Hôm nay,  

Thượng Đỉnh G8 Okinawa

27/07/200000:00:00(Xem: 4750)
Chúng tôi đã đọc bản tóm lược những điểm chính trong bản thông cáo chung Hội nghị Thượng đỉnh G8 và nhận thấy đó là những mục tiêu rất tốt cho nền kinh tế toàn thế giới, chỉ hiềm hành động cụ thể còn chậm và không biết sẽ thành đạt đến mức nào. Ở đây chúng tôi sơ khởi muốn bàn đến một đề tài chúng tôi coi là quan trọng nhất vì nó thích hợp với một bước tiến vĩ đại của khoa học kỹ thuật và đã được G8 chọn làm một chủ đề của Thượng đỉnh. Đó là cuộc cách mạng “kỹ thuật học thông tin”. Chúng tôi nghĩ sẽ có dịp bàn tới những phần kế tiếp, nhất là phần “giúp dân nghèo” được các nước đang phát triển chú ý nhất.

Sau khi khẳng định “kinh tế thế giới năm nay sẽ tăng trưởng mạnh mẽ”, G8 gồm các nước Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Đức, Nhật, Nga và Gia Nã Đại tuyên bố: “Mặc dù đã có tình trạng tăng trưởng và ổn định của nền kinh tế toàn cầu, lúc này không phải là lúc an nhiên tự tại vì xu hướng toàn cầu hóa đang gia tăng và sự phổ biến mau lẹ kỹ thuật học và thông tin đang đem lại những thay đổi cơ bản trong nền kinh tế của chúng ta”. G8 còn nhấn mạnh kỹ thuật học thông tin (info-tech) có “tiềm năng bao la cho phép các nền kinh tế phát triển mạnh hơn nữa” và “Cơ hội tiến vào lãnh vực số nhị phân (digital) phải được mở rộng cho tất cả”. Bởi vậy G8 đồng ý thiết lập một Lực lượng Đặc nhiệm Cơ hội Số Nhị phân (Digital Opportunity Task Force, rút gọn là Dot Force). Nhiệm vụ của lực lượng này là lập cầu bắc ngang qua hố xa cách nhị phân giữa nước giầu và nước nghèo.

Tôi thấy từ Dot Force mà tức cười và muốn hỏi đùa các ông sao không gọi luôn là Dot.com cho bình dân hơn với dân vùng Silicon Valley. Dù sao chính các lãnh tụ G8 cũng đã thiết lập mạng luới điện thư (e-mail network) giữa các ông với nhau. Nhưng đoàn quân Dot làm thế nào bắc cầu được" Ngôn ngữ mới ngày nay đã đa dạng hóa về hình lẫn bóng nên đôi khi cũng thấy ngỡ ngàng. Lực lượng không phải là đoàn quân có súng mà chỉ là những toán chuyên gia về kỹ thuật tin học, nhất là về điện toán và những cây cầu chỉ là những xa lộ trừu tượng trong không gian điện tử hóa. Thành ra việc bắc cầu đơn giản chỉ là việc giúp cho các nước nghèo có dụng cụ và kỹ thuật điện toán (computer).

Vậy các nước nghèo nghĩ sao" Trước khi các ông G8 họp, đã có phản ứng rồi. Nó xuất phát từ một nhóm có tên là “Khánh chúc 2000” chuyên vận động các nước giầu nhất phải tha nợ cho những nước nghèo nhất. Nhóm này đã cụ thể hóa sự phản đối của họ bằng một hành động ngoạn mục, ra bờ biển đảo Okinawa hỏa thiêu một máy điện toán xách tay (laptop), tố cáo cái gọi là bắc cầu số nhị phân của các ông G8 chỉ là mẹo lừa gạt. Ông Kewesi Owusu, điều hợp viên của các nước Phi châu trong nhóm này la lớn: “Chúng tôi đâu có đem computer ra ăn được. Người ta đang chết đói đây nè”. Để lót đường cho tín hiệu đốt computer, trước đó trong một cuộc họp ở Tokyo, các quan chức của ba nước Phi châu: Nam Phi, Nigeria và Algeria lên tiếng chỉ trích các nước giầu quá chậm trễ trong việc làm nhẹ bớt gánh nặng nợ nần của những nước nghèo, chậm trễ trong việc đầu tư và chuyển giao kỹ thuật tin học và kỹ thuật sinh học thiết yếu cho sự tăng trưởng kinh tế trong Thế giới Thứ ba.

Tôi nghĩ ở Việt Nam người ta rất đồng ý với lời kêu xóa nợ và chậm đầu tư, nhưng lại không đồng ý với vụ hỏa thiêu computer. Cố nhiên không ai đem computer ra ăn được, nhưng nếu computer không là thứ ăn được, nó lại là dụng cụ tốt nhất ngày nay để kiếm ăn. Đem đốt thật uổng. Bằng cớ cứ nhìn các tiệm “cà phê-Internet” mọc ra như nấm ở Hà Nội, Saigon thì đủ biết. Ở những cửa hàng bắc cầu “dot” đó, hàng dẫy dài những máy vi tính (computer) cho thuê bao theo từng giờ từng phút, có rất đông khách cuỡi sóng trên Internet xúm xít, phần đông là giới trẻ, họ chơi “ghêm”, chơi xổ số, chơi bài, kể cả thăm bạn xa gần... Ai được thua không biết, nhưng trước mắt là các vị chủ tiệm cho muớn dây leo Internet đã vớ bộn tiền. Tôi thích chữ cơ hội (opportunity) trong ba chữ tắt “dot”, bởi vì chữ “dot” còn có nghĩa là dấu chấm trong danh xưng khách kinh doanh thời thượng là đát-com (.com), nó tượng hình cho ý nghĩa nhanh và gọn. Dân tứ chiếng làm ăn ở Hà Nội Saigon ngày nay đã quá rành sáu câu vọng cổ “nhanh và gọn”. Có cơ hội là phải “vồ”, phải “chộp” ngay... trước khi quá muộn.

Dân ta ở trong nước đã từng có kinh nghiệm biết “cơ hội vàng” giống như của phù vân, nó rất đoản kỳ. Sở dĩ “cà phê-Internet” nở rộ là vì ông nhà nước đã nắm được quyền kiểm soát mọi ngõ ngách lên lưới Internet, chơi thì được, đánh bạc cũng không sao, thăm hỏi thông thường là được phép, nhưng nếu nói đến tư tưởng chính trị là bị “cúp” và bị ghi sổ đen trước khi hết lời. Khi nào ông nhà nước không kiểm soát được nữa, cửa tiệm thuê bao Internet cũng chỉ sớm nở tối tàn. Viễn tượng này đã có, vì các nhà lãnh đạo G8 lập cầu “dot” là để mở rộng việc lên lưới, cho các nước đang phát triển có nhiều cơ hội hơn để leo luới Internet. Vì thế họ nói chính phủ các nước phải tránh luật lệ xiết chặt quá kỹ những trao đổi trong lãnh vực kỹ thuật thông tin và họ cam kết bảo vệ tác quyền trí tuệ trong không gian điện tử hóa. Một báo cáo về mặt này sẽ được trình trước Thượng đỉnh G8 năm tới ở Genoa, Ý.

Trong lãnh vực kinh doanh, không có chuyện cho không theo kiểu ăn cơm trưa không tính tiền. Nói là bắc cầu Internet giùm, nhưng thật ra cũng có lệ phí. Lệ phí đó không phải bằng tiền mà là cởi mở luật lệ trói buộc để cho người dân được đi vào căn nhà học vấn căn bản, kiến thức hiện đại và kỹ thuật học tiến bộ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.