Khi tới gần đồng cỏ thoai thoải gần con suối nhỏ, dân làng A Nang bảo tôi và bác Thông cùng ba người khác ngồi núp trong lùm cây hôi chờ nai tới, nhóm còn lại gồm 5 người đi tới góc đàng xa chờ. Tôi nói lỡ nai nằm ở giữa thì sao" Không chừng hai nhóm bắn không trúng nai mà lại chết người nữa, nguy hiểm lắm, nên tụ quanh quẩn ở một chỗ thj` an toàn hơn. Họ đưa hai tay ra dấu chỉ bắn trong phạm vi 45 độ tay phải và 45 độ tay trái thôi, và chỗ hai nhóm núp sẽ gần như đường thẳng song song với con suối nên khó mà có thể gây thương tổn cho nhau. Tôi nghe nói cũng an tâm phần nào.
Nhóm chúng tôi ngồi trong đám cây hôi chia nhau nhìn bốn hướng, không dám để mất một cơ hội nào. Chờ mãi sốt ruột hay sao đó, mấy người Thượng nói với tôi:
-- Kể chuyện đi "nai pơ tho" ( ông thầy)!
-- Kể sao được, phải im lặng chú tâm săn nai chứ!
-- Ông thầy vừa canh vừa kể, chúng tôi vừa nghe vừa canh. Thế nào chút nữa đây, nai sẽ tới mà! Nhớ đừng bắn vội mà phải chờ ra hiệu, chứ đừng thấy là bắn đại liền. Ông thầy kể chuyện cho vui đi!
Tôi đã giao súng cho bác Thông nên tôi chỉ canh thôi chứ không phải lo bắn gì hết nên khó nại cớ nào khác ngoài cớ sợ nai nghe tiếng nói thôi. Ba người thợ săn trả lời, "Không sao hết, mình đừng nói lớn là được rồi, vì mình đang ở đầu ngọn gió, tiếng sẽ bay về phía lưng mình, nai sẽ không nghe tiếng và ngửi thấy mùi đâu."
Thoái thác mãi không được, tôi đành vặn óc kể trận thư hùng của chúa tể sơn lâm quen thuộc với người dân núi rừng.
Cách đây đã lâu, lâu lắm rồi, khi muông thú còn biết nói tiếng người đã xảy ra một trận đánh nhau kinh thiên động địa giữa một con voi già và một chú hổ mạnh đương tuổi thanh xuân làm muôn vật sợ hãi và truyền miệng kể hoài câu chuyện thư hùng này. Một buổi chiều kia, có một chàng hổ lững thững đi xuống suối uống nước, chợt nhìn thấy cạnh bờ suối có lão voi già đang say ngủ giấc nồng. Bản tính hung hãn và hống hách của chàng hổ từng thấy các muông thú khác lẩn tránh hay sợ hãi là chú hổ dương dương lại gần bên lão voi già gầm vang lên tiếng "à um" động vang cả núi rừng ngay bên tai lão voi già.
Giật mình thức giấc, voi vùng lên, hét lớn:
-- Trời ơi là trời! Thằng nhãi ranh kia dám phá giấc ngủ của tao sao"
Hổ ranh mãnh lấc cấc trả lời:
-- Ừ đó, có sao không" Trời chưa tối đã ngủ thì còn trách gì được!
Trước sự xấc xược của hổ, voi giận dữ, dùng vòi quật ngã mấy cây con gần đó ra oai:
-- Mày không biết điều trốn đi cho mau mà ở đấy nói bướng sao"
-- Lão già nóng tính thế" Đùa một chút không được à"
-- Tao đáng tuổi cha mày mà để mày đùa hở thằng nhãi"
Voi vừa nói vừa tiến tới, giơ vòi lên cao rồi quật xuống hổ một đòn mạnh như búa bổ. Hổ né mình lùi thêm mấy bước, cười ngạo mạn khinh dể:
-- Chà! Xem lão già rồi mà còn gân dữ đa! Coi bộ lão chán sống rồi thì phải" Định vuốt râu hùm thì ta sẽ trổ tài cho mà xem có làm gì được ta không.
Voi ức lắm, rống lên những tiếng to thị oai. Cọp cũng chẳng nhường liền gầm lên động vang núi rừng. Chim chóc vội vã cất cánh lìa tổ để tránh nạn trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết. Voi sấn tới hổ thối lui. Voi thì chậm chạp, hổ lại nhanh như cắt. Hổ càng lanh lẹn tránh né, voi càng lồng lộng tức giận:
-- Ranh con, mày sợ thì chạy đi chỗ khác mà chơi; làm gì mà cứ tránh né hoài vậy" Có giỏi thì chọi nhau một chập xem sao"
-- Ấy ấy, lão đừng nói càn, nói dở nhé! Đừng ỷ to xác, lớn tuổi mà đòi làm cha thiên hạ nha!
-- Thằng nhãi mất dạy này! Ngang ngược vừa thôi nhé!
Hổ bị mắng nặng đâm ra cáu tiết, gầm lên phóng thẳng vào voi, hai chân trước duỗi ra, lao vào đầu voi một cách lẹ làng. Voi hoảng hốt nghiêng vòi quật ngang làm hổ dạt nhào sang một bên nếu không thì voi đã bị bể mặt vì cái chụp bất ngở của hổ. Hai bên hầm hầm đánh nhau, bên tám lạng, bên nửa cân, chẳng con nào nhường con nào.
Ban đầu cả hai đối thủ còn tỉnh táo nên tránh được những đòn độc của nhaụ Kẻ tiến người lui, kẻ xông phía trái, người nghiêng phía phải, trận thư hùng có một không hai kéo dài, nhưng chẳng con nào bị thương thích trầm trọng. Tiếng gầm của hổ, tiếng rống của voi vang động cả góc trời. Những con thú nhỏ sợ hãi chạy trối chết cho tới chỗ tiếng à um lẫn tiếng hoét nhỏ dần mới ngừng lại. Chúng dáo dác nhìn nhau, nửa sợ hãi nửa thích thú, quay lại sau lưng nhìn bóng voi to và hổ lớn chỉ còn nhỏ như hai chú nai đang quần thảo nhau tranh tài.
Đám thú nhỏ bây giờ đã hoàn hồn tụ nhau lại nhìn trận đấu hổ voi ở xa. Kẻ vồ người né, kẻ tiến tới, người thối lui, tiến tiến lui lui, lúc gần nhau, lúc tách xa nhau... Cảnh tượng voi và hổ quần thảo nhau dưới gần suối nước mỗi lúc mỗi kích thích nhãn quan của bầy thú rừng đang đứng trên sườn đồi. Chúng nhìn chăm chú, say mê như người ta coi đấu trường. Chúng xầm xì bàn tán và đánh cuộc kẻ bại người thắng mọi cách ồn ào sôi nổi.
Một chú khỉ ngồi trên cành cây ra vẻ hiểu biết bàn:
-- Xem kìa! Lão voi già có cái vòi và cặp ngà lợi hại thật, đánh ngã hổ rồi đó, thấy không"
Con sói gần đó cãi lại:
-- Lợi hại gì rồi cũng chết thôi! Tôi đánh cá là hổ sẽ thắng đấy!
-- Không, voi thắng chứ!
-- Thắng làm sao được. Hổ thế nào cũng thắng thôi! Tôi cuộc....
-- Anh cuộc gì" Tôi cuộc voi thắng...
-- Được, ngồi đó mà xem...
Lời xầm xì bàn tán của bầy thú tranh nhau cãi và cá cuộc bỗng ngưng. Hằng trăm con mắt đổ dồn về phía đấu trường: bằng một cú tát như trời giáng, hổ đã gây thương tích cho chiếc vòi của voi. Voi rống lên đau đớn... Chưa kịp mừng chiến thắng, hổ bất ngời bị voi sấn tới húc. Chân hổ bị voi đè. Hổ kinh hoàng dùng hết sức mạnh rút mạnh rồi nhảnh ra ngoài vùng chiến. Hổ khập khiễng lùi ra xa rồi chùn người xuống phóng thẳng về phía voi. Voi để ý trước nên lách kịp, chờ hổ lao người tới gần liền húc ngang, làm cho hổ mất thăng bằng, toàn thân rơi bịch xuống đất. Lời bàn tán xầm xì của bầy thú đứng ngoài lại có dịp nổi lên.
-- Đấy đấy! Tôi nói có sai chút nào đâu! Dõng sĩ vô mưu tất là thất bại! Có sức mạnh mà không có trí thì có gì đáng ngại đâu!
-- Đừng khinh voi già, voi chậm! Chậm nhưng mà chắc thì còn hơn là...
-- Hơn gì" Ông định nói chậm mà chắc hơn là nhanh và vụng chứ gì" Tôi đồng ý với ông về điểm đó, nhưng sao ông dám nói hổ nhanh mà vụng" Vụng ở chỗ nào"
-- Ông có mù mắt không đấy mà vặn vọ" Ông không thấy hổ chẳng vừa ngã bịch lăn cù kia sao" Đã thấy rõ ràng ràng lại còn hỏi vớ vẩn...
-- Vớ vẩn gì tôi cá cuộc là hổ sẽ thắng đấy!
-- Ông mở miệng ra là hổ này với hổ nọ! Hổ đâu mà lắm thế! Để rồi ông có xấu hổ không thì biết!
Trong cuộc đấu, voi và hổ đã quần nhau tới phút chí mạng. Con nào cũng hết mình đưa ra những đòn hiểm độc, quyết hạ cho kỳ được đối thủ càng sớm càng tốt. Trên chiến trường, cây cỏ bụi rậm đã bị dẫm nát, nhiều khoảng đất lở thêm vì những vết cào của hổ, vết ngà húc của voi. Cả hai mãnh thú đều bị thương tích đầy mình, nhưng chúng vẫn cố thi thố hết tài năng không muốn bị mất mặt với muông thú rừng già. Đã tới nước này thì không thắng thì chết chứ còn mặt mũi nào để sống trong tủi nhục. Chẳng con nào chịu dẹp tự ái để làm hoà với đối phương, sợ bị lép vế sao này trước mặt muông thú khán giả đằng xa kia. Dù đã mệt lã vì trận đấu dai dẳng, hai mãnh thú cũng ráng hết hơi tàn để tìm cách đánh bật đối phương để đường đường lẫm liệt lên vương vị chúa tể sơn lâm lãnh cứ một vùng giang sơn ai cũng phải kính nể.
Trời đã ngả tối. Nắng hoàng hôn đã nhạt nhoà, nhưng bầy thú khán giả chẳng con nào chịu về, sợ mất đi những phút cuối cùng của trận đấu hổ voi có một không hai. Chúng lần mò lại gần hơn nhưng không dám gần lắm để mục kích cho rõ voi và hổ ra sức giao đấu. Nhìn qua cuộc chiến, chúng biết kết thúc đã gần kề. Một tiếng rống thảng thốt thê thảm vang lên. Bầy thú trân tráo chăm chú nhìn và vểnh tai lắng nghe: Một khối đen nằm quằn quại trên chiến trường, một khối đen phóng tới phóng lui cấu xé. Mỗi lần như vậy khối đen quằn quại lại rống lên thảm thiết hơn. Cuối cùng tiếng rống ngưng bặt. Khối đen rướn mình lên giơ cao vòi rống tiếng hoét não nùng cuối cùng trong đêm rồi qụy gục xuống bất động. Lão voi già đã chết và hổ thành kẻ chiến thắng vang danh.
Hổ vừa đi vừa thở hổn hển, bước chân đi nặng nề. Phải cực khổ lắm mới đánh bại được lão voi già kinh nghiệm đường đời. Chiến thắng oai hùng, nhưng hổ cũng bị thương trầm trọng, chẳng còn lòng dạ nào mà săn nai, săn hoẵng đang run rẩy trố mắt nhìn đằng kia. Bầy khỉ cũng im bặt không còn ba hoa chích choè nữa, chỉ có đám sói rừng còn anh dũng rú lên những tiếng hú rùng rợn trong đêm như cùng chia sẻ vinh quang với hổ rừng vừa trở thành chúa tể sơn lâm.
Xong câu chuyện rừng, tôi ngừng lại nhìn mọi người. Bác Thông há hốc nhìn tôi, bác không ngờ tôi có thể thao thao nói một mình bằng tiếng Jrai như vậy. Ba người thợ săn vỗ vai tôi khen, "ông thầy kể chuyện hay quá! Kể nữa đi!"
-- Để khi khác, mình phải tập trung săn nai chứ! Biết đâu chẳng mất cơ hội săn có một không hai trong đêm này!
-- Ừ ừ, ông thầy nói có lý! Phải chăm chú từ giờ phút này!
Trăng trên cao đã đứng ở đỉnh đầu, cũng quá nửa đêm rồi. Đêm nay mà không có nai, bác Thông chắc sẽ thất vọng. Nhưng tôi tin là nai sẽ đến suối nước thôi. Ít khi nào nai lại tìm hướng khác khi không bị phá phách gì, dấu hiệu mà đồng bào khám phá có bầy nai lảng vảng ở chốn này dễ đâu mà sai được. Ăn no rồi nai sẽ phải tìm xuống suối uống nước rồi mới tìm về nơi kín đáo nghỉ ngơi. Tôi ngồi cạnh bác Thông nói nhỏ:
-- Bây giờ mình ngồi chờ, ngồi chờ trong thinh lặng thì cảm thấy lâu. Đi săn cũng giống như đi câu, cần phải kiên nhẫn bác ạ!
-- Hồi nãy thấy cháu nói gì huyên thuyên thế"
-- Thì như lúc đầu cháu nói đó, cháu kể chuyện voi và hổ đánh nhau giành quyền chúa tể rừng già đó mà!
-- Sao cháu nói rành thế"
-- Cháu học ở người già, viết xuống, rồi tập kể lại. Kể nhiều lần nên nhuyễn đó thôi!
-- Bác chịu thua cháu! Cháu chịu khó học hỏi tìm tòi thật!
-- Thì cũng do hoàn cảnh thôi bác ạ! Bác vào đây chung quanh toàn là người dân tộc thì bác cũng phải tìm cách hội nhập vào cuộc sống của họ mà! Chứ thui thủi một mình càng buồn thôi!
-- Giá săn được con nai đêm nay thì hay biết mấy!
Tôi liều mạng quả quyết:
-- Bác sẽ được toại nguyện mà! Mình ráng chờ, chẳng bao lâu nai sẽ tới mà!
Chờ mãi gần sáng mới thấy bóng hai con nai lờ lờ tới! Tôi giơ tay làm hiệu cho ba anh Thượng và bác Thông, bác Thông run run mở cò, bốn người nhắm bắn hai con nai thì không trúng sao được. Tôi đưa ba ngón tay lên làm hiệu, rồi hai ngón, rồi một ngón. Cả bốn người đều biết hiệu vì tôi đã bảo trước nên cùng nổ một loạt. Hai con nai ngã xuống, thế là nhóm bên tôi đã săn thành công. Tôi nói lớn lên, sợ nhóm săn bên kia lỡ có nhìn thấy gì bắn bậy thì khổ:
-- Chỉ tiêu săn đêm nay đạt quá số lượng rồi! Thôi ra đi, đừng bắn hay chờ nữa!
-- Ông thầy hên quá! Lúc nào có ông thầy cũng gặp may cả!
Cả bọn cười to quên cả mệt nhọc hay chờ đợi dài cổ cả đêm. Bác Thông nhìn hai con nai, một con nai lớn, một con nai con nhu nhú sừng. Bác mừng lắm nói nhỏ với tôi:
-- Con nai con có lộc nhung quí lắm đó cháu! Cháu xin con nai đó đi! Lấy lộc nhung non ngâm rượu uống bổ phải biết!
Tôi cười, không xin tôi cũng được phần một con mà, người Thượng rất sòng phẳng, có tôi hay bác Thông đi săn không cũng vậy, bắn được hai con, thế nào tôi cũng được một con như đã giao hẹn.
Tôi nói:
-- Dân làng lấy con nai lớn chia nhau nha! Còn tôi và ông này xin con nai nhỏ.
-- Sao ông thầy không lấy con nai lớn nhiều thịt hơn có tốt hơn không"
-- Hôm qua, hôm kia có nai ăn rồi, dân làng đông người nên lấy phần con nai lớn, chúng tôi có hai người, con nai nhỏ được rồi!
-- Cũng được, ông thầy và người bạn này tốt lắm! Hôm nay ở lại làng chúng tôi uống rượu chơi nhé!
-- Để lúc khác đi nha, ông bạn này là tài xế xe, trưa nay phải về, còn tôi phải về lại phòng giáo dục, đi cả đêm rồi không còn đủ sức uống rượu nữa!
Đường về làng có xa cũng hoá gần, chúng tôi thay phiên nhau khiêng hai con nai, cười nói vui vẻ, rộn vang cả núi rừng. Bác Thông huyên thuyên nói chuyện. Tôi giao cho bác làm gì với con nai đó thì làm. Coi như là phần đi săn của bác. Còn tôi ăn nai mấy hôm nay, dư dả gởi về như vậy là đã quá rồi. Tôi nói từ nay dân làng không phải chia chác gì nữa, săn được gì thì cứ giữ lại cho làng. Cả đám cười ngất! Tôi xin cho bác Thông được ở lại làng, rồi trưa bác Thông và một hai thanh niên đưa con nai non ra đường đón xe về, thay vì bác cháu tôi vất vả khiêng nai xuống tận bãi đậu xe, vừa xa vừa mệt. Tôi nói với bác Thông:
-- Bác nghỉ lại ở làng cho khoẻ. Cháu sẽ ra bến xe báo cho anh phụ tài xế ghé lại đón bác!
-- Được được như vậy cũng tiện!
Nguyên Đỗ
(Còn tiếp)
Tôi cũng có cùng câu hỏi như T Pham: làm sao để đọc tiếp sau chương 59?
Nguyên Đỗ đã từng có tác phẩm nào được đăng tải tên báo chí,trên "net" hoặc ấn hành hay chưa?
Một cái tên mới tinh-tôi đọc cũng khá nhiều nhưng chưa bao giờ biết có tác giả này!Thật đáng tiếc đã để"lọt sổ" một ngôi sao long lánh trong văn nghệ!
Chờ đợi để được đọc tiếp truyện này và nhiều truyện khác của Nguyên Đỗ .
Cám ơn diễn đàn Việt Báo đã giới thiệu truyện của Nguyên Đỗ đến người đọc.
Xin hỏi nếu muốn đọc tiếp theo sau chương 59 thì đọc ở đâu ???
Cám ơn.