Hôm nay,  

Do Thái Đánh Trả

06/12/200100:00:00(Xem: 3840)
Mỹ là nước điều giải hòa bình giữa Israel và Palestine. Khi Israel mở cuộc tấn công trực thăng đánh vào các thành phố của Palestine trả đũa vụ đánh bom tự sát của các nhóm khủng bố làm chết 26 người Do Thái và bị thương 200, tại sao Mỹ không ngăn cản" Không những không cản mà đến một lời khuyên "tự chế" như thường lệ cũng không có. Mỹ không hề xúi giục Israel đánh, nhưng nói "Israel có quyền tự vệ". Lập trường này thật mới lạ với Mỹ về Trung Đông, nó còn hơn một sự "bật đèn xanh".

Thật ra Mỹ không có cách nào làm khác. Khi Mỹ bị khủng bố đánh vào tòa nhà WTO ở New York làm chết hàng ngàn thường dân vô tội, Mỹ đã mở cuộc tấn công oanh tạc dữ dội vào Afghanistan. Lúc đó ai dám cản tay Mỹ" Vậy bây giờ Israel bị bom tự sát đánh vào một khu mua bán xầm uất giữa thành Jerusalem, Do Thái đánh trả cũng giống như nước Mỹ đã đánh trả, cố nhiên Mỹ không thể ngăn cản. Đó là cảnh đồng hội đồng thuyền. Và bây giờ tình hình Trung Đông biến chuyển mạnh cũng chỉ là đồng bộ với cuộc chiến tranh của Mỹ chống khủng bố trên khắp thế giới. Sau khi từ Mỹ về nước, Thủ tướng Ariel Sharon đã họp Nội các ngay nửa đêm, các bộ trưởng cánh hữu và tôn giáo chấp thuận cho quân lực Israel được "mở rộng tầm hoạt động quân sự". Sự trả đũa của Israel lần này rất quyết liệt, cứng rắn nhất kể từ 14 tháng qua, khi các nhóm quá khích Hồi giáo Palestine khởi sự cuộc nổi dậy bằng các vụ đánh bom tự sát. Ôm bom tự sát để giết cho thật nhiều người dân thường là hành động không thể chối cãi của khủng bố quốc tế. Hôm thứ tư 5-12, một kẻ đeo bom tự sát bị tai nạn...bom nổ bất ngờ khi đi đường. Tên khủng bố tan xác, chỉ có 3 Do Thái gần đó bị thương nhẹ. Israel càng có cớ để tiếp tục đánh trả.

Nội các Israel chỉ đích danh chính quyền tự trị của Yasser Arafat là "tổ chức bao che chứa chấp khủng bố". Theo định nghĩa của chính Tổng Thống Bush, kẻ bao che chứa chấp khủng bố cũng là những tên khủng bố. Ngày đánh trả đầu tiên, 3-12, trực thăng võ trang Israel đánh vào khu đại bản doanh của Arafat ở thành phố Gaza, lúc đó Arafat ở Ramallah Tây Ngạn, nhưng phi đạn đánh vào hai tổ chức trực thuộc ngành an ninh của chính quyền Palestine, nhóm dân quân Tanzim và Lực lượng 17, bị Israel coi như yểm trợ khủng bố. Ngày 4-12, trực thăng Mỹ đánh thẳng vào Ramallah, 3 phi đạn đánh trúng vào nơi chỉ cách Văn phòng của Arafat có 50 mét. Lúc đó Arafat đang ở trong Văn phòng, nhưng không bị thương. Hai chiến xa Israel tiến vào Ramallah chỉ cách Văn phòng Arafat có 800 mét. Israel muốn giết Arafat chăng" Chúng tôi nghĩ là không, chưa đến lúc. Để Arafat còn sống có lợi cho Israel nhiều hơn.

Bắn phi đạn vào sát bên hông Arafat như vậy là một sự cảnh cáo và tạo thêm áp lực. Vậy Israel muốn gì ở Arafat" Lãnh tụ Arafat tố cáo Thủ tướng Sharon muốn phá hoại nỗ lực chống khủng bố của ông ta. Chính quyền của Arafat đã bắt giữ 130 thành viên của hai nhóm khủng bố nổi tiếng Islamic Jihad và Hamas. Nhưng Israel nói các cuộc bắt giữ đó cũng giống như đón người qua cửa kính quay tròn của các khách sạn, cho vào để trình diễn, nhưng cửa chỉ quay tròn một vòng khách lại đi ra. Israel đòi phải bắt hết những tên cầm đầu các tổ chức khủng bố ở Palestine rồi đưa chúng ra xử tội. Nhưng nếu Arafat làm như vậy, các phe khủng bố Palestine sẽ nổi lên lật đổ Arafat. Điều Sharon mong muốn là nội bộ Palestine tự chém giết lẫn nhau, để người Palestine giết Yasser Arafat vẫn hơn là chính Israel ra tay.

Tình hình Palestine lâm thế kẹt hòa không ra hòa, chiến không ra chiến từ 14 tháng nay. Bây giờ bắt đầu có biến chuyển mới, nó có thể dứt khoát được chuyện hòa hay chiến không" Hãy nhìn những sách lược mới của Israel. Ngay từ đợt đánh đầu tiên ngày 3-12, Israel đã phá nát 3 chiếc trực thăng của Arafat và bãi đậu ở đại bản doanh chính của Arafat tại Gaza. Kế đó ngày 4-12, quân đội Isreal đã phá tan phi đạo của phi trường quốc tế ở Gaza, thường được coi là biểu tượng uy quyền của Palestine. Đây cũng là nơi Arafat thường dùng để bay đi ngoại quốc. Và khi bắn sát nơi Arafat đang làm việc ở Ramallah, thêm hai chiến xa ghìm sẵn gần đó, hiển nhiên Israel muốn cột chặt Arafat vào một chỗ và ép đến chân tường để ông ta phải dứt khoát với hai tổ chức khủng bố lớn nhất đã chống hòa bình và thề tiêu diệt Israel. Vấn đề của Arafat bây giờ không phải chỉ là bắt rồi thả một số bộ hạ tép riu của hai tổ chức khủng bố, mà phải xuống tay bắt tất cả các lãnh tụ khủng bố và tuyên án. Nếu Arafat làm việc này, Palestine sẽ có nội chiến. Còn nếu không làm, mạng sống của Arafat sẽ không có bảo đảm. Nếu Arafat trở mặt tuyên chiến với Israel, ông ta sẽ bị bắt ngay và nếu kháng cự sinh mạng cũng chẳng còn. Bởi vì giờ quyết liệt đã điểm, không còn kiểu tiến trình hòa bình lằng nhằng nước đôi nữa. Chính vì tiên liệu tình trạng chiến tranh, Israel đã phải phá ngay các "phương tiện bay" của Palestine, không phải sợ Arafat trốn ra nước ngoài mà thật ra để để phòng các nhóm khủng bố có thể dùng phi cơ làm bom quyết tử đánh thí mạng. Israel đã thấy kinh nghiệm của Mỹ nên đề phòng mọi mặt là đúng.

Ở Mỹ đã có cuộc báo động lần thứ ba về khả năng khủng bố hành động. Sự đề phòng này cũng đáng chú ý. Ngày 4-12, tại Afghanistan quân chống Taliban đã giao tranh với quân al-Qaida ở khu hang núi kiên cố vùng Tora Bora, Mỹ đã oanh tạc dữ dội vùng này. Có thể chính Osama bin Laden đang kẹt ở đây. Vào lúc tuyệt vọng, khủng bố sẽ đánh đòn tuyệt vọng. Với tình thế quyết liệt giữa Israel và Palestine, cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ lãnh đạo đang lan ra ngoài biên cương của Afghanistan đến tận Trung Đông, dù Mỹ không trực tiếp nhúng tay.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.