Hôm nay,  

Trang Sử Việt: Hàn Mặc Tử: Nguyễn Trọng Trí

02/05/201700:01:00(Xem: 6572)
HÀN MẶC TỬ: NGUYỄN TRỌNG TRÍ
 (1912 - 1940)
 
     Nguyễn Trọng Trí là thi sĩ Hàn Mặc Tử (người bút nghiên) có lúc đổi thành Hàn Mạc Tử (chàng trai đứng sau bức rèm lạnh lẽo), các bút danh: Hàn Mạc Tử, Lệ Thanh, Phong Trần. 
 
     Ông nguyên quán ở tỉnh Quảng Bình, sinh sống ở thành phố Qui Nhơn, Bình Định, gia đình theo đạo Công giáo. Ông là người khởi đầu dòng thơ lãng mạn vào thế kỷ 20, bài thơ “Đây Thôn Vỹ Dạ” là một trong những bài thơ phong phú:
 
Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên,
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
  
                Gió theo lối gió, mây đường mây
        Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay... 
        Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
        Có chở trăng về kịp tối nay?
  
Mơ khách đường xa, khách đường xa,  
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
Ai biết tình ai có đậm đà?  
 
     Khi ông tiếp xúc với chí sĩ Phan Bội Châu, đã ảnh hưởng lòng yêu nước nồng nàn, thổ lộ qua bài thơ “Thức Khuya”:
 
Non sông bốn mặt ngủ mơ màng
Thức chỉ mình ta dạ chẳng an
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn
Khóc dùm thân thế hoa rơi lệ
  Buồn giúp công danh dế dạo đàn
Trở dậy nôm na vài điệu cũ
Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn
  
     Phan Bội Châu cảm động và họa lại:
 
Chợ lợi trường danh tí chẳng màng
Sao ăn không ngọt ngủ không an?
Trăm năm ngán đó tuồng dâu bể
Muôn họ nhờ ai bạn chiếu chăn
Cửa sấm gớm ghê người đánh trống
Tai trâu mỏi mệt khách đưa đàn
Lòng sen đằng đẵng tơ sen vướng,
Mưa gió bao phen gốc chẳng tàn
  
     Sau này, ông được nhận một suất học bổng đi Pháp, nhưng Pháp xét lại và hủy bỏ, vì ông thân thiết với nhà cách mạng Phan Bội Châu là người chống Pháp kiên cường.
 
     Ông làm việc ở sở Đạc điền Qui Nhơn (1932). Năm 1935, ông xin thôi việc vào Sài Gòn phụ trách trang thơ văn cho các báo Sài Gòn, Tân Thời... Khi ông giữ trang thơ báo Công Luận thì Mộng Cầm ở Phan Thiết cũng làm thơ gửi đăng báo. Hai người trao đổi thư từ, tình cảm vương vấn, ông ra Phan Thiết gặp Mộng Cầm; tình yêu chớm nở giữa hai thi sĩ. 
     Có tài liệu đã ghi rằng: “Hàn Mặc Tử đi dạo với tình nhân là Mộng Cầm ở Lầu Ông Hoàng thuộc Phan Thiết, khi qua một khu nghĩa địa có một ngôi mộ mới an táng thì gặp mưa. Khi ông về nhà thì phát hiện ra mình bị phong ngứa rất khó chịu. Đó là căn bệnh do bị nhiễm bởi trực khuẩn Hansen”. 
 
     Khoảng một năm thì ông trở về Qui Nhơn, phát hiện mắc bệnh phong, điều trị tại nhà khá lâu không hết, ông bị cưỡng bức vào nhà thương Quy Hòa. Ông mất vào ngày 11-11-1940, hưởng dương 28 tuổi. Sau đấy, bác sĩ Gour Vile cho biết: “Hàn Mặc Tử qua đời là do nội tạng bị hư hỏng nhanh chóng, bởi uống nhiều thuốc tạp nham của lang băm, trước khi nhập viện phong Quy Hòa!”. 
 
     Hàn Mặc Tử đã để lại các tác phẩm:
 - Thơ gồm có: Gái Quê đây là tập thơ duy nhất được xuất bản lúc tác giả chưa qua đời, xuất bản năm 1936. 
     Lệ Thanh thi tập (Hầu hết thơ thất ngôn bát cú). Thơ Điên (sau đổi là thơ Đau Thương, gồm 3 tập: Mật đắng, Hương thơm; Máu cuồng và Hồn điên). Chơi Giữa Mùa Trăng, Cẩm Châu Duyên, Xuân Như Ý, Thượng Thanh Khí.
 - Kịch thơ: Duyên kỳ ngộ, Quần tiên hội.
 
Cảm niệm: Hàn Mặc Tử
  
Thơ Hàn Mặc Tử, vấn vương đời
Thi phú dịu dàng, mến khắp nơi 
Lãng mạn tâm hồn nhiều lạ lẫm
Cõi trần sớm biệt, khó khăn vơi!
 
Nguyễn Lộc Yên 


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.