Hôm nay,  

Cái Khó Bó Cái Khôn

08/06/200000:00:00(Xem: 5865)
Những cuộc họp của khối APEC cuối tuần qua và trong tuần này có một tầm quan trọng đặc biệt cho sự phát triển kinh tế trong vùng Á châu-Thái Bình Dương. Nó cũng rất có ý nghĩa cho các vòng đàm phán sắp tới của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau khi cuộc họp của tổ chức này ở Seattle hồi tháng 11 đã thất bại vì những cuộc biểu tình chống đối.

Khối APEC đã có những quyết định như thế nào" Trong cuộc họp ở Brunei, một vương quốc tí hon nhưng ôm một tài sản khổng lồ về dầu lửa ở Đông Nam Á, các giới chức cao cấp của 21 nước APEC đã có một sự đồng thuận về một điểm then chốt cần phải giải tỏa mậu dịch quốc tế, bởi vì làm dễ dàng giao thương trên thế giới chỉ có nghĩa là tạo ra của cải. Nhưng muốn giải tỏa giao thương, điều kiện cơ bản là phải phát triển tài nguyên nhân lực. Con người là cái vốn quan trọng nhất để đầu tư vào kinh tế. Con người còn quan trọng hơn cái vốn tiền bạc, vốn đô-la hay bất cứ thứ của cải nào khác. Nhưng tài nguyên nhân lực không có nghĩa là cần có số người đông hay bắp thịt mạnh như trong quá khứ. Tài nguyên nhân lực của thời đại này là sự tích lũy hiểu biết và kiến thức trong bộ óc con người. Cái vốn tài sản trí tuệ đó không thể nào mất hay thua lỗ như vốn tiền bạc.

Đó là những lý thuyết đáng chú ý, nhưng về mặt thực hành có những vấn đề không nhỏ. APEC là tên gọi tắt theo Anh ngữ của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu-Thái Bình Dương gồm đến 21 nước lớn nhỏ trong vùng biển Thái Bình Dương và những nước hay đảo quốc nằm trong đại dương này. Nền kinh tế của những nước này không đồng đều, có mạnh có yếu về mọi mặt. Ngoài những nước đã phát triển và kỹ nghệ hóa như Úc, Gia Nã Đại, Mỹ, Nhật Bản, còn lại phần lớn là những nước đang phát triển, và thêm có “hai nước rưỡi” được liệt vào loại “kém phát triển”. Hai nước kém phát triển là Việt Nam và Papua New Guinea. Một nửa nước kém phát triển là Trung Quốc. Chữ “kém phát triển” ở đây chỉ là một ngôn ngữ ngoại giao nói cho đỡ thẹn mặt nhau, chớ sự thật đó là những nền kinh tế chậm phát triển hay chậm tiến cũng vậy.

Papua New Guinea là một đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương, tài nguyên nghèo nàn, dân cư thưa thớt chỉ có khoảng 5 triệu người, xã hội bán khai, nên bị liệt vào loại chậm tiến là đúng. Nhưng nước Việt Nam do đảng Cộng sản cai trị có tài nguyên phong phú kể cả mỏ vàng lẫn mỏ dầu lửa, dân số 79 triệu lại thông minh cần cù, có bốn ngàn năm văn hiến, chế độ vẫn tự xưng là đỉnh cao của trí tuệ loài người mà bị APEC liệt chung vào loại chậm tiến như Papua thì thật đau. Còn Trung Quốc nước có dân số lớn nhất thế giới mà một nửa bị liệt vào loại “chậm tiến”, điều đó chứng tỏ sự phát triển kinh tế của Trung Quốc vẫn bị mất quân bình nghiêm trọng. Nhưng tại sao cả nước Việt Nam lại bị mang tiếng chậm tiến khốn khổ như vậy"

Tài nguyên nhân lực của Việt Nam không thiếu kể cả tài nguyên trí tuệ, nhưng không được sử dụng mà còn bị ghìm lại không cho phát triển, bởi vì cái đầu máy của nền kinh tế là chế độ cai trị lại thuộc loại chậm tiến hạng nặng. Có bản Hiệp ước Mậu dịch đã sẵn sàng với Mỹ nhưng lại không dám ký. Cửa WTO sẵn sàng mở để ngồi vào đàm phán với các nước giao thương trên thế giới lại ngần ngại không dám vào. Trong khi cả thế giới đã có mặt để mặc cả, nói chuyện phải trái về luật lệ thương mại toàn cầu thì ở Hà Nội các ông bảo thủ cộng sản chuyên nghề du kích và khủng bố, lại nói nước giầu phải “viện trợ” cho nước nghèo nếu không đó là quả bom giờ. Nay cả khối APEC đã xác nhận giải tỏa thương mại thế giới và toàn cầu hóa là tạo ra giàu có, Việt Nam có chống lại quan niệm này không"

Ở Hà Nội người ta chỉ nói mà không có làm. Muốn tiến vào toàn cầu hóa để mở rộng giao thương tạo ra của cải, điều kiện tiên quyết là chính Việt Nam phải giải tỏa bầu không khí thương mại và đầu tư trong nước. Hà Nội chỉ có những luật lệ để kiểm soát chớ không phải để giúp cho thương mại và đầu tư phát triển. Yếu tố chính để phát triển là tư doanh, nhưng Hà Nội lại chủ trương quốc doanh phải làm chủ để kìm hãm tư doanh. Hà Nội sợ cái gì" Khi trí tuệ không được mở rộng, hiểu biết không thấu đáo, người ta thấy cái gì lạ cũng sợ. Nhật Bản đã đề nghị làm cho bớt sợ bằng cách giúp đỡ những nước nghèo có thêm kiến thức và kỹ thuật, các nước đã phát triển sẽ gửi chuyên gia đến những nước nghèo. Các Bộ trưởng Thượng mại APEC sẽ họp tuần này ở Darwin, Úc. Cuối năm nay sẽ có cuộc họp Thượng đỉnh APEC ở Brunei để chung quyết những gì đã được các cấp bộ trưởng đồng ý. Liệu Việt Nam có dám đồng ý hay không"

Cuộc họp Thượng đỉnh sắp tới sẽ đặt ra cho chế độ Hà Nội một vài câu hỏi khá tầm thường. Ai sẽ đi họp" Thượng đỉnh là những nhân vật cầm quyền cao nhất theo Hiến pháp của một nước. Nếu Việt Nam cho các ông ngậm hạt thị đi họp, chỉ biết đi nghe rồi về nhà hỏi lại bộ Chính trị ngồi trong bóng tối thì thật khó coi. Còn nếu cả bộ Chính trị và ban Chấp hành trung ương đảng cũng không quyết định được sách lược giao thương và phát triển kinh tế, thì đành phải chờ đến cuộc họp Đại hội đảng năm 2001 vậy. Chỉ khổ nỗi APEC nó không chờ Đại hội đảng của mấy ông cộng sản Việt Nam.

Tóm lại đây chỉ là vấn đề cấu trúc tổ chức guồng máy chính quyền của một chế độ độc tài đảng trị, lại gập lúc không có đồng thuận và thiếu người lãnh đạo giỏi. Thế mới biết cái khó bó cái khôn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.