Hôm nay,  

Treo Kiếm Trên Mộ

16/02/200400:00:00(Xem: 4726)
Duyên Lăng Quý Tử người nước Ngô, là một vị quan thanh liêm, công bằng chính trực, được nhiều người yêu mến, lại thường nói với những người hầu cận rằng:
- Bậc trượng phu làm việc gì cũng phải quang minh chính đại. Thắng phải cho vẻ vang. Bại cũng phải đường hoàng. Đâu có thể mánh mung mà trở thành quân tử!
Vợ của Duyên Lăng là Lã thị, nghe chồng nói mà lòng hổng đặng vui, bèn mượn gió mây bay mà trải phơi niềm tâm sự:
- Nước không nguồn phải kiệt. Cây không gốc phải chết. Người mà không tiền, liệu có còn giữ… đẹp được hay chăng"
Một hôm, Lã thị thấy chồng đang vẫn vơ ngồi bên cửa sổ, bèn lấy vội chén sâm, mà tha thiết nói rằng:
- Ngàn bộ da dê chẳng quý bằng miếng da nách cáo. Ngàn người chỉ biết vâng vâng dạ dạ, chẳng quý bằng vợ hiền thấy nhỏ nói… to. Vua Vũ nhà Chu nhờ vợ lớn nói thẳng mà trở thành hưng thịnh. Vua Trụ nhà Ân vì trọng vợ… nhỏ mà quốc tán bại vong. Cầm bằng như chàng không chê hành động của Vũ Vương, thì thiếp xin được một lèo nói thẳng. Cho cật ruột tim gan, được thông suốt như thuyền ra khơi sớm!
Quý Tử đực mặt ra, đáp:
- Ta suốt đời lấy chữ phu thê làm trọng. Hà cớ gì nàng lại nói điều đau xót đó" Bay tới tận tâm can, khiến ta thấy như có gì không phải!
Lã thị nuốt ực một cái, rồi chậm rãi nói rằng:
- Chàng là tướng giỏi của triều đình. Trăm người ngưỡng mộ. Ngàn phương biết tiếng, mà nỡ để cho vợ mặc đồ… seo, lại hổng tiền đi thẩm mỹ, mà coi đặng hay sao"
Quý Tử lặng người đi nhìn vợ. Mãi một lúc sau, mới ấp úng mà nói nọ nói kia:
- Nếu nàng hay suy nghĩ làm cho mình trẻ lại, thì cái lo lắng đó, sẽ làm nàng chóng già đi. Chi bằng nàng giữ cho tâm hồn thanh thản. Vui với cái đẹp của Trời ban, thì chẳng phải lo toan kiếm tiền đi mỹ viện…
Đoạn ngừng lại một chút để thở, rồi dịu dàng nói tiếp:
- Sắc đẹp, thì chẳng ai đồng ý với ai. Kẻ thì thích kiểu này, người thì thích kiểu khác. Nếu nàng rắp tâm chạy theo lời khen của thiên hạ, thì ta nghĩ: Dẫu nàng sống thêm ít đời, cũng chẳng thể nào kham hết được đâu! Điều quan trọng là - với ta - Nàng vẫn hấp dẫn như ngày nào. Vậy chẳng phải là tốt đẹp hơn sao"
Một hôm, vua sai Quý Tử đi sứ sang nước Tấn. Khi đi, Quý Tử có đem theo thanh bảo kiếm để phòng thân, rồi trên đường đi sang đất Tấn, lại phải qua đất Từ. Vua nước Từ ngắm thanh kiếm mà mắt không dời đi nổi. Lòng muốn xin mà chẳng dám nói ra, nên thì thào bảo dạ:
- Muốn lấy đồ của thiên hạ thì chỉ có bốn cách. Thứ nhất, dùng tiền mà lung lạc. Thứ hai, dùng bạo lực mà lấy đi. Thứ ba, đợi lúc người ta sơ hở mà chôm liền cái rẹt. Thứ tư, dùng tình để người ta… nợ - mà một khi đã nợ tình - thì chỉ việc dâng lên chớ sao mà tránh khỏi. Còn ta, làm vua của một nước, thì không thể vì cái thích riêng kia, mà đem hết danh dự của tổ tiên chôn vùi trong phút chốc!
Nghĩ vậy, liền đãi Quý Tử như thượng khách. Chăm sóc từng ly, khiến Quý Tử mát lòng mát dạ. Nở cả ruột gan, mà nhủ thầm trong bụng:
- Lúc cất bước ra đi, ta ngậm ngùi nhớ vợ, nhưng đến bây giờ - nỗi nhớ bỗng lặng câm - thì mới biết cõi nhân sinh chẳng có gì đúng mãi…
Lúc ấy, có Dương Hổ là người thân cận, quan sát cách cư xử của vua Từ, mới suy nghĩ thiệt hơn, nên nhân lúc tả hữu hai bên ra ngoài đánh bạc, mà nói rằng:
- Lòng hại người không thể có. Lòng phòng người không thể không. Nay vua Từ dùng nghi lễ quốc khách để thù tiếp tướng quân. Ắt ở trong phải có điều tính toán, thì tướng quân không thể vui say mà quên phần trách nhiệm.
Quý Tử nói:
- Quân tử kiến cơ nhi bất tác. Thời hồ, thời hồ bất tái lai. Tạm dịch ra là: Anh hùng gặp thời không hành động, về sau thời cơ không tới nữa. Mấy ngày hôm nay, ta để ý thấy vua Từ mê thanh bảo kiếm. Ta đã có ý tặng. Trước là thắt chặt thêm tình giao hảo giữa hai nước. Sau đáp lại phần nào tấm thịnh tình của người ta. Chớ không thể cứ nuốt dzô mà không hoài đáp lại. Chỉ là ta phải lên đường sang đất Tấn. Khi trở về sẽ xách kiếm tặng ngay, để bánh ít đi qua bánh chì đi lại…
Mấy ngày sau, Quý Tử từ biệt lên đường. Khi đi sứ xong, quay lại nước Từ, thì vua Từ không may đã mất, bèn định tháo thanh kiếm dâng lên cho tân vương của nước Từ. Dương Hổ hốt hoảng can:
- Thanh kiếm ấy là của báu của nước Ngô. Không phải là thứ để tặng chơi như vậy được!
Duyên Lăng Quý Tử đáp:
- Không phải là ta tặng. Độ trước ta lại đây, vua Từ xem kiếm của ta. Tuy chẳng nói ra mà như đã muốn lấy. Ta vì còn phải đi sứ thượng quốc, chưa thể mở lòng trao tặng đặng, nhưng trong bụng đã muốn cho. Nay vua Từ chết mà ta chẳng hiến thanh kiếm, thì ta tự dối Tâm. Tiếc kiếm mà dối Tâm, thì chỉ ít lâu sau sẽ ham dzui mà dối… vợ. Ta, chẳng thà mất thanh bảo kiếm, chớ nhất quyết không thể vì một phút yếu lòng - mà di hại tùm lum - thì sao có thể trở thành người quân tử"
Dương Hổ trong lòng không chịu, nên chơi kiểu còn nước còn tát. Vớt vát thêm:
- Giữ chữ Tín với người sống. Chớ cần chi giữ chữ Tín với người chết. Há chẳng… ngu ngơ ư"
Quý Tử lắc đầu một cái, rồi khẳng khái nói:

- Người có chí lớn không thấy những việc nhỏ mọn. Người hiểu xa không nghĩ những việc tầm thường trước mắt. Lúc vua Từ có ý lấy thanh kiếm. Ta đã định cho, nhưng vì công việc không thể nào đưa được. Đến lúc ta có thể tặng được, thì vua Từ đã mất đi, không làm sao để nhận. Phải chi ta là người tầm thường, thì có thể tiếc thanh gươm, mà đem về quê củ. Đằng này ta đại diện một quốc gia, thì không thể để lợi ích riêng tư đè lên điều chung được.
Đoạn, thở ào ra một tiếng, rồi lẹ làng nói tiếp:
- Người ta tuy khuất, nhưng Tâm mình vẫn còn, thì mình không thể dối Tâm mình được. Cả đời ta. Chỉ sợ một điều, là tự mình dối mình. Dối cả người thân, lan sang đến tha nhân, rồi lây qua người khuất mặt, thì còn mong con cháu mai sau thành Nhân làm chi nữa"
Nói xong, liền tháo thanh kiếm trao cho tân vương. Tân vương nói:
- Tiên vương tôi không có dặn lại việc ấy. Tôi không dám nhận kiếm. E lỗi đạo với Tiên vương chăng"
Quý Tử bèn dập đầu xuống, rồi kính cẩn thưa rằng:
- Vậy kẻ hạ thần, sẽ treo thanh kiếm bên mộ của Tiên vương!
Đoạn, cáo từ rồi đi ra ngoài mộ. Treo thanh kiếm lên, rồi xuôi về quê củ, khiến dân chúng nước Từ một lòng cảm phục. Hết dạ khen xưng. Cho là người trung tín. Khi đến biên giới nước Ngô. Quý Tử bèn an dinh hạ trại. Cho quân lính nghỉ ngơi, lại còn phủ dụ rằng:
- Các ngươi theo ta làm việc hòa hiếu giữa Ngô và Tấn. Nào dè lại tạo được sự mến thương của dân nước Từ nữa, nên lòng bỗng sướng vui, mà đồn binh hạ trại. Ta lại nghĩ: Lấy uy ra khoe không phải là kẻ mạnh. Lấy tiền bạc ra khoe không phải là kẻ giàu. Lấy sự thành công ra khoe không phải là người quân tử - mà thực ra - Giàu mạnh sang hèn, là tùy thuộc đức khiêm tốn của con người mà ra…
Ngày nọ, Quý Tử hồi triều, mang theo những điều tốt đẹp. Vua Ngô thích lắm, liền ban cho Tử một chiếc áo vàng. Hớn hở nói:
- Ngươi đi chuyến này có mấy tháng, mà đem lại lợi ích cho muôn dân không sao mà tính được. Thiệt là… quá đã!
Quý Tử thưa:
- Tất cả những chuyện hạ thần gặt hái được, âu cũng là do phước phần của bệ hạ đấy thôi. Chớ hạ thần tuổi Thân thì làm chi nên nổi!
Ngô vương khoái trá đáp:
- Tuổi gì cũng được, miễn thuận buồm xuôi gió thì thôi. Hà cớ chi phải chấp vô con này con nọ!
Đoạn truyền cho quốc dân ba ngày chơi xả làng. Chẳng thuế má chi, khiến khắp nơi vang lên tiếng cười inh ỏi. Phần Quý Tử phải ở lại trong triều, để thù tiếp các quan đến chung vui ngày đại tiệc. Khi tiệc tan. Quý Tử ra về, mà vẻ tinh anh mười phần bay hết chín, khiến Lã thị đón dzô mà rủa thầm trong dạ:
- Giúp lời không ai giúp của. Giúp đũa không ai giúp cơm. Mụ nội nó! Chồng của bà mà làm như của… chùa. Muốn đem là đem. Muốn giữ là giữ, thì còn nhịn được hay sao"
Rồi lầm bầm nói tiếp:
- Củi khô dễ nấu, chồng xấu dễ xài. Ngặt một nỗi chồng mình không xấu, mới chịu cảnh đơn côi. Chớ lý đâu… em ơi hãy ngủ mà chẳng thấy anh hầu quạt, thì thiệt là tức chết!
Qua ngày sau Quý Tử mới bò dậy. Miệng đắng nghét. Cổ họng khô. Thân thể như bị ai đánh đập không còn manh giáp. Lã thị thấy vậy, mới ngoe nguẩy nói rằng:
- Lành làm gáo. Vỡ làm môi. Lôi thôi thành cám bả. Chàng mà còn lạng quạng như dzầy, thì đừng trách thiếp đến xuân ni mà không biết răng long đầu trắng bạc!
Quý Tử vật vờ nói:
- Tình thương không biết có gánh nặng. Tình thương chỉ biết có hy sinh!
Lã thị tức tối đáp:
- Thiếp hy sinh vì chàng. Chàng lại hy sinh vì người khác. Là cớ làm sao"
Quý Tử như tỉnh rượu hẳn, nên với tay nhắp vội chén trà, thong thả nói:
- Làm việc cho người chính là làm việc cho mình. Đừng nghĩ mình đang giúp đỡ người nào, mà phải nghĩ mình may mắn được cơ hội giúp cho người khác…
Lã thị xây xẩm mặt mày. Chẳng biết nói sao. Mãi một lúc sau mới nhủ thầm trong dạ:
- Con hư tại mẹ. Cháu hư tại bà, còn chồng… hư thì chẳng biết tại ai" Chẳng lẽ tại số kiếp duyên may Đất Trời xô đến"
Rồi trong lúc buồn buồn tủi tủi, cảm cho thân phận hẩm hiu. Chợt nghe Quý Tử ào ào phang tới:
- Mỗi người một quan niệm sống, nên người nào cũng có hạnh phúc riêng biệt của người đó. Điều mà người này cho là hạnh phúc, kẻ khác cho là khổ đau. Có gì là lạ. Lạ chăng là phải biết hòa hợp với nhau, chung nhìn một hướng. Chớ nàng muốn riêng mình đơn lẽ, trong khi ta thân xẻ làm trăm, thì nói chuyện răng long thế nào cho đặng"
Nói rồi, hai tay ôm lấy đầu rất là thểu não, khiến Lã thị cũng rúng động tâm can, nên một mắt nhìn chồng, một mắt dõi về tương lai mù mịt phía trước, mà xót tận tim gan, rồi tự nhủ rằng:
- Sống mỗi người mỗi tính. Chết mỗi người mỗi mồ. Đã là phận thê nhi, thì phải biết giơ cao đánh khẽ, mới là… hiền phụ!
Nghĩ vậy, liền xăm xăm bước tới, rồi đỡ Quý Tử lên, âu yếm nói:
- Đời người sống đặng bao lâu" Thôi thì sửa được ngày nào là… bơm luôn ngày đó. Cứ mặc thiếp lo, để chàng khỏi ưu tư mà héo úa đời ngang dọc - rồi lỡ một mai chàng lên cơn co thắt - thì phận má hồng biết liệu tính mần răng" Khi thiếu phu quân thiếu nơi thường nương dựa…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.