Hôm nay,  

Đàng Sau Những Khó Chịu Của Trung Quốc Đối Với 'liên Minh' Nhật - Đài Loan - Hoa Kỳ

10/03/200500:00:00(Xem: 5017)
Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Lý Triệu Tinh vừa lên tiếng yêu cầu sự quan hệ giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đài Loan nên ở mức song phương, hơn là đi đến chỗ thành lập một liên minh. Ông Lý Triệu Tinh nói rằng bất cứ những hành động nào trực tiếp hay gián tiếp lôi kéo Đài Loan vào những liên minh quân sự, đều đe dọa đến chủ quyền của Trung Quốc và can thiệp vào nội bộ của Trung Quốc. Sự lên tiếng của họ Lý bắt nguồn từ hai lý do trên bề nổi:
Thứ nhất là Hoa Kỳ và Nhật Bản, trong Hội nghị an ninh phòng thủ giữa hai nước hôm cuối tháng 2 vừa qua, đã cho rằng vấn đề Đài Loan phải được giải quyết trong hòa bình, chống lại mọi gây hấn quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan. Lần đầu tiên trong Hội nghị này, Hoa Kỳ đã chính thức bày tỏ sự quan ngại về việc bành trướng quân sự của Bắc Kinh và cho rằng khu vực Á Châu Thái Bình Dương sẽ có thể bùng nổ những bất ổn nếu Trung Quốc không tự chế về việc tăng cường quân sự và tìm mọi cách thống nhất Đài Loan. Hoa Kỳ và Nhật Bản có nhiệm vụ góp phần trong việc giải quyết vấn đề Đài Loan bằng giải pháp hòa bình.
Thứ hai là Quốc hội Trung Quốc đang thảo luận để thông qua đạo luật chống ly khai, tức là không cho phép Đài Loan tách ra khỏi Trung Quốc dưới bất cứ hình thức nào.
Trong hai lý do này, có lẽ chủ trương của Hoa Kỳ và Nhật Bản bày tỏ sự 'bảo vệ' Đài Loan một cách thẳng thắn và việc Bộ quốc phòng Mỹ công kích về thái độ bành trướng quân sự của Trung Quốc, khiến cho giới lãnh đạo Bắc Kinh khó chịu nên ông Lý Triệu Tinh phải mạnh mẽ yêu cầu Mỹ và Nhật không nên lôi kéo Đài Loan vào thế liên minh. Tuy nhiên đây không phải là lý do chính để Trung Quốc phải có thái độ dè chừng về liên minh ba nước Hoa Kỳ - Nhật Bản - Đài Loan, vì liên minh này vô hình chung đã tồn tại từ hàng chục năm qua, và Hoa Kỳ luôn luôn bảo vệ Đài Loan mỗi khi Trung Quốc gây hấn. Hơn thế nữa dù Bắc Kinh có bành trướng quân sự trong hiện tại cũng chưa đủ sức đối đầu với lực lượng Hoa Kỳ và Nhật Bản trong vùng Á Châu Thái Bình Dương. Tuy nhiên điều đã trở thành đối thủ ghìm nhau chính là các giếng dầu và gas thiên nhiên nằm dưới thềm lục địa và chạy dài dưới những vùng biển của các nước Nhật và Đài Loan. Theo nhiều tin tức tổng hợp thì người ta tiên đoán là dưới vùng biển nối liền cả bốn quốc gia gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam có những giếng dầu và khí đốt với trữ lượng rất lớn.

Hiện nay Trung Quốc đang khai thác hai giếng gas thiên nhiên. Một trong hai giếng này có một giếng đã lan rộng đến vùng biển thuộc chủ quyền của Nhật và Đài Loan. Từ nhiều năm qua, Trung Quốc chủ trương là giếng này không chạy tới vùng biển của Nhật nên đã không cho mọi phái đoàn của Nhật đến tham quan và dọa sẽ nổ súng nếu bất tuân. Trong khi đó, chuyên gia Nhật đã nghiên cứu và cho biết là hiện nay túi giếng gas thiên nhiên này chạy tới vùng Xuân Tịch và cách thềm lục địa Nhật vài cây số. Mùa Thu năm ngoái, Nhật Bản đã cử một phái đoàn sang Bắc Kinh, yêu cầu Trung Quốc cung cấp một số dữ kiện liên quan về điều này, để cả hai cùng hợp tác nghiên cứu còn nếu không thì Nhật sẽ tự nghiên cứu lấy. Nhưng Trung Quốc đã từ chối và cho rằng vùng có gas thiên nhiên mà Trung Quốc đang sản xuất không liên hệ gì đến vùng lãnh hải của Nhật.
Nhật Bản không chịu thua và đã vận động một số nước làm áp lực để Trung Quốc phải ngưng không sản xuất gas thiên nhiên hầu cùng với Nhật Bản nghiên cứu để có sự hợp tác lớn hơn. Trong chiều hướng đó, Nhật Bản đã lôi kéo Hoa Kỳ và Đài Loan nhảy vào hỗ trợ với dụng ý là dùng liên minh ba nước tạo sức ép lên Trung Quốc về vần đề đòi độc lập ở Đài Loan, để khiến cho Bắc Kinh phải chấp nhận sự hợp tác với Nhật. Vì thế mà hiện nay,mối quan chính trị giữa Trung Quốc và Nhật Bản trở nên khá lạnh nhạt, phía Trung Quốc thì cương quyết không cho Nhật hợp tác trên lãnh vực năng lượng, trong khi Nhật thì muốn liên hệ không phải để chia chát quyền lợi với Trung Quốc, mà họ muốn tìm biết rõ về khả năng trữ lượng dầu thô và gas thiên nhiên, dưới vùng biễn giữa Nhật và Trung Quốc là bao nhiêu, để có kế sách đối phó với Bắc Kinh trong tương lai.
Bên cạnh sự tranh chấp về tài nguyên thiên nhiên giữa Nhật Bản và Trung Quốc, người ta còn có nghi vấn khác là ngay tại vùng Vịnh Bắc Việt cũng có những túi gas thiên nhiên nằm bên duới lãnh hải Việt Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc. Tuy nhiên cả hai phía không lên tiếng xác nhận điều này, nhưng qua một số tin tức tình báo của Nhật thì giếng gas thiên nhiên thứ hai mà Bắc Kinh đang khai thác thì nằm ở phía Nam đảo Hải Nam. Nếu quả thật như tin tình báo của Nhật cho biết thì đây là một vấn đề đáng quan tậm của dân tộc Việt Nam vì tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam đang bị 'bốc hơi'.
Nói tóm lại, tình trạng lạnh nhạt giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã xảy ra từ nhiều năm trước đây. Sự lạnh nhạt này có nhiều nguyên do chính trị; nhưng về căn bản, ít ai chú ý đến, chính là mối bất hòa về vấn đề Bắc Kinh muốn giữ độc quyền khai thác gas thiên nhiên dưới lòng biển giữa Trung Quốc và Nhật. Từ đó, ba nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đài Loan đã có những gắn bó chiến lược mà Trung Quốc gọi đó là 'liên minh' để đối kháng lại Trung Quốc. Nhưng nếu quả thật Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đài Loan có nghĩ đến hình thái liên minh đi chăng nữa, khi xét về động lực thì mỗi nước có những chủ tâm riêng theo kiểu 'đồng sàng dị mộng'.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.