Hôm nay,  

Thế Trận Chống Cộng Mới

03/04/200000:00:00(Xem: 5990)
Ngày chủ nhật 26-3, cựu sĩ quan tình báo KGB mặt lạnh như tiền Vladimir Putin thắng đối thủ chính, ứng cử viên và cũng là lãnh tụ đảng CS Gennady Zyuganov.

Kết quả chưa chính thức là ông Putin giành được 52.52% tổng số phiếu. Đảng CS Nga là thế lực chính trị có tổ chức nhất tại một quốc gia trải dài 11 múi giờ và tôn trọng “luật chơi dân chủ”, đã chỉ đem về cho ông Zyuganov 29% tổng số phiếu. 10 ứng cử viên còn lại mỗi người chiếm được dưới 6% phiếu.

Cùng Tháng 3, ông Trần Thủy Biển, chính khách chính gốc Đài Loan, chủ trương một quốc gia Đài Loan tồn tại đồng thời với Trung Hoa CS tại lục địa, đã thắng cử. Đầu Tháng 3, trước ngày chính quyền CS Hà Nội tổ chức kỉ niệm 25 năm chiến thắng và chấm dứt chiến tranh (đã làm tại Ban Mê Thuột, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang), một Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ lần đầu tiên đặt chân tới VN. Bộ Trưởng William Cohen, được đón bằng thảm đỏ, đã nhắc lại trách nhiệm của Bắc Bộ Phủ trong việc hợp tác tìm lính Mỹ mất tích (như đã cam kết với Washington) - các vấn đề khác chỉ là những phác thảo và hứa hẹn.

Nước Nga là cái nôi của chủ nghĩa Macxít Lêninit đã chứng kiến thất bại hoàn toàn của đảng CS Nga lần thứ 3:
- Lần thứ nhất khi ông Yeltsin kịp thời chận đứng sự sụp đổ của chế độ Gorbachev không-CS còn non trẻ (năm 91) trước nguy cơ nổi loạn của các chính khách CS trong Quốc Hội
- Lần thứ 2 khi ông Yeltsin thắng ứng cử viên CS trong cuộc bầu cử năm 96.
- và lần thứ 3 là sự thất cử thảm hại của lãnh tụ Zyuganov. Thảm hại vì ông Zyuganov thua ngay trên đất nhà: theo các nhà báo Phương Tây, năm 96 ông Zyuganov chiếm đa số phiếu tại phân nửa trong 89 khu bầu cử, nay chỉ giành được đa số ở 4 khu. Vùng mỏ than Kuzbas là khu bầu cử thứ 5 dành đa số phiếu cho ông ta. Ở 84 khu còn lại, ông Putin đều thắng.

Báo The Washington Post viết “Vành đai đỏ đã bị xóa”, ý nói lãnh tụ Zyuganov đã bị đánh bật ra khỏi bản đồ ảnh hưởng của chính ông ta. Trong thập niên 1990, ông Yeltsin và các nhà cải cách chỉ được ủng hộ ở các thành phố lớn. Năm 2000, tình thế đã đổi khác.

Thông tấn AP nhận xét: dưới triều đại Yeltsin, chiến tuyến chính trị phân chia rõ rệt, một bên là phe dân chủ với các nhà cải cách, kên kia là các đảng viên CS và các phần tử quốc gia cực đoan. Nói ngắn gọn, cuộc tranh cử Tổng Thống Nga năm 1996 vạch rõ trắng/đen của cuộc đọ sức giữa các thế lực cải cách và chủ nghĩa CS.

Trong gần 10 năm sau ngày chính quyền CS tan rã tại Nga, đã có những thời điểm dân Nga còn nuối tiếc cuộc sống bao cấp, và tiếng tăm cường quốc nguyên tử, kết quả của chính sách chạy đua vũ trang với bên ngoài và củng cố chuyên chính bên trong. Nhưng, dân Nga đã trưởng thành.
Điều đáng nói, theo các nhà quan sát Tây Phương, ông Putin thắng không do những lời hô hào thánh chiến chống Cộng. Gần như không bận tâm vì đối thủ Zyuganov, ông Putin lặng lẽ thu phục cử tri ngay trong giơí ủng hộ lãnh tụ đảng CS. Ông làm hài lòng cử tri thân Zyuganov bằng chương trình huấn luyện quân sự học đường, đáp ứng ý nguyện một nước Nga mạnh về quốc phòng của quần chúng, và chủ trương gia nhập NATO, thỏa mãn các phe cởi mở.

Ông Leonid Gozman, một cố vấn của chính khách Anatoly Chubais, nhận xét: “Ông Putin tự chứng tỏ là một ứng cử viên của toàn dân, bằng cách cố gắng hội nhập vào các phe nhóm khác nhau”. Nhà khảo sát dư luận Masha Volkenstein nói rằng ông Putin không có một định danh chính trị riêng biệt, là yếu tố cho phép ông thu được phiếu của cử tri CS cũng như các thành phần khác. Bà Masha bổ túc: “Dân Nga đã chán ngán lãnh tụ Zyuganov và các chính khách trên vũ đài chính trị từ nhiều năm rồi”.

Sau ngày bức tường BáLinh sụp đổ, năm 1989, những tượng Lênin, Stalin, đã bị giật sập ở nhiều nơi tại Âu Châu, thậm chí báo Paris Match có lần chạy hàng tít ở trang bìa “Lênin lại chết một lần nữa”, với ảnh các bức tượng khổng lồ xám xịt màu chì, trán hói (Lênin) hay rậm râu (Stalin) nằm chỏng gọng trên nền các công viên.

Giáo sư Michael McFaul, dạy trường đại học Stanford, và là một cộng sự viên cao cấp của Sở Carnegie Ủng Hộ Hòa Bình Quốc Tế, nhận định: “Thời kỳ lưỡng cực, CS cũ và chống Cộng, tại Nga đã qua rồi”. Ông cho biết khối đa số vững mạnh đã chỉnh đốn, khối thiểu số thì chưa. Thay vì thế cực về địa lý, mỗi vùng đã có sự tan rã. Ông Sergey Kiriyenko, lãnh tụ đảng kinh tế thị trường tại Hạ Viện Nga, cũng nói: “Sự phân chia một bên là các phần tử dân chủ, và bên kia là các đảng viên CS, không còn tồn tại”.

Kết quả bầu cử tại Nga là thông điệp rất minh bạch: chủ nghĩa CS đao to búa lớn, với những lời hứa hẹn hão huyền, đã hết thời, không đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.