Hôm nay,  

Bút Sa Người Chết

03/06/200500:00:00(Xem: 5803)
Tuần báo Newsweek số ra ngày 9 tháng 5 năm 2005 có đăng một mẩu tin có liên quan đến kinh Quran của đạo Hồi. Mẩu tin nói đến có những điều tra viên người Mỹ tại trại tù Guatanamo ở Cuba đã có hành động quăng cuốn kinh Quran của đạo Hồi vào nhà cầu rồi giật nước. Những điều tra viên hành động như vậy để khủng bố tinh thần trong khi tra vấn những tù binh người A phú hãn (Afghanistan) theo đạo Hồi. Hành động này bị coi như là báng bổ đạo Hồi và do đó đã có những cuộc xuống đường tại A phú hãn nổ ra và đã có 16 người thiệt mạng vì đụng độ với nhân viên an ninh dẹp biểu tình. Không ai ngờ một bài báo nhỏ lại gây ra sự thiệt hại nhân mạng một cách đáng tiếc như thế. Chuyện này đã cho thấy vấn đề lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút. Nếu hành xử không đúng sẽ không phải chỉ gây ra những cuộc bút chiến, cãi cọ, tranh luận phiền toái lôi thôi mà còn gây ra những sự thiệt hại về nhân mạng một cách không lường trước được.
Có chừng 520 tù nhân theo đạo Hồi đang bị giam tại trại tù Guatanamo. Họ là những tù nhân trong cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành tại A phú hãn. Ở tại hai quốc gia A phú hãn và Hồi quốc (Pakistan), chuyện phỉ báng kinh Quran và giáo chủ Muhammad bị coi như chuyện lăng mạ, báng bổ và bị trừng phạt bằng án tử hình. Vị trưởng lão đạo Hồi tại Pakistan là Qazi Hussain Ahmed lên án lính Mỹ được biết đến như những người thiếu kính trọng những tôn giáo khác. Họ không gìn giữ sự thiêng liêng bất khả xâm phạm của những tôn giáo địa phương. Chính phủ Pakistan, mặc dù là đồng minh của Mỹ trong trận chiến chống khủng bố, đã yêu cầu Mỹ phải mở một cuộc điều tra và trừng phạt những kẻ đứng đằng sau chuyện báng bổ kinh Quran nói trên.
Chủ bút báo Newsweek là Mark Whitaker đã đưa ra thông báo đại ý như sau, "Chúng tôi lấy làm tiếc rằng có một phần sai trong câu chuyện tường thuật của báo chúng tôi, và xin bày tỏ sự chia xẻ chân thành của chúng tôi đến những nạn nhân của sự bạo động và đến những binh sĩ Mỹ bị vướng ở giữa." Cố vấn an ninh của Tổng thống Bush là Stephen Hadley đưa ra lời tuyên bố, "Nếu câu chuyện báng bổ là đúng sự thật, chúng tôi sẽ có biện pháp đối với những người có trách nhiệm." Phe đạo Hồi tố cáo hành động ném kinh Quran vào cầu tiêu chỉ là một trong những chương trình của người Mỹ nhằm bôi bác và làm hoen ố đạo Hồi. Chuyện báng bổ xảy ra là một hình thức tra tấn "dã man." Họ cho rằng đây không phải là một hành vi cá biệt của một lính Mỹ mà là một phần hành vi giáo dục tâm lý nhằm coi thường và phỉ báng hình ảnh của đạo Hồi trong tâm hồn người Mỹ. Chuyện báo Newsweek xin lỗi về sự thiếu trung thực của bài báo đã làm cho uy tín của tờ báo chính trị này bị mất mát khá nhiều và không biết đến bao giờ mới lấy lại được sự tin tưởng của bạn đọc. Đúng ra báo Newsweek không tiên liệu nổi sự phản ứng mạnh bạo và gay gắt của những tín đồ đạo Hồi ở Afghanistan nên đã gây ra sự chết chóc cho một số người biểu tình.
Trở lại chuyện báo Newsweek đưa ra lời xin lỗi vì đã loan tin không đúng sự thật. Chuyện này xảy ra có thể là do áp lực của chính quyền Mỹ. Nếu báo Newsweek tiếp tục giữ vững lập trường về nội dung bài viết thì sẽ đưa chính phủ Mỹ vào một thế kẹt. Phe theo đạo Hồi sẽ tiếp tục yêu cầu chính phủ Mỹ đưa thủ phạm ra ánh sáng để trừng trị. Nếu chính phủ Mỹ không làm thì sẽ có phong trào chống Mỹ nổi lên ở những quốc gia theo Hồi giáo. Nước Mỹ đã quá mệt mỏi với cuộc chiến tranh Iraq, Mỹ không muốn có thêm kẻ thù ở những nước Hồi giáo. Do đó mới áp lực báo Newsweek xin lỗi vì sự tường thuật trong bài báo không đúng sự thật. Làm như thế các quốc gia Hồi giáo không còn lý do gì để chống đối Mỹ nữa. Vì quyền lợi quốc gia và sinh mạng của lính Mỹ đang ở trong cuộc chiến, báo Newsweek phải lên tiếng xin lỗi dù có thể chuyện báng bổ kinh Quran tại trại tù Guatanamo do nhân viên điều tra Mỹ gây ra là một sự thật. Ngay những nhân viên hội Hồng thập tự cũng xác nhận là lính Mỹ đã có những hành vi báng bổ đạo Hồi tại trại tù này mà Hồng thập tự đã có dịp chứng kiến. Sau này có những cuộc điều ra của chính quyền Mỹ đã cho thấy có những hành động báng bổ xảy ra trong trại tù Guatanamo do lính Mỹ gây ra nhưng không thấy có nói đến trường hợp quăng kinh Quran vào cầu tiêu. Chuyện lính Mỹ hành hạ tù nhân tại Iraq rồi chụp hình cho thấy chuyện lính Mỹ quăng kinh Quran vào cầu tiêu ở trại tù Guatanamo là một chuyện rất có thể đã xảy ra. Mới đây lại cho chuyện báo Anh đăng hình ảnh của nhà Cựu độc tài Saddam Hussein bận quần lót do lính Mỹ canh gác chụp đã cho thấy cái hành vi vô văn hóa và thô bỉ của bọn lính Mỹ canh gác tù. Thật ra khi bêu riếu một người tù ngã ngựa như Hussein bằng những tấm hình bẩn thỉu, lính Mỹ đã cho thế giới cái căn cước hành xử vô giáo dục và yếu kém của mình. Có lẽ ở những quân trường Mỹ đã không bỏ chút thì giờ để dạy cho lính Mỹ cách ứng xử văn minh khi đóng quân ở nước ngoài, nên những hành động thiếu văn hóa như hành hạ tù nhân và báng bổ đạo Hồi của lính Mỹ càng làm cho nước Mỹ mất chính nghĩa trong trận chiến chống khủng bố và điều tệ hại này cần được chấn chỉnh để nước Mỹ có một bộ mặt đàng hoàng hầu có thể làm cho thế giới kính nể nhiều hơn.

Nhân chuyện báo Newsweek bị rắc rối kỳ này, cũng xin nhắc lại cách đây 42 năm báo Newsweek cũng ra loan một tin gây ra nhiều sự phiền hà phản đối tại quốc gia Kampuchea. Hồi ấy báo Newsweek loan tin rằng vợ vua Shianouk làm chủ một số động mãi dâm ở Nam Vang. Sự thật là vợ vua Shianouk có một đất cho một số người dân thuê và những người dân này đã mở một số động mãi dâm. Thế mà báo Newsweek đã thiếu sự cẩn trọng khi hồ đồ loan tin hoàng gia Kampuchea kinh doanh động mãi dâm. Đây quả là một sự sai lầm đáng trách. Vua Shianouk nổi giận dữ dội. Vì báo Newsweek là báo của Mỹ nên vua Shianouk đổ mọi hận thù lên chính phủ Mỹ, Shianouk từ đó lạnh nhạt với Mỹ và trở nên thân thiện với phe Cộng sản và cuối cùng quyết định cho Cộng sản Việt Nam dùng cảng và đất của Kampuchea làm chỗ trung gian để chuyển tải vũ khí đạn dược từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam. Vì một bài báo sai lạc của báo Newsweek mà làm cho tình hình chính trị và quân sự ở Đông Dương thay đổi hẳn đi. Sự kiện vua Shianouk thiên về phe tả, cho phe tả sử dụng đất Kampuchea vận chuyển vũ khí để đánh Mỹ đã gây nhiều khó khăn và thương vong cho người Kamphuchea và cả lính Mỹ. Sau này Tổng thống Nixon cho B 52 dội bom vào những mật khu của Việt Cộng ở Kampuchea và đã gây thương vong nhiều cho người dân Kampuchea.
Đối với đạo Hồi, chuyện báng bổ kinh Quran là chuyện làm gây ra sự chết chóc và đổ vỡ. Theo tin của báo World Net Daily tại Nigeria, dân cuồng tín theo đạo Hồi đã đốt trụi 10 nhà thờ Cơ đốc tại Nigeria, Tây Phi. Việc phóng hỏa này là do một em bị bệnh chậm trí của đạo Cơ đốc đã mạo phạm xé bỏ cuốn kinh thánh Quran. Báo "Compass" của Cơ đốc giáo đã loan tin có một số tín đồ Cơ đốc không rõ tên đã bị giết chết trong biến cố bạo loạn xảy ra tại thị trấn Makafi ngày 3 tháng 4 năm 2004. Vụ đốt phá này đã khiến cho hàng trăm gia đình Cơ đốc giáo phải rời khỏi thị trấn này. Ngày hôm sau, người ta nhìn thấy có nhiều xác người Cơ đốc được đưa về các trạm cảnh sát gần thành phố Kanuna, nơi có một số dân Cơ đốc đang tỵ nạn. Một phóng viên của báo Công giáo Compass đã nhìn thấy các xe tải chở các xác chết đi để đem đốt tập thể. Trong một cuộc họp báo sau đó, Hội Cơ đốc giáo của Nigeria đã xác nhận việc thảm sát và các vụ đốt nhà thờ Cơ đốc. Tiến sĩ Sam Kujiyal là Phó chủ tịch Hội Thánh của bang Kaduna đã cho các nhà báo biết, "Những tên khủng bố Hồi giáo đang dùng danh nghĩa tôn giáo để chiếm quốc gia và hiện đang khủng bố những người theo đạo Cơ đốc với những cớ vớ vẩn. Hiện nay chúng ta đang chứng kiến một tình trạng rất nguy hiểm đang xuất hiện vì cảm xúc tôn giáo, mà những người Cơ đốc chính là những nạn nhân." Hội Thánh Cơ đốc đang xin chính quyền trợ giúp ngân khoản để xây lại các nhà thờ đã bị đốt cháy.
Malam Yusuf Abuakar là một người Hồi giáo cư ngụ tại Makafi đã chứng kiến hành động tấn công nhà thờ của những người Hồi giáo và mô tả sự kiện xảy ra cho báo Compass nghe như sau: "Có một em nhỏ bị bệnh chậm trí, đã vào một trường học Hồi giáo, xé rách cuốn kinh Quran của một học sinh trong trường học này. Sự kiện đó đã khiến cho các học sinh và những người theo đạo Hồi ở chung quanh đánh đập em nhỏ này một cách tàn tệ ngay tại chỗ. Em nhỏ này bị đánh bất tỉnh. Có vài người Hồi giáo bị bắt trong những vụ tấn công và đốt phá nhà thờ này." Đối với người theo đạo Hồi, cuốn kinh thánh Quran là một biểu tượng thiêng liêng và những kẻ nào tỏ ra những hành động bất kính với cuốn kinh này, sẽ bị trừng trị thích đáng, cho dù kẻ báng bổ là một đứa bé mắc bệnh chậm trí. Đây là một đặc điểm "bất khoan dung" của đạo Hồi, một đạo được đánh giá là cực đoan và cuồng tín.
Cách đây không lâu một hãng sản xuất áo tắm của Mỹ đã có một hành động báng bổ với đạo Phật khi họ cho in hình Đức Phật trên áo tắm phụ nữ bikini." Người Phật tử khắp nơi phản ứng bằng thư phản đối và kiến nghị. Rốt cuộc hãng sản xuất áo tắm phải xin lỗi và ngưng sản xuất áo tắm có hình Đức Phật. Thấm nhuần đạo lý từ bi hỉ xả của Đức Phật, người Phật tử có cách phản ứng đàng hoàng, trầm tĩnh, không bạo động để giải quyết vấn đề chứ không hành động bạo động như tín đồ đạo Hồi khi đạo giáo của mình bị báng bổ. Đó là ưu điểm của Đạo Phật so với đạo Hồi. Trước đây vài tháng, người ta ngao ngán thấy đám tang của Chủ tịch Palestine là ông Arafat giống như một cuộc xuống đường hỗn loạn vì những người dân Palestine theo đạo Hồi đã có một cách bày tỏ lòng thương tiếc với lãnh tụ Arafat khá bạo động, hỗn loạn trên đường phố. Không thấy cái không khí u trầm, buồn bã trong đám tang như vẫn thường xảy ra như trong nghi lễ mai táng của những tôn giáo khác. Bạo động đã trở thành cái bản chất của đạo Hồi và bạo động hỗn loạn có thể xảy ra như trong đám tang ông Arafat. Nếu đạo Hồi không thay đổi cách ứng xử mềm mỏng hơn thì khó tìm được sự thân ái và quý trọng từ quần chúng của những tôn giáo khác ở khắp nơi trên toàn cầu.
Ông bà mình ngày xưa có căn dặn rằng, "Bút sa, gà chết " để nói lên sự quan trọng của trách nhiệm người viết trên văn tự, giấy tờ. Nay chuyện một bài báo của Newsweek đã gây ra cái chết cho 16 người đã cho thấy rằng khi "bút sa" thì không phải gây ra cho "gà chết " nữa mà gây cho "người chết"! Nói thế để thấy cái trách nhiệm của người cầm bút. Cần phải điều tra cho kỹ, phán đoán cho tinh trước khi đặt bút viết bài. Vì khi bài viết đã lên khuôn rồi thì có muốn đính chánh, sữa chữa cũng không còn kịp nữa.
Một ngòi bút có lương tâm và trách nhiệm sẽ làm cho cuộc sống đẹp và ý nghĩa hơn, trong khi một ngồi bút vô trách nhiệm, bậy bạ có thể gây ra tai họa thương vong cho một số người như bản tin của báo Newsweek nói trên. Các nhà hiền triết dạy chúng ta cần phải suy nghĩ 7 lần trước khi nói vì lời nói như tên, khi nói ra cũng như mũi tên bắn đi, không rút lại được nữa. Có lẽ tương tự như thế, cũng cần phải suy nghĩ 7 lần trước khi đặt bút xuống giấy viết bài để tránh những ân hận đổ vỡ, thương vong sau ngày báo đã lên khuôn. Khi chuyện không hay xảy rồi thì không còn sửa chữa hay hàn gắn gì được nữa. Mọi chuyện đã muộn màng và sẽ gây ra bao hối tiếc khôn nguôi.
Lawndale, một chiều nắng nhạt hiền hòa, dịu dàng cuối tháng 5 năm 2005
TRẦN VIẾT ĐẠI HƯNG
Email: dalatogo@yahoo.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.