Hôm nay,  

Vì Sao New Orleans Bị Trấn Nước?

02/09/200500:00:00(Xem: 5314)
Một hải cảng lớn của Hoa Kỳ mà bị dìm dưới nước" Có ai ngờ nổi không"
Tổng thống George W. Bush là một người không ngờ ra tai họa ấy.
Trong khi cả nước Mỹ - cả thế giới - theo dõi sự hỗn loạn đang xảy ra tại New Orleans, sáng Thứ Năm mùng một tháng Chín, trả lời Diane Sawyer trên chương trình "Good Morning America" của đài truyền hình ABC, ông Bush nói rằng mình không ngờ là đê bị vỡ tại New Orleans. Nếu ông quả thật ngạc nhiên như vậy thì thật đáng trách.
Sau một tháng nghỉ hè - mà thực ra chẳng nghỉ - và trở về thủ đô sớm hơn hai ngày trong tình trạng nguy ngập của quốc gia, ông Bush đã đáng trách về tội vô tâm, hoặc vô duyên, khi ôm chó bước ra khỏi máy bay. Ban tham mưu về chính trị hay giao tế tuyên truyền của ông đi đâu cả để lãnh tụ đưa ra một hình ảnh kỳ cục như vậy" Tổng thống cần học tấm gương của người em, Thống đốc Jeb Bush của tiểu bang Florida, ân cần mà bình tĩnh phối hợp việc cấp cứu khi Florida bị bốn trận bão nặng, nội trong một năm 2004.
Sau đấy là sự ngạc nhiên của Tổng thống về nạn vỡ đê tại New Orleans.
Đáng lẽ ra, ông không nên ngạc nhiên. Sau đây là những lý do, về một thành phố và hải cảng quan trọng bậc nhất cho nền kinh tế Hoa Kỳ tại vùng Vịnh Mexico.
New Orleans là thành phố lớn nhất của tiểu bang Louisiana, nằm dọc cửa sông Mississippi chảy ra Vịnh Mexico, trên một dòng nước bát ngát kéo dài 160 cây số, với hai hồ lớn vây quanh. Diện tích thành phố là hơn 900 cây số vuông, mà hơn 48% là nước, chung quanh là đầm lầy. Dân số New Orleans có khoảng gần nửa triệu, nhưng lên tới hơn một triệu ba nếu kể cả vùng phụ cận (theo cuộc khảo sát năm 2000).
Thành phố này còn có đặc tính lạ kỳ nhưng đã quen thuộc là có nhiều khu vực nằm dưới mực nước biển, từ vài phân đến sáu thước, tùy nơi. Những ai ở đây đều biết rằng các "nghĩa địa" đều được lập trên cao, người ta không chôn dưới đất vì lý do địa dư hình thể: chỉ cần mưa quá mực nước một inch (2,5 cm) là nhiều vùng sẽ bị lụt.
New Orleans còn là một giang-hải cảng quan trọng, đứng hàng thứ tư hay thứ năm thế giới về trọng lượng hàng hải, một trung tâm năng lượng và kỹ thuật lớn của Hoa Kỳ và vì ở cửa sông Mississippi, cũng là một cửa khẩu xuất nhập nông sản Mỹ qua Trung Nam Mỹ, Âu châu và Phi châu.
Nằm trong vùng Vịnh, New Orleans thường xuyên bị đe dọa bởi giông bão thổi vào từ Đại Tây dương hay vùng biển Carribe. Vì vậy, thành phố mới có một hệ thống đê điều, kinh đào và máy bơm để thoát nước, được lập ra từ 1920. Trên lý thuyết, thành phố được thiết kế để chống bão lụt cấp ba (cấp năm là cao nhất) và cho đến nay đã vững chãi tồn tại.
Điều éo le là nếu New Orleans bị ngập nước thì chính các con đê ấy sẽ ngăn nước thoát ra ngoài, biến thành phố thành một cái bồn, nhất là khi các máy bơm bị tê liệt, hoặc không đủ sức bơm nước ra ngoài. Trường hợp này có thể xảy ra nếu New Orleans bị bão cấp bốn trở lên.
Trận bão Katrina đập vào New Orleans lên tới cấp bốn!
Ngay từ khi phát giác ra trận bão này, ngày 24 tháng Tám, giới chức hữu trách tất nhiên đã chuẩn bị đối phó. Katrina đập vào bờ biển miền Nam Florida rồi gia tăng cường độ và xoay ngược lên hướng Bắc, nhắm vào New Orleans ngày 29 tháng Tám, trước khi thổi về hướng Đông-Bắc. Lúc ban đầu, người ta mừng là nhờ vậy mà New Orleans thoát nạn, nhưng không ngờ hậu quả tai hại là lượng nước trút xuống thành phố.

Trước khi Katrina ập vào thành phố, lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền địa phương đã ra lệnh cưỡng bách di tản, nghĩa là không ai được ở lại. Nhưng, lệnh ấy không được chấp hành, một phần vì trở ngại giao thông, phần nữa là nhiều người không muốn đi; thành phần bình dân nghèo khổ - đa số da màu - thì có thể e ngại là di tản rồi, làm sao lãnh tiền trợ cấp (như nhiều người ở lại đã giải thích!) Hậu quả là chừng 20% cư dân New Orleans đã ở lại, rồi bị bẫy trong bồn nước khi đê bị vỡ, điện lực không có, máy bơm không chạy… Sau đó là sự hỗn loạn.
Khi ông Bush nói rằng không ngờ là đê bị vỡ, có thể là ông chỉ quen miệng nói tới một điều bất ngờ thôi. Chứ giới khoa học thì đã nhiều lần báo động về rủi ro ấy, và cũng vì người ta có quan tâm ứng phó nên mới xây đập ngày một cao hơn, khiến "bồn nước" nằm càng sâu hơn khi bị lụt, là điều đang xảy ra.
Tức là con đê không ngăn nổi nước vào, mà đang ngăn nước ra.
Từ nhiều năm nay, Công binh của Lục quân Mỹ, giới nghiên cứu trong Đại học Louisiana Sate University và cả nhà chức trách địa phương thực ra đã có nhiều công trình khảo sát và trắc nghiệm trường hợp New Orleans bị bão cấp năm.
Tháng Chín năm 2002, hệ thống truyền thông American RadioWorks đã trình bày một tài liệu mang tựa đề "Hurricane Risk for New Orleans" giới thiệu kết quả khảo sát với những mô tả chính xác về những gì có thể xảy ra - và đang xảy ra. Kết luận của tài liệu này là ngân sách đối phó hiện không đủ.
Ngoài ra, còn rất nhiều công trình nghiên cứu khác đã nêu giả thuyệt kinh hoàng của một trận bão cấp năm, đập vào New Orleans từ hướng Nam. Sau đây là vài thí dụ cho những ai muốn tham khảo trên internet: New Orleans Times-Picayune; The American Prospect; Popular Mechanic; Scientific American; National Geographic; PBS (chương trình Nova).
Gần đây nhất, mới tháng Sáu vừa qua, trong bộ phim nhiều kỳ FX, truyện Oil Storm đã tiên báo một trận bão cấp năm thổi từ hướng Nam vào New Orleans, khiến cư dân phải di tản và nhiều người đã trú ẩn trong vận động trường có mái Superdome, trung tâm thảm kịch tuần này.
Điện ảnh Hoa Kỳ vốn có sức tưởng tượng rất phong phú với loại phim về thiên tai như bão lụt, động đất, núi lửa, cuồng phong. Trong rất nhiều phim loại ấy, khán giả được thấy các nạn nhân hốt hoảng chạy trốn, cuối cùng tìm ra nơi ẩn trú - thường thì là một vận động trường có mái. Và chính nơi đó lại là mồ chôn nhiều người.
Dù đã được rất nhiều cảnh báo của các nhà khoa học, giới hữu trách của thành phố New Orleans hay tiểu bang Louisiana đã không có sức tưởng tượng phong phú như vậy. Tổng thống Bush dường như cũng không khá hơn.
Bây giờ, người ta phải tưởng tượng tiếp: làm sao cứu vãn và phục hoạt New Orleans" Theo mô hình cũ, hay một giải pháp nào mới hơn" Chẳng lẽ lại xóa sổ thành phố để tìm nơi khác cho cả triệu người"
Nhân đây cũng phải nói thêm, rằng loài người với rất nhiều tiến bộ về khoa học kỹ thuật thực ra vẫn không thể cưỡng nổi thiên nhiên. Những công trình nhân tạo lớn lao nhất, như đập nước hay đê điều để điều hướng sông ngòi, có khi chẳng tồn tại nổi quá trăm năm. Kinh nghiệm của lòng sông Mississippi có cho thấy điều ấy, khi bão lụt đã xê dịch lòng sông và quét sạch nhiều thành phố. Lần này, chúng ta chưa biết là dòng sông Mississippi bị ảnh hưởng đến cấp nào và nên chờ đợi những giả thuyết bi quan nhất về mặt kinh tế.
Tuy nhiên, khi khoa học bó tay trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên thì đấy là lúc các chính trị gia lên tiếng. Để đổ lỗi cho nhau.
Tổng thống Bush sẽ bị trách cứ rất nhiều về những gì đang xảy ra, ông có thể bị trách oan. Nhưng khi nói rằng nạn vỡ đê là bất ngờ, ông đã chìa lưng cho các đối thủ tấn công.
Trong khi chờ đợi, người dân và cử tri sẽ có sự phán xét của họ, vào năm tới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.