Hôm nay,  

Chấm Phá: Nói Có Sách

06/08/200400:00:00(Xem: 4912)
George Shultz không là khuôn mặt mờ nhạt trong đảng Cộng hòa. Ông là Ngoại trưởng Mỹ thời Reagan-Bush, từ 1982 đến 1989, vào cao điểm của cuộc đấu trí và đấu sức với Liên Xô, trước khi Liên Xô tan rã. Ông thuộc trường phái thực tiễn của Cộng hòa, như Tổng thống George H. Bush (41), và không mấy đồng ý với Tổng thống George W. Bush (43) ngày nay về vụ Iraq. Tuần qua, ông ra khỏi cảnh điền viên ở miền Bắc Cali để lâm trận: bằng một bài bình luận vỏn vẹn 227 chữ kèm một biểu đồ, đăng trên tờ báo nổi tiếng và nổi tiếng là ủng hộ đảng Dân chủ, nhật báo The New York Times.
Khi thấy đảng Dân chủ ồn ào phô trương thành quả kinh tế của họ, ông đề nghị họ nên nghe lời khuyên của một Thống đốc Dân chủ tại New York: "hãy kiểm lại thành tích". Để giúp họ việc đó, George Shultz lập biểu đồ trình bày mức sai biệt hàng năm (lên hay xuống) của sản xuất và việc làm từ 1990 đến tháng Sáu, trải ba triều tổng thống, Bush 41, Clinton, Bush 43.
Qua đó, dù chẳng là nhà kinh tế, người đọc cũng thấy: 1) Kinh tế Mỹ suy trầm từ tháng Sáu 90 đến tháng Ba 91, và tăng trưởng mạnh kể từ đó, trong suốt năm 1992, là năm tranh cử: Bush 41 thất cử vì kinh tế đã hồi phục mà dân chưa biết và Clinton được khen nhờ thành quả đã có từ thời trước. 2) Từ tháng Ba năm 2000 (khi thị trường chứng khoán Mỹ bắt đầu sụt), kinh tế sa sút nặng và rơi vào suy trầm từ tháng Giêng năm 2001, khi Bush 43 nhậm chức. Nạn suy trầm đó kết thúc cuối năm 2001 (ngay sau vụ khủng bố) và bắt đầu hồi phục rồi đạt tốc độ tăng trưởng rất cao từ đầu năm 2003. 3) Tình hình nhân dụng (hoặc thất nghiệp) luôn luôn chuyển động chậm hơn tình hình sản xuất, ít ra là ba tháng, nên làm dư luận có ấn tượng sai về tình hình thực tế.

George Shultz kết luận: 1) Phải nhìn vào cái trớn của chuyện động kinh tế; 2) Tổng thống Bill Clinton thừa hưởng thành quả tăng trưởng đã có từ thời Bush 41; 3) Bush 43 thừa hưởng nạn suy trầm đã có từ thời Clinton; 4) ngày nay, Bush 43 đã khắc phục xong di sản suy trầm thời Clinton và đang mở ra một thời thịnh vượng mới.
Quên không nói, trước khi là Ngoại trưởng, George Shultz từng là Tổng trưởng Tài chính thời Richard Nixon 1972-1974 rồi Chủ tịch Tổng giám đốc công ty xây cất Bechtel. Trước 1972 là Tổng giám đốc Ngân sách, và trước đó nữa, giáo sư Kinh tế học nổi tiếng của Đại học Chicago. Nếu không bước qua lãnh vực chính trị, Shultz có thể đã lãnh giải Nobel về kinh tế… Ông hiện là hội viên cao niên và có uy tín của viện Hoover thuộc Đại học Standford.
Lời ngắn gọn của Shultz về tình hình kinh tế đáng được chú ý, nếu truyền thông Mỹ đủ sức nhìn ra và dám công nhận để khỏi lập lại khẩu hiệu tuyên truyền vào mùa tranh cử. Chuyên nghiệp hay không là ở đó.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.