Hôm nay,  

Thất Nghiệp Và Mậu Dịch

11/05/200300:00:00(Xem: 4075)
Liên tục trong hai tuần vừa rồi, Tổng Thống Bush dồn nỗ lực vào vận động cắt giảm thuế 550 tỉ đô, điều ông gọi là sẽ tạo ra 1.4 triệu việc làm trong hai năm. Có nhiều chuyên gia nghi ngờ về bài toán này, không tin có thể xảy ra phép lạ đơn giản như thế. Thậm chí, các vị dân cử Dân Chủ lại cho rằng cắt giảm thuế chỉ làm lợi cho 1% dân nhà giàu, và làm thâm thủng thêm kho bạc nhà nước. Tất cả chỉ đồng ý với nhau có một điều rằng, giải quyết nạn thất nghiệp tại Hoa Kỳ phải là ưu tiên một. Không để chậm trễ nữa.
Bản tin Reuters đầu tuần này ghi nhận, "Tổng số người mất việc trong 3 tháng qua đã vượt quá nửa triệu, là triệu chứng thường thấy chỉ ở những thời điểm xấu của suy thoái. Bức tranh kinh tế càng có vẻ mong manh hơn ở các hãng xưởng cắt bớt 95,000 việc làm trong Tháng Tư, là tháng thứ 33 liên tiếp, khiến cho tổng số người mất việc ở khu vực sản xuất lên tới 2 triệu 200,000..."
Thực sự, không phải bây giờ Hoa Kỳ mới lo giải quyết thất nghiệp. Mà ngay từ trước cuộc chiến tranh Iraq, đã thấy ngay việc làm là ưu tiên rồi, chỉ sau cuộc chiến chống khủng bố. Đúng ra là sau cú khủng bố 9/11 làm kinh tế Mỹ khựng lại, du lịch suy sụp, hàng không điêu đứng, khách sạn vắng dần. Oâng Bush phải lo kiếm việc cho dân bằng mọi cách. Nhìn xa hơn nữa, thì ngay từ khi nhậm chức, ông Bush đã vất vả với tình hình bong bóng cổ phiếu điện toán liên tục vỡ, và rồi các hãng tin học phải dọn nhiều phân xưởng sang Á Châu, đành cho thợ Mỹ thất nghiệp. Cứ nhìn vào tình hình Mỹ gây khó dễ với Việt Nam thì biết - thoạt tiên, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đưa ra các quyết định có lợi cho các trại nuôi cá bông lau Hoa Kỳ, ép Việt Nam phải đổi tên cá sang basa, tới nỗi một số vị dân cử, như Thượng Nghị Sĩ John McCain phải gọi là vô lý; và cuối tháng tư thì ép VN ký bản văn hạn chế sức tăng của hàng may mặc Việt Nam vào Hoa Kỳ vì áp lực của các công ty may dệt tại Mỹ. Theo hiệp ước may dệt này, hiệu lực từ ngày 1-5, tổng trị giá may dệt VN xuất cảng vào Mỹ sẽ có mức tối đa khoảng 1.65 tới 1.7 tỉ đô la mỗi năm. Nếu không có định mức này, hàng may dệt VN vào Mỹ -- từ đồ lót cho tới áo ấm, quần dài -- dự kiến sẽ vượt trần này trong năm 2003.
Tất cả áp lực trên đều nhằm bảo vệ việc làm cho công nhân Mỹ trong kỹ nghệ nuôi cá và may dệt. Chuyện này không phải vì Mỹ muốn chơi ép riêng VN, theo kiểu thực sự có thể nói thuần túy là một hình thức của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, bất kể các bản thương ước. Nhiều nước khác cũng bị ép như thế. Cứ xem chuyện Liên Aâu kiện Mỹ ra trước Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO về tình hình Mỹ bao cấp nông sản, và ưu đãi thuế cho các hãng lớn (như Boeing, Microsoft...) có hàng xuất cảng ra ngoại quốc thì cũng thấy. Mới hôm thứ tư, WTO đã ra phán lệnh, cho phép Liên Aâu phạt Hoa Kỳ thuế hải quan 4 tỉ đô, đã cho thấy là Mỹ thực sự đang xông xáo đủ thứ mặt trận để gìn giữ việc làm cho dân Mỹ, và có khi bất kể luật lệ.

Vấn đề là, chuyện gì cũng có cái giá phải trả. Dân Mỹ sẽ phải mua cá bông lau đắt hơn, mua hàng may dệt khó thể rẻ hơn, và hàng ngàn công ty Mỹ sẽ thiệt hại 4 tỉ đô vì có các mặt hàng bị Liên Aâu phạt (theo tối hậu thư Liên Aâu đưa ra hôm thứ tư 7-5-2003, với sự chấp thuận của WTO, hạn chót là mùa thu này, nếu Mỹ không chịu sửa các luật về bao cấp).
Thế thì tại sao lại bảo hộ mậu dịch" Vấn đề đơn giản: cái lợi thì thấy ngay, cái hại thì gần như khó thấy. Các chính khách Mỹ thích như thế. Như trong cuộc tranh chấp về cá bông lau và may dệt, thì công nhân hai ngành này tại Hoa Kỳ sẽ dồn phiếu bầu cho các vị dân cử đã giúp dựng rào mậu dịch, để bảo vệ việc làm tại Mỹ. Còn cái hại thì lại trải đều khắp nước Mỹ, nên thực khó thấy.
Nơi đây, chúng ta thử nhìn lại hồ sơ về tranh chấp thép để thấy rằng chính phủ Mỹ đã rất là khó xử trước các lựa chọn về thương mại.
Năm ngoái, chính phủ ông Bush áp đặt rào hải quan 30% thuế thép nhập cảng. Thiệt hại nặng nhất dĩ nhiên là các công ty Nga, Trung Quốc, Nam Hàn và Đức - 4 nước xuất cảng thép nhiều nhất vào Mỹ. Rào thuế quan này ảnh hưởng tới giá một số sản phẩm thép tại Hoa Kỳ, thí dụ như thép cuốn (hot-rolled steel) đã tăng giá tới 40%. Nhưng cái lợi trước mắt thì thấy ngay, theo bản nghiên cứu của Institute for International Economics (IIE), cứu được 1,700 việc làm trong ngành thép Hoa Kỳ.
Tai hại là, thép là sản phẩm liên hệ tới nhiều kỹ nghệ, cho nên ảnh hưởng dây chuyền đã lan ra quá lớn. Bản nghiên cứu này nói rằng, khi cứu việc làm của 1,700 công nhân thép, thì người tiêu thụ Mỹ đã tốn kém 800,000$ trên mỗi đầu người công nhân thép đó, vì các chi phí liên hệ tăng. Nghĩa là, cứ làm toán nhân, lấy 800,000$ nhân với 1,700 thợ, thì thấy tổng thiệt hại. Đó chỉ mới là tiền thôi. Chưa hết.
Tới bản nghiên cứu của Consuming Industries Trade Action Association (CITAA), thì giá thép tăng vọt đã làm Hoa Kỳ mất ít nhất 45,000 việc làm tại 16 tiểu bang - hơn 19,000 việc làm tại California, 16,000 việc làm ở Texas, và 10,000 việc làm ở Ohio, Michigan và Illinois. Lý do" Vì các kỹ nghệ sử dụng thép buộc phải mua giá cao hơn, nên giá thành cao hơn, sản phẩm họ làm ra kém tính cạnh tranh hơn, và rồi lại phải sa thải công nhân.
Khi Tổng Thống Bush tới thăm các công nhân thép, 1,700 công nhân đã hoan hô ông và bày tỏ lòng mang ơn ông. Chuyện này ai cũng thấy. Nhưng khi ảnh hưởng dây chuyền trải đều ra cả nước, thì 45,000 công nhân bị sa thải không mấy người biết chính xác chỉ vì một bản văn bảo hộ mậu dịch.
Có lẽ, có những điều thực sự là khó thấy trước, ngay cả cho các lãnh tụ chính trị và kinh doanh xuất sắc nhất. Nhất là khi người ta trong lúc khẩn cấp, phải cân nhắc giữa phiếu bầu và lợi ích lâu dài. Bài toán thất nghiệp Hoa Kỳ đang và sẽ nóng bỏng thêm, khi sắp vào mùa tranh cử của năm 2004, trong lúc chìa khóa giải quyết thất nghiệp thì chưa ai, kể cả các đối thủ của TT Bush, thực sự thuyết phục nổi cử tri rằng mình đã tìm ra.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.