tôi cứ tưởng chỉ có những ông, bà nhà văn biến vũng nước trâu thành đại dương, tưởng tượng lãng mạn để tự đánh bóng mình, giờ thì biết nhiều chuyện không hoàn toàn hư cấu. Tôi vẫn chờ các anh vào góp ý kiến để mở rộng thêm tầm suy nghĩ, nhưng có lẽ nơi này âm thịnh, dương suy"
Từ tình yêu đầu đời dành cho người Thầy bàn rộng ra những mối tình thuở học trò cùng lứa tuổi thơ mộng cũng làm nặng lòng nhung nhớ.
Mong sao mảnh vườn Gia Long & Thân Hữu, đất lành chim đậu, thủ thỉ cùng nhau …chuyện nắng mưa …
Hãy giữ dùm ta mộng ban đầu
Những cành phượng đỏ nặng nghĩa sâu
Chôn kin trong tim tình vụng dại
Ấp ủ muôn đời để nhớ nhau
Ngọc Anh
(Trích trong cuốn sách Phố Ảo Tình Chân , do Nhóm Gia Long & Thân Hữu Việt Báo online xuất bản)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.