Hôm nay,  

Biển Đông Về Đâu?

12/08/201400:00:00(Xem: 13831)

Vẫn sôi động... với nhiều sóng ngầm.

Bản tin VOA cho biết Mỹ sẽ giám sát Biển Đông.

VOA ghi nhận:

“Một giới chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 11/8 cho hay Mỹ sẽ giám sát các hành động ở Biển Đông để theo dõi xem các bước giảm căng thẳng có được thực hiện hay không.

Phát biểu của giới chức không muốn nêu tên do Reuters thuật lại được đưa ra 1 ngày sau khi Trung Quốc kháng cự áp lực của Mỹ muốn kiềm chế các động thái của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Tại thượng đỉnh khu vực cuối tuần qua ở Miến Điện quy tụ sự tham dự của 27 nước kể cả Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật, Ấn và Australia, Trung Quốc và vài nước Đông Nam Á đã đáp ứng không mấy tích cực trước đề nghị của Mỹ về việc ngưng các hành động khiêu khích tại các vùng biển có tranh chấp. Đây là một bước lùi đối với các nỗ lực của Washington trong việc ngăn cản các bước gây hấn của Bắc Kinh.

ASEAN hôm qua bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và kêu gọi các cuộc thảo luận tăng cường với Trung Quốc.

Tuy nhiên, thông cáo chung cuộc của cuộc họp ASEAN không đề cập cụ thể tới Trung Quốc và 10 nước Đông Nam Á cũng không đáp ứng lời kêu gọi của Hoa Kỳ và Philippines về việc ngưng các hành động gây hấn như khai hoang lấp biển hay đưa giàn khoan vào khu vực có tranh chấp.

Thông cáo báo chí của ASEAN sau cuộc họp kết thúc ở thủ đô Naypitaw thúc giục các bên liên quan tự chế, tránh những hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, gây phương hại hòa bình-ổn định-an ninh Biển Đông và chung quyết Bộ Quy tắc Ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý gồm các thành tố cụ thể để phát huy sự tin cậy lẫn nhau và xoa dịu căng thẳng.

Giới chức cấp cao không nêu tên cho Reuters biết thêm rằng Australia, đồng minh thân cận của Mỹ, hậu thuẫn lời kêu gọi của Hoa Kỳ đưa ra ở thượng đỉnh ASEAN và sau các cuộc thảo luận ở Miến Điện, đôi bên dự định tìm kiếm các hành động kế tiếp bao gồm một cuộc họp tới đây giữa các nước ASEAN với Trung Quốc.

Nguồn tin vừa kể nói rằng bước tức thời tiếp theo là đánh giá cuộc họp ASEAN-Trung Quốc diễn ra trong vài tuần tới nhằm thảo luận lệnh ngưng xây dựng mới sẽ bao gồm các hoạt động cụ thể nào. Vẫn theo giới chức này, Hoa Kỳ sẽ theo dõi tình thình thực tế diễn ra xung quanh các bãi cạn, bãi đá, và bãi san hô ở Biển Đông.

Rời Miến Điện, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên đường sang Australia để thảo luận về hợp tác quốc phòng, an ninh mạng và an ninh hàng hải.

Hai bên sẽ ký thỏa thuận về việc điều động binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ tới Australia tham gia các cuộc diễn tập chung và các buổi huấn luyện trong các lĩnh vực bao gồm cứu hộ thiên tai.

Hiện có khoảng 1.150 binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ đóng ở Darwin, Bắc Australia, theo thỏa thuận năm 2011 mở ra chính sách ‘xoay trục về Châu Á’ của Tổng thống Barack Obama...(hết trích)

Trong khi đó, RFA ghi rằng Mỹ đã tự nhận thúc đẩy «thành công» hồ sơ Biển Đông tại Hội nghị ASEAN.

Thành công ra sao? RFI ghi nhận:

“Ngoại trưởng Vương Nghị vào hôm nay, 11/08/2014 đã phản ứng gay gắt trước đề nghị «đóng băng» các hành vi khiêu khích tại Biển Đông đã được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thúc đẩy tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa kết thúc hôm qua. Phải chăng đây là một biểu hiện tức tối khi thấy Trung Quốc bị lép vế trên vấn đề Biển Đông?


...ASEAN quyết tâm hơn trong hồ sơ Biển Đông

Về diễn biến của hồ sơ Biển Đông tại Hội nghị ASEAN, quan chức cao cấp tại Bộ Ngoại giao Mỹ đã ghi nhận một chuyển biến được coi là tích cực trong nội bộ khối ASEAN, được cho là đã thể hiện được một sự nhất trí cũng như quyết tâm cao hơn để làm giảm nhiệt tại Biển Đông...

Đối với quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ này, thì điểm đáng chú ý là 10 nước ASEAN đã thay đổi cách xử lý hồ sơ Biển Đông khi quan hệ với Trung Quốc:

«Chúng ta đang thấy một sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận ngoại giao của các nước ASEAN đối với Trung Quốc liên quan đến Biển Đông. Họ đã quyết định rằng nếu chỉ nêu bật các khía cạnh tích cực mà thôi thì không còn đủ nữa. Hiện giờ, họ đã cho thấy rõ là họ ngày càng quan ngại trước các hành vi leo thang, và việc tập trung vào hành vi thay vì vào tiến trình, chính là tâm điểm trong tính toán của Mỹ khi đề xuất ý tưởng về việc ‘tự nguyện đóng băng’".

Theo quan chức ngoại giao này, khi đề xuất khái niệm về sự đóng băng, Hoa Kỳ không tìm cách áp đặt bất kỳ công thức có sẵn nào cho các nước trong khu vực, mà chỉ muốn cho các bên tranh chấp ở Biển Đông thấy rõ hai điểm: Một là xác định được là cái gì cần được giải quyết trước tiên, bước đi cụ thể mà các bên tranh chấp có thể theo hay không theo, để ngăn chặn căng thẳng xảy ra. Và hai là không cần phải chờ cho đến đạt được bộ quy tắc ứng xử rồi mới hành động. Thành công của Mỹ tại ASEAN lần này, theo nguồn tin trên, chính là ở các điểm đó...”(hết trích)

Trong khi đó, RFA nêu câu hỏi: ASEAN giúp được gì cho Việt Nam về chủ quyền lãnh thổ?

RFA ghi lời giải thích của Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, đưa ra đánh giá:

“Theo những gì tôi được biết, đặc biệt vừa rồi Hội nghị AMM có ra thông cáo mà lần này tôi nghĩ có những nội dung rất cụ thể. Đặc biệt trong đó có nêu lên các bên cần tuân thủ Điều 4, Điều 5 của DoC, các bên cùng nhau giải quyết mọi tranh chấp, xung đột bằng giải pháp, biện pháp hòa bình gồm cả đàm phán song phương, đa phương và các biện pháp khác. Ngoài ra còn có kêu gọi các bên phải giữ nguyên hiện trạng theo nghĩa thông thường là phải ‘đóng băng’ tất cả, không được làm phức tạp tình hình. Không được đóng quân mới, không được xây dựng nhất là tại các đá, bãi cạn, bãi cát mà từ trước đến nay chưa có người chiếm đóng. Rõ ràng trong kêu gọi có nhắc lại điều đó. Nhắc lại sở dĩ vì trong thời gian vừa qua Trung Quốc tiến hành xâm chiếm một số bãi cạn nằm trong thềm lục địa của một số nước như bãi cạn Scarborough, với việc nâng cấp một số nhóm đảo ở phía tây bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ chiếm từ năm 88. Đặc biệt sự kiện họ đào, đổ thêm đất đá mở rộng vùng đá chìm, bãi nổi, làm đường băng trên nhóm đảo Gạc Ma mà họ chiếm của Việt Nam từ năm 88 là việc làm thay đổi hiện trạng. Điều đó hoàn toàn vi phạm những cam kết mà họ đã ký kết.

Nếu so với tuyên bố trước đây thì mạnh, cụ thể hơn và theo tôi rõ ràng là một bước tiến mới trong thái độ, lập trường của các nước ASEAN trước những hành động của Trung Quốc gây ra trong thời gian vừa rồi.”(hết trích)

Nhưng rồi TQ có chịu đóng băng hay không? Đành phải chờ xem vậy... Rồi TQ sẽ mua chuộc Cam Bốt và Lào ra sao? Cũng đành chờ vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.