Hôm nay,  

Quân Lãnh Đạo Đảng?

02/12/200000:00:00(Xem: 5095)
Cuộc viếng thăm của vị Tổng Thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam chỉ có những ảnh hưởng tâm lý và cũng phải chờ lâu mới thấm. Các nhà phân tích nói thế và tôi cũng thấy nhận xét như vậy là đúng. Nhưng ảnh hưởng tâm lý trong quần chúng đã có ngay tức khắc. Việc cả chục ngàn dân Hà Nội không ai kêu gọi hay bắt buộc mà nửa đêm kéo ra đường chào đón và cảnh đó cũng tái diễn đêm sau tại Saigon. Những phản ứng đó có nhiều ý nghĩa lâu dài, nhưng điều lạ lùng nhất, nó đã có ngay những hậu quả nghiêm trọng và mau lẹ trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam.

Vài giờ đồng hồ sau khi Clinton lên đường trở về Mỹ, báo Quân đội Nhân dân đăng ngay trên nhất một bài viết của Trung tướng Lê Văn Dung, Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân, báo động mối nguy "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù nghịch và quả quyết ban lãnh đạo quân đội sẽ "chỉ đạo toàn quân toàn dân" ra tay nghiền nát bọn diễn biến hòa bình trước khi chúng ngóc đầu lên. Con ngáo ộp diễn biến hòa bình từ lâu không được nói tới, nay Clinton vừa rời khỏi Việt Nam sau một cuộc viếng thăm thân hữu "bắc cầu", đột nhiên nó được dựng đứng trở lại như có phép lạ. Các nhà phân tích nói cuộc viếng thăm của Clinton và phản ứng của người dân thường ở Việt Nam đã làm các ông Cộng sản Hà Nội sợ. Vì thế phe bảo thủ có thể muợn cớ quật ngược đập nát phe đổi mới.

Trong cuộc tiếp xúc với hàng trăm sinh viên Hà Nội có truyền hình phổ biến cả nước, Tổng Thống Clinton đã nói với những người tuổi trẻ Việt Nam "chỉ có các bạn mới có thể quyết định đan những sợi tơ dệt tự do cá nhân và nhân quyền vào tấm thảm cấu trúc xã hội vững chắc và phong phú có đặc tích dân tộc Việt Nam". Câu nói bóng bẩy nhưng ai cũng thấy đó là một cái đẩy nhẹ có ý nghĩa sâu sắc. Clinton không xúi giục nổi loạn, nhưng hiển nhiên chỉ có tuổi trẻ mới làm được chuyện đó, chuyện biến đổi xã hội Việt Nam thành một xã hội có tự do có nhân quyền. Và ông còn nhấn mạnh cấu trúc đó vững mạnh và phong phú bởi vì nó không phải ngoại lai, nó thật sự của Việt Nam, có những nét đặc thù dân tộc tính Việt Nam. Nói như vậy khác nào bảo hãy bỏ cái cấu trúc xã hội của ý thức hệ cộng sản mà lấy lại mô hình xã hội truyền thống dân tộc.

Nhưng không thấy ông đảng nhà nước nào lên tiếng, chỉ thấy một ông tướng trực tiếp chỉ huy quân đội hăm he nghiền nát bọn diễn biến hòa bình, làm như thể Clinton đem bọn này đến rồi bỏ lại mai phục ở Việt Nam. Không thấy nói rõ "bọn diễn biến hòa bình" là ai, những người trong đảng hay ngoài đảng, người dân trong nước hay người ngoài nước" Dù sao khi chỉ có một ông tướng lên tiếng trước hăm he cũng là điều đáng chú ý, nhất là khi nhìn kỹ trong câu nói "ban lãnh đạo quân đội sẽ chỉ đạo toàn dân toàn quân" đánh diễn biến hòa bình, người ta thấy ngạc nhiên vô cùng. Theo cương lĩnh đảng Cộng sản, chỉ có đảng chỉ đạo "toàn dân toàn quân", nay ban lãnh đạo quân đội chỉ đạo toàn dân toàn quân, vậy ra quân đội đã đảo chính - nếu không trong thực tế ít ra cũng trong tư tưởng.

Đảng rất sợ quân đội có súng đảo chính nên trong cơ cấu tổ chức đảng cầm quyền cai trị vẫn có có Quân ủy hội Trung ương, nắm toàn quyền bố trí, điều động và chỉ huy như một Tổng tư lệnh tối cao. Chủ tịch Ủy hội này bao giờ cũng là Tổng bí thư đảng, Phó chủ tịch là một tướng lãnh cao cấp hiện dịch, thường là Bộ trưởng Quốc phòng coi như Tổng tư lệnh quân đội. Quân ủy hội hay Ban Quân sự trung ương của Việt Nam vẫn chìm lắng, không có tầm quan trọng nổi bật như trong thời chiến, nhưng hiển nhiên chủ tịch vẫn là tướng Lê Khả Phiêu. Có điều những ông tướng đã hồi hưu còn thế lực mạnh làm Cố vấn cấp cao như tướng Lê Đức Anh hay tướng Đoàn Khuê trong bộ Chính trị trên thực tế lại có thế lực hơn cả Quân ủy hội.

Báo Quân đội Nhân dân thường là tiếng nói của các thế lực bảo thủ, phần lớn nằm trong hàng ngũ tướng lãnh. Vậy có những ông tướng nào trong Quân ủy hội chống lại việc mời Clinton qua thăm" Người ta chỉ biết đảng đã đồng ý qua sự chấp thuận của bộ Chính trị đại diện Trung ương đảng. Trước hết là tướng Lê Khả Phiêu trên danh nghĩa phải đồng ý, nhưng vị Tổng bí thư kiêm Chủ tịch quân ủy hội này chỉ là người phải dựa theo ý của người khác chớ không có quyền quyết đoán.

Dù vậy có điều rõ rệt là sau khi Clinton ra về, không phải ông tướng nào cũng đồng ý coi bọn diễn biến hòa bình là hiểm họa. Có một sự trùng hợp lạ lùng, cùng ngày có bài báo của Lê Văn Dung đăng trên tờ Quân đội Nhân dân, báo nhà nước Tuổi Trẻ loan một lời tuyên bố của Thượng tướng Lê Quang Bình nói tham nhũng mới là hiểm họa hăm dọa làm sụp đổ chế độ. Tướng Bình nói: "Không có thế lực thù nghịch nào có thể làm sói mòn niềm tin của nhân dân đối với đảng và nhà nước. Chỉ có bọn tham nhũng mới làm mất niềm tin đó. Nếu không chặn nó ngừng lại, nó có thể làm ung thối toàn bộ lý tưởng xã hội, gây khốn khổ cho nhân dân và làm chế độ sụp đổ". Như vậy là rõ có hai phe. Một phe tướng nói hiểm họa là "diễn biến hòa bình". Một phe tướng khác nói hiểm họa là tham nhũng. Nhưng tướng Bình không chỉ huy quân đội, ông ta chỉ là Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong Quốc hội. Và Quốc hội chỉ là tổ chức duới đáy tận cùng của cấu trúc trung ương, cho dến nay nó chỉ có nhiệm vụ khả kính là gật đầu và đóng triện.

Người ta đã thấy tấm thảm dệt cơ cấu đảng và nhà nước đang có rạn nứt, không phải chỉ có một đường ngang hay dọc mà chằng chịt tứ phía hăm dọa nát thành nhiều mảnh nhỏ. Và đại hội đảng cũng đã gần kề.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.