Hôm nay,  

Nhìn Dưới Góc Cạnh Văn Hóa, Nghệ Thuật Chiều ‘nhạc Trong Thơ Tuệ Sỹ’

19/04/200600:00:00(Xem: 1858)

Những bức tranh mầu sắc hài hòa, những chậu cây bonsai uốn nắn công phu được viện chủ chùa Bảo Quang- Thượng Tọa Thích Quảng Thanh- tự tay trình bày, trang trí phòng hội “Nhạc trong thơ Tuệ Sỹ” để sẵn sàng gửi tới đồng hương, Phật tử Nam Cali và khán thính giả khắp năm châu sẽ dự buổi sinh hoạt mang tính chất văn hóa, nghệ thuật này trên mạng lưới toàn cầu qua diễn đàn Paltalk, room “Thơ nhạc Thích Tuệ Sỹ”, ngày 15 tháng 4 năm 2006 tại chùa Bảo Quang, thành phố Santa Ana, miền Nam California Hoa Kỳ.<"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />


 


Buổi sinh hoạt được khai mạc đúng giờ- một điểm son của ban tổ chức- với khán thính giả đã đầy ắp phòng hội. Hệ thống âm thanh, lập tức được set-up ngoài hành lang để đồng bào đến trễ có thể nghe được diễn tiến bên trong. Điều hợp chương trình là Diệu Trân và Bảo Long mà ngay những giây phút đầu tiên đã gây xúc động tới cử tọa khi Diệu Trân chia xẻ:


 


- Hai tuần lễ trước đây, tức là ngày 1 tháng tư, 2006 vừa qua, Thượng Tọa Thích Nguyên Siêu, trụ trì chùa Phật Đà, San Diego, đã vượt hơn mười ngàn dặm, sang Paris, thủ đô Pháp quốc thể theo lời mời của ban tổ chức để dự lễ kỷ niệm sinh nhật thứ 63 của Thiền sư Tuệ Sỹ. Vượt muôn dặm trùng dương để chỉ được nói đôi lời về vị Thầy khả kính mà Thượng Tọa hết lòng kính quý. Sự kiện này đã làm nức lòng và gây xúc động sâu xa tới đồng hương, Phật tử phương trời Âu, nhất là khi Thượng Tọa trao món quà sinh nhật tinh thần tới tận tay bà Phạm Thị Hợi, em gái Thiền sư Tuệ Sỹ, thì toàn thể hội trường đã như cùng ngưng đọng trong giây phút đó.


 


Hôm nay, trong không khí ấm áp của miền Nam California Hoa Kỳ, Thượng Tọa Thích Nguyên Siêu lại bày tỏ tấm lòng của Thầy đối với sư phụ. Bài thuyết trình được Thầy soạn công phu khác với hình thức những lời bộc phát tự tâm tư khi Thầy chia xẻ với đồng bào bên trời Âu. Bài thuyết trình này không phải chỉ là sự tôn kính của một đệ tử đối với sư phụ của mình mà còn là một thông điệp của Thiền sư Tuệ Sỹ nhắn gửi tới mọi tầng lớp người Việt trong và ngoài nước, đang cùng dự buổi sinh hoạt trên mạng lưới toàn cầu. Chúng ta có thể nhận ra điều đó khi Thượng Tọa Thích Nguyên Siêu trích dẫn những phần cô đọng từ những bài viết của Thiền sư Tuệ Sỹ, tâm sự với thế hệ trẻ:


 


 “Các con hãy tự hào, với niềm tự hào trong trắng và vô tư của tuổi trẻ, từ thời điểm cột mốc này, đã một lần và mãi mãi đứng thẳng trên đôi chân của chính mình, bằng đôi mắt trí tuệ và hùng lực mà nhìn thẳng, không khiếp sợ vào quyền lực xấu ác của thế gian, tự định hướng đi cho bản thân để làm những việc cần làm cho chính mình và cho mọi người.”


 


Hoặc những lời Thiền sư nhắn nhủ với thế hệ kế thừa:


 


“Nhẫn nhịn đời nhưng không để cho quyền lực đen tối của đời sai sử. Tùy thuận thế gian nhưng không tự đánh chìm trong vòng xoáy ô trược của thế gian. Các con hãy tự rèn luyện cho mình một tín tâm bất hoại, một đức tính dũng mãnh vô úy, nỗ lực tự huân tập trí tuệ bằng văn, tư, tu, để nhìn rõ sự tướng chân, ngụy, để thấy và biết rõ mình đang ở đâu, đang đi về đâu, không nhắm mắt phóng càn theo cỗ xe lộng lẫy bên ngoài nhưng rệu rã bên trong, đang lao xuống dốc dài không định hướng.”


 


Những lời nói đầy Từ Bi nhưng chuyên chở chất ngất Trí Dũng này của Thiền sư Tuệ Sỹ là ánh dương rực rỡ rọi vào màn đêm u tối, đêm của tuyệt vọng, bi thương, của cuồng nộ, của đường cùng, khi toàn quê hương bị nhuộm đỏ. Sức mạnh vô song của lặng thầm Bát Nhã tỏa ra từ vị Thiền sư khắc khổ CHƯA TỪNG NGƯNG THUYẾT PHÁP BẰNG CHÍNH BẢN THÂN MÌNH, đã đánh thức bao con tim ủ dột để hình thành những đoàn lữ hành ĐỐT ĐUỐC LÊN MÀ ĐI.


 


Bốn mươi chín năm, áo vải, chân trần, Đức Phật đã đi tới tất cả những nơi có thể đi, đã nói tất cả những lời có thể nói để trao truyền Đạo Giác Ngộ giúp thế nhân thoát khỏi vô minh, đến bờ giải thoát. Ấy thế mà trước phút nhập Niết Bàn, Đức Thế Tôn lại tuyên bố “49 năm qua, ta chưa nói lời nào”. Vậy, hàng con Phật phải hiểu ra sao" Tất nhiên, không phải là chỉ nghe qua ngôn ngữ từ lời nói đó mà phải hiểu ngôn từ bằng tinh thần Bát Nhã.


 


Ngày nay, khi nhìn những Trưởng Tử Như Lai đang đi trên con đường Phật dạy, chúng ta cũng phải vận dụng “Sắc tức thị không; không tức thị sắc” mới có thể nhìn ra phần nào, đâu là “Thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị.” Như thị là như thế nào" Thượng Tọa Thích Nguyên Siêu lại trích dẫn một câu trong bài viết “Một khía cạnh của vấn đề nhân quyền tại Việt Nam - Tham nhũng, một quốc nạn”, trong đó, Thiền sư Tuệ Sỹ đã viết:


 


“Hoàn cảnh đất nước Việt <"xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Namnhư thế cho nên dân ta phải chịu quá nhiều đau thương và tủi nhục. Đối với trí thức nói riêng – mà xã hội truyền thống Việt Namrất tôn trọng – điều tủi nhục lớn nhất là họ không thể thay cho những người dân thấp cổ bé miệng nói lên một cách trung thực tất cả những uất ức, những khổ nhọc mà họ phải gánh chịu. Bởi vì, tại Việt Namngày nay, những người có thể nói thì ngòi đã bị cong, những người muốn viết thì ngòi bút đã bị gãy. Nhưng tôi rõ một điều, và điều đó đã được ghi chép trong lịch sử. Đó là: Tri thức chân chính của Việt Namkhông bao giờ khiếp nhược.”


 


Khi Thượng Tọa Thích Nguyên Siêu dứt lời thuyết trình thì không khí phòng hội đã phảng phất hương đạo vị của tinh thần Bi Trí Dũng. Chư Tôn Đức phát biểu sau đó bằng những hình thức khác hơn, uyển chuyển trong chủ đề “Nhạc trong thơ Tuệ Sỹ”


 


Hòa Thượng Thích Hạnh Đạo, vừa qua cơn bệnh, nhưng khi nói về Thiền sư Tuệ Sỹ, giọng Hòa Thượng bỗng hào sảng, hùng hồn.


 


Thượng Tọa Thích Quảng Thanh thì luôn xúc động khi nói tới câu “Nghệ sỹ Thiền sư Tuệ Sỹ, sư phụ của chúng tôi” và thể theo lời yêu cầu của cử tọa, Thượng Tọa đã ngâm bài thơ “Khung trời cũ” là bài mà thi sỹ Bùi Giáng phải thốt lên “Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ từ Đường thi Trung Hoa tới siêu thực Tây phương”. Thượng Tọa Quảng Thanh là một nghệ nhân đa dạng với thi, họa, cây cỏ bonsai v...v... không ngờ Thượng Tọa còn ẩn dấu một giọng ngâm sang sảng, lồng lộng trữ tình, như khi vò đã cạn rượu, Lý Bạch ngửa mặt nhìn trời, thoát trần, thấy trăng bỗng là mình hay chính mình mới là trăng"


 


Tiếng dương cầm phụ họa của nhạc sỹ NamHưng quyện vào lời thơ đã tăng thêm biết bao rung động.


 


Thượng Tọa Minh Dung, khi lên phát biểu, đã cầm sẵn trong tay cuốn sách “Tuệ Sỹ, Đạo Sư, Thơ và phương trời mộng” tập II do Thượng Tọa Thích Nguyên Siêu biên soạn. Cử tọa hơi nao núng, tưởng Thượng Tọa sẽ nhẩn nha đọc cuốn sách 340 trang vừa phát hành đó. Nhưng không, Thượng Tọa chỉ hỏi những câu như: Trong quý vị có ai chưa từng đọc thơ Tuệ Sỹ" có ai chưa từng có những kinh sách mà Thầy Tuệ Sỹ trước tác và dịch thuật" có ai chưa từng đọc những bài tiểu luận, tham luận mà Thầy Tuệ Sỹ viết, đã và đang phổ biến từ bao lâu nay" Có ai chưa từng biết đến những gì đã xảy ra cho quý thầy ở quê nhà khi quý thầy dấn thân tranh đấu cho Đạo Pháp, Quê Hương và Dân Tộc" v...v... và v....v.... Mỗi câu hỏi ân cần của Thượng Tọa Minh Dung đều được đáp lại bằng những câu trả lời nồng nhiệt và thành thật của cử tọa. Và Thượng Tọa đã kết luận phần phát biểu bằng câu: “Mời quý vị thỉnh cuốn sách này để có được những câu trả lời” rồi bất ngờ, Thượng Tọa nhìn sang phía ban tổ chức và nói:


 


- Mời nhạc sỹ Trần Quan Long ra đây.


 


Tuy không biết TQL đã làm gì nhưng MC Diệu Trân thầm nghĩ “Lần này chắc quỳ hương mất thôi!”.


 


Khi tác giả Tuệ Ca kính cẩn đứng bên, Thượng Tọa Minh Dung mới từ tốn kể tội:


 


- Nghe nhạc sỹ vừa tuyên bố, sau khi chuyển 21 bài thơ của Thiền sư Tuệ Sỹ thành nhạc và thực hiện thành 3 CD Tuệ Ca, nhạc sỹ sẽ giải nghệ, không viết nhạc nữa, làm tôi vô cùng xót xa. Sao thế" Lẽ ra, sau khi đã thấm, đã hiểu thơ Tuệ Sỹ mà thực hiện được 3 CD với thời gian kỷ lục thì nhạc sỹ phải viết thêm nhiều nữa mới đúng chứ" và không chỉ viết tiếp những bài trong thi phẩm Giấc Mơ Trường Sơn mà còn viết những bài Thiền sư Tuệ Sỹ sẽ sáng tác. Hôm nay, trước Chư Tôn Đức và trước khán thính giả ái mộ, tôi muốn được nghe nhạc sỹ chấp nhận lời yêu cầu này.


 


Thật là một lời yêu cầu bất ngờ, nhưng đầy cảm động. Nhạc sỹ Trần Quan Long đã quỳ xuống, thay cho lời tuân hành.


 


Và giòng thơ nhạc Tuệ Sỹ được 2 MC Diệu Trân và Bảo Long lần lượt giới thiệu tới quý khán thính giả hiện diện tại giảng đường chùa Bảo Quang cũng như trên mạng lưới toàn cầu qua qua diễn đàn Paltalk, với Phật tử Chiếu Tuệ, trình bày bài hát Hạ Sơn và ngâm bài thơ Tôi Vẫn Đợi, tuyệt vời tới mức khán thính giả liên tục vỗ tay, không cho dứt. Diệu Trân phải mời Chiếu Tuệ trở lại sân khấu, ngâm thêm bài Hoài Niệm là một bài thơ mà theo Diệu Trân, là bài Thiền sư Tuệ Sỹ ẩn dụ nhiều nỗi niềm khắc khoải của cơ duyên chưa thành giữa thiền sư Vạn Hạnh và tiểu Lý Công Uẩn thời nay.


 


Chương trình cũng được đón nhận nồng nhiệt với người thiếu nữ áo tím- cô Bảo Quỳnh- vừa vượt hơn ngàn dặm tới phụ trách diễn đàn Paltalk, khi cô tình nguyện lên hát bài “Trúc và Nhện” bản nhạc thứ tư trong CD Tuệ Ca 1. Tuy chưa chuẩn bị, tuy không nhà nghề, nhưng không khí đạo vị của buổi thơ nhạc đã khiến cô khởi niệm cúng dường. Vậy mà tâm thành đã chuyển vào giọng ca khiến Chiếu Tuệ ngạc nhiên “Đột xuất mà cô ấy hát hay quá!” Và, cũng bất ngờ, khi MC Diệu Trân nói về nhận xét của nhiều người, là trong thi phẩm Giấc Mơ Trường Sơn của Thiền sư Tuệ Sỹ có những bài bi lụy quá, Diệu Trân đã xin dẫn giải bài lục bát “Một bóng trăng gầy”. Đó là bài có những câu như tiếng khóc nhưng không phải là than mây khóc gió mà là tiếng khóc của Bồ Tát khóc thay cho chúng sinh đang chịu khổ nhục, là tiếng khóc của vị Thái tử con vua Tịnh Phạn, gần 2600 năm trước khi Thái tử rời hoàng cung ra thăm bốn cửa thành, thấy cảnh khổ của Sinh, Lão, Bệnh, Tử, Thái tử cũng đã khóc; và chính tiếng khóc từ lòng xót thương đó đã thúc đẩy Thái tử quyết cắt ái ly gia, lên đường tìm Đạo để giải thoát cho muôn người, muôn loài.


 


Diệu Trân đã nhờ Bảo Long chuyển đạt giòng lệ từ bi đó tới cử tọa. Với cây đàn tây ban cầm, Bảo Long ngồi xuống, nhắm mắt, định tâm giây lát và cất tiếng hát. Dưới hàng ghế cử tọa, những giọt lệ đã lặng lẽ tuôn rơi khi thẩm thấu được lời thơ từ cõi chân như.


 


Đó là bản nhạc thứ 5 trong Tuệ Ca.


 


Phần cuối chương trình, Thượng Tọa Thích Quảng Thanh đã “thương tình” mà ân cần mời cử tọa ủng hộ những CD nhạc và sách do nhà phát hành Gió Đông thực hiện. Thầy đã thông cảm và ưu ái nói: “Người nghệ sỹ như con tằm nhả tơ làm đẹp cho đời nhưng người đời có áo đẹp cũng phải đáp lại tơ tằm chứ. Ai cũng muốn có nhạc hay để nghe, có sách hay để đọc mà thường quên hỏi, những người nghệ sỹ kia còn tiền thực hiện không"”


 


Diệu Trân-Trần Quan Long vội vã tạ ơn Thượng Tọa nhưng cũng thưa ngay trước cử tọa rằng tất cả sự yểm trợ của chư liệt vị trên sách và CD đều sẽ trao tận tay Thượng Tọa Thích Nguyên Siêu để Thầy chuyển về quỹ ấn tống kinh sách của quý thầy ở quê nhà, vì với sự dấn thân và hy sinh trời biển của Chư Tôn Đức thì phần cúng dường tinh thần và vật chất của nhà phát hành Gió Đông chưa đáng là hạt cát trên đại dương mênh mông .....


 


Chiều Thơ Nhạc Tuệ Sỹ thấm đượm hương trà quý mà Thượng Tọa viện chủ chùa Bảo Quang khoản đãi trong khuôn viên đầy nét nghệ thuật tao nhã của cỏ hoa và bóng lá.


 


Diệu Trân


 


15 tháng tư năm 2006


 


Santa Ana, NamCalifornia, Hoa Kỳ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.