Hôm nay,  

Vn Tái Cấu Trúc Kinh Tế Bằng Phương Thức Phi Cộng Sản

17/11/200200:00:00(Xem: 4002)
Không mấy ai chối cãi Trung Quốc là ngôi sao đang lên của thế giới, và không mấy khi nhà cầm quyền xứ này bỏ lỡ cơ hội đề nhắc mọi người nhớ tới điều đó. Tuy vậy, hiện nay, Trung Quốc đang gặp một quốc gia cạnh tranh, và đó là Việt Nam. Kinh tế Việt Nam đang gia tăng 7% trong lúc này, và các cải cách đang được xúc tiến có dấu hiệu tốt cho việc gia tăng sản lượng nhanh chóng vào những năm tới. Trong thập niên 1990, Việt Nam tăng 8.6%, và đang có cơ may trở lại mức đó.
Theo ông John Shrimpton, một giám đốc của công ty đầu tư Dragon Capital, tất cả những gì Việt Nam cần ngay trong lúc này là sự chú ý của giới đầu tư thế giới.
Thật ra, giới này đã chú ý tới Việt Nam trước đây, nhưng chẳng mấy khi được thành công. Nhớ lại năm 1986, họ đã đổ vốn rất nhiều vào Việt Nam, khi quốc gia này mở cửa kinh tế với thế giới. Trong 10 năm sau đó, nhờ vốn ngoại quốc, tổng sản lượng nội địa đã tăng gấp đôi, lên đến 30 tỷ mỹ kim. Nhưng rồi, mái nhà bỗng dưng gần như sụp đổ, và giới đầu tư bỏ chạy.
Bộc phát kinh tế của Việt Nam từng đạt tới tuyệt dỉnh năm 1996, khi số đầu tư trực tiếp từ ngoại quốc trong một năm lên đến 8 tỷ mỹ kim. Suy đoán sự chuyển hướng của Việt Nam từ kinh tế tập quyền Cộng Sản sang thị trường tự do sẽ làm xứ này trở thành Con Cọp Á Châu tới đây, giới đầu tư bỏ tiền mua cổ phần của càng nhiều doanh vụ càng tốt.
Nhưng, có hai điều đã làm hỏng việc. Thứ nhất: người ngoại quốc đã mở mắt, thấy kiếm lời ở Việt Nam không dễ như họ tưởng, tiền bỏ ra để chi tiêu nhiều hơn để sanh lợi. Khi biết được quan liêu trong giới cầm quyền, mập mờ và chậm tiến trong hệ thống luật pháp gây khó khăn cho họ, thì đã quá muộn. Họ bị lỗ nặng.
Thứ hai: khủng hoảng tài chánh Á Châu. Vốn đầu tư bị rút khỏi Á Châu cuối thập niên 1990 nhanh hơn khi được bỏ vào hồi đầu thập niên. Các ngôi sao kinh tế như NamDương, Mã Lai Á, Nam Hàn và Thái Lan bỗng trở thành sao băng trong vòm trời đầu tư. Việc xô nhau chạy này có nghĩa là vốn đầu tư bị rút khỏi tất cả các lãnh vực kinh tế trong vùng, không phân biệt lãnh vực nào có bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng hay không.

Việt Nam chưa bao giờ hồi phục hoàn toàn. Với 1.5 tỷ mỹ kim trong năm 2001, vốn đầu tư trực tiếp từ ngoại quốc thua hẳn con số 5 năm trước đó. Với các thị trường ở Mỹ, Nhật và Âu Châu đang lảo đảo trong cảnh trì trệ toàn cầu, giới đầu tư không mấy thèm đến kinh tế đang phát triển.
Nhưng bây giờ - theo ông Jonathon Waugh, phó tổng giám đốc công ty chứng khoán ACB Securities, một trong 9 môi giới có giấy phép ở Việt Nam - Việt Nam đang có một số thay đổi như: công bố Luật Kinh Doanh nhằm giảm bớt trở ngại cho giới doanh thương, tạo dựng một thị trường chứng khoán năng động, các biện pháp gia tăng đầu tư, và nỗ lực gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới.
Tuy nhiên, cũng chưa hẳn mọi việc đều có dấu hiệu tốt. Tham nhũng vẫn là một trở ngại cho cải cách kinh tế. Chậm chạp trong cải biến các công ty quốc doanh, và nạn nghèo khổ, là những mối quan ngại khác. Hiện lợi tức hàng năm tính theo đầu người tại Việt Nam chỉ ở mức 400 mỹ kim. Giới trung lưu đang tăng, nhưng không được nhanh.
Dẫu sao, giới quan sát đặc biệt ghi nhận: Việt Nam đang lặng lẽ tái cấu trúc kinh tế bằng những phương thức phi Cộng Sản, như việc dành thêm quyền lực cho lãnh vực tư doanh. Việc coi trọng các doanh vụ không do chính phủ quản lý này phát xuất từ thời Thủ tướng Khải còn làm Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân T.P. Hồ Chí Minh, trung tâm - và linh hồn - của thương mãi Việt Nam. Đây là thành phố lúc nào cũng nghĩ đến việc làm ra tiền, nhiều hơn nghĩ đến tư tưởng Cộng Sản. Ông Shrimpton nhấn mạnh: "Quả thật có một thế hệ lãnh đạo mới đang nắm quyền ở đây."
Luật Doanh Nghiệp năm 2000 đã đẩy mạnh công nghiệp tư, việc hiếm thấy trước đây. Luật này giản dị hóa các thủ tục quan liêu lắm phức tạp từng làm nãn lòng dân chúng trong việc mở các doanh vụ đầu tay. Vào giữa năm nay, số công ty trong nước có đăng ký đã tăng hơn gấp đôi so với trước khi luật được ban hành.
Gần đây, Ngân Hàng Thế Giới tính là các doanh vụ mới này có số vốn khoảng 40 ngàn tỷ đồng Việt Nam (2.6 tỷ mỹ kim), tức là 9% tổng sản lượng nội địa, tạo thêm việc làm, và tăng số thuế thu hoặch được. Chính sách đầu tư cũng được cải tiến và chú trọng đến những cuộcï đầu tư có tính cách trường kỳ.
Kết luận, giới quan sát nhắc nhở: dẫu sao, vẫn cần thận trọng trong việc đầu tư vào Việt Nam sau các bài học của thập niên 1990.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.