Hôm nay,  

Hy Vọng & Thực Tế Tan Hoang

21/02/201000:00:00(Xem: 2669)

Hy Vọng & Thực Tế Tan Hoang – Nguyễn Xuân Phong (Phan Quân dịch thuật)

LGT: Từ năm 1965 đến 1975, ông Nguyễn Xuân Phong đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ VNCH và biết nhiều bí mật dẫn đến việc mất Miền Nam. Trong thời gian hòa đàm Ba Lê về Việt Nam, từ địa vị thành viên phái đoàn lúc ban đầu, ông đã trở thành Trưởng Phái Đoàn vào giai đoạn cuối cùng, với chức vụ Quốc Vụ Khanh đặc trách hòa đàm trong chính phủ. Đặc biệt, ông cũng là nhân vật quan trọng trong Hội Nghị Thượng Đỉnh của nguyên thủ 7 quốc gia Châu Á Thái Bình Dương tại Manila vào 2 ngày 24 & 25 tháng 10, 1966, nhằm thẩm định về cuộc chiến ở Nam Việt Nam với sự tham dự của Tổng thống Phi Luật Tân, Ferdinand E. Marcos; Tổng thống Đại Hàn, Park Chung Hee; Tổng thống Hoa Kỳ, Lyndon B. Johnson; Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo VNCH, Nguyễn Văn Thiệu; Thủ tướng Úc Châu, Harold Holt; Thủ tướng Tân Tây Lan, Keith Holyoake; Thủ tướng Thái Lan, Thanom Kittikachorn; và Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương VNCH, Nguyễn Cao Kỳ. Tại Hội Nghị, ông là người Việt Nam duy nhất được trực tiếp nghe trưởng phái đoàn Nam Hàn cho biết: Tổng thống Nam Hàn đã cảnh giác, [qua kinh nghiệm cuộc chiến tranh Cao Ly] nếu như hòa đàm [với VC] có xảy ra, chính phủ Sài Gòn sẽ thấy Mỹ thương thuyết thẳng với phía bên kia [VC], còn Sài Gòn chẳng nói năng gì được trong khi thương thuyết, và cuối cùng sẽ phải chấp nhận và tuân hành những gì Mỹ và VC ký kết. Quả nhiên, 6 năm sau, lời tiên đoán này đã trở thành sự thật tại Hội Nghị Ba Lê, dẫn đến bản Hiệp Định đầy phi lý, khi Mỹ toa rập với VC cho phép quân đội xâm lăng VC được tiếp tục hiện diện trên lãnh thổ VNCH, dẫn đến thảm kịch 30-4-75. Trong những số trước, Sàigòn Times đã giới thiệu một số chương trong tác phẩm  "Hope and Vanquished Reality", được ông viết theo yêu cầu của "The Center for A Science of Hope" ở New York. Nay do yêu cầu của đông đảo độc giả, chúng tôi xin giới thiệu tiếp một số chương quan trọng trong tác phẩm.
*

(Tiếp theo...)

Tôi nhớ lại thời kỳ Tổng Thống Nixon công du Trung Quốc và ở Sài Gòn, người Việt Nam chúng ta đặt cho ông cái bí danh khôi hài là "Vịt Bắc Kinh" ("Peking Dick" - Vì tên của ông Nixon là Richard, gọi tắt là Dick. Qua trò chơi chữ, từ Dick đã được đổi thành Duck để làm nên bí danh có âm hưởng như một món ăn nổi tiếng của người Tàu.) vì hành động ngoại giao táo bạo đó.
Tôi bèn nhắc ông Thiệu rằng chỉ có ba mạnh thường quân quân sự to lớn và hùng mạnh có khả năng đài thọ cho cuộc chiến Việt Nam, và nếu Hoa Kỳ chẳng còn cách nào khác là vứt bỏ Việt Nam để giải quyết chuyện riêng tư và vấn đề nội bộ của họ, thì Nam Việt Nam chỉ còn có nước đi tìm một đồng minh khác. Ông Thiệu thấy rằng con đường duy nhất còn lại cho ông là "đánh bóng bàn" với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc.
Qua việc ông nhìn tôi lâu dài lúc đó, tôi nghĩ rằng ông muốn nói với tôi lần nữa những gì ông đã nói với tôi vào cuối năm 1970. Một sự chọn lựa như thế còn tệ hại hơn là không có sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam. Thế nên, tôi lập lại luận điểm của tôi là Sài Gòn không còn cách nào khác hơn là tiếp tục "chơi banh" với Hoa Kỳ. Và tôi nói thêm: "Ông sẽ là con 'Vịt Bắc Kinh' nằm trong lò nướng của các đầu bếp CIA rồi, còn đâu mà giao banh được cho Chủ Tịch Mao", qua kiểu khôi hài đen của người Anh, mà tôi đã hấp thụ được qua những năm tháng theo học tại Oxford.
Ông Thiệu mời tôi cùng ông dự phiên họp của HĐANQG ở phòng bên cạnh, đã đông đủ thành viên. Chính tại đây tôi đã chứng kiến cảnh Phó Tổng Thống Hương rơi nước mắt khi ông Thiệu cho biết chính phủ Sài Gòn không còn cách nào khác hơn là duyệt ký bản Hiệp Định Ba Lê do Hà Nội và Hoa Thạnh Đốn thảo ra.
Dù cho là một trường hợp đáng buồn, nhưng không có lý do gì khiến Sài Gòn phải thất vọng hồi mùa xuân năm 1973. Dù sao, hai ông Nixon và Kissinger cũng còn tử tế, đưa ra một "bảo đảm thành văn" của tổng thống, nói rằng Hoa Kỳ sẽ bảo đảm an toàn cho Việt Nam Cộng Hòa nếu Sài Gòn chịu duyệt ký Hiệp Định Ba Lê.
Mùa xuân năm đó, mọi chuyện đều tốt đẹp. Hòa Đàm Ba Lê (cho phe bồ câu ở Mỹ), trận ném bom mùa Giáng Sinh (cho phái diều hâu của Hoa Thạnh Đốn), và hiệp định sắp tới (cho mọi người, ngoại trừ Sài Gòn), đã đem lại lợi thế cho Nixon và cho Đảng Cộng Hòa của ông. Với hơn sáu mươi phần trăm phiếu của dân chúng, ông đã tái đắc cử vẻ vang, đánh bại ứng cử viên Dân Chủ George McGovern. Một nhiệm kỳ đầy tin tưởng hơn lần ông thắng phiếu Phó Tổng Thống Hubert Humphrey hồi 1968, với tỷ lệ khít khao. Tất cả mọi gian nan để mật đàm và những điều khoản nôm na của Hiệp Định Ba Lê đã trở thành một mớ lý thuyết suông trong bối cảnh thực tế và thực tiễn. Thực ra mà nói thì hai ông Nixon và Kissinger đều tin tưởng rằng nội dung của hiệp định sẽ cho phép Hoa Kỳ kết thúc sự can thiệp quân sự của họ ở Việt Nam trong danh dự. Và hai ông cứ nghĩ rằng hiệp định đó sẽ cho Sài Gòn có được cơ may vững chắc để tự lo cho mình mà không cần sự hiện diện đông đảo của quân lính Hoa Kỳ.


Nhờ có Hiệp Định Ba Lê, Mỹ trọn vẹn rút hết quân lính ra khỏi Việt Nam, một cuộc ngưng bắn trên danh nghĩa, ít ra cũng giảm thiểu được mức độ đánh nhau giữa người Việt Nam và hạn chế được việc gởi thêm chiến cụ sang Việt Nam - ít ra trên nguyên tắc. Những từ "thay thế vũ khí cũ" đã được hai ông Thọ và Kissinger tranh cãi và thảo luận gay go nhất trong giai đoạn thương thuyết cuối cùng ở Ba Lê.
Ông Kissinger cũng đưa được điều khoản quy định việc giúp đỡ người Việt Nam giải quyết những vấn đề chính trị nội bộ. Nhân dân Nam Việt Nam sẽ đi đến "hòa hợp hòa giải dân tộc" và "tự quyết" qua "tổng tuyển cử tự do" và có thể đi đến thống nhất đất nước qua tiến trình dân chủ vào một thời điểm thích hợp trong tương lai. Về phần Nam Việt Nam, những giải pháp này sẽ được bàn thảo qua các giai đoạn kế tiếp của hòa đàm Ba Lê tại Hội Nghị La Celle Saint Cloud giữa hai phía của miền Nam Việt Nam (Sài Gòn, dưới danh nghĩa Việt Nam Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc, dưới danh nghĩa Cộng Hòa Miền Nam), từ tháng Tư năm 1973 đến ngày chính phủ Sài Gòn tan rã hồi tháng Tư năm 1975.
Trong Hiệp Định Ba Lê có khá nhiều yếu tố cụ thể để cho mọi người hy vọng. Về mặt quân sự, ông Kissinger đáng được tán dương là đã tạo điều kiện để cho Hoa Thạnh Đốn "gom góp được đồ tế nhuyễn mà ra về", danh dự không bị sứt mẻ. Về phần giải pháp chính trị giữa người Việt Nam với nhau thì có nhiều bối cảnh cho thấy có rộng đường hành động, và chế độ Sài Gòn có thừa thời gian để tự lo liệu. Ông Thiệu phải cố gắng giành được những lợi điểm càng nhiều càng tốt, nhưng tối hậu thư của ông Nixon hồi 1973 chẳng có gì để làm cho chế độ Sài Gòn mất hy vọng. Thế thì cái gì đã thúc đẩy quân lực Việt Nam Cộng Hòa tháo chạy một cách hỗn loạn và ông Thiệu từ chức ngày 21 tháng Tư năm 1975, nêu gương xấu cho tướng tá của ông noi theo rồi lưu vong cùng với ông, thay vì chiến đấu đứng đắn để chống lại người anh em thù nghịch ở Nam Việt Nam"
Ở Việt Nam, chưa bao giờ có hiện tượng phổ biến là nhân vật chính trị cao cấp từ chức, và ông Thiệu chưa bao giờ cho thấy là ông thuộc loại quân nhân chịu rời bỏ nhiệm sở, trong khi hầu hết một triệu quân lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn ở vị trí của mình. Ông Thiệu có thể cứ ngồi ghế tổng thống của Việt Nam Cộng Hòa, không cần quan tâm đến dư luận của cả thế giới, nếu như ông muốn. Ông có thể lãnh đạo quân lính đánh trận quyết tử sau cùng trong danh dự và liều thân trong một trận chiến cần đánh và phải đánh. Tại sao ông lại không làm như thế được" Tướng lãnh vẫn còn hậu thuẩn ông, quân lính vẫn còn đó với hàng nghìn phi cơ và chiến xa, đạn dược cần thiết vẫn còn chất đống trong kho.
Vào đầu năm 1975, tình hình chiến trường chưa đến đổi tuyệt vọng ở Nam Việt Nam. Ông James Schlesinger, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ lúc bấy giờ, tuyên bố rằng cuộc tiến kích của Việt Cộng vào tỉnh Phước Long chỉ ở mức độ nhỏ chớ không phải là một cuộc tấn công quan trọng. Nhưng, rõ ràng là ông Thiệu và nhiều người khác cho rằng tình hình ở Hoa Thạnh Đốn cho thấy Mỹ thiếu quyết tâm và không còn muốn kéo dài cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. Vở tuồng đã chấm dứt. Những nhà lãnh đạo của Sài Gòn như đã nghe thấy tiếng gọi: "Anh em ơi, hãy tự lo lấy thân", mặc dù có thư bảo đảm của Richard Nixon, và chính phủ Hoa Kỳ hứa cũng như cam kết bảo vệ nền an ninh của Việt Nam Cộng Hòa.
Tổng Thống Nixon đưa ra lời hứa một cách rất thành thật và đầy thiện ý. Ông cam kết duy trì một Nam Việt Nam chống cộng và tin tưởng rằng sẽ thực hiện được điều đó với Hiệp Định Ba Lê, chừng nào ông còn là tổng thống Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ và có đủ quyền uy của "Siêu Cường Hàng Đầu" trong một thế giới sẵn sàng ủng hộ ông. Ông Nixon có nhiều giải pháp để chọn lựa. Còn ông Thiệu thì chẳng còn cách nào khác hơn là tự xử bằng cách "hara kiri" (tự tử danh dự theo lối Nhựt Bổn) nếu như ông và những người cùng phe chống cộng như ông muốn sống cho xứng danh với lý tưởng và lương tâm.
Ông Nguyễn Văn Thiệu là một con người tiêu biểu trong quân đội Nam Việt Nam, trên ba mươi năm qua. Ông là một trong những sĩ quan cấp tướng ưu tú, tính theo tiêu chuẩn của Sài Gòn, rất tỉ mỉ, chịu khó làm việc, một nhà quản lý và một tay hành chánh giỏi. Thỉnh thoảng ông cũng vui chơi như mọi người trong quân đội, nhưng không thể nói ông là một tay ăn chơi trác táng. Lúc bấy giờ, tôi nghĩ ông Thiệu là một tướng lãnh không quá tệ, đã trở thành một tổng thống tạm được, trong một tình hình như vậy. Không dễ gì duy trì sự đoàn kết trong quân đội Nam Việt Nam. Ông không tin tưởng ai, và không ai tin tưởng ông, nhưng ông sòng phẳng với mọi người. Ông là một người chơi cờ hơn là một tay đánh phé.
Mãi cho đến giờ phút cuối cùng, ông Thiệu thực sự tin tưởng rằng ngoài ông ra không một người Sài Gòn nào có thể thuyết phục được Hoa Kỳ cứu vớt Nam Việt Nam. Như thế, ông đã tạo ra một mối hy vọng cho chính ông. Không phải ông ở trong thế bất lực, và không phải ông từ chức vì thất vọng. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.