Hôm nay,  

Đạo Đức Nhân Bản

10/02/201300:00:00(Xem: 4691)
Chúng ta đã từng thấy những cuộc thánh chiến bùng nổ chỉ vì các phe giương cao lá cờ đạo đức tôn giáo, hay ngay cả lá cờ “đạo đức phi tôn giáo”... Nếu kể ra các cuộc thánh chiến thì nhiều lắm, kể không hết được. Nhưng tầm mức kinh hoàng có thể hình dung được, khi những thời xưa dùng gươm, giáo, kiếm, cung... mà những binh đoàn năm này qua năm kia phóng ngựa đi hàng chục ngàn dặm xa để truy sát kẻ khác tôn giáo, hay chỉ để giành lại một vùng thánh địa.

Thời này dĩ nhiên khác hơn, không cực nhọc như thế, nhưng xe bom, phi đạn, xe tăng, tàu chiến... làm tăng tầm mức sát hại nhiều ngàn lần hơn. Khoa học và Internet mang thế giới gần hơn, trở thành một ngôi làng, chuyện nơi này xảy ra, nước khác thấy liền, nghe liền... y hệt như hàng xóm của nhau.

Nhưng thánh chiến vẫn diễn ra. Ngay cả trong tâm tưởng của một số lãnh đạọ Hoa Kỳ, mà Tướng William G. Boykin thời Tổng Thống George W. Bush nói trong một nhà thờ rằng “Thượng Đế của chúng ta vĩ đại hơn Thượng Đế của họ,” ý nói là của Bin Laden.

Về tâm tưởng của những tín đồ Hồi Giáo từ các binh đoàn al-Qaeda thì nói thẳng, không quanh co -- với họ, từ chuyện Mỹ giúp Israel giam hãm cả dân tộc Palestine nhiều thập niên, cho tới chuyện Mỹ đóng quân giúp bảo vệ các vùng nhiều dầu ở các Saudi Arabia, Kuwait... cũng là thánh chiến, vì đất vùng này cũng là thánh địa, những nơi vị khai sáng Hồi Giáo đã từng bước qua, trú ngụ.

Trong khi tranh luận sẽ không bao giờ hết giữa các sử gia, thì bom vẫn nổ, và người vẫn chết.

Và bây giờ cần suy nghĩ là tìm xem có cách nào để khai tử các cuộc thánh chiến?

Đức Đạt Lai Lạt Ma không hẳn đã có những nhận định về chính trị như trên, nhưng ngài đã đưa ra một đề nghị khả dĩ tương thích để giảm đi những cuộc thánh chiến trên trần gian này.

Đó là lời kêu gọi toàn cầu nên có thêm một hệ thống đạo đức thế gian – nghĩa là sự tử tế, lòng từ bi và các giá trị nhân bản. Tất nhiên, ngài không nói là phải loại bỏ tôn giáo, mà chỉ nói rằng riêng tôn giáo không đủ để thiết lập các giá trị như đạo đức và từ bi.

Hệ thống mới có thể giúp tất cả mọi người, kể cả những người không thuộc vào tôn giaó nào, “và sẽ kết hợp những giá trị phong phú của nhiều tôn giáo chung vào nhau,” theo lời Đức Đạt Lai Lạt Ma nói trong buổi bế mạc Hội Nghị Đời Sống & Tâm Thức lần thứ 26, một hội nghị giữa các nhà sư Phật Giáo và các khoa học gia Tây Phương ở Mundgod, Ấn Độ trong tháng 1-2013.

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, “Lý do cần [đạo đức thế gian] như thế là có những người tin vào tôn giáo và có những người không tin vào tôn giáo nào... và [ngay ở một số lãnh đaọ tôn giáo] vẫn có một số vị xử thế bất công, giả dối, giả hình và bóc lột.”

Trong khi đó, theo ngàì, nền giáo dục hiện nay nhắm vào phát triển kinh tế, điều “không giúp gì để giải quyết nan đề tâm trí cá nhân hay nan đề tầm mức xã hội... Bất kể là người có tin vào tôn giáo nào hay không tin tôn giáo nào, việc xử thế theo một hệ đạo đức là nhu cầu khẩn cấp, trực tiếp trong thế giới hôm nay.

Ngài cũng nói rằng, dựa trên nhiều cuộc nói chuyện với các khoa học gia, “đã được chứng minh rằng lòng từ bi và yêu thương không là tác phẩm riêng của tôn giáo.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma ca ngợi người tham dự đã có nỗ lực đi tìm nền tảng chung giữa các truyền thống thiền định và nỗ lực nghiên cứu của khoa học về tâm thức nhân loại.

Ngài nói, nhiều khoa học gia đã trải qua nhiều gian nan để tới Ấn Độ và bày tỏ quan tâm về các cuộc thảo luận với các vị sư về lợi ích thiền định.

Nói trong một cuộc phỏng vấn, giáo sư Wilson Hurley -- người từ Virginia, Hoa Kỳ tới và là người nổi tiếng với các bản dịch từ Tạng ngữ ra Anh ngữ -- ca ngợi lời Đức Đạt Lai Lạt Ma về một hệ thống mới cho đạo đức thế gian, “Nhiều tôn giáo thế giới hiện nay chia sẻ chung nhiều giá trị, nhưng một số lại khác hẳn trên quan điểm về sự sống và sự chết. Và do vậy, tôi nghĩ chỉ cần đưa những dị biệt đó nên nằm riêng trong vùng tôn giáo.”

Chương trình Tạng ngữ của Đài RFA ghi thêm về lời GS Hurley nói, rằng nguyên tắc căn bản trong đạo đức thế gian “là mọi người cùng bình đẳng nhau trong ước muốn hạnh phúc, không muốn đau khổ, muốn được tôn trọng, không muốn bị khinh rẻ. Nếu nguyên tắc đó được giữ gìn, nhân loại sẽ phát triển, tăng thượng... Và đối với những người có thể sống như thế và nuôi con của họ như thế, và cho các xã hội có thể tăng thượng giá trị đó trong cư dân, thì đó là sức mạnh. Một sức mạnh rất là mạnh.”

Tất nhiên, được như thế là rất lý tưởng. Sẽ không có tư tưởng Đại Hán bành trướng và không chế các nước Nam Man, Bắc Di bao giờ -- vì tất cả mọi người cần được bình đẳng, cần hạnh phúc, cần xa lìa đau khổ, kể cả đau khổ bị thống trị, bị làm đàn em nhược tiểu, bị đô hộ qua nhiều hình thức.

Đạọ đức thế gian tất nhiên là lý tưởng tuyệt vời, vì lâu dài sẽ xóa sổ các cuộc thánh chiến tận gốc, để không bao giờ có chuyện Thượng Đế này lớn hơn Thượng Đế kia.

Chỉ cần biến thế giới thành một ngôi làng với những giá trị đơn giản được chia sẻ, mà không cần giương cao lá cờ tôn giáo nào -- chuyện này, như GS Hurley nói, là vùng riêng tôn giáo, còn khu vực chia sẻ chung nên là một đạọ đức thế gian, hay đạọ đức thế tục, hay đạọ đức nhân bản.

Đó là lý tưởng vậy. Nếu giữ được như thế.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.