Hôm nay,  

Chuẩn Bị Sân Khấu

11/01/200300:00:00(Xem: 4324)
Nếu cuộc đời là một màn kịch tự biên tự diễn, Hội đồng Bảo an LHQ là một sân khấu khác thường bởi vì nó sắp quyết định sự sống chết của hàng chục nếu không nói hàng trăm ngàn người. Và bây giờ người ta đang chuẩn bị cho màn kịch đó. Thứ năm tuần này, HĐBA đã họp phiên đầu tiên năm 2003 để nghe ông Han Blix, Trưởng đoàn thanh sát vũ khí của LHQ tại Iraq báo cáo. Ông tuyên bố cho đến nay các thanh sát viên không tìm thấy "khẩu súng còn bốc khói" về vũ khí giết người hàng loạt của Saddam Hussein. Từ ngữ "khẩu súng còn bốc khói" vẫn được các thám tử dùng trong các truyện trinh thám để chỉ "chứng cớ quả tang".
HĐBA có kỳ hạn đến ngày 27-1 đoàn thanh sát quốc tế phải phúc trình chung cuộc về việc thanh tra và kiểm sát ở Iraq, vậy tại sao ngay bây giờ đã về báo cáo" Phát ngôn viên của Blix nói mục đích cuộc họp của HĐBA lần này là nghe phúc trình về sự thẩm sát bản kê khai 12,000 trang của Iraq về vũ khí, đồng thời cập nhật hóa tin tức cho Hội đồng biết về "khả năng gia tăng của chúng tôi làm việc ở Iraq, kể cả việc sử dụng trực thăng, mở một trung tâm theo dõi địa phương ở thành phố Mosul của Iraq và những biện pháp khác nhằm làm cho công tác của chúng tôi được hiệu quả hơn". Như vậy đây chỉ là báo cáo "nửa chừng xuân" cho Hội đồng khỏi nóng ruột, còn màn chót để quyết định đánh hay không đánh Iraq phải chờ đến cuối tháng. Nhưng tôi nghĩ cuộc họp của HĐBA cũng là dịp chuẩn bị sân khấu trước khi kéo màn chót. Nó đã làm bộc lộ một vài dấu hiệu về thế đấu tranh trên sân khấu này.
Trước hết phải nói đến một vài lời phát ngôn bên ngoài Hội đồng vào lúc sắp họp. Theo tin CNN, một quan chức LHQ (không thấy ghi chức vụ và tên tuổi) nói thay vì xoay quanh các vấn đề nổi bật trong nhiều lãnh vực đoàn thanh sát đang tìm tòi - vũ khí hóa học, vi trùng và phi đạn, "chúng tôi thấy có nhiều lỗ hổng hơn... về mọi loại". "Lỗ hổng" có nghĩa là những thiếu sót trong bản khai báo 12,000 trang của Iraq. Nhưng ngay sau đó tại Baghdad một cố vấn của Saddam Hussein nói bản khai báo không thiếu sót, ai nói thiếu sót là chưa đọc kỹ. Trong khi đó báo chí nhà nước Iraq thách thức Mỹ và Anh chứng tỏ Baghdad đã giấu vũ khí giết người hàng loạt. Tại HĐBA, ông Blix nói bản khai báo của Iraq chưa đầy đủ và hy vọng "Iraq sẽ khai thêm".

Một điều đáng chú ý là trước khi HĐBA họp, Pháp yêu cầu chính quyền các nước cung cấp cho đoàn thanh sát quốc tế mọi bằng chứng họ có về những chương trình vũ khí của Iraq bị nghi là đang giấu nhẹm. Lời yêu cầu này nhằm vào hai nước Anh và Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell nói trong mấy ngày vừa qua Mỹ đã bắt đầu cung cấp cho các thanh sát viên "những tin tình báo có ý nghĩa" để họ có thể làm việc quyết liệt và đầy đủ hơn, nhưng giữ lại một vài tin để "xem các thanh sát viên có khả năng khai thác tin tức không, chớ không mở mọi cửa ngõ". Lời yêu cầu của Pháp có nghĩa là nếu "nước nào đó" có tin bí mật thì cho thanh sát biết, chớ không thể giữ kín để sau này tự ý sử dụng và hành động một mình.
Vai trò của Pháp vào lúc này có nhiều điểm đặc biệt. Bắt đầu từ tháng 1-03, Pháp làm chủ tịch HĐBA. Chức vụ chủ tịch này lần lượt do tất cả 15 nước hội viên HĐBA luân phiên nắm giữ. Ngoài ra Hội đồng cũng có thay đổi, 5 nước hội viên mới trong số 10 nước "không có quyền phủ quyết" đã được cử vào Hội đồng thay thế 5 hội viên cũ đã hết nhiệm kỳ. Trong số những nước mới có nước Đức. Pháp giữ một vai trò quan trọng tại HĐBA và người ta đã biết lập trường của Pháp về vấn đề Iraq. Mấy ngày trước đây, Tổng Thống Jacques Chirac ra lệnh quân đội Pháp sẵn sàng tham chiến ở Iraq... "nếu LHQ cho lệnh đánh". Câu thòng sau có nghĩa là Pháp vẫn chống lại việc Mỹ đơn phương tấn công Iraq nếu không có phép của HĐBA.
Trước ngày Pháp yêu cầu các nước cung cấp tin tình báo về vũ khí bí mật của Iraq, Ngoại trưởng Pháp Dominique de Villepin đến Moscow gặp các giới chức Nga và mở cuộc họp báo nói "tất cả các nước có tin tức gì đặc biệt nên đưa ra hết". Ngày hôm sau, de Villepin nói chính phủ Pháp muốn HĐBA chấp thuận một nghị quyết yêu cầu tất cả các nước cung cấp tin tin tức về "các chương trình bị cấm" của Iraq và khuyến cáo những địa điểm cần được thanh sát. Với tư thế mới của Pháp ở HĐBA, lập trường này hiển nhiên cho thấy Pháp muốn tăng cường uy thế của LHQ. Người ta không biết giữa Pháp và Nga đã có những toan tính gì, nhưng cho đến nay lập trường của Nga là không chấp thuận cho Mỹ đơn phương đánh Iraq.
Còn lập trường của nước Đức mới được ngồi vào HĐBA cũng chống lại việc Mỹ đơn phương đánh Iraq. Trong HĐBA, vẫn còn nước Syria ngồi thêm một năm nữa, và nước này coi như đại diện cho khối Ả Rập đã nói chống lại mọi hành động đơn phương của Mỹ. Như vậy trong 5 nước lớn có quyền phủ quyết ở HĐBA, có 3 nước chống là Pháp, Nga, Trung Quốc, chỉ có Mỹ và Anh quả quyết sẽ đánh. Lập trường của Trung Quốc từ trước giản dị là không xét đến vấn đề đánh Iraq nếu HĐBA không cho phép đánh. Với cuộc khủng hoảng về vũ khí nguyên tử ở Bắc Hàn hiện nay, không có bao phần chắc Bắc Kinh sẽ thay đổi thái độ.
Nếu ngày 27-1 là ngày phán xét cuối cùng cho Iraq, Mỹ cũng có thể đứng trước một quyết định lịch sử. Bởi vì nếu HĐBA không cho đánh, liệu Mỹ với sự hỗ trợ của Anh có bất chấp LHQ mà tấn công "giải giới" Saddam Hussein hay không"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.