Hôm nay,  

Ủy Ban Tôn Giáo: 9 Điểm Đòi Mỹ Áp Lực Hà Nội

07/05/200100:00:00(Xem: 4090)
Hoa Thịnh Đốn (Tin đặc biệt của Ủy Ban Quốc Tế Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam) - Ngày 1 tháng 5 năm 2001, Uûy Ban Tôn Giáo Quốc Tế thuộc Quốc Hội Hoa Kỳ (US Commission on International Religious Freedom) đã công bố bản phúc trình về tình hình đàn áp tôn giáo trên thế giới trong đó có Việt Nam. Bản phúc trình dầy 200 trang, phần Việt Nam chiếm gần 20 trang.

Bản phúc trình tố cáo Việt Nam là một quốc gia hiện có những hành động đàn áp tôn giáo rất trầm trọng qua những nhân chứng và tin tức chính xác. Bản phúc trình cũng đưa ra khuyến cáo 9 điểm rất mạnh mẽ gửi đến quốc hội và chính phủ Hoa Kỳ đề nghị thi hành.

NỘI DUNG BẢN PHÚC TRÌNH

Theo bản phúc trình, hiến pháp CSVN ghi người dân có quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, nhưng toàn xã hội lại phải ở dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng CS. Thực chất, mọi hoạt động tôn giáo đều bị đặt dưới sự giám sát của nhà cầm quyền, và phải nằm dưới mái dù của Mặt Trận Tổ Quốc, một cánh tay của đảng. Sau năm 1975, CSVN áp dụng chính sách đàn áp dã man các tôn giáo (như tại Liên Xô), bắt giam các tu sĩ, tịch thu tài sản của các giáo hội, đóng cửa các tu viện, trường học... Nhiều tài sản cho đến nay vẫn chưa được hoàn trả. Kể từ mười năm qua, CSVN có phần nới rộng, cho phép một số nhà thờ, chùa chiền mở cửa, nhưng tôn giáo vẫn bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ.

Tháng tư năm 1997, CSVN cho ra đời Nghị Định 26/CP về quy chế tôn giáo ấn định mọi hoạt động tôn giáo phải được nhà nước kiểm soát. CS còn áp dụng Nghị Định 31/CP về quản chế hành chính từ 6 tháng đến 2 năm mà không cần xét xử đối với nhiều vị lãnh đạo các tôn giáo, tín đồ không chịu lệ thuộc chính quyền.

CSVN kiểm soát tôn giáo qua nhiều hình thức và mức độ khác nhau tùy theo mỗi tôn giáo. Hầu hết các tổ chức tôn giáo được phép hoạt động hiện nay đều do chính quyền thành lập (ngoại trừ Công Giáo), hoặc cho người len lỏi vào để khống chế, kiểm soát các hoạt động như việc điều hành quản lý, nội dung các cuộc hội họp, sách báo, gíao dục, di chuyển, bổ nhiệm v.v...

Riêng các tổ chức tôn giáo không dược thừa nhận đều bị cấm hoạt động như Giáo Hội Phật Gíao Việt Nam Thống Nhất, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành ở Cao Nguyên... Một phần nhỏ Giáo Hội Tin Lành ở miền Nam vừa được CS thừa nhận vào tháng 4/2001, tuy nhiên rất nhiều cơ sở khác của giáo hội vẫn chưa được phép hoặc không muốn gia nhập. Bản hiến chương của giáo hội đã phải được thông qua và được phép của nhà cầm quyền. Nhiều tin đồ Tin Lành, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài khác không chấp nhận thần phục các tổ chức do nhà nước thành lập hay công nhận.

Còn rất nhiều sự kiện cụ thể trong bản phúc trình chứng minh tôn giáo ở Việt Nam vẫn bị nhà nước kiểm soát và khống chế.

KHUYẾN CÁO CỦA ỦY BAN

Trước tình trạng này, Ủy Ban đã đưa ra khuyến cáo mạnh mẽ gồm 9 điểm đề nghị quốc hội và hành pháp Hoa Kỳ áp dụng. Sau đây là tóm lược những khuyến cáo này:

1- Quốc Hội Hoa Kỳ chỉ chấp nhận bản Hiệp Ước Mậu Dịch (Hoa Kỳ - Việt Nam) sau khi đã thông qua quyết nghị đòi CSVN phải cải thiện quyền tự do tôn giáo, hoặc sau khi nhà cầm quyền CSVN cam kết thực hiện những đòi hỏi của Hoa Kỳ về những cải thiện đó, bao gồm:
1.1- Trả tự do cho tất cả những người đang bị giam cầm, quản chế hoặc theo dõi vì lý do tôn giáo.
1.2- Để cho các viên chức ngoại giao Hoa Kỳ được tự do tiếp xúc với các nhà lãnh đạo tôn giáo, cũng như phải để các cơ quan quốc tế nhân quyền và đặc sứ Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo được trở lại Việt Nam.
1.3- Cho phép các tổ chức tôn giáo không quốc doanh được tự do hoạt động (bao gồm tự quản lý, tự cử người lãnh đạo, tự do thờ phượng công khai, tự do bày tỏ và phổ biến triết lý tôn giáo, tự do phân phối các ấn phẩm tôn giáo); đối với các tôn giáo do nhà nước thành lập, phải loại bỏ mọi sự kiểm soát. Cho phép các tôn giáo bản xứ được thực hiện công tác giáo dục, từ thiện, nhân đạo..


1.4- Cho các tôn giáo được tổ chức những ngày lễ lớn hàng năm.
1.5- Hoàn trả tất cả những tài sản bị tịch thu trước đây.
1.6- Cho phép các tôn giáo trong nước được tiếp xúc, liên lạc với các tổ chức, các cá nhân tôn giáo nước ngoài.

2- Sau khi thông qua bản hiệp ước thương mại, hàng năm quốc hội sẽ duyệt xét lại diễn tiến những cải thiện tự do tôn giáo nói trên.

3- Hoa Kỳ nên ngăn cản Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Thế Giới cho Việt Nam vay tiền (ngoại trừ những khoản có tính cách nhân đạo) cho đến chừng nào có sự cải thiện tự do tôn giáo (điều khoản 1.1, 1.2, 1.3, 1.4, 1.5, 1.6).

4- Chính phủ Hoa Kỳ nên đặt vấn đề tự do tôn giáo lên hàng ưu tiên cao trong mối bang giao với Việt Nam cũng như trao đổi mậu dịch.

5- Hoa Kỳ nên đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam cho phép các tổ chức tôn giáo nội địa được phân phối phẩm vật cứu trợ của chính họ hoặc do tài trợ.

6- Chính phủ HK nên yểm trợ các cá nhân hoặc tổ chức tại Việt Nam hoạt động đòi hỏi nhân quyền và tự do tôn giáo, quyền lực của pháp luật, cải tổ luật pháp. HK cũng nên hỗ trợ những trao đổi giữa các tôn giáo tại Việt Nam và các tổ chức tôn giáo Hoa Kỳ, các tổ chức phi chính phủ liên quan đến vấn đề tự do tôn giáo.

7- Cho đến khi nào những điều khoản từ 1.1 đến 1.6 được thực hiện, Hoa Kỳ nên ủng hộ và vận động nghị quyết lên án CS Việt Nam vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo trong hội nghị thường niên của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.

8- Hoa Kỳ nên ủng hộ Nhóm Hành Động Nhân Quyền của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á, khuyến cáo Việt Nam nên tham gia vào nhóm này.

9- Hoa Kỳ nên tiếp tục yểm trợ đài Á Châu Tự Do phát thanh về Việt Nam nhằm thúc đẩy tự do tôn giáo và nhân quyền.

Sự công bố bản phúc trình và khuyến cáo của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế thuộc Quốc Hội Hoa Kỳ là một thành công lớn của nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước đã và đang đấu tranh đòi tự do tôn giáo và nhân quyền. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, chúng ta còn phải vận động nhiều hơn nữa để những khuyến cáo trên trở thành hiện thực và đặc biệt cần vận động các nước trên toàn thế giới để họ cùng có chung nhận định với Ủy Ban này, đồng thời có những biện pháp tương tự buộc nhà cầm quyền CSVN phải tôn trọng quyền thiêng liêng và quyền làm người cho nhân dân Việt Nam.

Đó là nhiệm vụ của tất cả người Việt chúng ta trong những ngày sắp tới.

Ngoài ra, được biết vào ngày 16 tháng 5 năm 2001, sẽ có một cuộc điều trần đặc biệt tại Hạ Viện Hoa Kỳ về vấn đề đàn áp tôn giáo tại Việt Nam. Dân biểu Zoe Lofgren - thuộc Ủy Ban của Quốc Hội Đối Thoại Về Việt Nam (Congressional Dialogue on Vietnam) - đã đặt thư mời đến các vị lãnh đạo tôn giáo tại Việt Nam như HT Thích Quảng Độ, LM Nguyễn Văn Lý, Cụ Lê Quang Liêm, Sĩ Tài Phùng Văn Phan (Cao Đài), Truyền Đại Bùi Văn Chí (Tin Lành) tham dự cuộc điều trần thông qua Mục Sư Kiều Tấn Nam, chủ tịch Hội Đồng Hợp Tác Tôn Giáo Việt Nam Bắc Cali. Trong dịp này, LM Nguyễn Hữu Lễ, Giám Đốc Điều Hành Ủy Ban Quốc Tế Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam cũng sẽ hiện diện.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin nhắc lại là Đại Hội Hải Ngoại Yểm Trợ Quốc Nội Đòi Tự Do Tôn Giáo và Nhân Quyền cho Việt Nam sẽ được tổ chức trong hai ngày 12 và 13 tháng 5, 2001 tại Hoa Thịnh Đốn với mục đính tìm giải pháp yểm trợ hữu hiệu cho cuộc đấu tranh tại quốc nội hiện nay. Lễ khai mạc sẽ diễn ra lúc 9 giờ 30 sáng ngày 12 tháng 5 năm 2001 tại Khách Sạn Hilton, Arlington, Virginia. Kính mời quý đồng hương ghi danh tham dự đông đảo.

GHI CHÚ: Quý vị nào muốn xem nguyên văn bản phúc trình, xin vào địa chỉ trang nhà dưới đây: http://www.uscirf.gov/reports/01May01/2001annRpt.pdf

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.