Hôm nay,  

Tìm Mua Heo Tộc, Gà Thượng: Đắt Giá Nhưng Ngon Và Sạch

26/04/201500:00:00(Xem: 6514)
SAIGON -- Trong khi xảy ra tệ nạn thịt heo bị chích thuốc ngủ... thế là dân chúng rủ nhau tìm heo mọi cho an toàn.

Báo Kiến Thức kể rằng:

“Thịt lợn tiêm thuốc ngủ trước khi giết mổ chắc chắn tồn đọng chất độc. Người ăn loại thịt này thường xuyên sẽ hỏng thận, hại thần kinh, mục xương...

Hàng loạt vụ việc tiêm thuốc an thần và bơm nước vào bụng lợn trước khi đem bán bị phát hiện khiến người dân hoang mang, lo sợ. Mới đây nhất, Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) và Chi cục Thú y Biên Hòa bắt quả tang một cơ sở bơm nước vào bụng lợn đã được tiêm thuốc ngủ trước khi bơm nước...”

Thê nên, vào cái thời trái cây tẩm thuốc kích thích, ngũ cốc biến đổi gien, gia súc/gia cầm nuôi bằng chất tăng trọng… đã quá phổ biến như hiện nay thì các loại thực phẩm tự nhiên như heo tộc, gà thượng trở nên hết sức quý giá, theo Thế Giới Tiếp Thị.

Ở nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số trên vùng Tây Nguyên, con heo tộc - còn gọi là heo mọi, heo thượng – vốn là giống gia súc rất quen thuộc nhưng thường được nuôi theo cách rất hoang dã, không khác gì heo rừng. Thường thì chúng được thả rong, tự do “bụi đời” bươn chải kiếm củ lang, củ mì, đọt chuối… mà ăn qua ngày, hiếm hoi mới có bữa cám nấu. Chỉ ở những làng “văn hoá kiểu mẫu”, con heo mới có chuồng.

blank
Heo tộc nuôi ở một làng đồng bào dân tộc thiểu số vùng Lâm Đồng.

Thế Giới Tiếp Thị dẫn lời anh Hoàng Vinh (huyện Chư Sê, Gia Lai) kể là mùa tết rồi, anh lặn lội vào một làng đồng bào dân tộc thiểu số kiếm con heo ăn tết nhưng đi mấy lượt vẫn chưa mua được, dù chủ nhà đã nhận tiền cọc. “Con heo đi chơi rồi! Mấy ngày nay chưa về. Khi nào bắt được tui gọi điện thoại”, chủ nhà cười. Phải hai ngày sau, nhận được điện thoại, anh vào làng, con heo đã được buộc chặt bằng mấy sợi lạt lồ ô, thở hổn hển, sùi bọt mép… “Nó vừa đi chơi về đó. Tui cho nó ăn cơm mới bắt được”, chủ nhà kể.

Theo lời anh Vinh thì “người còn không có gạo ăn, nói gì cho heo”. Mùa suốt lúa, heo còn có chút cám, có thêm mấy củ mì, củ lang nên da còn láng. Còn mùa khô, cả đàn dắt nhau đi ra rẫy để mót củ mì, rễ cây, gốc chuối, đọt măng tre, măng le nên da heo nhăn nheo, lớp mỡ tan biến, chỉ còn thịt và xương. Tuy xấu xí như vậy nhưng thịt heo lại có nạc nhiều và không dai, da dày nhưng mềm. “Điểm đặc biệt của thịt heo đi rong là thơm, ngọt, để vài ngày không cần ướp gì cả, chỉ cần treo lên mà thịt vẫn không hôi. Nói chung là không có chỗ nào để chê”, Anh Vinh kết luận.


Thế Giới Tiếp Thị ghi nhận theo kinh nghiệm của người từng sống ở vùng đất Tây Nguyên, heo thượng không có hình thể đồng nhất như heo kinh. Có con lưng õng, mình đầy lông, chân ngắn, mỏ ngắn. Có con lại có chân dài, mình thon, mõm dài. Có con lưng đốm, lưng đen nhưng cũng có nhiều con sọc dưa trên lưng, trên bụng.

Do thịt ngon nên heo tộc cũng được nuôi ở các trang trại miền núi và mấy năm gần đây, chúng được nuôi khá nhiều ở các quận, huyện vùng ven Sài Gòn như quận 9, Hóc Môn, Củ Chi... Trong trang trại, heo tộc và heo rừng được nuôi nhốt chung, kích cỡ khá tương đồng với nhau và chế độ ăn uống cũng giống hệt nhau.

blank
Heo tộc, heo rừng (giống Thái Lan) nuôi chung chuồng tại một trang trại ở Mũi Né (Phan Thiết).

Mặt khác, nếu trước đây heo rừng nuôi được ưa chuộng nhất, thì heo tộc do thịt ít dai, ít mỡ hơn so với heo rừng nên dần hồi vượt lên, giá bán cao hơn heo rừng, dù heo rừng vẫn có lợi thế là được nuôi theo quy trình công nghiệp, xuất chuồng hàng loạt nên giá thành rẻ hơn (khoảng 120,000 - 150,000 đồng/kg, trong khi heo tộc giá 200,000 – 220,000 đồng/kg), Vì thế trên thị trường đã có tình trạng mạo nhận thịt heo rừng nuôi là thịt heo tộc để bán giá cao.

Theo Thế Giới Tiếp Thị, cũng như heo, gà nuôi ở làng đồng bào dân tộc thiểu số cũng tồn tại theo cách của tự nhiên. Mùa bắp khô, chúng kéo nhau ra rẫy ăn no diều mới thôi. Bắp hết cũng là lúc lúa chín, lại kéo nhau ra rẫy lượm lúa ngã… Hết mùa bắp, mùa lúa, thì tìm sâu, tranh với heo, banh cả gốc mì mà mổ củ. No hay đói, hễ mặt trời lặn là chúng kéo nhau lên cây ngủ.

Gà thượng có đôi cánh khoẻ, chân nhỏ và dài, mình thon thả. Giống gà này to hết cỡ, thường là gà cồ, cũng chỉ 1.5kg, còn gà mái, chỉ từ 0.8 – 1.2kg. Thịt thơm và chắc. Cách chế biến hợp nhất, ăn ngon nhất là hấp đối với gà mái, nướng đối với gà cồ, gà lớn tuổi (vì thịt hơi dai). Dù nướng hay hấp, nên ướp bằng tiêu xanh, sau đó chấm với muối lá é và ớt xanh.

Theo lời anh Đãng (ngụ ở Chư Sê, Gia Lai), muốn ăn gà thượng cần phải đặt trước chủ nhà vài ngày. Nếu mua trực tiếp của chủ nhà, giá từ 120,000 – 150,000 đồng/con, còn mua qua mấy tay buôn làng, giá nhích lên chút đỉnh, từ 100,000 – 120,000 đồng/kg.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.