Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Những Vấn Nạn Về An Sinh Xã Hội

09/10/200700:00:00(Xem: 2050)

LND: Tuần qua, cả nước Úc bị chấn động vì tin một phụ nữ có thai, đau bụng phải vào phòng cấp cứu của bệnh viện Royal North Shore Hospital ở Sydney, NSW, nhưng y tá trực ngó lơ để rồi cuối cùng xảy thai trong nhà cầu của phòng đợi. Trong những ngày tiếp theo người ta biết có thêm nhiều người khác trong vài năm qua cũng phải trải qua kinh nghiệm thương đau tương tự tại chính bệnh viện ấy. Quần chúng bầy tỏ sự phẫn nộ uất ức qua các chương trình trực thoại truyền thanh. Phe đối lập tiểu bang lên tiếng đòi hỏi chính phủ tiểu bang phải tổ chức một cuộc điều tra độc lập có đầy đủ quyền hạn như một Uỷ Ban Hoàng Gia vào vụ việc này. Một nữ bác sĩ công khai tuyên bố rằng bà đã một giám đốc của Dịch Vụ Y Tế North Sydney & Central Coast (Northern Sydney Central Coast Area Health Services) cho biết chính phủ tiểu bang đã cắt giảm kinh phí y tế công cộng của khu vực này, bởi vì cư dân ở đây có đủ khả năng tài chính để mua bảo hiểm sức khoẻ. Bộ trưởng y tế tiểu bang, bà Reba Meagher đã lên tiếng phủ nhận việc này và đồng thời công bố quy tắc mới mà tất cả mọi bệnh viện phải tuân thủ khi có phụ nữ mang thai vào phòng cấp cứu vì đau bụng: phải lập tức đưa họ sang khu sản khoa. Phát ngôn nhân đối lập tiểu bang về y tế, bà Jillian Skinner lập tức tấn công, cho rằng đấy chỉ là một phản ứng nhất thời, thiếu kế hoạch nhằm khoả lấp sự thiếu trách nhiệm của chính phủ Lao Động tiểu bang. Chẳng phải chỉ riêng phe đối lập tiểu bang mới tấn công chính phủ Iemma mà ngay cả tổng trưởng y tế liên bang, Tony Abbott, cũng lợi dụng nỗi bất hạnh của người phụ nữ bị xẩy thai để trục lợi chính trị. Ngay sau khi biết được về câu chuyện thương tâm của bà, ông Tony Abbot đã tuyên bố rằng: "Nếu quý vị không chấp nhận được.." trong khi . Để biết được thêm về những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự suy sụp trong hệ thống y tế công cộng ở Úc khiến cho những sự việc tưởng chừng chỉ có thể xảy ra tại các quốc gia chậm tiến, thiếu phát triển lại có thể xảy ra ở đất nước văn minh này, xin mời quý giả theo dõi bản dịch bài báo nhan đề "Sliding Into Public Squalor"  - Tuột Dần Vào Sự Nghèo Khổ Bẩn Thỉu Chung" - của bỉnh bút Adele Horin được đăng tải trên nhật báo Sydney Morning Herald ngày Thứ Bảy 29/09/07 vừa qua.

*

Nước Úc bây giờ là quốc gia giầu hạng 8 trên thế giới. Chỉ có Hoa Kỳ và một vài quốc gia Âu Châu mới có mức thu nhập bình quân (per capita income) cao hơn Úc mà thôi. Chúng ta đã vất vả để leo lên đuợc vị trí này từ vị trí thấp kỷ lục của chúng ta năm 1989 là hạng 18 trong số các quốc gia đã phát triển.
Hai thập niên  cải tổ kinh tế của chính phủ Lao động cũng như chính phủ liên bang đã sản xuất được một cõi niết bàn kinh tế ở Úc. Thế nhưng, vì sao mà tại quốc gia giầu hạng tám trên thế giới này lại có thể có việc một phụ nữ bị xảy thai trong cầu tiêu của nhà thương trong đau đớn tột cùng sau hai tiếng đồng hồ mỏi mòn trong phòng đợi của phân khoa cấp cứu mà không được ai chăm sóc ngó ngàng đến"
Chính phủ liên bang đã phung phí thành quả của sự thịnh vượng vô biên này qua những đợt giảm thuế. Thay vì chộp lấy cơ hội mà sự phát triển kinh tế từ việc xuất cảng nguyên liệu sang Trung Hoa mang đến để tu bổ và gầy dựng nên một hệ thống dịch vụ công cộng hàng đầu thế giới thì chính phủ liên bang lại để cho các dịch vụ này tàn lụi, thoái hoá. Đấy là lý do mà nỗi thống khổ của một phụ nữ tại một trong những bệnh viện công lớn nhất nước Úc lại trở thành tin tức sốt dẻo trên trang nhất của mọi nhật báo.
Một nguyên nhân nữa là một chính phủ tiểu bang mù quáng tin rằng việc đạt được thặng thu trong ngân quỹ là việc tối quan trọng còn việc xây dựng tu bổ hạ tầng cơ sở công cộng là việc thứ yếu. Khi chính phủ liên bang cắt giảm tiền thuế để dẫn dụ dân chúng mua bao hiểm sức khoẻ tư dẫn đến việc có thêm nhiều giường tại bệnh viện tư thì chính phủ tiểu bang vội vã chộp lấy việc này như một cái cớ để xiết chặt hầu bao, giảm bớt số giường ở bệnh viện công.
Đây là một lối biện luận với lô gíc sai lầm. Với dân số ngày càng phát triển và ngày càng già đi thì nhu cầu phải có nhà thương công ngày càng gia tăng chứ không sụt giảm, cho dù sự đầu tư vào các bệnh vịên tư có y tế tư có gia tăng. Đây không phải là trường hợp chi chọn một cái này hoặc một cái kia. Hơn thế nữa, tất cả mọi bao hiểm sức khoẻ, mọi bệnh viện tư cũng đều vô dụng khi người ta cần được cứu cấp, chẳng hạn như bị tai nạn lưu thông trầm trọng, bị lên cơn đau tim, bị biến chứng mạch máu não hoặc có nguy cơ bị xảy thai. Đấy là lúc mà người ta cần có bệnh viện công hảo hạng.
Trong suốt 7 năm kể từ tài khoá 1995-1996, trên toàn quốc, số giường tại các bệnh viện công dành cho mỗi 1,000 đầu người dân bị sụt giảm  18%, theo thống kê của Học Viện Y Tế Xã Hội Úc (Australian  Institute of Health & Welfare). Thế nhưng, song song với sự sụt giảm về con số giường bệnh tai bệnh viện công thì các phòng cấp cứu (emergency departments) của những bệnh viện này lại phải chịu nhiều áp lực lớn hơn. Họ có quá ít giường cho con số người cần đến nó.


Chắc chắn rằng các cuộc điều tra về những vụ việc đã xảy ra ở Royal North Shore Hospital sẽ đưa ra một hình ảnh thật phức tạp. Thế nhưng, phần lớn các phòng cấp cứu trên toàn quốc đang ở trong tình trạng nguy kịch cần được cứu cấp, và trách nhiệm không thể nào chỉ được quy vào một vài cá nhân nào đó hoặc vào sự thiếu hiệu quả, bất lực (inefficiency) được.
Mọi bệnh viện trong nhiều năm qua đều cố gắng để tăng năng suất. Vào năm 1999, giáo sư Michael Fine, đại học Macquarie, đã công bố, sau một cuộc nghiên cứu, là thời gian mà bệnh nhân phải ở lại bệnh viện để được điều trị tại Úc là thời gian ngắn nhất trong các quốc gia Tây Phương. Vì thế, không còn gì béo bở để cắt giảm thêm hầu tăng hiệu năng thêm nữa. Gíao sư Fine nói: "Các bệnh viện này đã hoạt động ở mức tột cùng của hiệu năng rồi".
Vì thế, sự khủng hoảng mới nhất này là một bằng chứng hiển hiện của sự thất bại của chính phủ ở cả hai cấp liên bang và tiểu bang trong việc chộp lấy cơ hội trong thời điểm thuận lợi để đầu tư một cách sang suốt vào các dịch vụ công cộng cũng như vào những con người làm việc trong các hệ thống này.
Các con số thống kê cho chúng ta biết rằng hiện nay xã hội chúng ta là một xã hội giầu có hơn xưa. Ngay cả những người nghèo khổ cũng có nhiều tiền trong túi hơn trước. Thế nhưng, cho dù họ có thể khá giả hơn so với quá khứ, thế nhưng họ vẫn không tài nào tự trang trải được chi phí sửa răng, nhổ răng cả. Họ vẫn phải nương tựa vào dịch vụ nha khoa công cộng. Và tất cả chúng ta đều biết về tình trạng thiếu hụt tồi tệ của dịch vụ này rồi.
Những người tương đối khá giả có thể không cần đến rất nhiều dịch vụ công cộng, chẳng hạn như trường công, nhà chính phủ và thậm chí ngay cả các phương tiện giao thông công cộng. Thế nhưng, trong trường hợp cần cấp cứu về y tế thì họ cũng chỉ sử dụng một bệnh viện công vốn dĩ chỉ được chính phủ tài trợ ít hơn nhu cầu (underfunded) và luôn thiếu hụt nhân viên (undermanned).
Trong một bài diễn văn tại đại hội thường niên của tổ chức thiện nguyện Brotherhood of St Laurence tuần qua, viên kinh tế trưởng (chief economist) của ngân hàng ANZ, ông Saul Elake, cho biết chính phủ liên bang đã đạt được mức thặng thu hơn dự liệu là $388 tỷ Úc Kim trong liên tiếp suốt 5 tài khoá vừa qua.
Thế nhưng, chính phủ liên bang lại chi gần hết vào việc giảm thuế, bằng hình thức này hay hình thức khác,  và chỉ chừa lại vỏn vẹn $10 tỷ mà thôi. Theo sự ước lượng của ông Eastlake thì tổng cộng khoảng $366 tỷ đã - hoặc sẽ - được trao bằng tiền mặt cho người dân  qua việc giảm thuế hoặc qua những khoản phụ cấp xã hội. Một vài khoản chi tiêu này thật sự hữu dụng, thí dụ như phụ cấp gia đình (family benefits) nhiều hơn sẽ giúp cho nhiều trẻ em không bị sống trong cảnh nghèo khổ.
Thế nhưng chúng ta phải đặt vấn đề xem số thặng dư khổng lồ này có thể được chi dùng bằng phương pháp nào khác vốn hữu ích nhiều hơn cho xã hội hay không. Một số những người thực sự được nhiều thuận lợi qua các vụ cắt giảm thuế hiện nay là những người giầu có trên 60 tuổi. Những người này sẽ không bao giờ phải đóng một xu tiền thuế nào nữa cả, nhờ vào những sự thay đổi về tiền thuế trên quỹ hưu bổng (tax treatment of superannuation) mà chính phủ liên bang đã đề đạt. Hơn thế nữa, sẽ có thêm nhiều người trong bọn họ được quyền nhận lãnh một phần trợ cấp hưu bổng (part-pension) cũng như quyền mua đồ rẻ tiền (concessions) sau khi chính phủ liên bang nới giãn điều kiện hợp lệ cho những quyền lợi này.
Ngoai trừ lợi ích chính trị mà chính phủ liên đảng liên bang sẽ thu gặt được từ những biện pháp giảm thuế nêu trên thì thật ra các biện pháp này hoàn toàn không hợp lý, đặc biệt là khi chính phủ liên bang này lai tự cho rằng họ thật sự quan tâm đến vấn nạn mà một dân số ngày càng gìa sẽ mang đến cho xã hội cũng như gánh nặng mà nó sẽ tạo ra cho thế hệ trẻ mai sau. Nếu những người già mà giầu có, một thành phần dân số này càng tăng, lại được miễn thuế trong suốt quãng đời còn lai của họ - khoảng 25 năm - thì thế hệ trẻ mai sau sẽ phải gánh chịu thuế má nặng nề hơn nữa, hoặc sẽ phải hứng chịu các dịch vụ công cộng vô cùng tồi tệ trong tương lai.
Xã hội sẽ được nhiều lợi ích hơn nếu chính phủ chi nhiều tiền hơn trong việc đào tạo bác sĩ hơn là nhập cảng bác sĩ từ ngoại quốc. Gần đây chính phủ liên bang đã nâng cao sỉ số sinh viên y khoa tại đai học, thế nhưng phải một thời gian lâu dài nữa thì chúng ta mới gặt hái được thành quả của biện pháp này. Xã hội sẽ được nhiều lợi ích hơn nếu chính phủ tiểu bang trả lương cao hơn cho bác sĩ làm việc ở bệnh viện công cũng như gia tăng số giường tai bệnh viện. Những chuyện này không có gì là khó hiểu cả.
Việc nước Úc đứng hạng 8 trong số các quốc gia giầu nhất thế giới qủa thật là một hành tích vĩ  đại. Thế nhưng, tí tiền còm rủng rỉnh trong túi chỉ tạo nên những tiếng kêu rỗng tuếch, vô nghĩa nếu chúng ta không có được một sự chăm sóc đầy đủ, đúng đắn tại bệnh viện.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.