Hôm nay,  

Vui Buồn Thẩm Mỹ: Màu Chồng Tôi Thích...

11/07/201500:00:00(Xem: 2561)
Hôm trước trong tiệm có chuyện vui vui. Có những chi tiết nhỏ nhặt ngày thường không dè không nghĩ tới mà hiệu nghiệm vô cùng.

Chẳng là, có một bà khách mới tới lần đầu, làm móng tay móng chân.

Là một người đàn bà trung niên rất vui vẻ. Mái tóc màu bạch kim, làn da trắng hồng, bận chiếc áo đầm màu vàng có sọc nâu hài hoà tươm tất. Nhìn bà toàn diện, hiện rõ, tượng trưng là một người đàn bà của thế hệ xưa.

Chị Ngà cầm bàn tay bà, hỏi có muốn đắp bộ móng tay giả cho vui hay không, nhưng bà cười xoà, nói:

- Cảm ơn ý tốt của cô, hãy nhìn bàn tay tôi, là bàn tay trong bếp chứ đâu phải bàn tay của phòng khách, thì làm sao mà xài bộ móng xa xỉ ấy. Tôi chỉ muốn bàn tay bàn chân sạch sẽ sơn phết tươi tắn cho buổi tiệc gia đình mà thôi. Cũng lâu lắm rồi đại gia đình không có một ngày họp mặt đông đủ như thế nầy, gia đình các em và cháu tôi sẽ tới từ các quốc gia khác và sẽ ở nhà tôi một hai tuần đó.

Chị Ngà cười cười, tiếp:

- Cũng bởi vì là ngày họp gia đình từ lâu mới có cho nên bà mới nên xài bộ móng giả để khoe với bà con chứ à. Hãy cho họ thấy bà cũng theo kịp thời trang chứ ạ. Với bộ móng giả, bà sẽ giữ được rất lâu, ít nhứt là 2,3 tuần lễ đó. Nếu không thích thì sau đó bà có thể gỡ bỏ mà, giá cả cũng không chênh lệch bao nhiêu đâu, bà nên xài thử một lần cho vui.

Nói rồi, để bà khách suy nghĩ, chị Ngà chỉ bà coi hàng kệ chưng mấy chục chai nước sơn móng tay, biểu bà chọn màu trong khi chị sửa soạn bàn làm việc vì mới xong một người khách, còn bề bộn.

Bà chọn một chai nước sơn màu hồng thật lợt. Chai nước sơn nầy đã từ lâu ít ai chọn, nằm sâu phía sau những màu xanh đỏ tím vàng đen đang được ưa chuộng.

Chị Ngà cười cười, nói:

- Ô! Bà thích màu tôi cũng thích.

Bà khách cười ha hả:

- Ừmh. Và cũng là màu chồng tôi thích. Từ xưa tới nay, nếu cần sơn móng tay tôi cũng xài mỗi màu nầy thôi.

Chị Ngà nghĩ thầm, trời, ngộ quá, tâm tình của người phương Tây có khác gì phương Đông mình đâu ta? trang điểm cho mình theo ý thích của người chồng. Thế thì, mái tóc, bộ quần áo chắc cũng là theo ý ông chồng. Hà, thế là bao nhiêu chuyện xưa tuôn ra, giữa thợ và người khách mới gặp coi bộ hợp “rơ” quá xá. Phải hợp nhau như bạn lâu đời mới đem tâm sự ra mà kể tách bạch cho nhau nghe chớ.

Họ nói toàn là những kỷ niệm như -chồng tôi hay gởi thư cho tôi, hẹn hò gặp nhau sau giờ học, bên sân trường, đi bên nhau tâm sự chuyện trên trời dưới đất trừ chuyện tình yêu, đi ăn kem rồi ai về nhà nấy, là cái thời xa xưa khi chưa có cell phone, chưa có internet email… khi xa thì nhớ thấy bà nhưng khi gần thì hổng dám đụng nhau…

ờ ờ thì tôi cũng vậy ờ ờ ờ…

Quả là tội nghiệp cho những mối tình xưa, nếu phải chia tay nhau đời ai nấy sống.

Chị Ngà ước tính, độ chừng bà khách cũng phải xấp xỉ trên sáu mươi.

Chị Ngà nhớ hồi người yêu đầu tiên đang cua chị, cũng y chang. Cũng những lá thư đầy ắp lời lẽ thương nhớ thắm thiết cho dù mới gặp nhau hồi chiều hôm qua trong sân trường. Chị nhớ con đường có lá me bay, có vệt nắng chiếu lấp lánh qua bóng lá đôi nhỏ tí xíu, có chiếc ghế trong công viên buổi trưa vàng “cúp cua”, những bước chân sánh đôi trên con đường dài xanh mát, chưa dám nắm tay nhau, đã nhớ nhau trước khi chia tay về nhà. Chị nhớ mãi cho tới bây giờ và biết rằng nhớ cho cả ngày sau.

Qua cả một thời gian dài đăng đẵng, sống và tranh đấu không ngừng, bao thăng trầm và thay đổi, khi tới tuổi nầy mới hiểu ra, mới rõ ra, vì sao ta không có hạnh phúc, vì sao nghĩa vợ chồng không giữ được chân người chồng phụ bạc, và hơn hết cả, tình yêu miên viễn là gì, người ta yêu là ai.


Những mối tình vụng dại ấy, quá mong manh, quá ngây thô, không biết cách giữ gìn, rồi bị áp lực của gia đình của hoàn cảnh mà để vuột mất đi, để lại trong tim bao nhiêu là tiếc nuối. Khi tình không trọn vẹn, người ta nhớ nhau mà không thể gặp nhau, không thể liên lạc được với nhau khi ngàn trùng xa cách, nhứt là khi xa cách cả đại dương, tình cảm dỡ dang ấy cứ vương vấn mãi trong trái tim xót xa.

Sau cùng, với sự vui vẻ cởi mở bà khách bằng lòng làm một bộ móng giả, cho thay đổi, cho vui, cho đẹp, cho thời trang ít nhứt cũng hai ba tuần lễ. Bà thêm:

- Thế nào ông chồng già bảo thủ và cố chấp của tôi cũng la làng.

Chị Ngà cười cười:

- Khi ấy thì bà ra đây tôi tháo ra cho, miễn phí, miễn phí luôn nước sơn mới. Nhưng tôi cá với bà chẳng những không la làng mà ông còn hãnh diện vì vợ mình vừa làm bếp giỏi vừa là người đàn bà sang trọng trong phòng khách.

Bà khách cười ha hả khen chị có lối ăn nói rất vui lòng người. Hẳn nhiên. “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” kia mà.

Với bàn tay khéo léo dài lâu kinh nghiệm, chị đắp cho bà khách một bộ móng tay chỉ vừa dài ra chút xíu thôi cho dễ xử dụng. Bà khách cứ xoay bàn tay lại trầm trồ, miệng cười tươi lắm, “rất đẹp rất đẹp”. Tới khi bắt đầu sơn, chị Ngà mở mãi không ra cái nắp.

Cười vả lã chị nói:

- Bà đợi chút để tôi đi rửa tay, trơn quá vì kem thoa tay.

Bà khách ngăn chị lại, hỏi:

- Khoan, để dành nước, đang khan hiếm ha ha ha… cô có sợi dây thun không, đưa đây, tôi chỉ cho cái nầy.

Chị Ngà nói:

- Dây thun thì thiếu gì.

Chị kéo ngăn tủ ra, moi lấy sợi dây thun đưa cho khách. Bà khách lấy sợi thun ràng nhanh qua hai ba vòng quanh cái nắp chai rồi đưa lại chị Ngà, nói “mở đi”. Chị cầm cái nắp xoay một cái, nắp chai đã mở, dễ ợt. Ngạc nhiên chị cười xoà, khen ríu rít:

- Ngộ quá, hay thiệt.

Bà khách cừơi, nói:

- Ùmh, trong bếp tôi lúc nào cũng có để dành vài sợi thun, loại to bản để mở các cái nắp. Bất cứ cái nắp chai nắp keo nào cứng chắc ngoan cố cách mấy cũng mở được bằng sợi dây thun đấy. Khi đám cháu nhỏ của tôi tới tôi sẽ dùng dây thun ràng mấy cánh cửa đựng chai lọ lại để chúng khó mở mà phá phách được... hà hà hà...

Cô biết không trong bếp tôi chẳng có bất cứ thứ gì mới mẻ mà họ quảng cáo tùm lum trên TiVi đâu, tôi toàn là xài mẹo vặt khi xưa mẹ tôi đã dạy cho tôi thôi. Còn nữa, cô biết không, tôi vẫn xử dụng cái miếng khui đồ hộp cầm tay nhỏ xíu của quân nhân có từ thời thế chiến thứ hai của thế kỷ trước mà chồng tôi giữ làm kỷ niệm, không cần đồ nầy kiểu nọ máy móc chi cả.

Rồi nhìn quanh tiệm, bà tiếp:

- Nầy nầy, những chậu cây kiểng trong tiệm, nếu có bị sâu, hay nếu muốn ngừa sâu, cô hãy dùng vài giọt xà bông pha với nước mà xịt lên, sẽ trừ được sâu đấy, còn nữa, nếu muốn khử những mùi thức ăn của mấy cái hộp nhựa mà cô đem thức ăn theo đó, hãy đổ một muỗng bột baking soda pha với nước mà ngâm.

Rồi bà kể luôn thêm vài mẹo khác nữa mà chị Ngà nói chắc tôi phải viết xuống sổ tay thì mới nhớ hết được bà à. Lần sau bà tới tôi sẽ có cuốn sổ để ghi.

Khi xong, tính tiền, bà khách nhắc là cô nhớ có sẵn cuốn sổ tay lần sau tôi sẽ chỉ cho nhiều mẹo nữa nghe không. Nói rồi bà khách “ruột” tương lai cười hà hà sảng khoái, bước ra, vừa đi vừa đưa bàn tay có móng dài màu hồng lên ngắm nghía.

Chị Ngà nhìn theo với ánh mắt giống như ánh mắt trìu mến để nhìn mấy nhỏ bạn ngồi chung bàn những năm Trung học hồi xưa.

Hồi xưa, ngày xưa, người xưa.

Ai cũng có. /.

Trương Ngọc Bảo Xuân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.