Hôm nay,  

Truyện Ngắn - Hai Sắc Hoa Ti-gôn Hay Là Gió Không Biết Đọc

13/01/200100:00:00(Xem: 5475)
Thương tặng các bạn trẻ Việt Nam trên toàn thế giới
Sông Hồng

...Hồi đó Bích Thu còn nhỏ hơn tôi đến ba tuổi. Mái tóc đen tuyền vừa chớm ngang vai, đôi mắt sáng long lanh mở rộng mà mỗi lần nhìn, tưởng chừng như nàng đã hiểu thấu tất cả những điều mơ ước thầm kín nhất của tôi. Môi nàng đỏ thắm, xinh xinh để mỗi lần cười, tôi cứ ngỡ miệng nàng là đóa hoa hồng mới nở nhụy.

Nhà Thu ở trong một cư xá dành cho sỹ quan và gia đình. Còn nhớ thời ấy, không ngày nào tôi không quên đạp xe lượn qua nhà cô ta ít nhất là một lần, những mong được nhìn thấy bóng dáng nàng từ xa để tâm hồn yên ổn sống cho hết hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Trong những lần như thế, thỉnh thoảng cũng có lúc thấy Thu chợt từ trong nhà nhìn ra qua khung cửa. Những khi ấy tôi lại hoảng hốt vội tảng lờ quay đi.

Thật may, Thu lại chơi thân với Hoài em gái của một anh bạn khác trường nhưng cùng lớp. Bởi vì có một sáng chủ nhật ngang qua nhà bạn, tôi thoáng thấy Thu đứng trong nhà ấy đang cười đùa vui vẻ với Hoài. Thấy tôi, Hoài chạy ra đường chặn trước đầu xe nói:

- Gớm cả tuần nay mới thấy anh đi ngang.

Rồi nhỏ giọng đủ cho tôi nghe:

- Có Thu ở trong nhà đó, vô nói chuyện một lúc đi anh.

Nhưng lúc đó không hiểu nghĩ ngợi thế nào, tôi lại nói thôi, cảm ơn Hoài để dịp khác. Rồi đạp xe đi thẳng trước đôi mắt ngỡ ngàng của Hoài.

Lần khác vào một buổi tối khi đi mượn vở học từ nhà người bạn về, trời sáng trăng thật đẹp, tôi thấy Thu dừng xe đứng một mình bên lề đường như thể đang đợi chờ gặp ai. Dưới ánh trăng, hình dáng Thu thanh thoát, mờ ảo như người trong tranh vẽ. Hai đứa đã nhìn nhau, rất gần, và nếu lúc ấy chỉ cần một tiếng hỏi, một câu chào thì từ đó câu chuyện đã qua một khúc rẽ quan trọng... Nhưng mà không, tôi lại cũng đã lặng lẽ quay mặt rất nhanh và ngậm ngùi đạp xe đi về.

Hình như những ngày sau đó tôi đã bị dằn vặt không ngớt cho nên tự đi đến một quyết định, nếu như một lần nữa mà không làm thân với Thu thì coi như sẽ chẳng còn lần nào nữa.

Vào một buổi trưa, sau khi ăn mặc gọn gàng, tôi ra đón nàng ở trạm xe buýt bởi tôi biết được bữa đó Thu học buổi chiều. Thu lên cửa trước, tôi lên cửa sau. Cả hai đứa đều biết sự có mặt của nhau mà đều không dám nhìn... Thế rồi khoảng cách của nàng đến chỗ tôi đứng chỉ vỏn vẹn có mấy hàng ghế; mà hôm đó cùng suốt cuộc đời không làm sao tôi thu ngắn lại được, để rồi phải âm thầm xa cách. Cho nên:

Biệt ly nào phải quan hà, Thu về nắng tắt đã là biệt ly.

Khoảng vài tuần sau đó Hoài mới nói với tôi:

- Anh có cần Hoài làm gì giúp anh không" Nếu như anh thực mến Thu thì anh biết anh phải làm gì, mà phải càng sớm càng tốt. Bởi vì anh biết không, Thu có rất nhiều người trồng cây si lắm đó. Có điều trong số, Hoài thấy anh xứng hơn về nhiều mặt. Nếu anh không làm gì thì Hoài nghĩ anh sẽ mất Thu rất sớm rất mau...

Rồi Hoài phiền muộn thở dài nói tiếp:

- Đời con gái như tụi em, cũng đâu có khác gì những cánh hoa người ta trồng nơi công viên. Mặc dù đã cẩn thận đề bảng là cấm hái hoa hoặc xin đừng hái hoa đấy, nhưng mà việc ấy có ích gì đâu"" Cho dù người không hái trộm thì rồi cũng bị gió cuốn đi mất thôi! Gió mà anh, gió có biết chữ đâu mà đọc, lại còn vô tình nữa. Định mệnh là như vậy đó anh!

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi Một mùa thu cũ rất xa xôi Đến nay tôi hiểu thì tôi đã Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi. (TTKH)

Từ đó đến nay, tôi như người ngồi bên khung cửa, nhìn đã bao nhiêu mùa thu đi qua mà mình thì vẫn chưa dệt nổi một chuyện tình.

Th.Tâm

* * *

Anh T.

Chắc hẳn anh còn nhớ những giòng lưu bút trên mà anh trong một lần về qua phố xưa từ đơn vị, anh đã gởi lại cho Hoài bạn Thu ngày nào. Khi đưa trang giấy cho Thu, Hoài nói:

- Đây là của bồ, bồ muốn giữ thì giữ, muốn hủy thì hủy.

Anh nghĩ coi, làm sao Thu có thể đọc rồi đem đốt đi và rải những tro bụi bay tan vào trong gió cho được" Bởi vì đối với Thu, đó là gói ghém cả một thời yêu dấu mong manh của một truyện tình mà cả hai chúng ta, mỗi người đều đã đơn phương tự dệt riêng lấy. Thay vì được cùng nhau viết nên một khúc tiếu ngạo giang hồ.

Anh nghĩ coi Thu có thể vô tình được sao mỗi buổi chiều nhìn thấy anh lượn xe qua khung cửa cư xá" Có khi một vòng, có khi ba bốn vòng mà Thu, mười lăm, mười sáu tuổi, ngoài việc đứng ở trong nhà ngó ra còn làm được những gì"

Mừng biết bao khi sáng chủ nhật qua chơi bên nhà Hoài, chợt thấy anh đạp xe đi ngang và dừng lại. Hoài với khuôn mặt sáng rỡ vội chạy ra mời anh vào, còn nói có Thu ở trong đó khiến Thu thẹn thùng vội vã biến vào phía trong; lòng không khỏi thắc mắc tại sao Hoài lại nói đến Thu với anh làm chi vậy. Phải chăng cô ấy đã biết được chút tâm sự nào đó nơi anh" Nhưng anh đã không vào, khiến Thu vừa mừng vừa nuối tiếc. Mừng vì thầm biết được tình của anh; nhưng lại tiếc đã lỡ mất cơ hội quen nhau.

Khi anh đi rồi Hoài đã kể khá nhiều về anh. Nhờ vậy, Thu biết anh đang học Chu Văn An năm cuối. Ngày xưa gái có Trưng Vương, trai có Chu Văn An là hai trong những bắc đẩu của tuổi trẻ SàiGòn. Đó là một cặp "quân tử, thục nữ" kiếm, di sản của đất ngàn năm văn vật. Không phải như những trường tây đầm, dấu vết của thực dân để lại, cứ có tiền là vô được. Trưng Vương phải qua kỳ thi tuyển rất gắt, vài ngàn mới chọn hơn trăm. Nhưng thực lòng Thu chỉ cảm thấy kiêu hãnh là ở chỗ Thu được hấp thụ một nền văn hóa đẹp, sâu xa, hướng nội của chính giống nòi mình trong ngôi trường yêu dấu đó...

Cái buổi trưa ngày thứ hai hay thứ ba gì đó khi gặp anh ở trạm xe bus lúc đi học, Thu đã muốn gật đầu chào anh, nhưng thấy anh nghiêm túc quá nên lại không dám mở đầu. Lần ấy Thu đoán biết được ý định của anh nên lại càng hồi hộp và tự nhủ mong anh đừng hỏi chuyện vì Thu sẽ phải lúng túng vô cùng.

Có một lần anh Cảnh mượn của anh mấy cuốn vở để làm bài, làm xong dặn Hoài hễ gặp anh đi ngang thì trả giúp. Hoài để sẵn trên bàn nơi nhà ngoài nên Thu tò mò muốn mở mấy trang ra coi... Ngày đó tụi bạn ở Trưng Vương thường hay tếu với nhau là hễ đứa nào mà ở cuối vở không vẽ voi vẽ cuội, thì đứa đó vẫn chưa đáng mặt học trò. Bọn nó ngon lành chứ Thu thì đố dám. Ba ít khi kiểm tra nhưng Thu cũng cứ sợ rủi để ông thấy được, chắc Thu không đủ mồm miệng để biện hộ. Đến khi thấy mấy cuốn vở của anh, Thu càng muốn coi bản lãnh anh thế nào nên lật trang cuối ra xem. Không thất vọng, chỉ mới lật cuốn đầu thì đã thấy hình vẽ cô gái trẻ tóc vừa chấm vai. Bên dưới đề mấy câu thơ tiền chiến:

Nàng đẹp vô cùng trước mắt tôi
Nhưng mà đẹp nhất ở đôi môi
Nhưng mà đẹp nhất là đôi mắt
Chưa thức đêm nào chưa khóc ai.

Nét vẽ đơn giản nhưng diễm lệ và rất có hồn. Xung quanh hình cô gái đầy những chữ BT...BT... Thu hiểu ngay là chữ tắt của tên mình nên mặt bừng nóng và trái tim đập dồn dập. Ngay lúc đó Hoài từ dưới bếp chạy lên, cười cười chỉ vào hình vẽ:

- Bồ coi coi giống ai vậy"

- Chả giống ai cả

Hoài ra đứng phía sau lưng Thu, lùa hai tay vào tóc Thu diễu cợt:

- Hình vẽ có mái tóc chớm vai, tóc bồ cũng chớm vai còn ai vào đây nữa"

- Nói mò, thiếu gì con gái tóc chấm vai, lớp Thu có cả tá.

Hoài với tay tới lật một cuốn tập khác của anh:

- Chưa chịu hở, vậy coi tiếp đi.

Lại một hình vẽ và bốn câu thơ tiền chiến khác:

Em chỉ là người em gái thôi
Người em sầu mộng của muôn đời
Tình em như tuyết giăng đầu núi
Vằng vặc muôn thu ánh tuyệt vời.

Hình vẽ là một chân dung của toàn thân, áo dài thanh thoát nhưng gương mặt vấn vương nét sầu muộn. Thu quay ra trêu chọc Hoài:

- Hình này coi giống bồ quá Hoài ơi!

Hoài sửa ngay:

- Đừng có muốn ăn lại đi gắp bỏ cho người nghe cô. Bổn cô nương đây là Thanh Hoài, viết tắt là TH chứ đâu phải BT đâu! Chưa phục hở" Được, coi tiếp đi.

Hoài tự lấy cuốn vở thứ ba, lật trang cuối. Không vẽ hình nhưng viết một bài thơ đề tặng Bích Thu rõ rệt. Bài thơ có tựa đề hờn dỗi, làm theo thể thơ mới tám chữ:

Thì anh nhận nói em là hay dỗi
Thôi anh đền em chiếc nón bài thơ
Để mỗi hôm đi học nắng buổi trưa,
Em đội nón xinh như là gái Huế.
Hay, để đến chủ nhật này đi lễ,
Qua nhà thờ anh hái trộm nhiều hoa,
Cài tóc em tan lễ lúc về nhà,
Em đẹp giống cô dâu ngày đám cưới.
Người ta nói, hôm nay làm hôn phối,
Cho chúng mình và hai đứa yêu nhau.
Anh dẫn mình đi trên những lối nhiệm màu,
Tuần trăng mật thắm như đài hoa cúc.
Anh chả dám muốn đền em đôi guốc,
Kỷ niệm đời nhau em dày xéo bước chân
Là chết lòng anh, là khổ sở vô ngần.
Ôi tàn nhẫn nếu đi cùng người mới.
Thôi em nhé từ nay đừng hờn dỗi,
Anh xin đền em tất cả đời anh.
Đã được chưa người yêu dấu xinh xinh"
Anh sợ nhất là những lần em hờn dỗi.

Tình thơ mặn mà thắm thiết như trái ô mai của tuổi học trò. Ý thơ trong sáng như tà áo trinh nguyên con gái. Và lời thơ giản dị như những câu chuyện nhỏ to trong lớp học. Nói ra phần nào nét duyên dáng nơi tâm hồn tác giả. Và Thu, tuy mười lăm tuổi cũng đã đủ trực cảm để biết rằng: mình đang sống trong anh vô cùng mãnh liệt, vô cùng tha thiết, và Thu đang được anh dìu đi đến không biết bao nhiêu nẻo đường đời mơ mộng.

Rồi đây:

Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc,
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
(Nguyên Sa)

Và cả đến mai này nữa. Mỗi lần thấy sắc hoa tươi lại chạnh lòng, lại nhớ đến màu áo năm xưa như màu kỷ niệm.

Có phải vậy không anh" Có phải anh đã mến Thu, đã nghĩ về Thu, đã nhớ Thu nhiều đến thế không anh" Nghĩ đến đây, một nỗi ngậm ngùi dâng lên viền mắt. Không cầm lòng được, Thu đã để những giọt nước mắt đầu đời lăn trên má. Thế là đời ngây thơ đã hết. Thế là người con gái trong thơ tiền chiến đã khóc cho một người rồi đó, anh có biết không"

Hoài nói với Thu:

- Bài thơ này tuy anh ấy không trực tiếp trao tay cho bồ, nhưng mà có chữ đề tặng. Được ý bỏ lời, bồ chép lấy để mà làm kỷ niệm.

Thu quay đi để che giấu đôi mắt ướt, làm bộ chống chế:

- Vô duyên, đã chắc Thu này là Thu nào.

Nói vậy nhưng Thu cũng đã nhẩm trong trí khôn và hình như đã thuộc lòng sau mấy lần đọc. Dễ mà phải không anh" Vì tiếng lòng thường khi rất giản dị và dễ đi vào lòng người đó anh.

Một hôm, ba chở Thu trên xe jeep đi hội chợ về. Hôm ấy Thanh Thúy hát bài "Nửa đêm ngoài phố", tiếng nức nở còn văng vẳng đâu đó trong đêm khuya. Con đường Lý Thái Tổ vắng tanh, chỉ thưa thớt vài chiếc cyclo gầy gò uể oải, một chiếc xe mì túc tắc bên lề đường lạc lõng và không thể ngờ vẫn còn lại một người nữa, thêm một người nữa đó là anh; một mình anh đang ngồi ôm sách dưới chân cột đèn đường phố. Ba cũng nhìn thấy nhưng vô tình nói với Thu:

- Con thấy không, tuổi trẻ thời nào cũng có những người chịu khó vươn mình lên như thế đấy.

Thu đáp ứng ngay:

- Thì con cũng vậy!

Ba bật cười:

- Dĩ nhiên rồi, con còn chịu khó gấp mấy lần ấy chứ... chịu khó ngủ đó mà!

Ba vậy đó, hay chọc tức Thu bất cứ khi nào có dịp. Nhưng Thu được cưng nhất nhà đó anh. Thu trộm nghĩ, ôi nếu như ba biết được người con trai cô đơn, chí khí đó sẽ là gì của ba sau này thì ba sẽ nể nang biết chừng nào. Nghĩ đến đây Thu lại buồn vì hai chúng ta còn xa nhau quá phải không anh"

Sáng hôm sau Thu gặp Hoài, kể cho cô ấy nghe về anh rồi hỏi:

- Anh T. chắc mộng làm lớn lắm hả bồ"

Hoài tỉnh bơ:

- Không đâu, ước mơ của anh ấy giản dị lắm. Chỉ muốn sống tầm thường như chiếc bóng, như cỏ cây mà thôi, có điều ảnh yêu tổ quốc của ảnh lắm.

- Sao bồ rành quá vậy"

- Ảnh nói ảnh ráng học để tiến thân và ước mong làm được chút gì cho đất nước mà thôi.

- Như vậy thì phải mộng làm lớn chứ, tướng lãnh, bộ trưởng, thủ tướng gì đó chẳng hạn.

Hoài cười ngất rồi quay nhìn ngay mặt Thu:

- Đầu óc bồ sao tầm thường quá vậy" Nghe được ảnh cười chết, biết ảnh nói gì không"

- Nói gì"

- Ảnh nói ăn thua là ở cái tâm của mình. Cúi xuống lượm một cộng rác bên đường vì lòng chân thành cũng là yêu nước. Còn hơn làm cho lớn chỉ vì cho mình, chỉ vì mưu cầu tiền của, danh tiếng. Kể cả làm đấng anh hùng lưu tiếng sử xanh thiên cổ gì đó chẳng hạn...

Bọn con gái được đi học như Thu, tuy là nữ nhi thường tình thật, nhưng trong tận cõi lòng sâu thẳm, cũng không muốn có một nam nhân của mình ngoài cơm áo, gia đình thì chẳng còn gì khác nữa. Nhưng rồi Thu lại lo sợ vu vơ. Bởi vì so với tổ quốc mà anh phụng thờ, Thu chỉ là một viên sỏi nhỏ bên cạnh núi Thái Sơn. Nếu như một khi anh phải chọn lựa thì đời con gái như Thu nào có xá gì. Cùng lắm rồi anh cũng như Dũng của Loan trong đoạn tuyệt:

Ta muốn lòng ta mãi lạnh lùng
Bước đường rong ruổi thẳng đường trông
Song le hương khói yêu đương vẫn
Phảng phất còn vương vấn cạnh lòng.
Cho nên bao lần anh quay mặt đi, bỏ lỡ cơ hội cho chúng ta thân thiết nhau đâu phải hoàn toàn do anh nhút nhát! Đành rằng anh không thể tự nhiên với Thu được như anh đã hồn nhiên với Hoài, thì Thu cũng vậy đối với anh. Nhưng mà Thu biết hơn một nửa tâm hồn anh đã nghiêng hẳn về bên phần nơi có tổ quốc; cũng đẹp cũng yêu dấu và thiêng liêng còn hơn cả những gì cao đẹp nhất trong cõi đời.

Ôi, trách anh hờn anh cũng có ích gì, vì dù sao Thu cũng chẳng bao giờ có anh.

Làm sao anh hình dung ra được nỗi sầu muộn, trống vắng, bơ vơ trong lòng Thu khi bỗng một ngày anh bặt tin, biền biệt xa phố cũ như bến xuân vắng đi cánh én rộn ràng.

Và anh có hay, THu vẫn không bao giờ nguôi đi buồn tủi. Không bao giờ Thu bớt hờn anh... Giận anh, hờn anh... hờn anh mãi cho đến một ngày tổ quốc mà anh tôn thờ, anh chọn lựa để xa Thu... phải gục chết đau thương dưới gót quân giặc thù vô đạo! Chỉ đến khi đó Thu mới thức tỉnh rằng hờn anh, giận anh là Thu đã sai cái sai lớn nhất từ ngày có trí khôn đến bây giờ. Chỉ đến khi đó Thu mới hiểu ra rằng ngày đất nước lâm nguy là ngày anh phải lìa gia đình, xa cha mẹ. Khi tiếng súng quân thù rền vang bờ cõi là lúc anh phải quên mình vì nước vì dân.

Biết bao nhiêu đời trai trẻ, biết bao nhiêu tuổi yêu đương, bao nhiêu tinh hoa cùng với mồ hôi nước mắt, cùng với xương trắng máu hồng của cả một thế hệ mà những người như các anh một đời dâng hiến... Tưởng đâu thấm nhuần thân thể cho tổ quốc dài lâu. Ai ngờ bỗng một chiều thành mây thành khói, tan biến theo hồn nước bơ vơ.

Cho dù tổ quốc đã nói lời xin lỗi các anh khi gục ngã. Nhưng những người như Thu, niềm thương tiếc, nỗi ân hận còn lưu mãi trong cõi lòng khắc khoải.

Bởi vì cho mãi đến bây giờ, dù bao nhiêu năm tháng đã trôi qua. Nhưng: người nằm lạnh lẽo nơi nghĩa trang vẫn còn rưng rưng tấm tức, nghẹn ngào đớn đau mà không biết đến bao giờ hồn linh mới khỏa khuây siêu thoát được!

Người khập khiễng chống nạng lang thang, ngày ngày vất vưởng tấm thân tàn tạ trên khắp nẻo đời như loài ma đói.

Người lạc lõng bơ vơ như anh, ăn nhờ ở đậu trông chờ lòng thương xót của người ngoài cũng như của đám đồng minh từng chung lưng chiến đấu năm xưa.... bây giờ trở tráo phản bội bằng xuyên tạc, nhấn chìm danh tiết, lòng tự hào của các anh xuống tận đáy bùn nhơ tủi nhục.

Kể từ ngày hồn nước mang theo văn hiến tinh hoa của bao đời lìa xa thân xác. Loài quỷ dữ dốt nát vô minh ngày càng ngoan cố dẫn đưa tổ quốc ta vào tối tăm tuyệt lộ.

Ôi! Nước non mình nay đã nhầy nhụa, dơ bẩn, rữa nát đến tận cùng rồi anh có biết không" Từ lâu loài người đã được giải thoát khỏi địa ngục rồi tái sinh. Chỉ còn vài ba kiếp vẫn bị quỷ dữ tru nhập khống chế. Khốn nạn thay non nước ta là một.

Mạc Tư Khoa, Budapest, Varsovi cùng kinh thành Jakarta rực lửa... thử hỏi làm sao chuyển tiếp nếu không nguyền đem máu đào ra đánh đổi.

Người dơ cần phải rửa bằng nước. Nhưng tổ quốc bị quân thù làm cho dơ dơ chỉ có máu mới tẩy sạch được. Đó là chân lý sự thật. Dù cho sự thật này có làm đau lòng những con tim từ hậu nhất. Chỉ có máu đào hy sinh của người thương giống yêu nòi mới khu trừ được quỷ dữ cho tổ quốc hoàn hồn và tái sinh.

Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết,
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa.
Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ,
Và đỏ như màu máu thấm phai.
(TTKH)

Trước ngày trở về lại quê hương đã mất, chiều nay đứng trong một hiệu buôn trên đường John của thủ phủ tỵ nạn Cabramatta, Thu tình cờ đã thấy lại anh tưởng như mình mơ ngủ. Nhưng mà đó là sự thật. Anh của ngày xưa yêu dấu, cho dù là có hóa thành tro thành bụi cũng nhìn ra. Có phong trần đi vì năm tháng nhưng gương mặt thanh tao cùng ánh mắt đầm ấm chứa chan ân tình, làm sao Thu quên được.

Thu muốn chạy bay qua để nhận anh, để khóc lóc, để nhớ để thương đền bù cho một đời thiếu vắng ly biệt. Nhưng rồi cũng như ngày xưa mười lăm, mười sáu tuổi. Thu cũng chỉ biết đứng được bên trong mà nhìn hình bóng anh đi về cuối phố. Thu ngẩn ngơ như Quách Tường dưới chân núi Tung Sơn, ngày nào đi tìm Dương Đại Hiệp, nhìn ánh tà dương tắt dần trên ngọn cỏ lá cây để trầm ngâm tự hỏi: Mình đang tìm ai đây" Cho dù tìm được thì sẽ thế nào" Người như hoa trong gương, như trăng dưới nước. Đến trong đời ta như giấc mơ như ảo ảnh. Rồi Thu đứng khóc... Rồi vừa đi vừa khóc trong nắng tà.

Ngày xưa Thu khóc cho anh những giọt nước mắt đầu đời của một người con gái khi chớm yêu... Ngày nay lần cuối khóc cho một chuyện tình dở dang đã khép lại.

Xưa nay những chuyện tình ly biệt,
Gió thoảng ngoài song lá thu rơi
Hôm nay thuyền ghé về đâu nhỉ
Bên hàng dương liễu, gió heo may.

Sông Hồng


***

Nhớ về tác giả "Màu tím hoa sim"

Tôi rất nể một nhà thơ tên Hữu Loan.
Làm bài thơ mới "màu tím hoa sim".
Kể chuyện tình sầu giữa thời kháng chiến,
Tình anh lính trận cùng cô gái hậu phương.

Truyện tình đẹp nhưng buồn quá của anh,
Làm ngẩn ngơ, làm đau lòng mọi chiến binh.
Những câu: ngày xưa nàng yêu hoa sim tím.
Là dáng người thương dang dở của cả đời mình.

Thuộc kỹ bài thơ từ khi vào lính,
Tôi thương muốn khóc người gái nhỏ hậu phương.
Nàng ngóng tin chồng qua những nẻo hành quân.
Hỏi đời chinh chiến nào mấy ai trở lại.

Nhưng không chết người trai khói lửa,
Mà chết người gái nhỏ hậu phương,
Định mệnh dở ương hề,
Thường khi vẫn vậy,
Rưng rưng mắt lệ hề,
Khóc biệt người thương!

Tôi rất nể một người tên Hữu Loan.
Anh là người của vụ án "Nhân Văn"
Những năm vợ chết tàn chinh chiến
Còn cố quên mình vì quyền sống làm dân.

Mấy chục năm trời bị đọa kiếp truân chuyên,
Bởi những con người mình xả thân cho sống.
Mỗi ngày lưng trần thồ xe đá cứng,
Mà xoay chẳng nổi một vài chén cơm.

Bún bánh nhà anh bị đổ xuống đường mương.
Gia đình anh thì vừa đi vừa khóc,
Anh phải vét lên mà ăn cả đất,
Cháo lá lang già, dính dưới gầm mâm.

Ấy thế mà khi cán bộ hỏi han:
Sao anh không chịu xin đi cán bộ"
Anh vẫn một lời đối đáp oang oang:
"Làm cán bộ và ăn cắp, xin lỗi... tôi không"

Tôi rất nể một kẻ sĩ tên Hữu Loan,
Làm thơ tình đẫm lệ thời chống ngoại xâm,
Thà chôn bút suốt ba mươi năm chế độ,
Không viết một bài, không để hổ với lương tâm.

Trong nín câm dài, đành chấp nhận cô đơn.
Nay tình hình mới ra vẻ đỡ hơn,
Có người thức tỉnh say hay tỉnh mộng,
Cũng muốn chung đường cho mục đích đa nguyên.

Nhưng anh vẫn là một cõi đời độc đáo,
Như người chồng ngày cưới vợ năm xưa,
Hồn cứ mơ, mà trí vẫn tỉnh khô,
Đầu tới cuối không bao giờ lẫn lộn.

Người ta hỏi anh sao không làm nhà cho có lợi"
Anh trả lời: Tôi mắc bận làm người.
Nhìn áo rách vai anh hát anh cười.
Màu hoa sim tím là đời Hữu Loan.

Sông Hồng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.