Hôm nay,  

Ngoại Giao Pháp: Phù Thủy Và Âm Binh -- Võ Thành Văn

09/05/200300:00:00(Xem: 4492)
Ngày bảy tháng Năm là kỷ niệm trận Điện biên phủ, hôm sau, mùng tám tháng Năm là kỷ niệm ngày Giải phóng Paris. Hình như Pháp đã quên những điều đó vì, nhìn vào chánh sách đối ngoại của Pháp, ta thấy như chính quyền Chirac đang thổi lên một đám âm binh sẽ làm nước Pháp lụn bại thêm.
Vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, bà Michèle Alliot-Marie, tỏ vẻ quan tâm là phản ứng chống Pháp của công chúng Mỹ sẽ phương hại tới quan hệ giữa hai nước, và Pháp phải có những tín hiệu nào đó trong những tháng tới, nếu không hiện tượng này có thể đào sâu và kéo dài. Một bộ trưởng quốc phòng là phái nữ vốn đã là hãn hữu; nhưng đáng chú ý hơn là bà Alliot-Marie nêu vấn đề trên khi chính quyền Pháp dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Jacques Chirac đang được lòng dân Pháp vì chánh sách “chặn Mỹ” và lãnh đạo Mỹ thì lại chẳng thấy có lý do gì để nhịn nhục hay làm hòa. Bất cứ một thiện chí hàn gắn nào từ phía Chirac đều có thể bị công kích như một sự nhượng bộ. Jacques Chirac và Bộ trưởng Ngoại giao Dominique Villepin thực ra đang ở vào thế lưỡng nan. Và chánh sách ngoại giao của Pháp trong vụ đối đầu với Mỹ là một thất bại thê thảm. Thê thảm nhất là những vấn đề ruột gan của xã hội Pháp.
Lãnh đạo một quốc gia phải biết được quyền lợi quốc gia nằm ở đâu và định ra mục tiêu này rồi thì mới tính đến chánh sách đối ngoại nhằm góp phần đưa tới mục tiêu đó. Nếu lấy hai tiêu chuẩn này thẩm định thì chánh sách đối ngoại của Pháp với Hoa Kỳ rõ là không đạt mục đích yêu cầu mà còn gây tổn thất lâu dài cho chính nước Pháp.
Mục tiêu của chính quyền Chirac là ngăn chặn thế lực độc bá của Hoa Kỳ và vì vậy chống lại mọi quyết định can thiệp đơn phương của Mỹ. Pháp không có cái lực đó nhưng có cái thế là một hội viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Nhờ diễn đàn này Pháp đã gây khó cho Mỹ và trở thành vô địch chống Mỹ, trở thành lãnh tụ có cái thế lớn rất lớn. Kết quả ra sao thì ngày nay ta đang thấy. Liên hiệp quốc là định chế chỉ có thực lực khi có sự tham dự của Hoa Kỳ, một quốc gia giàu mạnh nhất thế giới, hiện diện ở mọi nơi và đóng góp nhiều nhất cho ngân sách điều hành của mình. Vì Pháp tiến hành sách lược chống Mỹ qua Liên hiệp quốc, chính quyền Bush lấy quyết định là không cần Liên hiệp quốc biểu đồng tình nữa, rốt cuộc, Pháp ôm lấy cái bung xung vô dụng.
Pháp không cản được Mỹ như mục tiêu ban đầu mà còn đốt cháy Liên hiệp quốc.
Tệ hơn vậy, Pháp đã đạt kết quả ngược với mục tiêu nếu ta xét tới khía cạnh Âu châu.
Các nước Âu châu giờ đây không nói đến việc huy động Âu châu làm lực đối trọng với Mỹ, mà bày tỏ sự bực bội trước thái độ hung hăng kẻ cả của Pháp. Mới nhất là cuộc tranh luận giữa Chủ tịch Hội đồng Âu châu Prodi với nguyên tổng thống Pháp Giscard d’Estaing về bản hiếp pháp tương lai của Âu châu. Chính quyền Chirac – với ý chí khôi phục giấc mơ đại bá của de Gaulle – đã tìm cách xây dựng lại thế lực cho trục ngoai giao Pháp-Đức, ngẫu nhiên là hai nước đang bị suy sụp nặng nhất về kinh tế. Nếu theo dõi báo chí Âu châu và cả báo chí Đức, ta đã thấy sự bực bội của Đức khi bị Pháp kéo quá xa vào trò chơi chống Mỹ. Một mai khi đảng đối lập CDU trở lại chính quyền tại Đức, Pháp sẽ chơi một mình và tự cô lập ngay trong Âu châu. Lúc đó, người ta không quên là vì say đòn chống Mỹ, tổng thống Chirac đã xúc phạm các nước Đông Âu và Trung Âu và cả các nước Bắc Âu. Các quốc gia này có thể thấy thoải mái hơn khi liên kết với Đức và có lợi hơn khi hợp tác với Mỹ, là điều sẽ xảy ra và khiến Pháp càng tự cô lập.

Nói về sự can thiệp đơn phương, giới ngoại giao Âu châu không quên một lý luận chính đáng từng được đưa ra trong quá khứ: “bổn phận can dự”, Pháp ngữ gọi là “devoir d’ingérence”! Sở dĩ phải dùng Pháp ngữ vì chính Pháp đề ra nguyên tắc đó khi chủ trương (và kêu gọi các nước khác, kể cả Mỹ) can thiệp vào Kosovo để cứu dân Albania theo đạo Hồi chống lại sự đàn áp của chính quyền Serbia của Slobodan Milosevic. Vì sự cản trở của Nga trong Hội đồng Bảo an, khi đó, Liên hiệp quốc không đồng ý và Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO phải xung trận để tấn công quân Serb tại Kosovo và cả xứ Serbia. Khi đó, không ai theo dõi hoặc lên tiếng than phiền xem “bao nhiêu thường dân bị chết oan vì bom NATO” (chủ yếu là bom Mỹ) như ngày nay chính quyền và truyền thông Pháp chòm chõm ngồi đếm như cú nhòm nhà ma xem Mỹ làm bao nhiêu thường dân Iraq bị thiệt hại. Hai trường hợp Iraq và Kosovo cho thấy sự ngụy tín của Pháp vì thực ra, chiến sự tại Kosovo cũng chẳng có cơ sở pháp lý nào vững hơn chiến cuộc tại Iraq về mặt quốc tế công pháp. Trong khi đó, nếu nhìn xa hơn Nam Tư hay Iraq để xuống tới Phi châu thì người ta càng thấy tính chất đạo đức giả của Pháp, vì “bổn phận can dự” đó là một sự chọn lọc về quyền lợi hơn là một nguyên tắc đạo lý.
Rốt cuộc, chỉ vì mục tiêu ngăn Mỹ - mà không nổi - Pháp làm suy yếu Liên hiệp quốc, gây mâu thuẫn với Anh, gây ác cảm với các nước Âu châu khác, chỉ còn cách tựa vào một nước Đức miễn cưỡng và một Liên bang Nga đang toan tính riêng và có thể trở cờ không báo trước!
Điều đáng tiếc hơn nữa là những mục tiêu đó của Chirac không đóng góp gì cho quyền lợi Pháp mà còn biến xứ này thành con tin của những tư tưởng kỳ quái, đang được giới trẻ nồng nhiệt hưởng ứng.
Khi Liên bang Xô viết tan rã, Pháp mơ ước trở thành cường quốc đối trọng với Mỹ, và áp dụng cùng một chánh sách đối ngoại của Moscow thời Cộng sản: khuynh đảo Liên hiệp quốc, ve vuốt Thế giới Thứ ba và cái gọi là Khối Phi Liên Kết, liên hợp với khối Ả rập chống Do Thái, tất cả chỉ để trở thành lãnh tụ chống Mỹ sáng giá nhất. Chánh sách ngoại giao hoang tưởng này của Chirac dẫn tới kết quả bất ngờ và đáng ngại. Nước Pháp đang thành điểm hội tụ cho các xu hướng phản động hoặc có đầy mâu thuẫn đáng sợ: xu hướng phản chiến (vì Mỹ là chủ chiến!); xu hướng chống toàn cầu hóa (được trình bày thành âm mưu đế quốc của Mỹ), xu hướng chống kinh tế thị trường (đồng nghĩa của tư bản chủ nghĩa), xu hướng đệ tam thế giới (chống đế quốc Mỹ), xu hướng chống dân chủ hóa (vì đó cũng là một biểu hiện của Mỹ), xu hướng Hồi giáo quá khích (môi trường kết nạp của khủng bố). Ngần ấy xu hướng đều huy động thanh niên học sinh xuống đường dưới lá cờ chống Mỹ mà thực chất là sẽ phá nát xã hội và cản trở mọi nỗ lực cải cách của Pháp.
Cách đây đúng một năm, thắng lợi bất ngờ của Jean Marie Le Pen, lãnh tụ cực hữu Pháp, khiến dân Pháp tỉnh giấc và dồn phiếu cho Jacques Chirac. Tưởng rằng ông ta sẽ tìm ra giải pháp tỉnh táo đưa quốc gia ra khỏi nguy cơ khủng hoảng về cả kinh tế, xã hội và chính trị, ai dè ông lại giương cờ chống Mỹ. Bây giờ, bên dưới lá cờ đó, các thế lực đen tối nhất đang thừa thế tụ tập để khai thác tinh thần chống Mỹ cho những mục tiêu đáng sợ gấp bội cho quyền lợi Pháp. Kết luận ở đây là phù thủy Chirac không đối đầu nổi với các vấn đề chồng chất trong nội bộ và tìm thành quả ở phù phép chống Mỹ, ông để nước Pháp trở thành con tin của đám âm binh sẽ làm Pháp lụn bại và vì đã làm Âu châu rạn nứt, cuộc khủng hoảng của Pháp sẽ còn gieo họa cho cả Âu châu, là điều người ta có thể thấy trong những năm tới đây.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.