Hôm nay,  

Biển Đông Đầy Cơ Nguy

25/08/201500:00:00(Xem: 7082)

Sóng gió, ngột ngạt... Biển Đông đầy cơ nguy bùng nổ chiến tranh.

Báo International Business Times hôm Thứ Hai 24-8-2015 đưa ra một bản tin cho biết ngân sách quốc phòng Trung Quốc trong năm 2015 tăng 10% so với năm 2014, và như thế là khoảng 2.1% tổng sản lượng GDP. Đó là từ bản phúc trình của viện Stockholm International Peace Research Institute says.

Ngân sách quốc phòng TQ hiện nay khoảng hơn 200 tỷ USD, chỉ đứng sau Hoa Kỳ (610 tỷ USD) và hơn Nga (80 tỷ USD).

Trong khi đó, bản tin VOA hôm Thứ Hai 24-8-2015 nêu câu hỏi: “Chiến lược an ninh mới của Mỹ về Biển Đông chưa đủ quyết liệt?”

Bản tin này nói rằng Ngũ Giác Đài vừa công bố Chiến lược An ninh Biển vùng Á Châu-Thái Bình Dương, nêu lên 3 mục tiêu về an ninh biển cho khu vực này là “bảo vệ tự do hàng hải, răn đe xung đột và các hành vi cưỡng bức, và cổ vũ cho việc tôn trọng luật pháp và các chuẩn mực quốc tế".

Chiến lược mới này được cho là một sự đóng góp tích cực dù có hơi muộn màng, nhưng theo tác giả Andrew Erickson vẫn chưa đi đủ xa. Tác giả bài viết đăng trên tờ The Wall St. Journal hôm nay là Giáo sư Học viện Hải quân Andrew Erickson. Ông nêu lên những điểm mạnh của chiến lược an ninh biển của Mỹ, thứ nhất là chứng minh tầm quan trọng của các tuyến hàng hải quốc tế, đặc biệt tại Ấn Độ Dương, Biển Đông và Biển Hoa Đông đối với các lợi ích của Mỹ.

Thứ hai là dẫn chứng bằng tài liệu những tiến bộ vượt bực của Hải quân Trung Quốc, lực lượng này giờ đây sở hữu nhiều tàu nhất Châu Á với 303 tàu chiến các loại, hoàn toàn áp đảo 202 tàu chiến cộng lại của Nhật Bản, Indonesia, Việt Nam, Malaysia và Philippines.

Điểm mạnh thứ ba của chiến lược của Mỹ là cung cấp dữ liệu về kết quả các công trình xây đảo của Trung Quốc ở Biển Đông, mà cuối cùng đã tạo ra thêm 2,900 mẫu Anh so với Việt Nam chỉ có 80 mẫu, Malaysia 70 mẫu, Philippines 14 mẫu, và Đài Loan, 8 mẫu.

Ngoài ra, chiến lược này cũng cho thấy một cách cụ thể sự cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực, quyết tâm thực hiện chiến lược xoay trục sang Châu Á trước năm 2020 bằng cách chuyển khí tài sang vùng Thái Bình Dương, gia tăng sự hiện diện của Mỹ, tăng cường các cuộc diễn tập quân sự và xây dựng khả năng hàng hải của các nước đối tác.

Về các điểm yếu, đặc biệt VOA ghi nhận:

“...ông Erickson cho rằng chiến lược an ninh biển của Mỹ không đi đủ xa khi tìm cách tỏ ra khách quan bằng cách dùng những ngôn từ không rõ ràng cho rằng tất cả các bên đều có lỗi, dù cho Trung Quốc là nước có cách hành xử tiêu cực nhất.

Giáo sư Erickson nói rằng lẽ ra chiến lược của Mỹ phải minh định rõ rệt rằng đường 9 đoạn mà Bắc Kinh dùng để tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, là không có cơ sở trên luật quốc tế.

Giáo sư Erickson lập luận rằng điểm nhấn của chiến lược an ninh biển của Mỹ đặt quá nặng mục tiêu giảm thiểu căng thẳng khiến cho Washington tỏ ra yếu ớt dưới con mắt của quốc tế. Chiến lược này đặt quá nặng vấn đề giảm thiểu rủi ro, chỉ nêu lên những quan ngại của phía Hoa Kỳ trong khi không có dấu hiệu nào cho thấy là những lời lẽ của Washington có tác động nào tới hành động của Bắc Kinh.

Việc chiến lược an ninh mới của Mỹ đề cập tới việc Trung Quốc được mời để tham gia các cuộc diễn tập đa quốc Vành Đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2016 ở mức tương tự như hồi năm 2014, theo tác giả, nêu lên một điểm yếu quan trọng trong sự lãnh đạo của Tổng Thống Obama, trong khi lẽ ra chiến lược này phải khẳng định sự sẵn sàng của Hoa Kỳ đối mặt với Trung Quốc chống lại một loạt hành động tiêu cực cao độ của Bắc Kinh trong mấy năm gần đây.

Ông Erickson đề nghị chính phủ của Tổng Thống Obama nên công bố một Chiến lược Á Châu-Thái Bình Dương, tuyên bố Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về hành động của mình tương tự như đã làm trong trường hợp của Nga trong cuộc khủng hoảng ở bán đảo Crimea của Ukraine, và phải tỏ thái độ dứt khoát, sẵn sàng để căng thẳng gia tăng với Bắc Kinh để tăng cái giá mà Trung Quốc phải trả nếu nước này tiếp tục các hành động gây phương hại an ninh và ổn định khu vực.”(ngưng trích)

Trong khi đó, bản tin BBC ghi rằng giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vừa hoàn tất việc khoan thăm dò một địa điểm ngoài khơi Việt Nam, Tân Hoa Xã nói hôm thứ Hai.

Tân Hoa Xã không đưa thông tin về vị trí khoan, nhưng Reuters dẫn nguồn trang mạng của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc trước đó nói đây là vị trí nằm cách bờ biển Việt Nam chỉ trên 100 hải lý, và cách thành phố nghỉ dưỡng Tam Á trên đảo Hải Nam 75 hải lý về phía nam.

Hồi cuối tháng Sáu, Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc nói Giàn khoan Hải Dương 981 tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng biển có tọa độ 17 độ 3,75 phút vĩ Bắc; 109 độ 59,05 phút kinh Đông, trong thời gian từ 25/6 đến 20/8.

Đây là vị trí phía nam cửa Vịnh Bắc Bộ và tây tây bắc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết vùng biển này, trong lúc các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố xác lập quyền ở những vùng chồng lấn.

BBC nêu nghi vấn đó là vùng chồng lấn.

Bản tin này nhắc rằng:

“...Hồi cuối tháng Sáu, một tướng công an Việt Nam nói việc Trung Quốc kéo Giàn khoan 981 vào khu vực chồng lấn là chuyện "không gây ngạc nhiên".

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an, nói rằng việc làm đó "như là bữa ăn hằng ngày của phía Trung Quốc, không có gì đáng ngạc nhiên cả", báo Người Lao động trích lời.

Trung Quốc trong những năm gần đây cũng bất đồng với Philippines về bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc đã chiếm vào năm 2012.

Hôm thứ Hai 24/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại lên án việc Philippines đưa vấn đề ra trọng tài quốc tế và nói làm vậy là vi phạm những cam kết trước đây về việc giải quyết song phương các tranh chấp, và là hành vi lạm dụng hệ thống pháp luật.

Cũng liên quan tới Biển Đông, Việt Nam vừa lên tiếng phản đối việc Đài Loan cho xây một ngọn hải đăng trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa.”(ngưng trích)

Trong khi đó, báo Tiền Phong kể chuyện Chu Phương, một biên tập viên Tân Hoa xã đã phản đối 'thành phố Tam Sa'...

Báo Tiền phong ghi lời họ Chu:

“Thiết lập “thành phố Tam Sa” là hành động tự cô lập mình của Trung Quốc, là một sai lầm chiến lược to lớn cần phải nhanh chóng sửa chữa!”.

Nhưng rồi sẽ vô ích thôi. Vì anh chỉ là một học giả đơn độc trong đất nước khổng lồ độc tài TQ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.