Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Thượng Viện Úc, Trở Ngại Cho Kevin Rudd

21/03/201000:00:00(Xem: 3498)

Thời sự nước Úc: Thượng Viện Úc, trở ngại cho Kevin Rudd - Hoàng Đ.Thư

Úc là một quốc gia mà hệ thống chính trị được mô phỏng theo hệ thống Westminster, quân chủ lập hiến của Anh. Chính phủ được đa số dân biểu ở Hạ viện bầu ra, và vì thế, đảng nào nắm đa số ở hạ viện thì đảng đó nghiễm nhiên có quyền lập chính phủ. Thượng Viện nắm quyền phủ quyết trên các dự luật do chính phủ để ra. Trong thời gian từ 1981 cho đến nay, chỉ có một lần duy nhất mà phe nắm đa số ở Hạ Viện lại nắm luôn đa số ở Thượng Viện là năm 2005, sau khi chính phủ liên đảng đánh bại phe đối lập của Mark Latham, và John Howard đã lợi dụng lợi thế này để thông qua đạo luật quan hệ lao tư WorkChoices ác nghiệt. Thông thường thì cử tri Úc, một phần muốn kềm hãm quyền lực của phe nắm chính quyền, nên thường trao đa số tuyệt đối trên Thượng Viện cho phe đối lập, hoặc trao cán cân quyền lực cho các đảng nhỏ như đảng Dân Chủ trước kia, hay đảng Xanh, cùng các TNS độc lập. Và thông thường thì các chính phủ lúc bấy giờ, cả Lao động lẫn liên đảng, đều phải uyển chuyển khéo léo trong việc tranh luận, thương lượng, vận động để có thể đẩy được các dự luật của họ xuyên qua Thượng Viện, để có thể thực hiện chính sách và những sự cải tổ theo ý họ. Thông thường thì các lãnh tụ đối lập ít khi nào lạm dụng sức mạnh của họ ở Thượng Viện để làm trì trệ một cách vô lý các chính sách của chính phủ. Thế nhưng, từ khi ông Tony Abbott lên nắm quyền lãnh tụ đối lập và thẳng thừng tuyên bố rằng công việc chính của phe đối lập là.. chống đối, thì hầu như tất cả các dự luật, đề án của chính phủ, đều bị bác bỏ, chống đối tại Thượng Viện, đưa chính phủ Rudd vào thế kẹt. Sau đây, để hiểu rõ thêm về vấn đề này, xin mời qúy độc giả theo dõi bài phân tích của nữ ký giả Fran Kelly được đăng tải trên trang mạng của cơ quan truyền thông ABC, tựa đề “All Roads Lead To The Senate- Mọi Ngả Đều Dẫn Đến Thượng Viện”.

*

Phe đối lập phá rối nhất trong 30 năm qua. Một hàng dài các tổng trưởng Lao Động giận dữ bày tỏ sự bực bội của họ trong tuần qua sau một lần thất bại nữa tại Thượng Viện. Họ đổ lỗi cho phe Đối Lập, miêu tả những người này như bọn phá hoại kinh tế. Thế nhưng, họ mong chờ những gì từ phe đối lập" Bởi vì, nói cho cùng, chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ sau khi được bạn đồng liêu đồng đảng bầu vào chức lãnh tụ đối lập thì ông Abbott đã tuyên bố với ký giả Kerry O’Brien trên chương trình The 7.30 Report, “bản năng tự nhiên của phe Đối Lập là chống đối chính phủ”.
Và ông ta đã tuân thủ theo đúng những bản năng ấy và để chính phủ Rudd bị kẹt với một danh sách ngày càng kéo dài những chính sách bị ngăn chận hoặc đình hoãn, một lỗ thủng gần 3 tỷ Úc Kim trong ngân sách và có lẽ đau đớn nhất là cảm giác ngày càng lớn mạnh trong giới cử tri rằng chính phủ Lao Động đã không hoàn tất được những lời hứa hẹn của họ trong thời gian tranh cử trước đây. Không có chương trình mua bán khí thải ETS, chưa có được chương trình trợ cấp tài chánh được cải tiến cho giới trẻ, khó khăn trong việc đánh thuế lên loại rượu pha nước ngọt sẵn (alcopops), không có bảo đảm gì về dự án cải tổ y tế và bệnh viện, và còn nhiều, nhiều nữa.
Bất kỳ một chính phủ nào mà không giải quyết được công việc tại Thượng Viện sẽ bị cử tri xem là một chính phủ tàn tạ, tả tơi, rách nát. Và cái Thượng Viện hiện nay quả thật rất khó mà giải quyết, mà kiểm soát được. Một trong những phương pháp để giải quyết, kiểm soát Thượng Viện là thuyết phục được phe Đối Lập, tuy việc này thường rất khó khi nào thực hiện được mà không bị trầy vi tróc vẩy.
Phương pháp còn lại là thương lượng với các đảng nhỏ và những TNS độc lập. Thế nhưng, với Thượng Viện ngày nay thì khoảng cách này rộng lớn còn hơn cả một hẻm núi vĩ đại hiểm hóc. Đảng Xanh thì ngồi chễm chệ ở bên Tả ngạn, TNS Stephen Fielding thuộc đảng Family First lại ngồi tít tắp ở cực Hữu của phe bảo thủ trong nhiều vấn đề và TNS độc lập từ Nam Úc là Nick Xenophon thì tuy ý thức hệ của ông khó lòng đoán biết, nhưng ông lúc nào cũng có những yêu sách thật khó khăn trong lúc thương lượng.
Sự thử thách của chính phủ liên bang hiện nay là phải tìm được một lối thoát, nhưng xem ra về mặt này, chính phủ Lao động của ông Rudd có vẻ như không hiệu lực bằng, hoặc không siêng năng bằng các chính phủ trong quá khứ. Cứ nghĩ đến việc ông John Howard đẩy ông Peter Costello sang một bên và giành quyền kiểm soát việc thương lượng về thuế trị giá gia tăng GST với lãnh tụ đảng Dân Chủ lúc bấy giờ là bà Meg Lees. Từ ngày này sang đêm khác, không ngừng nghỉ trao qua đổi lại những con số, những sự lưa chọn cho đến khi có được một sự thỏa thuận.
Những người cố vấn thâm niên nhất của ông Howard lúc bấy giờ vẫn còn nhớ rất rõ việc xếp lớn của họ sai họ chạy khắp nơi trong những giờ cuối cùng của cuộc thảo luận để tìm cho được một túi trà có hương vị bạc hà (peppermint tea) bởi vì một trong những người cố vấn của bà Lees cần uống loại trà ấy để có thể tiếp tục thảo luận đàm phán.
Cựu thủ tướng Paul Keating cũng đóng một vai trò tích cực trực tiếp tương tự để có thể thông qua dự luật Mabo của ông qua việc tổ chức những buổi hội họp kéo dài đến thật khuya với các nhà lãnh đạo thổ dân để thuyết phục họ yểm trợ trong lúc lãnh tụ Thượng Viện của ông lúc bấy giờ là TNS Gareth Evans cố thương thuyết với các đảng nhỏ. Là một người vốn không kiên nhẫn và đằm tính nhưng ông Evans đã chủ tọa thật nhiều đêm dài dăng dẳng tại Thượng Viện. Ngồi bên ngoài theo dõi tiến triển của cuộc thảo luận, tranh cãi người ta thấy được mái tóc của ông ngày càng trở nên bờm xờm trong lúc cuộc tranh cãi cũng như những cuộc thương thảo bên lề vẫn tiếp tục một cách điên cuồng, thế nhưng, cuối cùng thì ông cũng có được đạo luật mà ông mong muốn. Và hai thượng nghị sĩ thuộc đảng Xanh ở Tây Úc vào thời điểm đó- hai bà Christabel Chamarette và Dee Margetts- cũng rất khó để thương thuyết, không khác gì các ông Brown Fielding và Xenophon bây giờ vậy.


Như thế thì bài học gì có thể được rút tỉa từ những thí dụ trên" Ông Kevin Rudd phải lâm trận!
Tuần qua, lãnh tụ đảng Xanh, TNS Bob Brown, đã có một hành động khá bất thường: ông về phe với ông Tony Abbott để lên án thủ tướng Rudd đã không chịu cố gắng năng nổ trong vấn đề thảo luận, thương thuyết với các đảng nhỏ để có thể thúc đẩy nghị trình của chính phủ thông qua Thượng Viện.
Nhiều cá nhân tổng trưởng đã cố làm như thế. Bà Julia Gillard là một người thương thuyết rất hiệu lực, chiếu theo nhận xét của những người đã từng có thương thảo với bà. Nữ tổng trưởng y tế Nicola Roxon cũng bỏ rất nhiều thời giờ để thuyết phục, nhưng không được thành công gì mấy.
Cho đến bây giờ thì kết quả vẫn như là chuyện may rủi, và rủi nhiều hơn may và sự thiếu sót lớn lao nhất, chiếu theo những kẻ đã từng tham dự các cuộc thương thảo tại quốc hội trong nhiều năm qua, là một phương pháp giải quyết mang tính toàn bộ của chính phủ.
Hiện nay các cá nhân tổng trưởng được giao khoán nhiệm vụ thương thuyết, nhưng họ thường xuyên không thể đi đến sự thỏa thuận cuối cùng bởi vì họ không có thẩm quyền.
Ông Kevin Rudd nắm giữ sự kiểm soát thật chặt chẽ trên chính phủ của ông, thế nhưng, những TNS nắm cán cân quyền lực hiện nay ở quốc hội lại hiếm khi nào thấy mặt ông chứ đừng nói gì đến việc ngồi xuống bàn tròn để thảo luận thương thuyết, trao đổi chính sách, anh gãi lưng tôi, tôi gãi lưng anh.
Và không phải chỉ có các TNS của các đảng nhỏ mới than phiền về việc không có sự tham dự của thủ tướng. Những người sừng sỏ trong đảng Lao động cũng hết sức bực mình về việc lãnh tụ của họ không chịu tiến hành, nhập trận. Một đằng thì ông Kevin Rudd bị chỉ trích bởi vì cứ để ý quá nhiều đến những tiểu tiết về chính sách của những người khác.
Tài lãnh đạo đôi lúc có nghĩa là phải nhảy vào chiến hào với tổng trưởng của mình, dùng thẩm quyền thủ tướng của mình trong một vài cuộc thảo luận đàng sau hậu trường để bảo đảm công việc tiến hành, và tiến hành thật nhanh chóng.
Chúng ta đều thấy TT Rudd tham dự vào những cuộc thương thuyết quốc tế về khí hậu thay đổi và về Cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế Toàn Cầu. Ông sung sướng nói đến những vụ “kéo sang một bên thì thầm nhỏ to” tại các cuộc họp thượng đỉnh quốc tế cùng với những cú điện đàm khuya khoắt với các tổng thống khi ông cố lấn vào những cuộc thương thuyết toàn cầu. Điều đó rất tốt. Ở Copenhage, ông xuất hiện, tay áo xắn lên, ngay giữa chốn xô bồ, điều động cả một phái đoàn hùng hậu của Úc để dồn nỗ lực vào vấn đề.
Ông cũng cần phải làm như thế tại quốc nội. Sự thất bại trong việc tìm hiểu được bí quyết để thương thuyết với một Thương Viện mà mình không kiểm soát sẽ không làm cho Thượng Viện có một hình ảnh xấu đối với cử tri, mà ngược lại, nó sẽ làm cho mình tạo ấn tượng là mình yếu đuối, không có hiệu lực. Và một lần nữa, sự khác biệt so với ông Tony Abbott quả thật quá rõ rệt.
Sự can thiệp của ông Abbott vào cuộc tranh luận về nghỉ hậu sản cho phụ huynh trong tuần qua là một hành động tuyệt vọng, ngẫu hứng. Một lãnh tụ chính trị sẵn sàng đem uy quyền của mình ra đặt cuộc để có thể làm cho đối phương vấp ngã. Và dường như hành động ấy đã có hiệu quả, ít nhất là trong thời gian ngắn.
Ngay vào thời điểm mà chính phủ Lao động vừa gảy được nhịp đàn mà cử tri lắng nghe với kế hoạc của họ về các bệnh viện và giành lại được tí uy tín từ vụ lắp ráp đồ cách nhiệt sai lầm vỡ lỡ thì ông Tony Abbott lại thò đầu ra với một lời hứa hẹn táo bạo trơ tráo nhằm chớp phiếu của phụ huynh, đặc biệt là phụ nữ. Một chương trình nghỉ hậu sản cho phụ huynh kéo dài 26 tuần, được trả lương đầy đủ, do các đại thương nghiệp đài thọ.
Đây quả là một bản vị vàng ròng và nó sẽ biến nước Úc thành quốc gia dẫn đầu thế giới về phương diện này. Nó có thể là một sự đảo ngược trọn vẹn chính sách trước đây của phe liên đảng. Nó có thể đi ngược lại tất cả những gì mà ông Tony Abblott đã từng hứa hẹn trước đó là sẽ không có thêm một loại thuế mới nào cả. Thậm chí, nó cũng có thể là một sự tấn công trực tiếp vào giới ủng hộ yểm trợ phe liên đảng là các đại doanh nghiệp. Thế nhưng, nó sẽ được cử tri hết mực ưa chuộng.
Chương trình của ông Abbott, theo một vài người chỉ trích, là mộ loại thuế mới và là một gánh nặng bất công đối với những công ty phát sanh sự thịnh vượng trong nền kinh tế của chúng ta. Và loại thuế này, về lâu về dài sẽ làm mất đi nhiều công ăn việc làm.
Một phụ nữ sẽ nghỉ hậu sản từ cái công việc với đồng lương thường niên là $45.000 của bà và bà vẫn phải vất vả với mức lương ấy trong khi người phụ nữ nhà kế bên có thể thảnh thơi trong xa hoa suốt 6 tháng với đứa con thơ của bà với mức lương thường niên là $150.000.
Có phải chúng ta đang nói về một chính sách vốn sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những cặp vợ chồng giầu, có thể quyết định có con, so với những người lợi tức thấp kém hơn họ"
Trong cuộc tranh luận hiên nay có rất nhiều sự mâu thuẫn, bất nhất khắp mọi nơi, và đặc biệt là trong quan điểm chính sách của ông Tony Abbott. Thế nhưng, cuối cùng thì ông lãnh tụ đối lập đã làm ơn cho phụ nữ Úc.
Với đề nghị cho nghỉ 18 tuần ở mức lương tối thiểu thì chương trình của ông Rudd quả thật có vẻ như quá keo kiệt và chắc chắn sẽ bị triển khai, nới rộng ra để có thể được thông qua ở Thương Viện, mặc dầu sẽ không được hậu hĩ như lời đề nghị của phe liên đảng.
Đây là một cuộc tranh cãi rất phức tạp về kinh tế và xã hội vốn đòi hỏi một sự suy xét cẩn thận, chín chắn. Thế nhưng, tất cả mọi lối đều dẫn đến Thượng Viện, và chính tại nơi ấy mà chính phủ, dưới sự lãnh đạo của thủ tướng, cần phải vượt qua sự bực dọc của họ và cố gắng hơn nữa..

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.