Hôm nay,  

Quốc Hội Mỹ Hỏi Tội Bạch Ốc Vụ Hợp Tác Quân Sự Mỹ-việt

06/04/200000:00:00(Xem: 4792)
Nhiều Dân Biểu Đòi Ngưng Tài Trợ Của Ngân Hàng Thế Giới Cho VN Nếu Không Tiến Bộ Về Tự Do Tôn Giáo và Cải Tổ Kinh Tế
Trong thời gian ba ngày viếng thăm Việt-Nam trong tháng Ba của Tổng Trưởng Quốc Phòng William S. Cohen, Hoa-Kỳ và Việt-Nam đã thảo luận về việc hợp tác quân sự trên một số lãnh vực có tính cách nhân đạo như gỡ mìn còn sót lại trên chiến trường, hiểm họa của thuốc khai quang, công tác hỗ trợ của quân đội trong việc tìm kiếm và cấp cứu những nạn nhân của thiên tai, y tế quân đội, công tác tìm kiếm những quân nhân Hoa-Kỳ còn ghi nhận mất tích trên chiến trường Đông Dương. Theo các nguồn tin thông thạo, vấn đề quan trọng hơn là an ninh khu vực cũng đã được đề cập tới. Ông Cohen sau đó đã tuyên bố rằng trong tương lai không xa, chiến hạm Mỹ có thể cập bến viếng thăm các quân cảng Việt-Nam. Sau chuyến công du Á châu gồm cả Hồng-Kông, Nhật-Bản, Nam Hàn, mà Việt-Nam là mục tiêu chính, trở về Hoa-Kỳ vào ngày 18.3.2000, Tổng Trưởng Quốc Phòng William S. Cohen đã tuyên bố triển vọng hợp tác quân sự giữa Hoa-Kỳ và Việt-Nam dù khiêm tốn những rất khích lệ.

Lời tuyên bố của ông William S. Cohen và Bộ Quốc Phòng Hoa-Kỳ đã gây phản ứng trong giới lập pháp Hoa-Kỳ. “Chính quyền Clinton đã làm một lỗi lầm trầm trọng là dự định hợp tác quân sự với Việt-Nam trong tình trạng hiện nay ở quốc gia này”. DB Christopher Smith (Cộng Hòa, New Jersey), Chủ Tịch tiểu ban Quốc Tế Vụ và Nhân Quyền thuộc Hạ-Viện, tuần vừa qua đã tuyên bố như vậy trước một cử tọa đoàn gồm những chuyên viên về vấn đề Việt-Nam và những người tranh đấu cho tự do dân chủ tại một cuộc hội thảo được tổ chức tại khách sạn Washington Hilton vào ngày 21/3/2000 vừa qua. Cuộc hội thảo này lấy tên là “Trong Sáng Trong Chính Quyền Là Lựa Chọn Duy Nhất Để Việt-Nam Hội Nhập Vào Cộng Đồng Thế Giới” do Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển tổ chức, với sự hợp tác của Catholic University of America, Ủy Ban Helsinki Việt-Nam, Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt-Nam DC-MD-VA và với sự yểm trợ của National Endownment for Democracy. DB Smith nói tiếp là Hoa-Kỳ cần phải học bài học hợp tác quân sự với Nam Dương dưới thời Tổng Thống Suharto. DB Smith ám chỉ là Hoa-Kỳ đã huấn luyện quân sự cho một chế độ độc tài để rồi chế độ này đã lạm dụng vũ lực để đàn áp dân chúng nổi dậy đòi tự do dân chủ tại Nam Dương và đòi độc lập tại Đông Timor trong những năm 1996-99. Đô Đốc Dennis C. Blair, đương kim Tư Lệnh Quân Lực Hoa-Kỳ trong vùng Thái Bình Dương, cách đây vài ngày đã chỉ trích quân đội Nam-Dương về những vi phạm nhân quyền trong khi đến viếng thăm thủ đô Jakarta. Đô Đốc Blair tuyên bố rằng theo dự đoán của ông, còn lâu mới có thể tái lập hợp tác quân sự giữa Nam Dương và Hoa-Kỳ đã bị cắt đứt vào năm 1999 sau khi quân đội Nam Dương cho phép, nếu không muốn nói là xúi dục, sự đàn áp dã man dân chúng tại Đông Timor khi họ bỏ phiếu vào tháng 8, 1999 lựa chọn nền độc lập cho Đông Timor.
Một tuần lễ sau khi DB Christopher Smith lên tiếng về việc hợp tác quân sự giữa Việt-Nam và Hoa-Kỳ, vào ngày 29/3/2000, tại văn phòng Hạ-Viện của Quốc Hội Hoa-Kỳ nhân dịp có buổi thuyết trình về tình trạng nhân quyền tại Việt-Nam, DB Zoe Lofgren (Dân Chủ, California) thuộc nhóm Đối Thoại về Việt-Nam của Quốc Hội Hoa-Kỳ (Congressional Dialogue on Vietnam) tuyên bố rằng bà rất phiền lòng nhận được các báo cáo nói là qua sự thăm viếng Việt-Nam của Tổng Trưởng Quốc Phòng William S. Cohen, Hoa-Kỳ có thể tiến tới một thỏa hiệp hợp tác quân sự với Việt-Nam. DB Lofgren đặt một câu hỏi ám chỉ dành cho chính quyền Clinton là “làm sao Hoa-Kỳ có thể thỏa hiệp về mậu dịch hoặc an ninh với một chính phủ luôn luôn trà đạp lên quyền tự do căn bản của chính người dân mà họ cai trị.”

DB Sheila Jackson Lee (Dân Chủ, Texas) cho biết là theo luật của Hoa-Kỳ, việc trợ giúp và hợp tác quân sự với Việt-Nam đòi hỏi hai điều kiện: (1) chính phủ Việt-Nam phải trả tự do cho những tù nhân tôn giáo và chính trị và (2) chính phủ Việt-Nam phải tạo những điều kiện dễ dàng cho những người Việt-Nam được làm thủ tục để được cứu xét định cư tại Mỹ. Hành Pháp Hoa-Kỳ hàng năm phải tường trình cho Quốc Hội về hai vấn đề này.

Sau khi chiến tranh Việt-Nam chấm dứt, Hoa-Kỳ và Việt-Nam đã có sự hợp tác quân sự đầu tiên vào năm 1991, khi Hoa-Kỳ với sự thỏa thuận của chính phủ Hà-Nội, đã thiết lập một doanh trại quân sự lấy tên là “the Ranch” để làm nơi trú ngụ cho các nhân viên Hoa-Kỳ trong toán tìm kiếm những binh sĩ Mỹ mất tích. Trong năm 1994, hai vị tư lệnh của quân lực Hoa-Kỳ vùng Thái Bình Dương là Đô Đốc Charles Larson và Đô Đốc Richard Macke đã đến viếng thăm Hà-Nội. Vị tùy viên quân sự Hoa-Kỳ đầu tiên đã được bổ nhiệm tại Việt-Nam khi hai nước nối lại liên lạc ngoại giao vào năm 1995. Một năm sau, Phụ Tá Thứ trưởng Quốc Phòng Hoa-Kỳ là Kurt Campbell đã viếng thăm Việt-Nam. Đô Đốc Joseph Prueher tới Hà-Nội vào năm 1997. Cuộc viếng thăm Việt-Nam lần này của một viên chức quốc phòng Hoa-Kỳ gây được nhiều sự chú ý của giới lập pháp vì ở cấp cao nhất. Thứ hai nữa là cuộc viếng thăm trùng hợp vào thời gian kỷ niệm 25 năm Hà-Nội chiếm miền Nam Việt-Nam. Báo chí và truyền hình trên thế giới và trong nước đang nhắc nhở khá nhiều đến Việt-Nam.

Theo GS Carlyle A. Thayer của Trung Tâm Á Châu và Thái Bình Dương Nghiên Cứu về An Ninh Sự Vụ, trong những cuộc viếng thăm này, hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề khác ngoài đề tài quân nhân mất tích và tù binh. Đô Đốc Dennis C. Blair, đương kim Tư Lệnh Quân Lực Hoa-Kỳ trong vùng Thái Bình Dương, trong một họp báo vào ngày 7/3/2000 tại Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương, Hawaii đã xác nhận rằng về phương diện chiến lược, Hoa-Kỳ mong mỏi có một hợp tác với một quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương như Việt-Nam để cố gắng đạt được một sự thay đổi từ thế quân bình lực lượng, chính sách tự chế sang một ý niệm về an ninh cộng đồng thích hợp hơn trong tương lai, theo đó một số quốc gia theo đuổi cùng những mục tiêu, tập họp lại mà không cần phải có một hiệp ước hay một cơ cấu chính thức, để cùng nhau giải quyết những vấn đề chung một cách hòa bình. Ý niệm này mở rộng cho cả những kẻ thù cũ (former ennemies) của Hoa-Kỳ như Việt-Nam và những quốc gia có tiềm năng đối nghịch (potential antogonists) hiện nay như Trung Quốc. Điều này sẽ làm lợi cho tất cả mọi nước trong vùng Thái Bình Dương. Các quốc gia này có thể làm việc với nhau về cả phương diện quân sự.

Về phía Việt-Nam, chính quyền Hà-Nội lúc đầu đã tỏ ra lưỡng lự để tiếp đón Tổng Trưởng quốc Phòng Hoa-Kỳ. Việt-Nam đã hai lần không chối cuộc viếng thăm của ô. William S. Cohen vào đầu năm 1999 và vào cuối tháng 9 vừa qua, khi ô. Cohen dự định đi thăm một số nước Á châu khác. Lý do là cuộc viếng thăm hoặc quá sớm ngay sau khi Hoa-Kỳ ném bom vào Tòa Đại Sứ Trung Quốc tại Belgrade và việc Hoa-Kỳ can thiệp quân sự vào Kosovo, hoặc vì Việt-Nam nhận được thông báo quá cận ngày viếng thăm. Việt-Nam bên ngoài hiển nhiên không muốn làm phiền lòng Trung Quốc và muốn có giao hảo tốt đẹp với các quốc gia trong vùng. Về ngoài mặt, Việt-Nam cũng cho Hoa-Kỳ biết rằng ưu tiên số một của Việt-Nam là muốn Hoa-Kỳ và Trung Quốc có một liên hệ tốt đẹp.

Trước tham vọng rõ rệt muốn bành trướng ảnh hưởng và lãnh thổ về phía nam của Trung Quốc, Việt-Nam cũng như các nước khác trong vùng Đông Nam Á không làm cách gì hơn là tìm cách liên kết với nhau qua tổ chức Hiệp Hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of South East Asia Nations). Mới đây Tổng Trưởng Quốc Phòng Ấn Độ George Fernandes viếng thăm Việt-Nam. Ấn Độ là một nước thù nghịch với Trung Quốc. Để đương đầu với một cường quốc nguyên tử như Trung Quốc, Việt-Nam không thể không liên minh quân sự với Hoa-Kỳ. Trong những năm gần đây, Việt-Nam đã gửi một số sĩ quan tham dự những cuộc hội nghị quốc tế tại Trung Tâm Á Châu và Thái Bình Dương, Honolulu, thí dụ như hội thảo về vấn đề truyền tin quân sự. Tuy nhiên thể chế chính trị phi dân chủ và đượm mầu sắc Cộng Sản dù chỉ còn là cái vỏ bề ngoài của Việt-Nam hiện nay không cho phép Hoa-Kỳ mù quáng bắt tay với Việt-Nam được. Quần chúng Mỹ và các nhà lập pháp Hoa-Kỳ trong thời gian tới đây sẽ còn lên tiếng chống đối sự hợp tác quân sự với Việt-Nam nếu tình trạng vi phạm quyền tự do tôn giáo, vi phạm quyền tự do báo chí, vi phạm nhân quyền, tham nhũng và môi trường kinh doanh ở Việt-Nam không đạt được những tiến bộ khả quan. Lịch sử không cho phép Hoa-Kỳ trở thành một đồng minh quân sự với một Suharto hoặc một Marcos thứ hai. Hơn nữa, theo GS Carlyle Thayer cho biết, luật pháp hiện tại của Hoa-Ky ợkhông cho phép xử dụng ngân quỹ huấn luyện quân sự vào trường hợp Việt-Nam. Ngoài ra vì lý do an ninh quốc gia, việc bán các quân cụ, bộ phận và kỹ thuật liên hệ cũng bị cấm.

Vấn Đề Tự Do Báo Chí, Tự Do Tín Ngưỡng, Cải Tổ Kinh Tế và Tài Trợ Của Ngân Hàng Thế Giới
Nhân dịp thuyết trình của Nhóm Nhân Quyền tại Việt-Nam của Quốc Hội Hoa-Kỳ, ông T. Kumar, Giám Đốc về Chương Trình Á Châu và Thái Bình Dương của tổ chức Ân Xá Quốc Tế - Chi Nhánh Hoa-Kỳ, nhận định rằng vẫn còn các tù nhân chính trị tại Việt-Nam. Điểm then chốt là hệ thống pháp lý của Việt-Nam cho phép chính phủ có thể bắt bớ và giam cầm bất cứ ai muốn nói lên ý kiến riêng của mình một cách hòa bình. Hệ thống pháp lý này phải được cải tổ. Theo ông Kumar, Hoa-Kỳ hiện nay là một cường quốc duy nhất trên thế giới, đang giữ vai trò khuyến khích và bảo vệ nhân quyền. Hoa-Kỳ và Việt-Nam có một liên hệ đặc biệt và kéo dài trong nhiều năm qua. Vì vậy, Hoa-Kỳ có trách nhiệm đặc biệt và bổn phận lưu tâm đến nhân quyền của người dân Việt-Nam và bảo đảm rằng không có sự thỏa hiệp giửa nhân quyền và những vấn đề khác như mậu dịch chẳng hạn.

Chính quyền Hà-Nội tiếp tục trà đạp tôn giáo, vi phạm nhân quyền, độc quyền thông tin, cấm tự do báo chí và đặc biệt mới đây là vụ ngăn cản giáo dân cử hành các lễ quan trọng của Phật-Giáo Hòa Hảo tại Miền Tây, Nam Việt-Nam, đã làm cho các vị Dân Biểu Quốc Hội Hoa-Kỳ đại diện cho những vùng có đông dân gốc Việt-Nam cư ngụ phải lên tiếng. Đặc biệt là DB Edward Royce (Cộng Hòa, California) đã tuyên bố rằng Ngân Hàng Thế Giới (NHTG) cho Việt-Nam vay cả tỉ Mỹ kim (dài hạn, không phải trả tiền lời, qua ngân quỹ của International Development Agency, viết tắt là IDA, trực thuộc NHTG). Hoa-Kỳ có khả năng ngưng công tác tài trợ này, ngoại trừ trường hợp Việt-Nam đạt được những tiến bộ về tự do tôn giáo và cải tổ kinh tế. DB Edward Royce cũng cho biết là nhiều nhà kinh doanh ngoại quốc làm việc tại Việt-Nam mà ông hội kiến đồng ý là điều này hữu ích.

Trong buổi thuyết trình của Nhóm Nhân Quyền tại Việt-Nam của Quốc Hội Hoa-Kỳ (Human Rights Caucus on Vietnam) vào ngày 29/3/2000, DB Loretta Sanchez (Dân Chủ, California) nhân danh nhóm Nhân Quyền, đã hỏi ý kiến về vụ ngưng chương trình tài trợ của World Bank cho Việt-Nam của các vị đại diện các đoàn thể Việt-Nam có mặt trong đó có Giáo Hội Phật Giáo Đại Chúng, Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Hải Ngoại, Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt tại Hoa-Kỳ và Liên Minh Tự Do. Các vị đại diện đã ủng hộ mạnh mẽ biện pháp này.

Sau chiến tranh Việt-Nam, Ngân Hàng Thế Giới bắt đầu tài trợ lại cho Việt-Nam vào 1994 khi Hoa-Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận. Trong khoảng thời gian 1994-1996, trung bình mỗi năm Việt-Nam vay của NHTG khoảng $120 triệu Mỹ kim. Trong hai năm 1997-98, con số này tăng lên $220 triệu Mỹ kim. Năm vừa qua lãnh vực phát triển đã bị thu hẹp và tốc độ phát triển chậm lại. Khả năng hấp thụ tài nguyên bớt đi. Vì vậy, NHTG đã giảm bớt ngân khoản tài trợ cho Việt-Nam xuống còn $160 triệu Mỹ kim trong năm 1999. Tùy theo mức độ phát triển kinh tế của Việt-Nam, NHTG dự đoán sẽ cho Việt-Nam vay khoảng trung bình mỗi năm từ $300 triệu Mỹ kim đến $800 triệu Mỹ kim trong tài khóa 2000-2002. Tính đến cuối năm 1999, Việt-Nam nợ NHTG $989 triệu Mỹ kim. So với tổng số tiền Việt-Nam vay nợ của thế giới là khoảng $23 tỉ Mỹ kim, nguồn tài trợ của NHTG chỉ chiếm khoảng 4.3%. Tuy nhiên NHTG có ảnh hưởng rất mạnh mẽ với các cơ quan tài chánh quốc tế qua các chương trình tài trợ chung. NHTG luôn luôn đứng đầu Nhóm Tư Vấn Tài Trợ Cho Việt-Nam. Trong buổi họp tại Hà-Nội vào giữa tháng 12 vừa qua, mặc dầu vẫn đồng ý tiếp tục tài trợ Việt-Nam với $2.1 tỉ Mỹ kim cộng thêm $700 triệu Mỹ kim có điều kiện cho năm 2000, Nhóm Tư Vấn này đã chỉ trích Việt-Nam không đẩy mạnh chương trình cải tổ kinh tế đúng mức. Các cơ quan tài trợ quốc tế của chính phủ hoặc của tư nhân thường hay dựa theo những cuộc nghiên cứu kỹ thuật và khuyến cáo của NHTG để quyết định có tài trợ hay không. Vì vậy nếu NHTG ngưng cho Việt-Nam vay, điều này sẽ có tác dụng rất bất lợi cho quốc gia này.

Việt-Nam đang trải qua tình trạng kinh tế trì trệ. Mức phát triển trung bình hàng năm, dựa theo tổng sản lượng nội địa (gross domestic product), từ 9% trong những năm 1992-97 giảm xuống còn 4% trong hai năm 1998 và 1999. Triển vọng cho năm 2000 sẽ không khá hơn. Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài giảm từ $2 tỉ Mỹ kim trung bình mỗi năm trong khoảng thời gian 1995-1997, xuống còn $800 triệu Mỹ kim trong năm 1998 và $600 triệu Mỹ kim trong năm 1999. Nạn thất nghiệp trở nên trầm trọng. Tại các thành thị, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng từ 5.9% vào năm 1996 đến 6.9% và 7.4% lần lượt cho hai năm tiếp theo. Tỉ lệ thất nghiệp ở nông thôn ước tính bằng nửa con số của thành thị. Viễn ảnh cho năm 2000 sẽ tệ hơn. Thiên tai ở miền Trung vào cuối năm 1999 đóng góp một phần vào sự trì trệ kinh tế. Ngưng tài trợ của NHTG cho Việt-Nam lúc này sẽ có ảnh hưởng tai hại cho nền kinh tế của Việt-Nam. Điều này sẽ có ảnh hưởng giây truyền đến các lãnh vực xã hội và an ninh.

Chính sách bưng bít thông tin của chính phủ Hà-Nội đã đưa đến những hậu quả tai hại là không ai có thể kiểm chứng được giá trị của những con số thống kê về kinh tế và tài chánh do chính phủ đưa ra. Thêm vào đó là nạn tham nhũng trầm trọng tại Việt-Nam từ thành thị cho đến thôn quê, từ trung ương xuống tới địa phương, luật lệ kinh doanh không minh mạnh, đã làm cho nền kinh tế dựa trên căn bản thị trường tự do mất tính cách tự do. Mới đây, tờ báo Wall Street Journal và tổ chức Heritage Foundation đã xếp Việt-Nam vào hạng thứ 148 về mức độ tự do kinh doanh, chỉ trên Lào và Bắc Hàn. Trong hoàn cảnh như vậy, chương trình tài trợ cho Việt-Nam sẽ không thể đạt được những kết quả mong muốn. Vào tháng 11, 1999, ông James D. Wolfensohn, Chủ Tịch của NHTG, đã tuyên bố trước một buổi họp hàng năm của World Press Freedom Committee rằng “Vấn đề tham nhũng và tự do báo chí mặc dù có ảnh hưởng chính trị, nhưng thực tế, đây là hai vấn đề thiết yếu về phương diện phát triển kinh tế”. Ông Wolfensohn nói tiếp: “Tham nhũng là một trở ngại lớn nhất cho việc phát triển công bình” và “Tự do báo chí không phải là một xa xỉ phẩm. Không phải là một thứ thêm thắt. Tự do báo chí là một yếu tố then chốt cho sự phát triển công bình, bởi vì nếu những người nghèo không có quyền tự do phát biểu ý kiến, nếu không có ai soi bói vào vấn đề tham nhũng và bất công, chúng ta sẽ không có được sự đồng thuận để thay đổi”. Riêng về trường hợp Việt-Nam, để trả lời một cân hỏi của GS Đoàn Viết Hoạt, ô. Wolfensohn nói rằng NHTG bắt đầu đặt vấn đề tự do báo chí và tham nhũng với chính phủ Hà-Nội.

Kết Luận
Triển vọng về hợp tác quân sự giữa Hoa-Kỳ và Việt-Nam và đề nghị cứu xét lại việc tài trợ của NHTG cho Việt-Nam là hai cơ hội để các tổ chức tranh đấu vì dân chủ tự do cho Việt-Nam gây áp lực mạnh mẽ đòi hỏi chính phủ Hà-Nội phải bãi bỏ chính sách đàn áp tôn giáo, độc quyền thông tin, vi phạm nhân quyền tại Việt-Nam để xây dựng một xã hội dân sư, tạo một môi trường thích hợp để phát triển kinh tế. Với sự hỗ trợ của nhiều nhà lập pháp Hoa-Kỳ, những cơ quan nhân quyền và truyền thông quốc tế, những doanh nhân đang hoạt động tại Việt-Nam, Ngân Hàng Thế Giới, luật lệ hiện hữu của Hoa-Kỳ, và các lực lượng dân chủ ở trong nước, hoàn cảnh xem ra rất thuận lợi cho những đòi hỏi này. Đây là những thay đổi cần thiết để đưa đất nước ra khỏi tình trạng nghèo đói, bất công, phân chia giai cấp trầm trọng hiện nay và đem lại hạnh phúc thực sự cho 76 triệu đồng bào.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.