Hôm nay,  

Thương Ước Mỹ-hoa Đã Bán Đứng Công Nhân Mỹ?

15/12/199900:00:00(Xem: 5679)
Quốc Hội Mỹ Bắt Đầu Xét Việc Hoa Lục Gia Nhập WTO: Chính Sách Lao Động và Nhân Quyền của Quốc Gia Này Bị Chỉ Trích Nặng Nề

Sau 13 năm thương thuyết với nhiều cam go, Hoa Kỳ và Trung Quốc sau cùng đã đạt được một thỏa ước thương mại song phương tại thủ đô Bắc Kinh vào ngày 15.11.1999. Đây là một thử thách lớn lao cho giới lãnh đạo hành pháp Hoa Kỳ và chính phủ Trung Quốc. Hai bên đã đồng ý về rất nhiều điều kiện mậu dịch giữa hai nước để Hoa Kỳ chấp thuận cho Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (TCMDTG). Tuy nhiên thoả ước này cần phải được các nhà lập pháp Hoa Kỳ phê chuẩn. Từ nay đến ngày đó, những tiểu ban chuyên môn của Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ có nhiều dịp duyệt xét thoả hiệp thương mại do giới Hành Pháp đệ trình và sẽ tổ chức những nhiều cuộc điều trần để có dịp nghe những chuyên viên về nhiều ngành và nhiều tổ chức liên hệ đạo đạt ý kiến. Sau đây là bài tường thuật và phân tách một trong những buổi điều trần đầu tiên do tiểu ban Quốc Tế Vụ và Nhân Quyền tổ chức.

Để mở đầu phiên họp điều trần về việc gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới của Trung Quốc và vấn đề nhân quyền được tổ chức tại văn phòng Hạ Nghị Viện vào ngày 8.12.1999 vừa qua Dân Biểu Christopher H. Smith (Cộng Hòa, New Jersey), chủ tịch Tiểu Ban Quốc Tế Vụ và Nhân Quyền Hạ Viện đã tuyên bố là cần phải duyệt xét lại ảnh hưởng của việc gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới của Trung Quốc, một trong những nước có mức độ mậu dịch phát triển nhanh chóng nhất thế giới và vi phạm nhân quyền trầm trọng và trắng trợn nhất thế giới. DB Smith nêu một câu hỏi cho Tiểu Ban Quốc Tế Vụ và Nhân Quyền Hạ Viện là cho Trung Quốc hưởng những đặc quyền buôn bán thường trực với Hoa Kỳ và những quốc gia hội viên của TCMDTG, liệu quốc gia này có cải thiện cách đối xử với chính những người dân Trung Hoa của họ ở trong nước hay không. DB Smith ủng hộ mạnh mẽ việc dùng những biện pháp kinh tế để hỗ trợ công cuộc đấu tranh đòi nhân quyền và bảo vệ các tiêu chuẩn lao động tại Trung Quốc. Ông cực lực lên án chính quyền Cộng Sản Trung Quốc vi phạm những quyền căn bản của con người một cách có hệ thống và đại quy mô và ông không ngạc nhiên về sự thất bại hoàn toàn của chính sách giao ước xây dựng (constructive engagement) với Trung Quốc hiện nay của chính quyền Clinton.

DB Smith chủ trương duy trì việc cứu xét lại hàng năm chính sách tối huệ quốc dành cho nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vì đây là phương cách duy nhất để kiểm tra những vi phạm của chế độ Cộng Sản và để bênh vực các nạn nhân. Theo DB Smith, những hình phạt kinh tế là một khí giới có hiệu quả. Ông nêu lên một thí dụ từ năm 1991 đến nay có ít nhất ba lần Đại Diện Ngoại Thương của Hoa Kỳ đã đe dọa dùng biện pháp trừng phạt kinh tế trị giá vài tỉ Mỹ kim để đòi quyền lợi về sở hữu trí tuệ (intellectual property interests) và chính phủ Trung Quốc đã phải nhượng bộ. Những đại công ty Hoa Kỳ và chính phủ Clinton chứng tỏ sự tin tưởng vào chính sách trừng phạt kinh tế qua hành động. Những nhà lãnh đạo Trung Quốc cho thấy sự hữu hiệu của chính sách này qua những phản ứng của họ. DB Smith nói tiếp rằng câu hỏi đặt ra không phải là chính sách trừng phạt kinh tế có hữu hiệu hay không mà chúng ta phải tự hỏi là tại sao chúng ta dùng các biện pháp trừng phạt kinh tế để bảo vệ tác quyền đĩa nhạc, phim ảnh, nhu liệu điện toán, mà thể không thể dùng những biện pháp này để bảo vệ đời sống của con người, quyền tự do tôn giáo, quyền lợi của công nhân, và các tù nhân chính trị. DB Smith chống lại việc xin gia nhập tổ chức Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới của Trung quốc vì nếu làm ngược lại có nghĩa là Hoa Kỳ dung tha những vi phạm nhân quyền của quốc gia này và không đếm xỉa đến an sinh của nhân dân Trung Hoa.

Ngoài ra DB Smith cũng nhấn mạnh rằng sự gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với quốc nội Hoa Kỳ. Công nhân Mỹ sẽ không cạnh tranh nổi với công nhân Trung Quốc vì chính sách khai thác lao động tàn khốc tại quốc gia này. Vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng trực tiếp là cướp mất công ăn việc làm của công nhân và đe dọa mức sống nói chung ở Hoa Kỳ.

Ông Charles Wowkanech, Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Hoa Kỳ (American Federation of Labor and Congress of Industrial Organizations viết tắt là AFL CIO) thuộc tiểu bang New Jersey điều trần rằng tiểu bang này đã mất hàng trăm công ty và hàng trăm ngàn công việc vì những thương ước bất công. Tình trạng sẽ tồi tệ hơn nữa nếu Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới. Ô. Wowkanech nói thêm là Trung Quốc không thể lợi dụng chính sách nhân quyền, công nhân, và môi sinh để làm thiệt hại đời sống của các công nhân New Jersey. Chúng ta được biết là trước đây ông John Sweeny, Chủ Tịch AFL-CIO toàn quốc Hoa Kỳ đã tuyên bố là ký kết vào bản thoả hiệp thương mại với Trung Quốc là bán đứng công nhân Hoa Kỳ. Ông James P. Hoffa, Chủ Tịch của Nghiệp Đoàn Công Nhân Vận Tải (Teamsters Union), một nghiệp đoàn lao động lớn thứ nhì tại Hoa Kỳ, cũng tuyên bố chống lại hiệp ước thương mại với Trung Quốc. Lập trường của giới lao động Hoa Kỳ đã khá rõ ràng.

Tham dự vào cuộc điều trần này còn có Bà Lori Wallach, Giám Đốc của Global Trade Watch, đại diện cho tổ chức Công Dân (Public Citizen). Đây là một tổ chức tổ hợp tư nhân bất vụ lợi bao gồm sáu đoàn thể sau đây: Buyers Up, Congress Watch, Critical Watch, Global Trade Watch, Health Research Group, và Ligitation Group. Chúng ta được biết bà Wallach là một luật sư chuyên về vấn đề mậu dịch và Public Citizen là một trong số nhiều nhóm tên tuổi tại Hoa Kỳ đã tổ chức các cuộc biểu tình chống đối Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới họp tại Seattle. Bà Wallach nêu lên nhiều điểm kỹ thuật quan trọng liên quan đến luật lệ của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới. Một số người nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không được gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới nếu Quốc Hội Hoa Kỳ không chấp thuận vĩnh viễn cho quốc gia này hưởng thường trực quy chế mậu dịch bình thường (Normal Trade Relation viết tắt là NTR) mà trước đây được gọi là chế độ tối huệ quốc (Most Favored Nation viết tắt là MFN). Điều suy luận này sai bởi vì luật lệ của Tổng Thoả Hiệp về Quan Thuế và Mậu Dịch (General Agreement on Tariffs and Trade viết tắt là GATT) và luật lệ của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới không đòi hỏi là quy chế mậu dịch bình thường phải được cho vĩnh viễn. Trái lại quy chế mậu dịch bình thường có thể ban cho quốc gia thụ hưởng trong thờợi gian có hạn định (có thể là một năm, một tam cá nguyệt, hoặc vĩnh viễn) miễn là sau thời gian hạn định này quy chế mậu dịch bình thường phải được tái xét thì sẽ không vi phạm luật lệ của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới.

Bà Wallach của Global Trade Watch chủ trương rằng không nên cho Trung Quốc vĩnh viễn hưởng quy chế mậu dịch bình thường với Hoa Kỳ. Quy chế này cần được duyệt lại mỗi năm như trong tình trạng hiện nay hoặc sau mỗi năm năm. Theo bà Wallach, trong số những nghị sĩ và dân biểu Hoa Kỳ ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới, nhiều vị không hỗ trợ việc cho Trung Quốc hưởng thường trực quy chế mậu dịch bình thường vì Trung Quốc vi phạm nhiều lần luật lệ thương mại quốc tế và không thi hành những thoả hiệp đã ký kết với Hoa Kỳ. Thí dụ các cơ quan của chính phủ Trung Quốc tiếp tục xử dụng nhu liệu điện toán của Hoa Kỳ trái phép mặc dù Trung Quốc đã thoả thuận chấm dứt tình trạng này. Cứ mỗi năm Hoa Kỳ lại phải khiếu nại và đòi Trung Quốc ký thoả ước mới. Tương tự như vậy, Chính phủ Bush đã ký một giác thư ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1993 cấm đoán buôn bán những sản phẩm do tù nhân sản xuất. Tuy nhiên tệ trạng này vẫn tiếp tục. Một số nghị sĩ và dân biểu Hoa Kỳ không hỗ trợ việc cho Trung Quốc hưởng thường trực quy chế mậu dịch bình thường vì Thoả Hiệp của chính phủ Clinton ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới đã không đề cập đến nhiều vấn đề mà những vị này đã yêu cầu giải quyết như việc bảo đảm Trung Quốc thực thi các thương ước, vấn đề vi phạm nhân quyền, quyền lợi công nhân, giảm bớt cán cân thương mại chênh lệch giữa hai nước, và việc cấm phổ biến võ khí nguyên tử và hoả tiễn. Bà Wallach nhận định là những công ty hợp quốc (multinational) có cơ sở tại Hoa Kỳ tranh đấu cho Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới chỉ cốt đòi Hoa Kỳ phải cho quốc gia này được hưởng thường trực quy chế mậu dịch bình thường vì trong trường hợp này những công ty hợp quốc trên sẽ nhập cảng hàng hoá của Trung Quốc dễ dàng hơn và việc tiếp thị những hàng hoá này trên đất Mỹ sẽ được liên tục.

Luật lệ (GATT Article 1) của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới đòi hỏi là các quốc gia hội viên của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới không được kỳ thị một hội viên khác trên căn bản phi thương mại như vấn đề nhân quyền, buôn bán võ khí nguyên tử chẳng hạn. Một điều luật khác (GATT article 3) cấm các quốc gia hội viên không được kỳ thị một sản phẩm vì suất xứ sản xuất của nó bất kể sản phẩm được chế tạo ở trong nước hay ở ngoại quốc. Trong thập niên vừa qua, những án lệ trong phạm vi GATT và Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới liên quan đến suất xứ sản xuất đã cấm luôn cả việc phân biệt cách thức sản phẩm được chế tạo ra làm sao. Nói rõ hơn, Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới ngăn cấm các quốc gia hội viên bài trừ những sản phẩm chế tạo bởi trẻ em, cưỡng bức lao động, hoặc kỳ thị các quốc gia hội viên khác vì chính sách nhân quyền, võ khí nguyên tử hoặc vì một lý do phi thương mại nào khác như vấn đề vi phạm môi sinh chẳng hạn. Như vậy một khi Trung Quốc được gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới, nếu Hoa Kỳ dùng biện pháp trừng phạt Trung Quốc về phương diện kinh tế hoặc muốn ưu đãi những quốc gia hội viên khác vì một lý do phi thương mại, là một quốc gia hội viên, Trung Quốc có thể kiện Hoa Kỳ trước Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới. Những cuộc biểu tình vĩ đại tại Seattle vào đầu tháng 12 vừa qua nhân Hội Nghị cấp bộ trưởng lần thứ ba của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới với đại diện của 135 quốc gia hội viên tham dự đã phản ảnh sự thiếu cảm ứng của tổ chức này đối với những vấn đề môi sinh, nhân quyền, và lao động.

Như vậy vấn đề chống đối hay ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới, cũng nhủ Việt Nam trong tương lai, không phải là không đòi hỏi những người làm chính sách một sự am tường về chính trị của khu vực Đông Nam Á và thế giới mà cả sự hiểu biết sâu sa về luật lệ thương mại quốc tế. Bà Wallach của Global Trade Watch đề nghị là Hoa Kỳ nên tiếp tục duyệt lại hàng năm quy chế mậu dịch bình thường với Trung Quốc như hiện nay hoặc chấp thuận quy chế này luôn năm năm với một kế hoạch chấp thuận cho Trung Quốc trở thành hội viên thiệt thụ khi hết khoảng thời gian này. Đến cuối hạn năm năm, Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ duyệt xét lại việc thực thi những thỏa ước với Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới, tiến bộ về việc giảm bớt chênh lệch về cán cân thương mại giữa hai nước, cải thiện về chính sách nhân quyền, lao động, võ khí nguyên tử và hoả tiễn.

Ông Stephen Rickard, Giám Đốc của văn phòng Hoa Thịnh Đốn của cơ quan Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) cho biết là chính sách của tổ chức Ân Xá Quốc Tế là không ủng hộ hay chống đối biện pháp trừng phạt về mậu dịch. Tổ chức của ông cũng không ủng hộ hay chống đối việc gia hạn quy chế mậu dịch bình thường cho Trung Quốc. Tuy nhiên ô. Rickard quả quyết rằng việc tranh luận về vấn đề nhân quyền hàng năm tại quốc hội rất là cần thiết. Cuộc tranh đấu cho nhân quyền cần cương quyết, liên tục và rõ ràng. Rõ ràng có nghiã là chúng ta sẵn sàng trả một cái giá để bảo vệ những nạn nhân mà nhân quyền của họ bị trà đạp. Thật là khó hiểu tại sao chúng ta lại có thể bảo vệ bản quyền tác giả (copyrights) dễ dàng hơn là bảo vệ quyền căn bản của con người (human rights). Cũng thật là khó hiểu tại sao chúng ta có một tòa án quốc tế có thể ra lệnh trừng phạt kinh tế để chế tài sự vi phạm chủ quyền của công ty Disney về “Little Mermaid” mà chúng ta không có một tòa án nào để trừng trị những chính phủ vi phạm quyền lợi của trẻ em.

Với chiến dịch tàn bạo chống những đệ tử theo chưởng phái Pháp Luân Công (Falun Gong) và chính sách đàn áp những người Tây Tạng, tín đồ Thiên Chúa Giáo và Uighers, Quốc Hội Hoa Kỳ có quyền nghi ngờ về một lập luận rằng gia nhập vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới sẽ đưa Trung Quốc sang một thời đại mới. Bà Charlene Barshefsky, Đại Diện về Mậu Dịch của Hoa Kỳ, đã tuyên bố “Chúng ta phải rất thực tế về triển vọng thay đổi tại Trung Quốc bởi vì quốc gia đó có những phần tử không bao giờ thay đổi cả... Tôi rất cẩn trọng trong việc đoan quyết rằng những thoả hiệp mở cửa thị trường sẽ mở thêm cái gì khác. Có thể có những hiệu ứng lan tràn ra ngoài (spillover effect) mà có thể không.” Từ nay cho đến khi Quốc Hội họp bàn về thoả hiệp với Trung Quốc tạo một cơ hội để chính phủ Clinton cần phải chứng minh xem chính sách giao ước (constructive engagement) có hiệu quả hay không. Ô. Rickard của tổ chức Ân Xá Quốc Tế đề nghị ba điểm sau đây Trung Quốc cần phải làm để chứng tỏ quốc gia này có biết theo luật pháp và thi hành những cam kết quốc tế hay không: (1) Điều tra lại tất cả những ngưới bị cầm tù vì bị kết án là phản cách mạng; (2) Dẹp bỏ hệ thống cải tạo bằng lao động; (3) Phê chuẩn hiệp ước về Nhân Quyền.

Ông Harry H. Wu, Chủ Tịch của nhóm Nghiên Cứu Chế Độ Lao Tù tại Trung Quốc (Laogai Research Foundation) trình bầy trước Ủy Ban Quốc Tế Vụ và Nhân Quyền của Hạ Viện rằng Hoa Kỳ ngày nay đứng trước hai ngả đường. Một đường là săn đón thị trường Trung Quốc, nói về nhân quyền nhưng chỉ hành động về thoả ước mậu dịch. Một đường khác theo đuổi chính sách ngoại giao nguyên tắc với Trung Quốc dựa trên giá trị và quyền lợi của Hoa Kỳ. Phần lớn Hoa Kỳ đã chọn đi con đường thứ nhất. Thoả ước Mậu Dịch Thế Giới là một mốc quan trọng trên con đường đó. “Cái gì tốt cho Wall Street thì cũng tốt cho nước Mỹ.” Tuy nhiên, chúng ta phải nhận thức rằng thoả hiệp này đã giúp cho giới lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc. Điều này thiếu khôn ngoan và không cần thiết. Trung Quốc tiếp tục xuất cảng những sản phẩm được chế tạo bởi cưỡng bức lao động. Trong 20 năm qua, lý thuyết “đồng Dollar cho Dân Chủ” đã thất bại. Nhân dân Trung Hoa sẽ có nhiều hàng hoá ở trong các tiệm để chọn lựa hơn, nhưng họ vẫn bị đe dọa bắt bớ, tra tấn, giam cầm vì quan điểm chính trị và tín ngưỡng. Đảng Cộng Sản Trung Hoa sẽ giầu có hơn và mạnh hơn nếu được gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới. Với quy chế mậu dịch bình thường thường trực, sẽ không còn gì ngăn cản giới lãnh đạo Trung Quốc lạm dụng chính nhân dân dưới quyền cai trị của họ. Một điểm quan trọng mà Quốc Hội Hoa Kỳ cần phải cứu xét là mối liên hệ mật thiết giữa sự thiếu thể chế dân chủ, chậm phát triển kinh tế và bành trướng quân sự củaTrung Quốc.

Bà Mary B. Markey, Giám Đốc Giao Dịch với Chính Phủ của Tổ Chức Chiến Dịch Quốc Tế cho Tây Tạng (International Campaign for Tibet) tin là Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới giúp tự do hóa và khai phóng kinh tế thế giới. Đó là một điều tốt. Tuy nhiên, tổ chức này cũng đã khuyến khích xây dựng một nền luân lý dựa trên sự giầu có của những đại công ty hợp quốc không chấp nhận nguyên tắc dân chủ, từ chối không nhận trách nhiệm nào về việc bảo vệ môi sinh, và không tôn trọng nhân quyền và chống lại quyền lợi lao động. Vì vậy mà tổ chức Chiến Dịch Quốc Tế cho Tây Tạng chống lại Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới trong tình trạng thiếu luật lệ kiểm soát như hiện nay và chống lại việc Trung Quốc gia nhập tổ chức này trong giai đoạn hiện tại. Tại Tây Tạng lao động trong tù vẫn được tiếp tục dùng để trong công tác sản xuất . Lao tù cải tạo vẫn tiếp diễn ngay trong các tu viện. Quốc Hội Hoa Kỳ và chính quyền Clinton cần phải đặt vấn đề nhân quyền như một điều kiẹạn trong việc thỏa hiệp với Trung Quốc về chế độ mậu dịch bình thường trong thời gian sắp đến.

Trên đây là ý kiến của những vị có mặt trong buổi điều trần. Lập trường của họ là chống đối việc cho Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới nếu quốc gia này không cải thiện tình trạng nhân quyền, chính sách lao động và vấn đề môi sinh. Tình hình bên ngoài, trong nội bộ Hoa Kỳ, không hẳn là như thế. Chính quyền Clinton ủng hộ việc cho thêm những điều khoản về môi sinh và lao động vào luật lệ của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới. Trên đường bay tới Seattle để tham dự hội nghị, để trả lời một cuộc phỏng vẫn của tờ báo the Seattle Post - Intelligencer, chính Tổng Thống Clinton đã tuyên bố là ông đồng ý áp dụng những biện pháp trừng phạt kinh tế để chế tài những quốc gia vi phạm các tiêu chuẩn lao động. Vấn đề nhân quyền hoàn toàn không được đề cập tới. Dân Biểu Philip M. Crane (Cộng Hòa, Illinois) đã chỉ trích Tổng Thống Clinton vì ông tuyên bố như trên mà phần nào đã làm cho cuộc thương thuyết tại Hội Nghị Seattle thất bại. DB Crane nói thêm là chính quyền Clinton cần tái xác định với các nước hội viên của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới rằng mục tiêu của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới là mở rộng thị trường, chứ không phải dùng những biện pháp trừng phạt kinh tế cho những mục tiêu phi mậu dịch. Trái lại, Thượng Nghị Sĩ Max Baucus (Dân Chủ, Montana) lên tiếng ủng hộ những người biểu tình tại Seattle. Ông nói là những ưu tư của họ về vấn đề môi sinh, lao động, và thực phẩm an toàn là chính đáng. Vấn đề nhân quyền cũng phải được thảo luận tới và trực diện (head on) giải quyết. TNS Baucus ủng hộ mạnh mẽ Trung Quốc và cả Đài Loan gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới. Ông đề nghị sửa đổi tu chính án Jackson/Vanik để cho phép Hành Pháp cho Trung Quốc hưởng thường trực chế độ mậu dịch bình thường, một điều kiện phải chấp thuận nếu muốn Trung Quốc trở thành một quốc gia hội viên của tổ chức này.
TNS Baucus cũng như nhiều chính khách và kinh tế gia khác quan niệm rằng chấp thuận cho Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới sẽ giúp quốc gia này gia nhập cộng đồng thế giới xây dựng trên căn bản pháp luật rõ ràng. Hơn nữa, việc Trung Quốc trở thành hội viên của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới sẽ giúp đẩy mạnh công cuộc cải cách kinh tế của quốc gia này. Quan trọng hơn cả vẫn là yếu tố là thị trường Trung Quốc với 1.3 tỉ dân sẽ mở cửa đón tiếp hàng hoá và dịch vụ Hoa Kỳ. Thương ước Hoa kỳ vừa ký với Trung Quốc rất đầy đủ, bao gồm tất cả các hàng hoá, mọi dịch vụ, và tất cả mọi lãnh vực về canh nông. Những luật lệ liên quan đến nhiều vấn đề như công ty quốc doanh, trợ cấp xuất cảng, đầu tư, nhập cảng tăng vọt bắt ngờ, bán phá giá, chuyển giao kỹ thuật, v.v. đều được hai bên thoả thuận. Trung Quốc sẽ giảm thuế nhập cảng trung bình từ 22.1 % xuống còn 17.0 %. Đối với nông phẩm, thuế nhập cảng sẽ hạ xuống còn khoảng 15%. Trung Quốc sẽ hủy bỏ trợ cấp xuất cảng, tất cả những hạn chế về số lượng nhập cảng (quotas, quantitative restriction). Về sản phẩm kỹ nghệ, Trung Quốc cho phép các công ty Mỹ được toàn quyền tự do buôn bán, phân phối, xuất nhập cảng trực tiếp mà không qua trung gian và đồng thời cung cấp những dịch vụ sửa chữa, bảo trì, và chuyên trở cho những hàng hóa sau khi đã bán ra. Về dịch vụ chúng ta cũng thấy các công ty Mỹ được phép hành nghề về nhiều ngành như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, giao thông, du lịch, chuyên chở, phân phối, v.v. Về dịch vụ internet cũng không có một hạn chế nào cả. Về những ngành khác như dịch vụ điện toán, cố vấn thương mại, kế toán, quảng cáo, và thông tin tài chánh, các công ty Mỹ sẽ được làm ăn dễ dàng hơn trước. Kỹ nghệ dệt vải và may quần áo của Hoa Kỳ là một trong một số ít ngành sẽ bị cạnh tranh nhiều hơn. Tuy nhiên chế độ hạn chế nhập cảng vải vóc quần áo của Trung Quốc vào thị trường Hoa Kỳ sẽ còn hiệu quả cho đến năm 2005 theo một thương ước riêng rẽ đã ký trước đây. Sau đó sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp bốn năm với biện pháp chống lại mức nhập cảng tăng vọt bất ngờ để giúp kỹ nghệ dệt Hoa Kỳ điều chỉnh với chế độ mậu dịch mới với Trung Quốc.

Thương ước giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tóm lược như trên nếu được đem thi hành đúng đắn sẽ đem lại một mỗi lợi to lớn cho cả hai giới thương mại và tiêu thụ Hoa Kỳ. Vì lý do đó mà chúng ta sẽ thấy trước sau gì Trung Quốc sẽ được Quốc Hội Hoa Kỳ chuẩn y cho gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới. Một tổ chức của thế giới mà lại không có Trung Quốc với 1.3 tỉ người tham gia thì không thể gọi là thế giới được. Ông Michael Moore của Tân Tây Lan, tân Tổng Giám Đốc của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới, đã tuyên bố như vậy. Sau những cuộc biểu tình dầm dộ ở Seattle, những sự lên tiếng bênh vực mạnh mẽ của những nhà vận động quốc tế tại các buổi điều trần tại Quốc Hội, rất khó cho những nhà lập pháp và hành pháp Hoa Kỳ có thể bỏ qua những vấn đề quan trọng như bảo vệ môi sinh, tiêu chuẩn lao động bao gồm việc xử dụng nhân công vị thành niên và tù nhân, thực phẩm an toàn, và nhân quyền được. Có thể một quy ước quốc tế sẽ được soạn thảo như Tổng Thống Clinton đề nghị để cứu xét một cách đứng đắn những ưu tư chính đáng này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.