Hôm nay,  

Tâm Tình Hạnh Phúc – Thảo Hiền Phụ Trách

28/02/201000:00:00(Xem: 3026)

Tâm Tình Hạnh Phúc – Thảo Hiền phụ trách

Bình thường, cuộc sống của mỗi người, mỗi đôi trai gái yêu nhau, cũng như mỗi gia đình, đều có những khó khăn trắc trở về tình cảm, mà người trong cuộc, vì cứ để lý lẽ của con tim làm mờ cả lý trí, nên dễ chìm đắm trong tối tăm, sa lầy trong đau khổ. Do đó, việc tìm đến các cố vấn tâm lý, các chuyên viên hôn nhân, hoặc viết thư cho báo chí, tâm sự với bạn bè... để tâm tình và tìm sự giải đáp, ngày càng phổ biến trong các xã hội văn minh. Đặc biệt hơn, tại hải ngoại, do dị biệt về văn hóa, phong tục, tập quán,... đời sống của người Việt càng dễ gặp phải những chuyện khó khăn trong tình cảm và hạnh phúc gia đình. Vì vậy, nhu cầu tâm sự để tìm sự đồng cảm và cách giải quyết cho những éo le tình cảm, đối với người Việt lại càng lớn lao hơn. Nhận thức được nhu cầu quan trọng này, và để đáp ứng nguyện vọng của đông đảo độc giả, kể từ số báo tuần này, Thảo Hiền sẽ phụ trách mục "Tâm Tình Hạnh Phúc", để mọi người cùng theo dõi những tâm sự éo le, những chuyện vui buồn của bạn đọc; và cùng với Thảo Hiền, các bạn sẽ tâm tình an ủi, đóng góp ý kiến, để giúp người trong cuộc phần nào sáng suốt hơn, bình tĩnh hơn, trên con đường giải quyết những khổ đau éo le của mình. Thảo Hiền mong các bạn, nếu có niềm vui hay nỗi buồn gì, hãy viết thư cho Thảo Hiền đề cùng chia sẻ và giải quyết, trong tinh thần:

Mỗi người mỗi ngả đường đời
Kinh nghiệm chia sẻ những lời khuyên nhau
Giúp cho những bạn khổ đau
Tơ lòng tháo gỡ phần nào nhẹ vơi
Mong sao các bạn góp lời
Tâm Tình Hạnh Phúc kính mời tham gia.

Mọi thư từ xin gửi email: thaohientthp@gmail.comhoặc qua bưu điện: Thảo Hiền Tâm Tình Hạnh Phúc, PO Box 409 Bankstown NSW 1885.

*

Mẹ già như chuối ba hương

Kính thưa quý độc giả. Đầu tiên, Thảo Hiền xin được gửi đến quý vị những lời cầu chúc thân tình và đặc biệt cảm tạ những quý độc giả đã đóng góp ý kiến cũng như trình bày tâm sự trên mục Tâm Tình Hạnh Phúc của chúng ta trong thời gian qua. Kỳ này, vì không có độc giả nào có tâm tình cần hỏi ý kiến, nên Thảo Hiền xin được trao đổi cùng quý vị về một số vấn đề thường xảy ra trong cộng đồng người Việt hải ngoại, như là một hình thức thay đổi “khẩu vị” và cũng là giữ cho gia đình hạnh phúc. Tuần này, Thảo Hiền xin tâm tình cùng các bạn về việc bảo lãnh cha mẹ mà Thảo Hiền tạm đặt tên là “Mẹ Già Như Chuối Ba Hương…”. Thảo Hiền ước mong sẽ đóng góp phần nào cảm nghĩ của mình để chia sẻ cùng quý vị những kinh nghiệm thực tế trong cuộc sống nơi xứ người.
Trong một dịp đi khám bịnh ở phòng mạch bác sĩ gia đình, Thảo Hiền tình cờ ngồi cạnh một cụ bà Việt Nam khoảng chừng ngoài 70, hỏi thăm xã giao thì cụ cho biết cụ được con gái bảo lãnh từ Việt Nam sang Úc cách đây hai năm. Thông thường nếu cần đi khám bác sĩ, cụ phải đợi con gái xin nghỉ sở để đưa cụ đi, nhưng vì con cụ mới dọn nhà về khu vực này, gần phòng mạch bác sĩ VN nên cụ có thể đi bộ một mình được. Hôm đó cụ lại không phải trông cháu nhỏ vì bố cháu được nghỉ phép ở nhà. Xem chừng như tìm được người hợp ý để chuyện vãn, cụ tỉ tê tâm sự là thương con gái đi làm vất vả nên cụ giữ việc trông nom cháu nhỏ, nhưng con rể lại quá kỹ lưỡng, đòi hỏi cụ phải nuôi cháu theo kiểu Tây (ý cụ muốn nói là theo cách dưỡng nhi của Úc). Con rể chê cụ không biết giữ vệ sinh, vì cụ hay mớm cơm cho cháu, bế ẵm cháu theo kiểu xốc nách tức là không đúng cách, cho cháu ăn vặt những thức ăn không thích hợp e cháu bị bịnh mập phì, v.v... Thế nhưng hai vợ chồng lại không đem gửi cháu ở nhà trẻ vì quá tốn kém. Hai vợ chồng đã phải hốt hụi để có tiền ký thác vào ngân hàng trước khi bảo lãnh cụ, chi tiền vé máy bay và hàng chục thứ chi tiêu khác khi đón cụ sang, nên hiện nay họ cố dành dụm để trả cho xong các món nợ. Cụ thương con, không dám than mệt mặc dù đôi lúc cụ cảm thấy đuối sức vô cùng vì phải trông cháu cả ngày. Muốn thả bộ ra ngoài cho khuây khỏa cũng sợ đi lạc đường và sợ bị xe đụng. Cụ kể chuyện với nét mặt bình thản và một giọng nói nhẫn nhục, không hàm ý trách móc hay giận dỗi con.
Thưa quý độc giả, câu chuyện kể trên của cụ bà, mà Thảo Hiền xin tạm gọi là cụ Nguyễn, không phải là trường hợp duy nhất trong cộng đồng VN ở hải ngoại, tuy rằng không phải tất cả các cụ được con cái bảo lãnh từ Việt Nam sang cũng đều gặp hoàn cảnh như cụ Nguyễn. Vì vậy, nội dung bài viết của Thảo Hiền chỉ xin bàn đến những trường hợp tương tự như của cụ Nguyễn, vì có những cụ khác may mắn hơn, được con cái chăm sóc tử tế, hoặc sống độc lập trong những khu chung cư chính phủ dành cho cao niên, không phải nương dựa vào con cái. 
Ngày còn ở quê nhà, Thảo Hiền nhận thấy hầu như đa số gia đình đều sống chung trong cùng một mái nhà gồm cả 3 thế hệ, ông bà, cha mẹ và con cái. Thậm chí có khi là 4 thế hệ nếu cụ cố có tuổi thọ cao. Ông bà nội ngoại trông cháu cho bố mẹ đi làm là chuyện thường tình và chẳng bao giờ bố mẹ các cháu thắc mắc là ông bà nuôi cháu theo kiểu Tây hay kiểu ta. Lý do giản dị là cha mẹ nuôi con như thế nào thì nuôi cháu cũng như thế. Trông nom, săn sóc trẻ nhỏ là một công việc khá nhọc nhằn cho các ông bà ở tuổi cổ lai hy. Vì vậy ngoài ông bà nội ngoại còn có sự phụ giúp của các bác, các mợ, các cô, dì trông cháu nhỏ. Trong khi đó ở hải ngoại hoàn cảnh gia đình neo người chỉ có thể trông cậy vào một mình bà nội hay bà ngoại. Ở tuổi này, các cụ chỉ chơi với cháu một lát cho vui chứ không thể chơi với cháu hơn 8 tiếng đồng hồ một ngày, nói chi đến việc chăm sóc cháu toàn thời gian, một ngày lo 2 bữa ăn sáng và ăn trưa cho cháu, chưa kể những việc lặt vặt khác như thay tã, tắm rửa.
Có thể trong một số trường hợp, ông bà nội ngoại cảm thấy mình là gánh nặng cho con nên tình nguyện làm công việc trông nom cháu, các con lại vô tình không nhận thấy. Nhưng vấn đề Thảo Hiền đặt ra ở đây không chỉ nói về mặt sức khỏe thể chất mà còn về sức khỏe tinh thần. Những cụ bà như cụ Nguyễn ru rú ở nhà suốt ngày, đợi cuối tuần để nghỉ ngơi thì có khi con đi ăn tiệc, ăn cưới, không đem cháu theo được lại để ở nhà cho cụ trông. Như vậy có khác gì cụ là vú em. Cụ không có cơ hội ra ngoài gặp gỡ và giải trí với các bạn cao niên khác, vì thế càng ngày cụ càng bị cô lập trong một cuộc sống thu hẹp quanh quẩn trong nhà. Về lâu về dài sự thiếu thốn một khoảnh không gian và thời gian riêng cho bản thân sẽ lấy đi hết năng lượng đời sống của một người già. Giống như một thân cây già cỗi không có đủ khí trời và nước để tiếp tục sống.
Thật ra nếu có điều kiện thì khi về già được ở chung một nhà với con cái để nương tựa về tinh thần cũng là một điều tốt đẹp. Nhưng lại có một trở ngại khác là khi các cụ được đoàn tụ với con cháu thì bà cháu lại không nói chuyện với nhau được vì cháu không biết nói tiếng Việt mà bà lại không hiểu tiếng Anh. Rồi cách suy nghĩ của bà cũng khác cháu, đưa đến những thành kiến tiêu cực như bà cho là cháu hư, cháu nghĩ bà khó khăn với cháu. Vì vậy việc chăm sóc cháu nhỏ thì cực thân, mà gần gũi cháu lớn lại cực tâm. Hoàn cảnh sống của chúng ta khi ra hải ngoại đã thay đổi rất nhiều, trong khi các cụ thuộc thế hệ trước lại không thích ứng nổi, đưa đến sự suy sụp tinh thần. Trước khi rời Việt Nam sang đây, các cụ chỉ ước mong được gần con cháu để an ủi tuổi già chứ không phải vì mong cầu đựơc sung sướng về vật chất. Thực ra những người con của các cụ chỉ cần gửi tiền về hàng tháng là các cụ được hưu dưỡng đầy đủ, cần chi phải lặn lội đi nửa vòng trái đất để đến một nơi mà thời tiết, đời sống, ngôn ngữ, văn hoá đều khác với nơi sinh truởng của các cụ.
Cũng có người bạn từng than thở với Thảo Hiền là thân mẫu của chị sống với chị mà tính khí khó khăn, bắt bẻ chị từng ly từng tí khiến chị nhọc tâm vô cùng. Thảo Hiền nói với chị, chẳng phải cụ cố tình làm như vậy, chỉ vì cụ vẫn theo lề thói suy nghĩ và sinh hoạt như ở Việt Nam. Thí dụ như phải ăn cơm ngày đủ 3 bữa, mà con gái hay con dâu lại quen theo cách ở ngoài này, là sáng ăn bánh mỳ hay ngũ cốc với sữa, trưa cũng ăn bánh mỳ, mỗi ngày chỉ ăn một bữa cơm vào buổi tối. Các cháu để đầu tóc, mặc quần áo kiểu cọ theo thời trang của giới trẻ thì cụ phàn nàn với cha mẹ cháu, cụ muốn cha mẹ cháu phải dạy cháu như cụ đã dạy dỗ các con của cụ hồi ở quê nhà.


Khó mà trách các cụ khó khăn. Xã hội thay đổi, con cái đã thành nhân, tự lập, nhưng các cụ lại không nhận ra sự thay đổi đó, rằng mình không còn ở thế chủ động như ngày xưa, thời mà các cụ quán xuyến mọi chuyện trong nhà, sắp xếp công việc theo ý mình. Thời đó, con cái dù lớn đến bao nhiêu tuổi vẫn còn phụ thuộc vào cha mẹ về mặt tinh thần. Trong khi đó cuộc sống trong một xã hội Tây phương ở hải ngoại đã thúc đẩy các con cụ phải tách rời ra khỏi bóng mát của đại gia đình để trở nên độc lập hơn, khiến các cụ không khỏi cảm thấy hụt hẫng. Như trường hợp của cụ Nguyễn, sinh 5 người con ở Việt Nam, nuôi dưỡng các con khỏe mạnh, nay con rể lại trách cụ không biết cách nuôi trẻ theo kiểu Âu Mỹ. Ở quê nhà, cụ có hàng xóm cạnh nhà để chạy qua chạy lại chuyện vãn, cần thức ăn gì thì cụ cắp rổ đi bộ ra chợ. Ở đây cụ không có hàng xóm Việt Nam, cả tuần lể quanh quẩn trong nhà trông cháu, cụ không khủng hoảng mới là chuyện lạ.
Chúng ta thường kêu gọi nhau cố gìn giữ văn hóa và truyền thống dân tộc đúng với câu “trẻ cậy cha, già cậy con”. Bởi từ thế hệ này qua thế hệ khác, mối giây ràng buộc giữa cha mẹ và con cái là sự thay phiên nhau làm điểm tựa để dựa vào nhau ở mỗi thời điểm trong cuộc đời.
Thảo Hiền biết có nhiều người mẹ sẵn sàng hy sinh sự nghiệp và chịu cảnh thiếu thốn tài chánh, để nghỉ ở nhà trông con ít nhất là 5 năm cho đến khi con đi học, sau đó mới xin đi làm trở lại. Vậy nếu cha mẹ già cần một sự hy sinh như thế thì liệu chúng ta có sẵn sàng hy sinh như đã hy sinh cho con cái hay không" Sự hy sinh cho cha mẹ già đôi khi lại phải tùy thuộc vào quyết định của người con rể hay con dâu. Khi bất đồng ý kiến xảy ra thì cha mẹ già bỗng trở thành nguyên nhân đưa đến chuyện lời qua tiếng lại giữa hai vợ chồng người con, khiến gia đình mất đi sự hòa thuận êm ấm. Hơn nữa, chúng ta thử đặt trường hợp bất thình lình các cụ ngã bịnh. Mà chuyện các cụ bị đau yếu là chuyện phải xảy ra, không tránh được. Ai sẽ là người chăm sóc cho cụ. Liệu con gái cụ có chịu ở nhà để săn sóc cho mẹ hay không" Hay đưa cụ vào viện dưỡng lão để mỗi cuối tuần vào thăm cụ"
Đây là một câu hỏi nhức óc mà những người con có cha mẹ già sống ở hải ngoại không biết phải làm thế nào để giải quyết ổn thỏa. Cả hai vợ chồng đang đi làm, con cái còn nhỏ, đang phải đối đầu với 1001 thứ chi tiêu cho gia đình, bất ngờ cha hay mẹ già ngã bịnh, nếu nghỉ dài hạn ở nhà để chăm sóc cho cha mẹ thì hụt mất một đầu lương, lấy đâu ra tiền để trả tiền nợ vay nhà băng mua nhà. Đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão thì mang tiếng bất hiếu mà trong lòng cũng thấy xót xa. Cho đến nay một số người vẫn giữ ý tưởng tiêu cực về chuyện đem cha mẹ già vào nhà dưỡng lão thay vì chăm sóc cho cha mẹ ở nhà.
Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi, bậc làm cha mẹ chẳng quản công lao khó nhọc nuôi con từ khi mới chào đời cho đến khi khôn lớn. Nhưng chính vì vậy mà những người con đã có gia đình phải nhìn thấy rõ vấn đề hơn cha mẹ. Dù rằng cụ thương con thương cháu nhưng phải hiểu là trách nhiệm của cụ đã hết. Bây giờ là lúc cụ nghỉ ngơi, dưỡng già. Làm thế nào để cụ sống vui bên con cháu là bổn phận của những người con của cụ. Mà sống vui với con cháu không có nghĩa là các cụ bắt buộc phải sống với tiểu gia đình của con. Khi bị bứt rễ ra khỏi nơi sinh trưởng để sống tha hương, yếu tố quan trọng nhất giúp các cụ vượt qua mọi khó khăn khác là có được một đời sống tinh thần thoải mái để vui hưởng tuổi già dù là sống với con cái hay sống độc lập. Nếu các cụ còn mạnh khỏe, tự chăm sóc cho mình được trong những sinh hoạt hàng ngày thì có thể xin chính phủ cấp cho một căn gia cư dành cho cao niên để sống độc lập, con cháu hàng ngày điện thoại thăm hỏi, hàng tuần đến thăm viếng. Trường hợp đại gia đình có đông con cháu thì sự sắp đặt phân công hợp lý giữa các người con dành thời gian chăm sóc cha mẹ già, hoặc chia sẻ về tài chánh để thuê người chăm sóc cho các cụ là điều phải lẽ và lý tưởng nhất. Nhưng nếu gia đình neo người, thì không thể không nghĩ đến việc gửi các cụ vào viện dưỡng lão. Đối với vấn đề đưa các cụ vào sống trong viện dưỡng lão thì Thảo Hiền không chống đối, miễn sao con cháu bàn bạc, giải thích rõ ràng cho các cụ hiểu được ý nghĩa và các dịch vụ chăm sóc của viện dưỡng lão, sau đó để các cụ toàn quyền quyết định. Ở một vài tiểu bang, cộng đồng người Việt đã thiết lập được viện dưỡng lão dành riêng cho các cụ cao niên Việt Nam, có nhân viên người Việt, có đầu bếp nấu món ăn Việt, có sự chăm sóc thường xuyên của bác sĩ và điều dưỡng viên, có y công lo vệ sinh và giặt giũ. Sống trong môi trường như vậy, các cụ lại vui hơn vì có bạn, có được những giây phút thoải mái sinh hoạt với các cụ cao niên khác. Trong khi đó, con của các cụ có đủ thời gian để lo cho các cháu, và tinh thần cũng được nhẹ nhàng hơn vì chu toàn được cho cả cha mẹ lẫn các con nhỏ. Tuy nhiên có lẽ Thảo Hiền cũng cần nói thêm ở đây, dù là … biết rồi… khổ lắm nói mãi…, không phải cứ “bỏ” cha mẹ vào viện dưỡng lão là phủi tay xong chuyện, vì bổn phận làm con vẫn còn đó qua việc thăm viếng thường xuyên hoặc đón ông bà về nhà chơi cuối tuần với con cháu, trong những dịp lễ, tết, sinh nhật để ông bà không cảm thấy buồn tủi.
Để kết luận, Thảo Hiền xin được kể một câu chuyện có thật hồi đầu thập niên 1980. Vào thời điểm đó cộng đồng chúng ta chưa có được những dịch vụ chăm sóc người cao niên Việt Nam, hay các hội tương trợ người cao niên như bây giờ. Bà cụ mà Thảo Hiền gặp khi đó đã ngoài 70, là một người Việt gốc Hoa. Cụ không nói sành sõi tiếng Việt mà Thảo Hiền lại không biết tiếng Hoa. Không biết nguyên nhân nào đã đưa đẩy cho cụ xuống tàu đi vượt biên cùng mấy đứa cháu họ. Cụ chưa bao giờ lập gia đình nên không có con cháu ruột thịt. Sau khi định cư cùng một tiểu bang với nhau, một thời gian sau các cháu cụ dọn qua tiểu bang khác để làm việc. Cụ ở lại một mình, sống trong một căn chung cư của chính phủ cấp cho người cao niên. Cho đến khi cụ quá già yếu và bịnh hoạn thì chính phủ đưa cụ vào viện dưỡng lão. Đó là lúc Thảo Hiền gặp cụ. Cụ sống lạc lõng giữa người già khác, không ăn được thức ăn Âu Mỹ, không nói được tiếng Anh để y tá hiểu cụ cần gì, mà chẳng lẽ mỗi lúc lại gọi thông dịch viên đến để chỉ thông dịch là cụ cần được đẩy vào phòng vệ sinh, cụ đau bụng, cụ nhức đầu v.v... Thảo Hiền tình nguyện đến thăm cụ mỗi tuần, nhưng cứ mỗi lần ra về là cụ gào khóc van xin Thảo Hiền ở lại với cụ. Tiếng khóc của cụ nghe đau lòng hết sức. Có thể nói đó là một thảm kịch mà những người điều dưỡng trong viện dưỡng lão dù thông cảm hoàn cảnh của cụ cũng đành bó tay. Sau đó một thời gian, Thảo Hiền tìm được một chị bạn người Việt gốc Hoa làm việc thiện nguyện cho một cơ quan xã hội để hai chị em phân công đến thăm cụ. Một thời gian sau cụ qua đời trong cô độc. Các người cháu họ được thông báo nhưng không kịp về nhìn cụ lần cuối. Thảo Hiền nghĩ nếu như cụ có con cháu kề cận, chăm lo cho cụ, biết đâu cụ chẳng sống thêm được vài năm nữa. Tuổi thọ của cụ tăng không phải vì có thuốc hay, bác sĩ giỏi mà vì tinh thần của cụ được thoải mái hạnh phúc.
Trở lại trường hợp của cụ Nguyễn, chúng ta nhìn ra được vấn đề mà đa số thường vấp phải, là thay vì bảo lãnh cha mẹ già để được kề cận phụng dưỡng song thân nhưng cuối cùng lại để những người già phải chịu thêm cực nhọc về tinh thần và thân xác vì những nhu cầu riêng của gia đình.
Nói tóm lại, sắp xếp sinh hoạt gia đình cách nào cho hài hòa cùng với lòng thành tâm và tình yêu thương đối với cha mẹ già, đều là những yếu tố hợp lý nhất để giữ cho giềng mối gia đình được toàn vẹn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.