Hôm nay,  

Sài Gòn Muôn Mặt: Mánh Lới Của Dân Mua Ve Chai

04/08/201400:00:00(Xem: 4764)

SAIGON -- Từ lâu, nghề thu mua ve chai dù nhiều dù ít đã mang tiếng gian. Như câu ví von “Cái cân mà biết nói năng…”, sự thiếu chân thật của nhiều người trong cái nghề hạ bạc nhưng vẫn kiếm rất khá này chủ yếu là ở trò cân gian đối với mọi thứ mà họ thu mua.

Một bài viết trên Dân Trí đã nêu những “phút nói thật” của những người đã sống lâu năm trong nghề ve chai. Đầu tiên là chị Trịnh Thị Tâm (28 tuổi), quê ở Yên Định (Thanh Hóa), cùng chồng vào trọ ở phường Bình An, quận 2 (Sài Gòn) từ năm 2006, mua bán ve chai kiếm sống, đồng thời để kiếm tiền trả nợ xây nhà, vừa để trị bệnh phổi cho con trai. Rồi chị Lệ (quê Đông Sơn, Thanh Hóa) một thân một mình vào Sài Gòn làm ve chai nuôi hai con ăn học ở quê. Hay chị Khuyên, quê ở Nam Định, 49 tuổi đã lên chức bà mà vẫn đi mua ve chai. Họ vào Nam vì nơi quê, đồng ruộng không nuôi nổi họ, nhất là khi mất mùa vì gió chướng, vì giá phân bón lên cao...

blank
Ở một vựa mua gom ve chai, phế liệu nằm ở vùng Tân Bình, Sài Gòn.

Chị Tâm tiết lộ là đối với tất cả dân mua ve chai, đồ nghề của các chị quan trọng nhất là chiếc cân 20 kí. Lời lãi nằm ở đó. Có những đống sắt nặng trên 50 kí nhưng nằm trên chiếc cân của các chị đều không thể vượt qua con số 20. Bí quyết là dùng phần sau của chiếc dép xốp lót vào trong cân. Khi cân vật nặng, lật ngửa cân ra để chiếc dép chèn vào lò xo. Lúc ấy, dẫu là vật rất nặng nhưng không bao giờ cây kim có thể chạy nổi qua con số 20. Còn khi cân những vật nhẹ, các chị úp cân xuống cho chiếc dép rời khỏi lò xo nhưng vẫn lời vì một kí ở cân ve chai bằng 1.5 đến 3 kí cân thường. Một cách nữa để làm cân “biến thái” là dùng một sợi dây đồng quấn lò xo trong ruột cân, quấn càng chặt thì lò xo càng ít chạy. Chỉ như thế mới có lãi. Một kí sắt, nhựa các chị lời 2,000 đồng, một kí giấy lời 500 đồng.

Làm sao họ kiếm đủ sống khi mỗi ngày chỉ có vài nhà bán ve chai, vậy nhưng thu nhập hàng ngày của dân gom ve chai gần cả trăm ngàn. Thậm chí, theo lời chị Tâm, có người mua bán ve chai gần 10 năm đã mua đất, mua nhà, mua xe cẩu cả trăm triệu, như vợ chồng Gán - Tâm hay vợ chồng Thọ - Nhàn mà chị quen biết.

Bài viết trên Dân Trí nhận định là từ gốc nông dân một nắng hai sương, phụ nữ vùng Bắc Trung Bộ vào Nam làm nghề ve chai khá nhiều. Với uớc mong nuôi con, trả nợ, thoát khỏi cảnh nghèo, họ đành gia nhập cái nghề mang tiếng là gian. Ngày ngày, cũng chính cái nghèo bó buộc bàn chân họ trên những guồng xe đạp mải miết quẩn quanh các con phố biệt thự giàu sang cùng tiếng rao: “Ve chai đây, bán không?”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.