Hôm nay,  

Phái Đoàn Tới Mỹ Họp: Xin Vô Wto, Miễn Nhân Quyền

17/03/200400:00:00(Xem: 4588)
Washington DC (Tin riêng Việt Báo - Hạnh Dương ghi) -- Một giới chức ngoại giao Hoa Kỳ phát biểu ẩn danh hôm thứ ba cho Việt Báo biết rằng hiện có một phái đoàn cao cấp của CSVN đến Hoa Kỳ "họp mật và đi đêm" để nhờ Chính phủ của TT Bush giúp đưa VN Cộng Sản vào tổ chức Thương Mại Quốc Tế WTO mà không phải bị ràng buộc về bất cứ điều kiện nhân quyền hay dân chủ gì cả.
Phái đoàn nầy quy tụ đại diện của một số Bộ và hướng dẫn bởi một tổ chức của CSVN gọi tắt là NCIEC. NCIEC là chữ viết tắt của tên gọi "The National Committee for International Economic Cooperation of Vietnam" (Ủy Ban Quốc Gia về Hợp Tác Kinh Tế Quốc Tế của Việt Nam) do Phó Thủ Tướng CSVN Vũ Khoan trực tiếp điều hành và trực thuộc chính phủ Trung Ương Hà Nội.
Nhân vật cho tin nói rằng, cách đây lối hơn 10 năm, các đại công ty của Hoa Kỳ đã cho thành lập một tổ chức mang tên "The U.S. - Vietnam Trade Council" (Hiệp Hội Thương Mại Mỹ-Việt) đặt bản doanh tại Washington DC nhằm bành trướng thương mại qua Việt Nam.
Tổ chức nầy đã hỗ trợ mạnh mẽ cho việc bình thường hóa quan hệ Mỹ và CSVN và sau đó thúc đẩy việc ký kết Hiệp Ước Thương Mại Song Phương giữa Hoa Kỳ và CSVN. Các đại công ty Hoa Kỳ đã thuê bà Virginia Foote, làm Tổng Giám Đốc Điều Hành tổ chức Hiệp Hội Thương Mại Việt Mỹ nầy. Đại sứ HK đầu tiên sau khi Cộng Sản Bắc Việt chiếm Miền Nam là ông Pete Peterson (có vợ gốc Việt là bà Vy Trần) sau khi mãn nhiệm kỳ ở Việt Nam trở về, đã được tổ chức "Hiệp Hội Thương Mại Mỹ-Việt" nầy mời làm Chủ Tịch.
Nhân vật cho tin nói rằng, sau khi Hiệp Hội Thương Mại Việt-Mỹ thành công trong việc thu xếp với chính phủ của TT Bush ký mua của CSVN số lượng 70.000 tấn gạo để chuyển cho Iraq, và nay tiếp tục mua thêm 150.000 tấn khác cho Iraq mặc dù có sự phản đối của các nông dân và Hiệp Hội Lúa Gạo Hoa Kỳ; thì nay Hiệp Hội Thương Mại Việt-Mỹ đang hợp tác với Phó Thủ Tướng Vũ Khoan và chính quyền Trung Ương Hà Nội để tổ chức một cuộc hội nghị đặc biệt từ ngày 07-3-2004 đến 20-3-2004 tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và tại Nữu Ước. Hội nghị nầy được mang tên "Education Forum" (Hội nghị Giáo Dục) nhưng theo nhân vật cho tin nói rằng, "thực chất là vận động phía chính phủ Hoa Kỳ và các nhà tư bản chấp thuận viện trợ kinh tế không điều kiện cho Việt Nam và hỗ trợ đưa CSVN vào WTO mà không phải bị ràng buộc với bất kỳ điều kiện nhân quyền hay dân chủ gì tại nội địa Việt Nam như các nhà lập pháp Hoa Kỳ, Quốc Hội Châu Âu hoặc các tổ chức cộng đồng người Việt tỵ nạn trên thế giới đang đòi hỏi". Đài thọ toàn bộ chi phí cho chương trình nầy, kể các chuyến đi lại giữa Hoa Kỳ và VN của những người từ phía Mỹ, cũng như cho toàn bộ phái đoàn VN đến họp tại Mỹ từ 07 đến 20-3-2004 là do ngân sách của quỹ Ford Foundation trang trãi.
Theo danh sách được cung cấp cho Ký giả Hạnh Dương thì phái đoàn nầy đã đến Hoa Thịnh Đốn và đã họp kể từ ngày 07-3-2004 tại Trung Tâm Luật của Trường Đại Học Georgetown University ở Washington DC. Sau phiên họp 1 tuần lễ, phái đoàn sẽ gặp gỡ một số các tổ chức chính quyền, tư bản, tài chánh ở Thủ Đô Hoa Thịnh Đón và tiếp đó là tại New York và kết thúc vào ngày 20-3-2004. Sau đây là danh sách phái đoàn CSVN gồm :
1. Nguyễn Sơn, Trưởng Phái Đoàn, là Phó Tổng Giám Đốc của tổ chức NCIEC của Hà Nội .
2. Phan Tâm, Phó Tổng Giám Đốc Sở Hợp Tác Quốc Tế thuộc Bộ Bưu Điện và Viễn Thông (Deputy Director General, International Cooperation, Ministry of Post and Telematics).
3. Nguyễn Thị Quỳnh Nga, nữ Cán bộ, Sở Chính Sách Thương Mãi đa phương, Bộ Thương Mại Hà Nội (Official, Multilateral Trade Policy Department, Ministry of Trade).
4. Nguyễn Hồng Bắc, nữ Cán bộ, Sở Hợp Tác Kinh Tế Đa Phương, Bộ Ngoại Giao (Official, Multilateral Economic Cooperation Department, Ministry of Foreign Affairs).
5. Nguyễn Thị An Giang, nữ Cán bộ, Sở Công vụ Hải Quan, Tổng Cục Hải Quan (Offical, Custom Duties Department, General Department of Customs).
6. Nguyễn Thị Hồng, nữ Cán bộ, Sở Kế Hoạch, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn (Official, Planning Department, Ministry of Agricultural and Rural Development).

7. Nguyễn Minh Tiến, Cán bộ, Sở Hợp Tác và Phát Triển Nông Thôn, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thông (Official, Department of Cooperative and Rural Development, Ministry of Agricultural & Rural Development).
8. Lê Thị Hương Giang, nữ Cán bộ, Văn phòng của Tổ Chức NCIEC.
9. Dương Phương Thảo, nữ Cán Bộ, Sở Chính Sách Thương Mại khu vực Âu Châu và Mỹ Châu, Bộ Thương Mại (Official, Department of Trade Policy for Europe and America, Ministry of Trade).
10. Phạm Hồ Hương, nữ Cán bộ, Sở Pháp Luật Quốc Tế, Bộ Tư Pháp (Official, Department of International Law, Ministry of Justice).
11. Phạm Thị Phương, nữ Cán bộ, Sở Pháp Chế, Bộ Giao Thông Vận Tải (Official, Legal Department, Ministry of Transportation).
Nhân vật cho tin nói rằng, "sau khi phe đối lập thắng cử tại Tây Ban Nha và tân chính phủ Tây Ban Nha có thể đơn phương rút quân khỏi Iraq; thì việc Hoa Kỳ cần liên kết với Việt Nam cho sự ổn định tại Đông Nam Á nói riêng và Á Châu nói chung là cần thiết để chống khủng bố. Tuy nhiên sự liên kết nào cũng nên xét tới hạnh phúc và an sinh của người dân. Mới đây sau khi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho mời các lãnh tụ cộng đồng người Hmong tỵ nạn tại Mỹ đến để cảnh báo nếu ai tiếp tục hỗ trợ lực lượng kháng chiến Hmong chống lại Cộng Sản Lào thì sẽ bị bắt vì vi phạm luật pháp Hoa Kỳ.. Chỉ vài tuần sau cảnh báo nầy thì Cộng Sản Lào đã tấn công giết hại nhiều người Hmong và vài trăm chiến binh Hmong từng là Biệt Kích của Mỹ đã ra quy hàng, bị bắt bớ, trả thù. Nay với tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam, nếu tổ chức "họp kín, đi đêm" để vận động viện trợ cho CSVN và hỗ trợ đưa Việt Nam Cộng Sản vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO mà không cần đặt điều kiện về nhân quyền và dân chủ tại VN thì tới đây sẽ giúp CSVN đối xử tàn tệ hơn nữa với người dân của họ, nhất là các lãnh tụ nhân quyền và tôn giáo, cũng giống như Cộng Sản Lào đang có dịp đối xử với đồng bào Hmong vậy".
Nhân vật cho tin cũng nói rằng, "chúng tôi ngạc nhiên thấy rằng có những nhân vật lãnh đạo uy tín trong cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ rất hăng hái hô hào phải tranh đấu đòi hỏi điều kiện nhân quyền khi viện trợ kinh tế cho Việt Nam hay khi đưa Việt Nam vào WTO.. nhưng thực sự trong bóng tối, chính họ là kẻ đang tổ chức cuộc hội thảo đi đêm vận động các nhà tư bản, hành pháp, lập pháp Hoa Kỳ viện trợ không điều kiện cho CSVN và hỗ trợ đưa Việt Nam Cộng Sản vào WTO mà không cần bất cứ điều kiện thực thi nhân quyền, dân chủ nào cả tại VN."
Nhân vật nầy chỉ ra rằng, có một Giáo sư người Mỹ gốc Việt có uy thế trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt vừa mới đi Việt Nam họp với Hà Nội trở về. Sau đó có lên tiếng phát biểu về nhân quyền cách nay vài tuần lễ, nhưng hiện đang là nhân vật trong việc thu xếp cuộc hội thảo đặc biệt tại Trung Tâm Luật của Trường Đại Học Georgetown University tại Washington DC. Cựu TT Mỹ Bill Clinton từng tốt nghiệp tại Đại Học nầy... Người cho tin không nói tên nhưng theo ghi nhận của Việt Báo thì tại Viện Đại Học Georgetown ở Hoa thịnh Đốn có Giáo sư Đinh Việt đang dạy tại khoa Luật (xin xem Website có hồ sơ của Giáo sư Đinh Việt tại http://www.law.georgetown.edu/curriculum/tab_faculty.cfm"Status=Results&Detail=Defined). Giáo sư Đinh Việt từng là Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ từ năm 2001 đến 2003. Trong Website của Trường Đại Học Georgetown ghi Giáo Sư Đinh Việt là Giáo sư Luật, hiện là Phó Giám Đốc tại Law Center của Trường Đại Học Georgetown University đặc trách Luật Châu Á và Chương Trình Những Nghiên cứu về Chính Sách (Viet D. Dinh, Professor of Law; Deputy Director, Asian Law & Policy Studies Program). Giáo sư Đinh Việt mới đây cũng đi Việt Nam về và cũng có các lời tuyên bố rất chống Cộng Sản và hô hào buộc CSVN thực thi dân chủ, nhân quyền. Có lẽ Giáo Sư Đinh Việt, có thể biết được tin tức về phiên họp của phái đoàn NCIEC của CSVN do đích thân Phó Thủ Tướng CSVN Vũ Khoan chỉ đạo họp tại Law Center của Đại Học Georgetown chi tiết hơn.
Việt Báo đang theo dõi tin này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.