Hôm nay,  

Hương Trúc Vùng Thất Sơn

15/02/201200:00:00(Xem: 4782)

Hương Trúc Vùng Thất Sơn

Bạn,

Theo báo Sài Gòn, tại miền Tây Nam phần, từ lâu, cây trúc (họ có múi) ở vùng Thất Sơn tỉnh An Giang được mọi người biết đến như loại cây đặc sản, bởi có hương thơm nồng nàn. Đặc biệt, lá và trái trúc còn nằm trong thực đơn của các quán ăn, nhà hàng lớn nhỏ. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, nhiều gia đình nông dân đã ươm cây trúc bán giống tăng thu nhập kinh tế gia đình trong hoàn cảnh khó khăn. Báo Người Lao Động viết về loại cây này qua đoạn ký sự như sau.

Về sóc Tà Hu, ấp Tô Thuận, xã Núi Tô (Tri Tôn), phóng viên lân la qua nhiều nhà hỏi thăm mãi mới tìm được một số nhà còn bảo tồn được loại cây này. Bởi lẽ những năm gần đây, phong trào chơi kiểng cổ phát triển mạnh, nhiều đại gia đã về các phum, sóc có đông cư dân sắc tộc thiểu số săn lùng cây trúc cổ thụ có tuổi thọ từ 10 năm trở lên để mua đem về làm kiểng. Từ đó, số lượng cây trúc cổ đã mất dần, chỉ còn lại những cây nhỏ. Ghé nhà ông Chau Runl, nhìn thấy cây trúc đang trổ trái xù xì, chúng tôi rất mừng. Bứt một lá vò nhẹ đưa vào mũi ngửi, hương trúc thơm lừng ngây ngất một mùi rất đặc trưng.

Ở sóc Tà Hu, chắc có lẽ chỉ có nhà ông Chau Runl là còn cây trúc độ khoảng 10 năm tuổi. Ông cho biết, mấy năm trước, nhiều đại gia sành chơi kiểng đến hỏi mua cây trúc với giá 5 triệu đồng mà ông không bán. Với lý do giữ lại để dùng làm thuốc và cho người dân trong sóc nấu nướng các món ăn trong các dịp lễ, Tết cổ truyền sắc tộc. "Năm tôi 13 tuổi, ở xóm này nhiều bà con trồng vài cây trúc trước sân để lấy trái hoặc lá nấu ăn. Lúc đó, nhiều cây trúc có tuổi thọ cả trăm năm tuổi, đặc biệt là cây trúc ở chùa Tà Pạ, gốc to bằng cái hủ đựng đường, trổ trái sum suê, trái nào trái nấy to bằng cái tách uống trà. Hồi đó, cũng ít người dùng lá trúc để hấp gà, cá lóc, lươn…mà chỉ biết lấy trái ngâm rượu chữa bệnh đau bụng, sốt. Về sau, không biết nguyên nhân vì sao cây trúc cổ thụ đã bị mai một dần…"- ông Chau Runl nói.

Trước nhà ông Chau Runl trồng 2 cây trúc đều cho trái quanh năm. Những lúc cần ăn lá và trái trúc, dân trong xóm đến hỏi mua, nhưng ông Chau Runl cho không vì tình làng nghĩa xóm. Vừa qua, có vài người ở ngoài Châu Đốc đến hỏi mua toàn bộ lá trúc mà ông không chịu bán vì sợ chết cây. Ông nói, trái trúc mùa này có giá khoảng 5.000 đồng/trái, còn bán ký khoảng 70.000 đồng/kg mà không đủ trái để bán. Tuy nhiên, không nên bán lá trụi cây, vì hết lá là cây mất sức chết. Hai cây trúc trước nhà ông trồng được gần 10 năm có độ cao khoảng 5m, vào mùa mưa cây cho trái rất sai. Vài năm trở lại đây người Khmer đã biết dùng lá trúc hấp gà, cá lóc, um lươn…thậm chí nấu canh, giả cầy cũng cho lá trúc vào bởi mùi thơm và kích thích vị giác.

Bạn,

Cũng theo báo NLĐ, nắm bắt được nhu cầu của thị trường, nhiều gia đình ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đã ươm cây trúc bán giống cho dân trồng. Hiện tại, không những vùng Bảy Núi mà người dân ở đồng bằng cũng rất thích trồng loại cây này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.