Hôm nay,  

Đồ Sida, Second-hand Tác Hại Nền Kinh Tế Các Nước Nghèo

04/11/201300:00:00(Xem: 8055)
SAIGON -- Lâu nay, chợ quần áo cũ ra đời ít nhiều đã thỏa mãn được nhu cầu ăn mặc của giới nghèo cùng cơn khát mua sắm với giá rẻ của nhiều người. Quần áo đã qua sử dụng còn được gọi bằng vài cái tên khác, như: quần áo second-hand, quần áo “sida”…., được rất nhiều người ưa chuộng Tuy nhiên, khi sử dụng quần áo đã qua sử dụng, người tiêu dùng luôn được cảnh báo về những tác hại tiềm ẩn từ những món đồ kể trên.

Thực tế, xét trên nhiều khía cạnh, cả về mặt kinh tế, y tế thì đồ cũ gây cho cuộc sống của chúng ta không ít vấn đề.

Theo một bài viết trên trang Tin tuc 24h., hàng năm, khi các nhãn hàng thời trang cho ra mắt nhiều mẫu mã mới rồi sản xuất ồ ạt, mốt lại thay đổi liên tục, đã tạo nên một vấn đề, đó là sự quá tải của quần áo cũ, quần áo thải loại, riêng loại được làm từ chất liệu như nilon hay polyester rất khó phân hủy. Bởi vậy, đi đôi cùng việc tủ quần áo của bạn nạp thêm kha khá quần áo mới thì trái đất cũng phải tiếp nhận một đống rác mới, đống rác khổng lồ mang tên quần áo cũ. Chỉ tính riêng tại nước Anh đã có tới vài triệu số rác thải sinh hoạt là quần áo cũ vẫn còn đang tồn đọng chưa xử lý hết. Bên cạnh đó, quần áo cũ được quyên góp cho các tổ chức từ thiện để đem tặng lại người nghèo hay được bán vào các chợ đồ cũ…

Một sự thật hiển nhiên là các nước có nền kinh tế kém phát triển hoặc đang phát triển thường là kho tiếp nhận đồ cũ của thế giới. Tại các khu chợ của Phi châu, quần áo cũ tới từ các nước Mỹ, Âu châu và cả Á châu, nhiều nhất là của Trung Quốc, tràn ngập khắp nơi và có phần áp đảo hoàn toàn hàng nội địa. Trong các chợ hàng “sida” ở các nước này là những núi quần áo cũ đủ mọi tình trạng, từ thẳng thớm tới nhăn nhúm, từ trơn láng, không một vết bẩn cho tới sờn rách. Nhờ chất lượng ổn và kiểu dáng đẹp, giá quần áo cũ của các nước Âu châu và Mỹ thường có giá cao hơn hẳn so với quần áo cũ tới từ Trung Quốc. Tràn ngập thị trường các nước Phi châu, từ quần áo giá rẻ đến quần áo đã qua sử dụng nhưng đồ cũ Trung Quốc có nhược điểm là chất liệu khá tệ, dễ hỏng, bù lại thì mẫu mã phong phú và giá rất thấp.


Việc quần áo cũ từ các nước khác đổ bộ ồ ạt với số lượng quá lớn vào các nước ở Phi châu đã tác động xấu vào nền kinh tế khu vực - đó là làm ngành công nghiệp thời trang của họ bị rơi vào trạng thái đình đốn và ngày càng kém phát triển.
z-via-he-ban-do-sida-resized
Đồ Sida đổ đống, bày bán ở khu chợ đồ cũ buổi tối trước chợ Bà Chiểu.

Bài báo viết:

“Ngành công nghiệp thời trang, dệt may của các nước Phi châu có nhân công giá rẻ, đông đảo, tay nghề tương đối ổn song điều kiện nhà xưởng không tốt, công nhân thường phải gia công sản phẩm bằng tay. Do vậy, chất lượng cũng như mẫu mã của hàng nội địa không đọ lại được với hàng cũ nhập khẩu từ các nước phát triển. Giá cả của sản phẩm lại càng không thể thấp được như hàng second-hand của Trung Quốc.

Một số nước nghèo như Malawi, Mozambique, Zambia không thể phát triển và bảo vệ được chính ngành công nghiệp dệt may của nước nhà, khiến nó ngày một “chết dần chết mòn” vì không có chính sách quản lý hàng cũ nhập khẩu một cách cân đối và hiệu quả.

“Chiếc áo T-shirt đó có thể rất rẻ nhưng tốt hơn là bạn nên mua một chiếc mới, hàng nội địa, và như thế đồng tiền vẫn sẽ ở lại, tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân nước bạn”- theo Andrew Brooks, tác giả của một đề tài nghiên cứu về mối quan hệ quần áo cũ xuất khẩu làm lũng đoạn hiện trạng nền công nghiệp thời trang của các nước nghèo Phi châu.

Theo báo cáo năm 2006, ngành công nghiệp dệt may của Ghana bị suy thoái nặng nề, giảm doanh thu 80% chỉ trong khoảng từ năm 1975 cho tới năm 2000, Zambia giảm nhân công từ 25,000 công nhân vào năm 1980 xuống chỉ còn 10,000 người chỉ trong năm 2002. Và ở Nigeria, 200,000 nhân công may mặc tại các xưởng của các hãng nội địa bị buộc thôi việc… Nhưng ngược lại, nguồn lợi mà những nước xuất khẩu thu được từ quần áo cũ vào khoảng 1.9 tỉ đô vào năm 2009, theo số liệu thống kê của U.N năm 2011”.

Vấn đề hàng ngoại lai, trong đó hàng cũ nhập khẩu lấn lướt hàng nội địa không chỉ xảy ra tại các nước Phi châu mà còn diễn ra tại các nước đang phát triển, nhiều nước Đông Nam Á cũng chịu chung tình trạng kể trên.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.