Hôm nay,  

Influence 1

22/05/200400:00:00(Xem: 4728)

Ảnh Hưởng [Bài đọc tại Đại Học Turin]
Salman Rushdie
Tiểu thyết gia, và còn là thi sĩ người Úc, David Malouf nói với chúng ta rằng, "kẻ thù đích thực của viết, là nói". Ông đặc biệt cảnh báo những hiểm nguy, không phải mồm miệng "đỡ" chân tay, mà là cái miệng "hại" cái tay, nghĩa là bù lu bù loa trong khi rị mọ viết. Khi viết, tốt nhất bạn nên mím chặt miệng lại, như vậy mấy con chữ mới theo nhau mà ra, không phải từ miệng, lẽ tất nhiên, mà từ mấy kẽ tay. Bạn xây con đập trên sông lời, the river of words, và tạo ra thuỷ điện văn chương, the hydroelectricity of literature.
Do vậy, tôi đề nghị với các bạn, tôi sẽ nói, không phải về viết, mà những gì tôi đã đọc, và đặc biệt những mầy mò trong cõi văn Ý, (và tôi phải nói thêm, phim ảnh Ý), nhờ vậy mà hiểu được làm sao viết, và viết cái gì .
Rõ hơn, tôi muốn nói về ảnh hưởng.
"Ảnh hưởng". Từ này, tự thân, nói lên một điều gì trơn chảy, một cái gì "tuồn vô". Đúng là vậy, và đây là do tôi vẫn thường nhìn thế giới của sự tưởng tượng, không phải như đại lục, mà là biển cả. Bồng bềnh phiêu bạt, sợ hãi đấy, nhưng thật là tự do, không biết đâu là bến, là bờ, trên ngàn ngàn biển lạ, và nhà văn, với hai bàn tay trần, cố nắm bắt chức năng kỳ ảo của sự biến hoá. Như một nhân vật trong một câu chuyện thần tiên, tuồn rơm rạ qua kẽ tay, và biến chúng thành vàng, nhà văn, trải biển cả qua kẽ tay, cho tới khi nó biến thành đất liền, rõ hơn, cho tới khi, bất thình lình, quanh anh ta, mới đó còn là "trơn tuột", đột nhiên biến thành "cưng cứng", nghĩa là một hình dáng, một vật thể bỗng hiện ra ở một nơi trước kia vẫn chỉ là hư vô, là vô hình vô dạng: dưng không trồi lên sự thực, thì cứ nói như vậy, nghĩa là, bỗng nhiên, dưới chân anh ta, là đất cát, thay vì biển cả. (Và nếu anh ta thất bại, thì có nghĩa là anh ta chết đuối, chứ còn gì nữa. Câu chuyện ngụ ngôn này "tuyệt" không thể chê vào đâu được).
Nhà văn trẻ, có thể ngần ngại, có thể ham hố, có khi còn ôm cả hai, bèn ngó ngược ngó xuôi, bớ người ta, giúp tôi [cứu tôi] viết với; và nhìn thấy, mịt mù trong cõi trên trời, dưới biển mênh mông, hình như có cái gì chăng chắc, cưng cứng, giống như những sợi dây thừng, của những người bơi lội, những tay phù thuỷ đã từng bơi theo kiểu này, trước anh ta. Vâng, anh ta có thể sử dụng những cái "tuồn vô" đó. Như những cái phao, anh ta ôm lấy nó, xây dựng tác phẩm, của chính mình, quanh nó. Vào lúc này, anh ta hiểu rằng, anh ta sẽ sống sót. Hăm hở, chàng bèn bắt đầu!
Một trong những cái thú "thú vị nhất", của trò "ảnh hưởng" văn chương, là, những dòng ý thức của những người khác đó [của những "ông thầy"] chúng có thể tuồn vô nhà văn [đệ tử] từ bất cứ nơi nao. Thường xẩy ra, là, chúng sử dụng du lịch đường dài, nghĩa là chúng tới với bạn từ xa thật xa, chúng đi tìm bạn, tìm cái người có thể sử dụng chúng.

[Kinh nghiệm riêng: Ông thầy của Gấu tôi, như đã nhiều lần nhắc tới, là nhà văn Mẽo, William Faulkner. Nhưng không phải ông này đi kiếm Gấu, mà Gấu cũng không biết tới ông này, nếu không có người giới thiệu. Một cách nào đó, có thể nói, người giới thiệu Faulkner với Gấu là nhà thơ Thanh Tâm Tuyền.
Nhà thơ đàn anh dậy vị chi có hai, nhưng đúng là hai tuyệt chiêu. Chiêu thứ nhất, ông phán, đừng sợ sai, sai thì sửa, và viện dẫn kinh nghiệm đọc và viết của Nguyễn Đình Thi, khi thằng em tập tành đọc, dịch và viết. Chiêu thứ hai, liên quan tới việc tìm thầy học đạo.
Ông khuyên, cậu thấy đấy, sách vở như rừng, biết đọc cuốn nào, ông bà nhà văn nào... Nhưng rừng thì rừng, có thứ rừng nhiệt đới, hợp với tạng của mình. Văn chương, hằng hà sa số như thế, nhưng để ý, có những dòng, những luồng. Trước hết, phải đọc, đọc thật nhiều, và cũng đừng phân chia, đừng đánh giá, cứ đọc, đọc, đọc, và tới một ngày nào đó, thấm, và đột nhiên nhận ra, ông nào là thầy của mình, theo nghĩa, dòng văn nào, hay nói theo Rushdie, sợi dây thừng nào hợp với mình. Tuy Gấu tôi tự mình kiếm ra ông thầy William Faulkner, nhưng là qua sự chỉ đường mách lối của ông anh. Hai tuyệt chiêu ông dậy đúng là hai sợi dây cứu mạng cho một thằng bé, chưa hề tập bơi, ở trong cái biển cả văn học mà Rushdie ví von].

Tại Nam Mỹ, tôi ngạc nhiên vì chuyện những nhà văn Mỹ châu La tinh tỏ ra rất thân quen với nhà văn Nobel văn chương Bengali, Rabindranath Tagore. Nhà biên tập Victoria Ocampo, vốn đã gặp và rất ái mộ Tagore, sau đó tìm mọi cách cho tác phẩm của ông được dịch thật tới nơi tới chốn, và được xuất bản rộng rãi trên toàn lục địa của bà, kết cục, ảnh hưởng của Tagore có lẽ còn lớn hơn ở ngay chính quê hương của ông, nơi mà những bản dịch từ tiếng Bengali ra rất nhiều ngôn ngữ khác của Ấn Độ, thường rất tồi, và cái thiên tài của con người vĩ đại này, "đồng bào" của ông đành phải hồ hởi chấp nhận, và tin cậy, rằng nó là như thế đấy!
Một thí dụ khác là nhà văn người Mỹ, William Faulkner. Nhà văn lớn lao này vốn không được người Mẽo của ông đọc, vào những ngày này. [Nên nhớ, người Pháp, và sau đó, là thế giới - trong cái cộng đồng thế giới có Gấu tôi - đã khám phá ra Faulkner, và trao ông giải thưởng Nobel văn chương. Ngay cả khi ông được Nobel, tờ Nữu Ước thời báo còn cảnh cáo người đọc, đừng tưởng ở nước Mẽo đâu đâu cũng xẩy ra nạn kỳ thị da đen, và nạn loạn luân, như được miêu tả ở trong những tác phẩm của Faulkner]. Chắc chắn rồi, có một hai ông nhà văn Mẽo đương thời tự nhận họ ảnh hưởng Faulkner, và coi ông ta là thầy. Một lần, tôi hỏi một nhà văn cũng thuộc loại bảnh của miền nam nước Mỹ, Eudora Welty, rằng liệu Faulkner có giúp bà tí ti nào không, bà trả lời, không là không, một tí cũng không. "Cứ như thể có một ngọn núi to tổ bố ngay ở bên hàng xóm. Thật cũng tốt, rằng ngọn núi sừng sững ngay kế bên như thế, nhưng "nó" chẳng giúp đỡ được gì trong việc viết lách". Ôi chao, trong khi đó, ở bên ngoài nước Mẽo - ở Ấn Độ, Phi Châu, và ngay cả ở Mỹ châu La tinh - với những nhà văn địa phương, Faulkner là nhà văn “năm bơ oăn” của Mẽo, một cái giếng sâu đầy hứng khởi, múc hoài còn hoài. Người cầm tay bạn, dậy, bảo, ban cho bạn khả năng viết. Người mở cửa mời bạn vào trong cõi văn chương.

[Lạ một điều Rushdie không nhắc tới nước Pháp, trong khi đây mới là quốc gia khám phá ra Faulkner. Không hiểu ông có đọc những bài viết tuyệt vời, thí dụ của Sartre, của Malraux, hay của Camus... về Faulkner, có nghe tới Maurice Edgar Coindreau, chuyên gia dịch Faulkner, hay có đọc nhà văn Nobel Pháp, Claude Simon, một "đệ tử" của Faulkner, những câu văn "cul-de-sac" (ngõ cụt, tuyệt lộ) trong Những Con Đường Flandres của ông, là từ Faulkner mà ra.]

Từ sự kiện, có cái chuyện ảnh hưởng xuyên qua rào cản văn hóa, ngôn ngữ, chúng ta có thể suy ra một điều, về bản chất của văn chương: rằng (hãy cho phép tôi tạm quên đi cái ẩn dụ nước nôi trơn tuột ở trên), những cuốn sách có thể sinh ra từ những bào tử, được gió mang đi khắp nơi, hay là từ những gốc rễ đặc biệt, mang tính địa phương, vốn bám chặt lấy từng tác giả. [Gấu tôi tự hỏi làm sao cái chất miền nam của Faulkner lại có ở trong những truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư chẳng hạn, và Rushdie bèn trả lời], có những họ hàng quốc tế của những từ ngữ, cũng như những bộ lạc rất thân quen gần gụi, về đất cát, và về máu mủ. Đôi khi - thí dụ như trường hợp ảnh hưởng của James Joyce lên chính tác phẩm của Samuel Beckett [hai người đều là dân Ái Nhĩ Lan], rồi tiếp liền đó, là ảnh hưởng của Beckett lên tác phẩm của Harold Pinter với cùng một mức độ như của Joyce lên Beckett - chúng ta có cảm tưởng về một triều đại vua chúa tiếp nối nhau, hay một ngọn đuốc chuyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, thật rõ ràng, và cũng thật mãnh liệt. Trong những trường hợp khác, những nối kết quen quen như thế tuy không hiển nhiên bằng, nhưng chưa chắc đã kém phần mãnh liệt.
Lần đầu tiên đọc tiểu thuyết Jane Austen, từ một xứ sở, thời đại thật là xa vời so với nền học vấn, sự dạy dỗ và nơi chốn trưởng thành của tôi, là thành phố lớn Bombay giữa thế kỷ 20, điều làm tôi sửng sốt, là tại làm sao, bằng cách nào, những nhân vật nữ của bà lại Ấn Độ, lại đương thời đến như thế; cứ như tôi có thể "sờ" thấy họ. Những người đàn bà thông minh, sôi nổi, lưỡi nhọn hoắt, lúc nào cũng như muốn xổ lồng, muốn bay bổng, nhưng bị "cấm cung" ["huis clos", tiếng Pháp trong nguyên bản] bởi thói đời chật hẹp, vùng vẫy chi đâu thì cũng chỉ trong bốn bức tường của những cuộc khiêu vũ gia đình, nhằm săn cho được một ông chồng; những nhân vật như thế, người ta có thể gặp ở bất cứ đâu đâu, trong xã hội trưởng giả Ấn Độ. Ảnh hưởng của Jane Austen trên cuốn Sáng Ngày, Clear Light of the Day, của Anita Desai và trên Một Cậu Trai Dễ Bảo, A Suitable Boy, của Vikram Seth,là thật hiển nhiên.
Charles Dickens cũng làm tôi ngạc nhiên liền tức thì, như là một nhà văn Ấn Độ chính hiệu con nai vàng. Thành phố Luân Đôn mà ông miêu tả, gớm ghiếc, tởm lợm, đầy những tên trộm cắp, lường đảo và những kẻ đồng lõa, một thành phố, nơi cái tốt, cái đẹp thường xuyên bị trấn áp, đe dọa bởi những trò lưu manh lường gạt; đối với tôi, nó chẳng khác gì bộ mặt phản chiếu của những thành phố nhung nhúc, ngập ngụa ở Ấn Độ, nơi đám cao sang, những nhân vật sáng giá ngự trị ở trên những tòa nhà cao ngất, trong khi ở dưới chân tòa nhà, đám đông đồng bào khốn khổ của chúng cố giành giựt sự sống trong những con phố bát nháo. Trong những cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi, tôi đã cố gắng làm sao ăn mày ăn nhặt được một tí [nguyên văn: tạo cho mình hứng khởi từ] thiên tài của Dickens. Và nhất là, từ cái điều mà với tôi là sự cách tân thiệt sự tiểu thuyết ở nơi ông: làm thế nào pha trộn, nhào nặn thành một thực thể duy nhất, một bên là nền thực tại, trần truồng, thô, bạo, cứng, và một bên là bộ mặt phô ra, đầy tính liêu trai chí dị, hồn ma bóng quế, quái đản, ma mị, phi thực.
Ở Dickens, những chi tiết về nơi chốn và những tập tục xã hội đều như được chạm trổ, bằng một ngọn bút nhọn hoắt, của một chủ nghĩa hiện thực tàn nhẫn, bằng một sự chính xác chi ly, rất ư tự nhiên, tựa như trời sinh ra là phải như thế. Trên cái nền hiện thực này, ông bầy ra những nhân vật ngoại khổ của ông, những nhân vật mà chúng ta chẳng có một cách chọn lựa nào khác, là tin vào chúng, bởi vì chúng ta không thể nào không tin, cái thế giới mà chúng sống ở trong đó. Vì vậy, tôi đã cố gắng làm điều này, ở trong cuốn tiểu thuyết Những Đứa Con Giờ Tí của tôi: Trên cái nền xã hội và lịch sử được quan sát một cách thật là chi ly - hay nói một cách khác - trên cái hạ tầng cơ sở của một nước Ấn Độ "thực", tôi nhét vào đó, ý niệm "không thực" của tôi, về những đứa trẻ sinh vào đúng giờ tí, tức là nửa đêm, thời điểm Ấn Độ tuyên bố độc lập; được ban cho những quyền lực thần kỳ, do đẻ vào đúng giờ linh, những đứa trẻ một cách nào đó, chính là sự nhập thế, của cả hai, những hy vọng và những sai sót của cuộc cách mạng.
Trong khung quyền thế là chủ nghĩa hiện thực của mình, Dickens làm cho chúng ta tin, một ý tưởng hoàn toàn "Siêu thực", về một ban bộ trong chính quyền, Văn phòng Circonlocution, được nặn ra để làm sao cho, chẳng có gì xẩy ra, hay là trường hợp rất ư Phi lý, theo kiểu Ionesco, là vụ kiện "Jarndyce chống lại Jarndyce", một vụ kiện mà bản chất của nó là chẳng bao giờ đạt tới một kết luận; hay hình ảnh "hiện thực huyền ảo" của những đống bụi, ở trong Người Bạn Chung Của Chúng Ta - những biểu tượng vật lý về một xã hội sống trong cái bóng của những cứt đái, những phế thải của chính nó. Tiện thể, tôi xin nói thêm, hình ảnh này chắc chắn đã ảnh hưởng lên một tác phẩm Mẽo nổi tiếng, xuất bản gần đây, mà ẩn dụ trung tâm của nó là sự tích tụ những cứt đái, đồ phế thải của xứ Cờ Huê, tác phẩm Thế Giới Chìm (Underworld, bản tiếng Pháp dịch là Ngoại Thiên, Outremonde), của Don DeLillo.
Nếu ảnh hưởng hiện diện ở bất cứ nơi nơi, trong văn học, nếu thế, thì chúng ta cần phải nhấn mạnh một điều, rằng nó, ảnh hưởng, luôn luôn chỉ là thứ yếu, ở trong một tác phẩm có chất lượng. Một khi ảnh hưởng quá lộ liễu, thô thiển, nó làm người đọc tức cười, nếu không muốn nói, thương hại. Tôi đã từng nhận được, từ một mầm non văn nghệ, một truyện ngắn, mở ra như thế này: "Một buổi sáng, bà K. thức giấc, thấy mình biến thành một cái máy giặt đồ." Người ta không thể tưởng tượng ra nổi, Kafka sẽ nghĩ thế nào, về lòng tưởng mộ ông, của hậu thế, qua ảnh hưởng ngu xuẩn tới mức thảm hại như vậy.

Có lẽ bởi vì văn chương hạng nhì là thứ thường rất dễ bị xào, luộc, đánh cắp nhãn, và bởi vì có rất nhiều tác phẩm chỉ vươn tới đỉnh cao của chúng, là hạng nhì, thành thử người đời thường dùng nó - ý tưởng về ảnh hưởng - để buộc tội, hoặc chê bai tác phẩm của nhà văn. Vả chăng, biên giới giữa ảnh hưởng và bắt chước, mô phỏng [imitation], và ngay cả giữa ảnh hưởng và đạo văn, càng về những ngày sau này càng trở nên mờ nhạt. Cách đây hai năm, nhà văn nổi tiếng người Anh, Graham Swift đã bị một nhà khoa bảng hắc ám [obcure] người Úc ban cho cái tội rất gần với tội đạo văn, trong cuốn được giải Booker của ông là “The Last Orders” [nghĩa đen: những mệnh lệnh chót; “order” thường được sử dụng khi gọi món ăn, bản tiếng Pháp dịch là Chầu Đãi Chót, La Dernière Tournée, Gấu tôi chưa đọc cuốn sách nên không dám dịch ẩu cái tựa sách], rằng cấu trúc đa giọng trong cuốn này, “chủ yếu mà nói, là đã vay mượn” từ cuốn “Trong khi tôi hấp hối”, “As I Lay Dying”, của William Faulkner. Báo chí Anh bèn mượn gió bẻ măng, biến câu chuyện thành một xì-căng-đan văn học, biến Swift thành một tay đạo văn chính hiệu con nai vàng, biến những người chống đỡ bảo vệ ông thành những kẻ đã tỏ ra “nhân nhượng” đối với ông, mặc dù, và có lẽ, chính Swift đã nói ra, ông ảnh hưởng Faulkner, luôn cả chuyện, giọng kể ở trong hai cuốn, tuy không hoàn toàn giống nhau y chang, nhưng đọc cuốn này là gợi nhớ tới cuốn kia. Sau cùng, những sự thực đơn giản như thế khiến vụ xì-căng-đan xì hơi, nhưng cũng chỉ sau khi Swift đã phải chịu đựng những cú đòn hội chợ của đám báo chí.
(còn tiếp)
NQT dịch và giới thiệu
http://www.tanvien.net

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.