Hôm nay,  

Chớ Phản Bội

07/05/200400:00:00(Xem: 5062)
PVM chuyễn ngữ
(Bài này được cháu Phạm Xuân Quang, tức con trai của cố Trung Tá KQ Phạm Văn Hòa, cho phép trích dịch bài đã đăng trên website www.phamxuanquang.com với tựa đề U.S. Mustn't Betray Iraq as It Did South Vietnam. Phạm Xuân Quang cũng đã từng là hoa tiêu của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Muốn đọc bản văn Anh ngữ, xin vui lòng vào trang nhà của Phạm Xuân Quang theo địa chỉ đã nêu)
Vừa quá ngọ ngày ba mươi tháng Tư năm 1975, một nhóm người Việt Nam tỵ nạn trên đảo Guam hốt hoảng òa lên khóc. Họ tụ tập gần phòng điều hành của trại để nghe ngóng tin tức qua đài BBC. Mẹ tôi cũng trong đám đông đó, phần lớn gồm có phụ nữ và người cao niên. “Cộng sản đã vào Sài Gòn. Thế là xong rồi.” Bản tin của đài phát thanh được loan đi khắp trại thật nhanh chóng.
Nỗi lo sợ khủng khiếp nhất của gia đình tôi đã thành hiện thực vì cha tôi còn kẹt lại ở một nơi nào đó giữa Sài Gòn. Nhưng, lúc bấy giờ tôi mới mười tuổi nên đâu có quan tâm đến mối tai họa đang xảy ra. Cơn nắng nhiệt đới ngày đó đã nung nấu chất mồ hôi mặn thẩm thấu vào da thịt tôi nên mãi sau này kỷ niệm của Việt Nam đã hằn sâu vào tâm não tôi.
Ngày hôm sau, gia đình tôi, may mắn nằm trong một số ít người thoát nạn, rời trại đi đến một cuộc đời mới trên đất nước Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chiến tranh đâu đã tàn và máu vẫn còn chảy ở Việt Nam. Ngày đó, Hoa Kỳ đã phản bội chúng tôi (dù cho từ đó đến nay nhiều người đã phản bác), lần duy nhất mà Hoa Kỳ đã bỏ rơi một đồng minh trên chiến trường.
Sau khi vụ tai tiếng Watergate truất phế Tổng Thống Nixon, Tổng Thống Ford đành bó tay dù cho cuối cùng ông có cam kết sẽ hổ trợ Nam Việt Nam trong khi miền Bắc dốc toàn lực vào cuộc tiến chiếm Sài Gòn. Quốc Hội đồng loạt quyết nghị chống lại việc tái hổ trợ dù cho Bắc Việt vi phạm hiệp định ngừng bắn một cách trắng trợn và thô bạo. Ngoại trừ một ít người thuộc Bộ Ngoại Giao, giới quân sự Hoa Kỳ và cơ quan định cư dân tỵ nạn, người Mỹ đã chán ngán. Cuộc chiến đã kéo dài trên một thập kỷ, với 58.235 người Mỹ hy sinh và vô số thiệt hại về vật chất và tâm lý. Về phía Nam Việt Nam có lối 300.000 binh sĩ phải trả cái giá quá đắt. Còn nhân dân Việt Nam thì từ hai đến ba triệu người bị thiệt mạng.

Không phải Hoa Kỳ mà chính người Nam Việt Nam đã thua trận ở Việt Nam. Những người còn kẹt lại phải trả một cái giá nặng nề vì đã thua cuộc lại mất cả đất nước. Cuộc đời của họ hoàn toàn đảo lộn. Sau khi chiến thắng được một tháng, cộng sản khởi sự đưa hàng triệu người, gồm có viên chức chính phủ, nhà giáo và quân đội trước kia vào giam trong các trại “học tập cải tạo”, trong đó có cha tôi.
Ngoại trừ một ít ngoại lệ, những tù nhân này bị giam giữ mà không xét xử, không kết án mà cũng chẳng được ai bảo vệ để khỏi bị những tên cai tù hành hạ. Một tháng biến thành một năm rồi lên đến trên mười năm. Cha tôi bị giam mười hai năm. Những chuyên viên nhân quyền ước đoán khoảng 70.000 người bị hành quyết và hàng nghìn người chết vì lao động khổ cực, bệnh hoạn và thiếu dinh dưỡng trong khi thế giới bên ngoài nào có hay biết gì đến thân phận đau thương của họ.
Sau nhiều năm dưới quyền cai trị của cộng sản, hàng triệu người bắt đầu đào thoát, hầu hết bằng tàu bè. Theo Hội Hồng Thập Tự thì còn có 300.000 người chết ngoài biển cả. Ở nước Cam Bốt láng giềng trên hai triệu người chết trên những “cánh đồng Tử Thần” của Khờ Me Đỏ. Dù cho trong những năm sau chiến tranh người ta còn tiếp tục tìm kiếm người Mỹ bị cầm tù hay mất tích vậy mà phải nhiều năm sau Liên Hiệp Quốc mới chịu điều tra về tệ nạn của các trại học tập cải tạo.
Rồi đây ngày 30 tháng Sáu sẽ đưa người I Rắc về đâu " Suốt một năm qua, từ khi Baghdad được giải phóng đến nay, chiến thắng đã biến thành cảnh trạng bấp bênh bất định. Càng ngày càng dứt khoát là Tổng Thống Bush không thể để cho tình hình dây dưa nữa được. Người Mỹ đã nãn lòng, nhất là những người không tham gia chiến đấu. Nhưng Hoa Kỳ không nên phản bội người I Rắc như đã phản bội Việt Nam. Dù cho thế nào đi nữa thì chiến sĩ của chúng ta cũng phải hoàn thành nhiệm vụ của họ và chỉ rời I Rắc khi nào nước này có thể tự quản với một chính phủ ổn định. Bằng không thì hãy bắt đầu dựng lên trại tỵ nạn cho người I Rắc đã từng đứng về phía chúng ta, dù cho chỉ là một số ít.
Tôi vẫn còn nhớ chuyến bay đưa tôi vào đất Mỹ. Miền nhiệt đới của đảo Guam đã tạm thời cho chúng tôi mường tượng đến đất nước Việt Nam, nhưng chúng tôi cứ vẫn phải tiếp tục đi tới. Khi chiếc vận tải cơ lăn bánh trên phi đạo, tôi nhìn thấy hai hàng phi cơ phản lực màu xanh đậm đang đậu ngay hàng thẳng lối, không một bóng dáng phi hành đoàn mà cũng không có chất bom đạn. Đó là những chiếc B-52 mà người Nam Việt Nam nghĩ rằng sẽ bay sang một chuyến nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.