Hôm nay,  

Tình Người Ở Úc Châu

19/05/200100:00:00(Xem: 7124)
Đến Úc châu, từ ngày có tuần báo Sàigòn Times, tôi chỉ mong đến ngày thứ Sáu của mỗi tuần để đọc say mê cuộc thi viết về đề tài "Người Việt trên đất Úc".

Tôi - Sáu Lửa [biệt danh do bạn gái của tôi đặt, cái tên "nóng bỏng" từ Việt Nam, mỗi khi tôi nổi giận, (tuy cùng bạn gái với nhau) - với một trong số bạn gái của tôi]. Vẫn là bạn gái, tôi cảm thấy ngứa ngáy, "vắt chân lên cổ" - viết ngay ít giòng tâm sự nóng hổi cùng độc giả Sàigòn Times, mong tất cả quý vị độc giả thân kính, tha thứ cho những lỗi lầm của Sáu Lửa tôi - khi tôi viết những giòng này.

Vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, Sáu Lửa tôi đang ôm nhiều mộng đẹp, nhất là mộng "gõ đầu trẻ", nên trong thời gian qua, ngoài giờ học thường ngày ở trường, tôi còn theo học lớp sinh ngữ Anh văn tư với một giáo viên khó tính, thẳng tay mắng nhiếc khi trò nào lúng túng không trả lời được một câu Anh văn khó hiểu. Tôi cố gắng học Anh văn hy vọng sau này có dịp có tiền xin xuất ngoại cho thỏa chí giang hồ.

Cuối tháng 4 năm 1975, miền Nam Việt Nam thất thủ làm Sáu Lửa tôi vỡ mộng, cha tôi, là một công chức, thất nghiệp, cho nên mẹ tôi cùng anh em chúng tôi phải tìm việc làm ngay để sinh sống. Nhờ người quen giới thiệu, tôi xin làm nhân viên hợp tác xã tiêu thụ. Được ít lâu, thấy không khá, tìm được việc khác, nay đây mai đó cũng chẳng sao, bắt chước thiên hạ, tôi có ý định vượt biên, khi có cơ hội. Sáu Lửa tôi liền tìm đến nương nhờ gia đình anh Ba tôi ở Cà Mâu, nghe nói dễ xuất ngoại hơn. Họ bên vợ anh Ba tôi, gốc người Triều Châu, trong gia đình thường gọi mẹ là "Úm", chú là "Chệt", chị là "Chế", chị dâu là "Số" và anh là "Hia". Vậy là anh Ba tôi được bên vợ tặng cái tên "Hia Chín" (theo thứ tự của vợ anh), lúc đó đã có nhà riêng, nhờ bố vợ khá giả tạm cấp cho ở. Phía sau nhà, gần kinh sáng, có vài sào đất tốt để trồng rau và hoa màu để tự mưu sinh, nuôi vợ con. Gặp mùa dưa leo hay đậu bắp.... tôi và vợ chồng anh Ba lo trồng trọt, lấy nước từ kinh sáng lên tưới cây. Khi có kết quả, hoa màu được chở trên ghe nhỏ đem ra chợ bán, cách đó khá xa.

Đôi khi nhàn rỗi, Sáu Lửa tôi, tuổi Bính Thân, cũng muốn tìm hiểu tương lai, liền tìm đến thầy bói để xem thời vận. Hai thầy bói đều nói: Bính thuộc Dương, biến hành chữ "Tù", mạng Hỏa, là con gái (âm) nhưng lại cả quyết, nóng nảy đôi khi như con trai. Tuy vậy ngoài 40 tuổi, sẽ khá giả như ai, tiền dư, thóc mục. Lúc đó tôi chưa tin, nhưng sau lần định vượt biên, chưa ra đến nơi đã bị bắt, bị giam ở Cây Dừa, bị cùm chân, may nhờ bạn gái cứu giúp đỡ khổ, mới thấy lời thầy bói đúng là "Bính biến thành Tù". Sau một thời gian được thả ra, Sáu Lửa tôi lại dậy thêm Anh văn sơ cấp cho các em nhỏ học vỡ lòng và dậy tiếng Việt cho những em chưa đi học. Ý định vượt biên tôi vẫn không chịu rời bỏ, hận vì bị đi tù,...Năm năm sau, anh chị Ba tôi và đứa con trai đầu lòng đã hai tuổi, được người nhà cho mượn vàng (gởi trả sau khi tới nước ngoài làm có tiền), vượt biên trót lọt, tới được giàn khoan dầu gần Mã Lai, sau đó tới đảo, đợi phỏng vấn để đến nước thứ ba. Nhận được thư anh Ba tôi, tôi càng nóng nảy hơn nữa. Ba năm sau, nhờ quý nhân giúp (cũng cho trả nợ khi ở nước ngoài làm ăn khá). Sáu Lửa tôi may vượt biên trót lọt không bị cướp của... tới đảo ở trại Galang, sau chuyển sang trại Sangesi Besi. Thời gian này nhờ anh Ba tôi giúp đỡ thêm ít tiền, nên cuộc sống của tôi ở trại tỵ nạn cũng dễ chịu. Tôi được làm việc cho văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, nhận dạy đánh máy chữ, có dịp giao thiệp nên tiếng Anh của tôi được thực tập khá hơn trước. Trải qua hai năm khó khăn khi được phỏng vấn, đến khi anh Ba tôi tới Úc châu, bảo lãnh cho tôi, tôi mới tới được thành phố Melbourne, nơi dân cư đông đúc, khí hậu thay đổi ngày 3 lần, người đông khoảng gần 5 triệu.


Xuống máy bay, tôi ngơ ngác nhìn phi trường rộng lớn, nhiều chuyến đi ngoại quốc, tôi mới cảm thấy nhà quê. Được xe đón về đến city, trung tâm của thành phố, thấy xe điện đi lại liên tiếp, người từ ga xe lửa ra đi, như mắc củi, cửa hàng trưng bày đẹp đẽ và sang trọng.

Ở tại nhà anh chị Ba tôi, ba hôm sau, đọc báo Việt, trong mục 'Rao vặt', tôi tìm được việc làm, bán bánh mì cho một tiệm ở Coburg, phía Bắc Melbourne. Nhờ biết khá tiếng Anh, nên tôi giao thiệp dễ dàng với người mua hàng. Một thời gian, vẫn làm nghề bán bánh mì các loại cho người Úc và sắc tộc khác, tôi lại đổi về Saint Albans, tận cùng đường xe lửa, xuất phát từ ga chính Flinder St. Station. Tiếp đến đường xe lửa này là loại xe lửa chạy dầu cặn V/L chạy về ngoại ô, không cần dây điện. Khi bán bánh mì cho thiên hạ, tôi tìm hiểu, mới biết nghề làm bánh mì thật vất vả, chủ tiệm phải còn thanh niên hoặc dưới 50 tuổi, có sức khỏe, hàng ngày thức dậy từ 1 giờ đêm, đi xe hơi đến cửa hàng, mở cửa cho người thợ phụ vào, xem lại bột ủ chiều hôm trước đã sắp nở chưa, tính toán sao cho vừa khi bột nở lấy bột ra, cho vào máy cán ra thành từng ổ tròn gần bằng bàn tay, cho vào máy lăn thành hình bánh hơi dài hay ngắn, xếp vào vỉ sắt thưa, đặt vào xe. Mỗi lò bánh mì (đốt bằng điện hay bằng gas) vặn số độ nóng. Khi bánh được, có tiếng còi tít tít, liền mở lò, dùng bao tay dầy lót tay, kéo bánh chín ra, đóng tiếp để mẻ bánh khác chín sau. Bánh chín vừa dở ra, xếp vào các khoanh riêng để bán. Có gần 10 loại bánh mì khác nhau, có loại nhỏ, to, vừa dùng ăn trưa vừa dùng ăn tối, sandwich, bánh kiểu Pháp....Tuần lễ 7 ngày, ngày nào cũng làm bánh mì, rồi bán bánh mì nên chủ nhân nhiều khi mệt mỏi. Tuy thu vào bạc cắc, có khi phong lưu, bán hết bánh, khi ế, làm bánh mì khô bán rẻ. Trong mục Rao Vặt ở báo Việt đăng nhiều nơi: "Sang lò bánh mì", "cần thợ phụ", "cần các bà, các cô bán bánh mì" nhiều đủ thấy nghề này không bền lâu, chủ nhân thường làm một thời gian rồi kiếm việc khác nhàn hơn.

Đôi khi thay "ca", Sáu Lửa tôi được nghỉ ngơi, liền đi đến gần ga xe lửa chính Flinder St. Station, đi qua các ngân hàng Commonwealth, ANZ, Westpac, National... nhìn người xếp hàng để lãnh tiền ở máy tự động phía ngoài. Qua tiệm McDonald's mới thấy dân Úc và các sắc tộc ưa ăn các loại bánh có thịt băm (Hamburger), chip, và Coca cola, mỗi phần trên dưới 3 Úc kim, rẻ, nhẹ nhàng mà no bụng. Từ trên xe điện (tram) đi đến khu Richmond hay khu Footscray, khu đông người Việt và người Hoa, một số có cửa tiệm ăn, hoặc bán các loại trái cây, thực phẩm Á châu như giò lụa, chả cá, chả heo chiên.... Ngoài ra còn có văn phòng nha sĩ, bác sĩ người Việt đông khách, vì không phải nói tiếng Anh. Tại đây, người Úc khi đi ăn tiệm Việt, Hoa, họ cũng biết tập dùng đũa, và thích thú vì các món ăn đa dạng lại rẻ tiền. Hai khu trên có bày bán các báo Việt xuất bản hàng ngày, hàng tuần như VL, DV, Tivi VIc, Tivi TS, và SGT mà độc giả ưa thích.

Một ưu điểm của Úc châu nữa là người Việt, Trung Hoa hay các sắc tộc mới định cư tại Úc được đi học trường Anh ngữ AMES (Adult Migrant Education Service) đủ 510 giờ miễn phí. Nếu vì lẽ gì bỏ ngang, lại tiếp tục học.

Ngoài ra còn có các trường dậy nghề TAFE, dạy Anh văn cho người sắc tộc và cho người Việt. Về Đại học, có đủ các trường như mọi nước khác như Y, Nha, Dược... Úc còn có hệ thống Medicare, Health care card, pension card, chi phí khám bệnh dân chúng không phải trả tiền và nếu lợi tức thấp thì mua thuốc chỉ phải trả một số nhỏ còn lại chính phủ trả giúp.

Mỗi tiểu bang đều có trụ sở Cộng Đồng Người Việt Tự Do, do nước Úc đài thọ chi phí về trụ sở, điện nước, nhân viên - mục đích là để giúp đỡ người Việt làm giấy tờ, khi làm giấy tờ với Centrelink, trụ sở Cộng Đồng Người Việt Tự ở khu Footscray cho mượn phòng để mở lớp Anh văn bổ túc, do các thanh niên Mỹ theo đạo Tin Lành gốc ở Ohio hay các tiểu bang khác nói và viết được tiếng Việt, thiện nguyện dạy Anh văn bổ túc cho người Việt, thay đổi nhau hai năm một. Ở đây còn có hội Cao Niên Đông Dương, gồm nhiều chi nhánh và cư xá cao niên Mékong, có phòng ngủ riêng cho các sắc tộc và người Việt già gặp khó khăn về tài chánh, gia cảnh hay sức khỏe mà không thể sống một mình được. Trọ ở cư xá này chỉ đóng khoảng 80% trợ cấp già được lãnh của Centre Link - có thể ở luôn tại cư xá, ăn và ở, có sách, truyện để giải trí, có nhân viên giúp đỡ. Hội Cao Niên Đông Dương năm rồi có tổ chức đi thăm Trung quốc, thăm Vạn Lý Trường Thành (xây từ đời Tần Thủy Hoàng) và các thắng cảnh đẹp nổi tiếng ở Tô Châu, Hàng Châu, có nhân viên của hội đi theo, biết tiếng Hoa giải thích.

Đài phát thanh SBS tại Úc châu, phát thanh ngày 2 lần hoặc một lần phát thanh nhiều thứ tiếng ngoại quốc, ngoài tiếng Anh, Hoa và Việt, ngoài tin tức thời sự thế giới, Úc và Việt Nam còn có các mục đa dạng như: khoa học và đời sống, giáo dục, y tế, người Việt khắp nơi tìm hiểu về nước Úc, giải đáp về thuế vụ, về pháp luật phổ thông... rất ích lợi cho người Việt hải ngoại. Các báo Việt xuất bản hàng ngày, hay hàng tuần, mỗi báo có mục đặc biệt khác nhau như: thi ảnh đẹp, thi hoa hậu ảnh đẹp, phong thủy. truyện ngắn, y học... và các mục rao vặt...Nghiệp đoàn Úc châu bênh vực cho các giáo viên, thợ mỏ, phu bốc vác tại bến tầu... đòi tăng lương khi chính phủ quên nghĩ đến họ.

Người Úc có những thú vui lành mạnh về tinh thần như khi rảnh rỗi tới đường Bourke, gần city có các công chức tấp nập đi làm, được nghe cô gái mù biểu diễn phong cầm (accordeon), ông già thổi saxo, chàng thanh niên Á châu biểu diễn vĩ cầm (violin) hoặc dương cầm (piano). Thiên hạ lắng nghe những bản nhạc cổ điển nổi danh như Giòng Sông Xanh (The Blue Danube) của nhà soạn nhạc thành Vienna, Johan Straus, Bản Nhạc Sầu (Tristesse) của nhà soạn nhạc Ba Lan Chopin, nổi tiếng khi bỏ quê hương qua Pháp, với mối tình dang dở với nữ sĩ Pháp George Sand đã được quay thành phim.

Thư viện của Úc gồm các sách in đủ loại về chuyên môn, tiểu thuyết, có các sách in của các sắc tộc không nói tiếng Anh như Pháp, Nam Dương, Iraq, Trung Hoa, Hy Lạp, Ai Cập... và Việt Nam có sách, truyện, tiểu thuyết của Cổ Long, Lỗ Tấn, Quỳnh Dao và nhất là Kim Dung dịch sang tiếng Việt do Hàn Giang Nhạn, Thương Lan, Liêu Quốc Nhĩ, một số được quay video ở Hồng Kông, Đài Loan, nói tiếng Việt do người Chợ Lớn phát âm lơ lớ là lạ.

Tình thương của Úc Châu với dân Úc và sắc tộc khác, trong đó có người Việt, thật là bao la, rộng rãi, khiến mọi người đều cảm động, mến mộ, trong đó có những phụ nữ độc thân, không có chồng chính thức, được lãnh phụ cấp "single mother" cao hơn phụ cấp thất nghiệp, hầu giúp cho Úc châu tăng thêm dân số mau chóng hơn. Gia đình Việt, có con học trường Úc, có khi biết ít tiếng Việt, đã trò chuyện, cãi nhau bằng tiếng Anh cho nhanh chóng với nhau đỡ mất công suy nghĩ, tìm tiếng Việt.

Trên 20 năm định cư tại Úc châu vài phụ nữ Việt đã chính thức kết hôn cùng thanh niên Úc, quen biết nhau vì là bạn hay bạn học. Có đám cưới thanh niên Úc với thiếu nữ Việt, thực hiện tại Việt Nam, có họ nhà trai toàn là người Úc chứng giám, có chụp ảnh làm kỷ niệm. Trẻ con Việt-Úc biết chạy, nhảy tại các công viên Úc, chơi đùa với trẻ con Úc và sắc tộc vui vẻ, đề huề. Trên xe điện hay xe lửa, xe bus cũng có những đôi tình nhân nam nữ hoặc vợ chồng nam nữ Úc và sắc tộc khác âu yếm nhau thật tình tứ, thản nhiên, dưới mắt cũng thản nhiên của thiên hạ.

Kết luận, Sáu Lửa tôi xin sơ lược kể nhiều cái hay, có vài cái dở (như casino, bài trừ ma túy...)người Việt gặp trên đất Úc, mong quý vị độc giả tha thứ cho những điều sơ sót. Mong thay.

Khánh Hòa
Melbourne - VIC

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.