Hôm nay,  

Ngành Thép Việt Nam: Điệp Khúc ‘Ế, Tồn Kho, Lỗ’

03/03/201400:00:00(Xem: 3571)
SAIGON -- Bộ Công Thương vừa cho biết, do kinh tế suy giảm, thị trường bất động sản đóng băng, xuất khẩu gặp khó nên các doanh nghiệp ngành thép đang phải thu hẹp quy mô, cắt giảm đến 40% công suất. Tình hình sản xuất và tiêu thụ của ngành thép trong tháng đầu năm 2014 tiếp tục gặp khó do mất cân đối cung - cầu, theo báo Tiền Phong.

Theo con số của Bộ Công Thương, trong tháng 1, sản lượng sắt, thép thô ước đạt 236,800 tấn, giảm 22.4% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc ước đạt 248,700 tấn, giảm 3%. Một số nhà máy thép đã nghỉ sản xuất trong dịp Tết để tiết kiệm chi phí duy trì vận hành vì nhận thấy nhu cầu sẽ không tăng sau Tết.

Báo Tiền Phong nêu ý kiến của ông Nguyễn Tiến Nghi, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), khó khăn của ngành thép đã lộ diện từ cuối năm 2012 và đầu 2013. Tại thời điểm tháng 3/2013, đã có nhiều đơn vị ngành thép rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”. Theo ông Nghi, những đơn vị này chủ yếu mới ra đời, chưa có thương hiệu. Để tránh phá sản, họ đã phải bán thép với giá thấp, nhưng vì bất động sản đóng băng nên không có ai mua, trong khi không xuất khẩu được.

Dù là đơn vị dẫn đầu ngành thép, nhưng Tổng Cty Thép Việt Nam (Vnsteel) cũng không tránh khỏi chao đảo. Hai năm liên tiếp, Vnsteel thua lỗ, nhiều chỉ tiêu chính không đạt kế hoạch.
z-thep-viet-xe-ba-banh-2
Do tình trạng bất động sản đóng băng, thép xây dựng dù đã hạ giá nhiều vẫn ế, lỗ kéo dài.

Các đơn vị thuộc Vnsteel phải tự điều chỉnh chỉ tiêu kỹ thuật ở mức tốt nhất, giúp giảm chi phí giá thành. Ông Lê Phú Hưng, Tổng GĐ Vnsteel từng cho biết, 7/13 công ty con của doanh nghiệp này thua lỗ, 5 doanh nghiệp liên doanh với Vnsteel cũng trong tình trạng không thể hòa vốn. Như tại Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, tình hình sáng hơn nhưng cũng chỉ dừng ở mức cố gắng duy trì sản xuất và giữ việc làm ổn định cho người lao động. Lãnh đạo Cty Thép tấm lá Phú Mỹ cho biết, vì nguyên liệu sản xuất thép và giá điện tăng trong khi lợi nhuận thấp, đầu ra gặp khó đã khiến doanh nghiệp lao đao. Trong khi đó, do tiêu thụ chậm, một số nhà sản xuất thép muốn nâng thị phần, đã cạnh tranh bằng việc tăng chiết khấu, giảm giá bán. Tình trạng này càng khiến thị trường thép hỗn độn và bất lợi.

Báo Tiền Phong dẫn lời chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, tình trạng thép tồn kho lớn ngoài nạn cạnh tranh không lành mạnh, thị trường hỗn độn còn do quy hoạch có vấn đề.

“Thứ nhất, việc cấp phép đầu tư vào ngành thép đã vượt quá quy hoạch rất nhiều, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Thứ hai, nhiều nhà đầu tư nước ngoài xây dựng dự án thép là nhằm tận dụng giá điện rẻ. Ví dụ, tại Thái Bình, có một công ty thép của Trung Quốc do công nghệ kém nên tiêu thụ điện năng bằng nhu cầu cả tỉnh Thái Bình”, ông Doanh nói.

Một nguyên nhân nữa, theo chuyên gia Lê Đăng Doanh là do sự phân tán trong cấp phép đầu tư. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nhập khẩu phải nhà máy thép thải loại từ Trung Quốc. “Tại Trung Quốc, có quy định nhà máy thép tối thiểu phải có công suất 3 triệu tấn/năm; nhà máy nào chỉ có 1 triệu tấn/năm sẽ không cho hoạt động. Vì thế, doanh nghiệp Trung Quốc xé ra bán và doanh nghiệp Việt Nam vồ lấy”, ông Doanh nói.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.