Hôm nay,  

Heureka! Nó Đây Rồi! (5)

16/12/200200:00:00(Xem: 3932)
Diễn văn Nobel 2002
Imre Kertész
Có nhà văn nào mà chẳng là nhà văn của Lò Thiêu"

Từng bước từng bước, tôi mò mẫm trên con đường độc đạo, tuyến tính - vì bạn không thể bỏ qua hố đen, khoảng trống như đã nói ở trên. Bạn có thể coi, đây là phương pháp phát hiện (heuristic method) của tôi. Chẳng mấy chốc, tôi nhận ra, một khi mầy mò trên con đường của sự khám phá, phát hiện như thế, tôi không quan tâm đến chuyện viết cho ai, tại sao viết, nhưng mà là một câu hỏi, một ray rứt đúng hơn: Hà cớ gì mà còn ôm lấy nó: văn chương" Bởi vì rõ ràng là, có một đường không thể vượt qua, chia cách tôi, với văn chương và những lý tưởng của nó, với cái gọi là tinh thần văn học; và đường ranh này - như biết bao điều khác nữa - có tên là Lò Thiêu. Khi viết về Lò Thiêu, chúng ta phải hiểu rằng, ít nhất, về một nghĩa nào đó, nó treo lửng văn chương. Người ta chỉ có thể viết một cuốn tiểu thuyết đen, về Lò Thiêu, hay là - xin bạn tha lỗi cho hình ảnh mà tôi dùng ở đây - chỉ có thể viết một thứ tiểu thuyết fơi ơ tông, bắt đầu bằng Lò Thiêu, nhưng vẫn chưa chấm dứt, chưa ngã ngũ ra làm sao cả, và cứ thế kéo dài cho tới tận những ngày này của chúng ta. Bằng cách ví von đó, tôi muốn nói: chẳng có gì xẩy ra kể từ Lò Thiêu, theo nghĩa: chẳng có gì có thể đảo ngược nó, thay đen đổi trắng cho nó, hoặc làm cho nó biến mất, triệt tiêu, xóa sạch [Hãy "delete" nó đi! No way!], chẳng có gì có thể biện minh, phản bác cho nó. Trong những gì tôi viết ra, Lò Thiêu không hề bao giờ được nhắc tới, ở trong thì quá khứ, như là một chuyện đã qua.


Người ta nói về tôi - có cả sự khen ngợi ở trong đó - rằng ông ta chỉ [lải nhải] một đề tài: Lò Thiêu. Tôi chẳng dám lời qua tiếng lại với một nhận xét như thế. Tại sao tôi không chấp nhận - nhưng cũng phải ý tứ một chút, lẽ tất nhiên! - kiếm một chỗ cho mình, trên giá sách trong thư viện" Có nhà văn nào bây giờ mà chẳng là nhà văn của Lò Thiêu" Tôi muốn nói, đâu cần thiết phải chọn đích danh Lò Thiêu để tách bạch ra được, thứ tiếng nói rã rệu, bể nát, hằn lên nghệ thuật Âu Châu bao chục năm nay. Có thể tôi hơi quá trớn, khi cho rằng, chẳng thể có một thứ nghệ thuật chính hiệu nào mà không ôm lấy nó, mà không suy tưởng về "vết rạn" (break) này. Như thể, sau khi trải qua một đêm với những giấc mơ khủng khiếp, con người nhìn ra thế giới quanh mình, cảm thấy mình tàn mạt, thảm thương, và chẳng còn trông mong vào đâu được nữa. Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ, hãy gói trọn những câu hỏi liên quan tới Lò Thiêu, như là xung đột không thể nào giải quyết được giữa người Đức và người Do Thái. Tôi chưa bao giờ tin rằng nó chỉ là chương chót, trong câu chuyện mang tính lịch sử về những khổ đau của người Do Thái, vốn nối tiếp nhau, từ những ngày đầu của dân tộc này. Tôi chẳng hề coi nó là một tai nạn trật đường rầy một-lần, bất thình lình, của lịch sử, một vụ làm cỏ trên một bình diện lớn, rộng, như một tiền điều kiện, và từ đó, quốc gia Israel được hình thành. Điều mà tôi khám phá ra, từ [kinh nghiệm] Lò Thiêu, là phận người, là điểm tận cùng của một cuộc phiêu lưu lớn, điểm tới sau cùng của một du khách Âu Châu, với tuổi đời là hai ngàn năm, về đạo đức và văn hóa.
(còn tiếp)
Jennifer Tran chuyển ngữ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.