Hôm nay,  

Các Điều Khoản Mới Về Chương Trình Ho

04/12/199900:00:00(Xem: 5035)
Dưới đây là bản văn của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển giải thích về các điều khoản mới về chương trình HO.

Ngày 29 tháng 11 Tổng Thống Clinton đã ký ban hành đạo luật HR 3194 thành Công Luật 106-113. Trong đó có điều khoản 255 gia hạn và nới rộng Tu Chính Án McCain, và có ngôn ngữ liên quan đến việc giải quyết các hồ sơ HO bị trở ngại như đã loan báo trong bài trước.
Trong loạt bài tới đây chúng tôi sẽ tuần tự giải thích kỹ từng điểm một để giúp những đồng hương nào ở trường hợp liên hệ có đủ hiểu biết để tận khai thác những điểm này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn tránh cho đồng hương khỏi bị một số thành phần bất hảo lường gạt. Trong nhiều năm qua, chúng tôi ghi nhận rằng sau mỗi đợt thông tin về diễn tiến mới trong chương trình ROVR hay HO, thì liền sau đó có rất nhiều tin đồn sai lạc được lưu truyền ở trong nước. Những tin này có thể là do chính người dân không nắm vững vấn đề mà suy luận sai lạc đi, hoặc cũng có thể là do một số người cố tình tung tin để khuyến dụ người khác chạy tiền lo hồ sơ.
Ở hải ngoại chúng tôi cũng gặp phải một số văn phòng dịch vụ đã vin vào những thông tin của chúng tôi để làm tiền đồng hương. Họ bất chấp hồ sơ có hợp lệ và nằm trong các điều khoản luật định hay không, mà cứ hứa hẹn và lấy tiền bỏ túi, thường là bạc ngàn. Có văn phòng dịch vụ lại dựng lên những điều khoản hoàn toàn không có để lường gạt đồng hương. Và có văn phòng thì tính giá cắt cổ cho những công việc hết sức đơn giản.

Chúng tôi mong rằng các báo chí Việt ngữ sẽ giúp phổ biến thật rộng rãi loạt bài này để giúp độc giả tránh bị mất tiền oan uổng. Chúng tôi cũng xin quý vị độc giả phổ biến tin tức này thật rộng trong vòng bạn bè, thân quyến ở trong vùng cũng như ở các tiểu bang khác để họ không bị thiệt thòi vì thiếu tin tức.

Bài đầu tiên này trình bày về vấn đề liên quan đến các con cái thuộc gia đình HO. Vấn đề này khá phức tạp và lắt léo, do những chính sách luôn thay đổi mà Bộ Ngoại Giao và Sở Di Trú đưa ra trong nhiều năm qua. Nỗ lực vận động của chúng tôi đã không giải toả được toàn bộ các vấn đề chính sách và do đó đã xẩy ra tình trạng “lốm đốm da beo.” Xin quý vị đọc kỹ lưỡng để tránh bị lẫn lộn.

Sau đây là những điểm chính trong Điều 255 của đạo luật kể trên.
1. Gia hạn Tu Chính Án McCain đến 30 tháng 9, 2001 để tiếp tục giải quyết cho những trường hợp con cái hiện nay đã trên 21 tuổi và bị từ chối phỏng vấn kể từ ngày 1 tháng 4, 1995 trở đi.
2. Nới rộng Tu Chính Án McCain để giải quyết trường hợp của những con cái bị từ chối phỏng vấn vì lý do hộ khẩu không liên tục với cha mẹ, với điều kiện là vẫn còn độc thân khi bị từ chối.

Điều luật xem ra đơn giản này thực ra lại rất phức tạp khi ứng dụng, vì còn tuỳ thuộc vào thời gian bị từ chối, lý do bị từ chối, và tuổi tác khi bị từ chối.

- Các trường hợp bị từ chối sau ngày 1 tháng 4, 1995
Trên nguyên tắc, các trường hợp này đều được giải quyết nếu người con vẫn còn độc thân vào lúc bị từ chối, bất kể lý do bị từ chối.

- Các trường hợp bị từ chối trước ngày 1 tháng 4, 1995 và người con dưới 21 tuổi lúc bị từ chối
Cũng giống như trên, các trường hợp này đều được giải quyết nếu người con vẫn còn độc thân vào lúc bị từ chối, bất kể lý do bị từ chối. Việc giải quyết các trường hợp này không nằm trong điều luật nhưng là một nhượng bộ của Sở Di Trú trước khi điều luật được thông qua.

- Các trường hợp bị từ chối trước ngày 1 tháng 4, 1995 và người con trên 21 tuổi lúc bị từ chối
Chỉ những trường hợp bị từ chối vì lý do không cùng hộ khẩu liên tục với cha mẹ là được giải quyết, với điều kiện phải còn độc thân vào thời điểm bị từ chối.
Có một số hồ sơ bị từ chối vì cả hai lý do hộ khẩu và vì quan hệ gia đình không rõ ràng. Điều luật không nói gì đến trường hợp này, nhưng chúng tôi tin rằng những trường hợp này cũng sẽ được giải quyết.

Còn các hồ sơ bị từ chối thuần tuý vì lý do quan hệ gia đình không rõ ràng thì điều luật không cho phép giải quyết. (Tuy nhiên nếu người con dưới 21 tuổi khi bị từ chối thì sẽ được giải quyết như giải thích ở phần trên.)

Có thể có quý vị thắc mắc là tại sao điều luật không giải quyết nốt cho số hồ sơ trong trường hợp cuối cùng này. Chúng tôi đã cố gắng vận động cho nhóm hồ sơ nhỏ này (ước lượng khoảng dưới 100 hồ sơ) nhưng gặp phải sự chống đối rất mạnh mẽ của Sở Di Trú, mà có lẽ đã xuất phát từ tâm lý không vui vẻ trước những nỗ lực vận động lập pháp để bắt họ phải mở ra lại hàng ngàn hồ sơ con cái HO mà chính họ đã loại bỏ từ 5, 6 năm nay. [Chúng tôi đã bàn thảo với một số vị dân biểu để vận động cho nhóm nhỏ hồ sơ này vào năm 2000. Tuy nhiên, như trong mọi cuốc vận động về chính sách, không có gì bảo đảm là sẽ thành công.]

VẤN ĐỀ XÁC ĐỊNH QUAN HỆ GIA ĐÌNH
Như trình bày ở trên, một số hồ sơ đã bị từ chối phỏng vấn vì bị nghi ngờ về quan hệ gia đình và có hồ sơ nằm trong phạm vi giải quyết của điều luật 255, có hồ sơ không. Những hồ sơ dù nằm trong phạm vi điều luật thì vẫn phải xác minh quan hệ gia đình trước đã thì hồ sơ mới được mở lại.
Trước đây vấn đề xác định quan hệ gia đình rất khó khăn; lý do cũng vì thái độ của nhân viên di trú. Chúng tôi có những trường hợp mà kết quả thử DNA cho biết xác suất quan hệ gia đình lên đến 99.98% nhưng vẫn bị nhân viên di trú tiếp tục từ chối, viện cớ là không đủ cao. Trong khi đó toà án Hoa Kỳ chấp nhận xác suất là 99%.
Trong một nhượng bộ đối với Quốc Hội, Sở Di Trú đồng ý sẽ soạn thảo tài liệu hướng dẫn về việc xét kết quả thử DNA để tránh tình trạng nhân viên quyết định tuỳ tiện. Tuy tài liệu này chưa hoàn tất, chúng tôi biết rằng họ sẽ dùng tiêu chuẩn 99% xác suất. Đồng thời, Sở Di Trú cũng đồng ý soạn tài liệu hướng dẫn về thể thức cứu xét các chứng từ phụ trội như hình ảnh, học bạ, y bạ, giấy rửa tội... để thay thế cho giấy khai sanh bị mất hay bị nghi ngờ. Tài liệu này cũng chưa hoàn tất.


Đối với những hồ sơ nằm ngoài phạm vi của điều luật thì hiện nay chỉ có cách làm đơn bảo lãnh theo diện di dân, trừ khi có sự thay đổi về chính sách.

VẤN ĐỀ THỰC HIỆN
Trước đây, khi Tu Chính Án McCain ra đời, thì cơ quan Joint Voluntary Agency (JVA) đã làm công việc hết sức tỉ mỉ là sao soạn lại tất cả các hồ sơ bị ảnh hưởng để chuyển cho Văn Phòng Sở Di Trú ở Bangkok, Thái Lan, để giải quyết. Họ lại còn liên lạc với phía Việt Nam để can thiệp cho các hồ sơ này được vào phỏng vấn. Trong dự tính chấm dứt chương trình HO, Bộ Ngoại Giao đã sa thải cơ quan JVA. Trong ngôn ngữ đi kèm với đạo luật kể trên, Quốc Hội bày tỏ mối quan tâm về việc sa thải này vì cơ quan JVA là bạn của những người tị nạn và đã làm việc rất hữu hiệu trong việc chuẩn bị cho hồ sơ để tránh bị đánh rớt vì lỗi kỹ thuất hoặc bị chậm trễ vì lý do hành chánh.
Nay cơ quan JVA không còn nằm trong chương trình HO nữa, thì Bộ Phận Tị Nạn thuộc toà tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở Sàigòn sẽ chịu trách nhiệm công việc này. Trong một nhượng bộ đối với Quốc Hội, Bộ Ngoại Giao đồng ý tuyển dụng nhân viên người Việt ở Hoa Kỳ về Sàigòn để làm công việc này. Tuy nhiên đến nay BNG vẫn chưa bắt đầu tiến trình tuyển người. Ngoài ra, dù đã có mặt ở Sàigòn trong 2 tháng qua, phối hợp viên Bộ Phận Tị Nạn vẫn chưa có gì để làm vì BNG đã đóng cửa chương trình ODP và Bộ Phận Tị Nạn vẫn chưa có chỗ làm việc.
Điều này báo hiệu rất nhiều trở ngại kỹ thuật trong việc thi hành Điều 255 dành cho các trường hợp con cái HO. Bên cạnh đó là những khó khăn mà các hồ sơ có thể sẽ gặp phải do thái độ của nhân viên di trú. Quyết định cuối cùng đối với mỗi hồ sơ vẫn nằm trong thẩm quyền tuyệt đối của nhân viên di trú tại bàn phỏng vấn. Một hồ sơ dù hội đủ tiêu chuẩn vẫn có thể bị đánh rớt vì lý do kỹ thuật. Từ cuối năm 1994 đến giờ các nhân viên di trú đã đánh rớt rất nhiều hồ sơ, cả trong chương trình HO và trong chương trình U11 (dành cho cựu nhân viên chính phủ Hoa Kỳ) một cách oan ức và bừa bãi.
Vào giữa tháng 12 này, Dân Biểu Christopher Smith và vị Tham Mưu Trưởng, Ông Grover Joseph Rees, sẽ đi Sàigòn để tìm hiểu xem tại sao Bộ Phận Tị Nạn đã hoàn toàn tê liệt trong hai tháng qua và có cách nào để chấm dứt tình trạng này. Dân Biểu Smith chính là tác giả của điều luật 255 kể trên, và cũng là người đã chủ động tranh đấu cho các hồ sơ HO bị trở ngại suốt từ năm 1996 đến giờ.

PHẢI LÀM GÌ"
Trong thời gian hiện nay Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển đang thực hiện những công việc sau đây để giảm thiểu những khó khăn về kỹ thuật hoặc do thái độ chủ quan của nhân viên di trú gây ra.

1. Thu thập hồ sơ
Chúng tôi sẽ lập danh sách các hồ sơ bị ảnh hưởng để nộp cho Sở Di Trú để tránh sự chậm trễ do thiếu nhân viên của Bộ Phận Tị Nạn. Chúng tôi sẽ chuyển đi từng đợt 20 hồ sơ một cho Sở Di Trú và một bản sao cho Bộ Ngoại Giao để chuyển cho Bộ Phận Tị Nạn ở Sàigòn. Bộ Ngoại Giao hứa hẹn là Bộ Phận Tị Nạn sẽ hoạt động trở lại vào cuối tháng Giêng hay trễ nhất là tháng Hai năm 2000. Chúng tôi cố gắng thu thập thật đầy đủ hồ sơ và chuyển tất cả đến các nơi kể trên trước thời điểm ấy, để ngay khi Bộ Phận Tị Nạn vừa mở cửa hoạt động thì họ đã có sẵn hồ sơ để bắt đầu giải quyết.

2. Theo dõi hồ sơ
Để tránh sự quyết định chủ quan và bừa bãi của nhân viên di trú cũng như những trở ngại do thể thức hành chánh của nhà nước Việt Nam gây ra, chúng tôi sẽ giúp cho mỗi gia đình vận động vị dân biểu và 2 vị thượng nghị sĩ của mình đi kè sát với hồ sơ của gia đình mình cho đến khi hoàn tất. Phương thức này tỏ ra rất hữu hiệu trong cuộc vận động vừa qua khi hàng ngàn lá thư từ các gia đình có con cái kẹt ở Việt Nam đã được gởi liên tục đến từng vị dân biểu và thượng nghị sĩ. Vì rất khó khước từ nhiệm vụ bênh vực cho các gia đình sống trong vùng cử tri của mình, đa số các vị dân cử đã ủng hộ các điều khoản nhằm giải quyết cho các hồ sơ HO bị trở ngại, mặc dù có sự vận động ngược lại rất ráo riết của Bộ Ngoại Giao và sự chống đối mạnh mẽ của Sở Di Trú.

Trong thời gian tới đây mỗi gia đình sẽ phải tiếp tục vận động sự can thiệp của các vị dân cử cho tới khi con cái của mình đặt chân đến Hoa Kỳ. Như những lần trước, chúng tôi sẽ thảo thư để các gia đình này ký tên gởi đi cho các vị dân cử. Sau đó chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với các vị dân cử này, dựa vào thư yêu cầu của các gia đình.

3. Xác minh quan hệ gia đình
Chúng tôi sẽ trắc nghiệm tài liệu hướng dẫn của Sở Di Trú bằng cách dùng các chứng từ phụ trội trước khi đề nghị việc thử DNA. Việc thử nghiệm này rất tốn kém, chỉ nên thực hiện khi nào các chứng từ phụ trội bị từ chối.

4. Thể thức gởi hồ sơ
Thoạt tiên chúng tôi ước lượng khoảng 500 hồ sơ bị ảnh hưởng và chúng tôi đã có sẵn 400 hồ sơ. Đây cũng là con số mà chúng tôi đã trình bày với Quốc Hội trong cuộc vận động. Tuy nhiên trong mấy tuần qua chúng tôi nhận được khá nhiều hồ sơ mới mà không rõ vì sao trong mấy năm qua đã không hề liên lạc với chúng tôi. Hiện nay chúng tôi không thể ước lượng được tổng số hồ sơ mà chỉ biết rằng con số thực sự sẽ cao hơn ước lượng ban đầu của chúng tôi rất nhiều.
Để giải quyết lượng hồ sơ khá lớn này, chúng tôi đã tuyển dụng thêm một số sinh viên phụ giúp hồ sơ. Đồng thời chúng tôi sẽ cắt cử Trung Tâm Dịch Vụ S.O.S. ở Sacramento để chuyên lo các hồ sơ ở tiểu bang California (chiếm khoảng 30% số hồ sơ mà chúng tôi có). Các gia đình ở California, xin gởi hồ sơ về:
S.O.S. Service Center/HO children
6885 Lindale Drive
Sacramento, CA 95828
Những gia đình ở ngoài tiểu bang California, xin gởi về
BPSOS/HO children
2800 Juniper Street, # 3
Fairfax, VA 22031-4411

Nguyễn Đình Thắng
Giám Đốc Điều Hành

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.