Hôm nay,  

Câu Chuyện Thể Thao

02/11/200800:00:00(Xem: 2076)

Câu Chuyện Thể Thao – Tiền Đạo<"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

 

Trong phần Câu Chuyện Thể Thao lần này, chúng tôi xin được cùng quý vị tìm hiểu chi tiết về môn “Đua Ngựa” (Horse Racing).

Đua ngựa là một môn thể thao vượt tốc độ bằng hình thức cưỡi ngựa, và những tuyển thủ điều khiển ngựa chạy qua những cự ly quy định về đến mức goal nhanh nhất sẽ đoạt chiến thắng. Vì tính cách cạnh tranh hào hứng, sôi nổi qua những diễn tiến bất ngờ như các trường hợp “ngựa về ngược”, hoặc chạy nước rút ở đường đua cuối cùng giữa những con tuấn mã thi nhau tung vó lướt tốc trên sân v.v… nên môn đua ngựa thu hút rất nhiều khán giả ái mộ ở khắp châu lục không kém gì các môn thể thao “Motor Sports”, và còn được gọi bằng biệt danh “The Sport Of King”.

Tuy nhiên, hiện nay cũng có những hình thức tổ chức các cuộc đua có liên hệ đến các dịch vụ cờ bạc nên hầu như môn đua ngựa đã khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh của những tệ nạn cá độ, bán độ v.v… Và đối với người Việt Nam chúng ta, câu vè châm biếm “đường vào trường đua có trăm lần thua có một lần...huề” cũng đủ nói lên ngụ ý khuyên răn mọi người đừng quá say mê cờ bạc mà quên đi tính cách thể thao của môn đua ngựa.

Môn đua ngựa được tổ chức tại các trường đua và trong ngày có rất nhiều vòng đua gọi là “Race”. Qua những vòng đua này, những tay kỵ mã sẽ cưỡi ngựa chạy về đến mức goal để tranh thắng. Ngoài ra, còn có hình thức thi đấu khác như: cưỡi ngựa vượt qua những chướng ngại vật trên sân đua, ngồi trên xe kéo điều khiển ngựa. Theo quy định, ban giám khảo sẽ căn cứ vào thời điểm mũi của ngựa vượt qua lằn mức goal để quyết định phần thắng, nhưng riêng đối với môn đua ngựa kéo xe 2 bánh vượt chướng ngại của Nhật Bản gọi là “Banei” thì chỉ khi nào cả phần xe kéo phía sau của ngựa vượt qua mức goal mới được xem như về đến goal.

Thông thường, loại ngựa được dùng trong những vòng đua trên sân bằng phẳng, vòng đua vượt chướng ngại vật gồm có những giống ngựa nhẹ cân như:

-Thoroughbred: là loại ngựa được cho lai giống từ ngựa dùng để đi săn của Anh Quốc hoặc từ ngựa Ả Rập v.v.. Hình thức hỗn hợp huyết thống để sinh sản ra loại ngựa Thoroughbred vốn đã có từ khoảng thế kỷ thứ 18

- Hệ chủng Throughbred: là loại ngựa chỉ có 25% huyết thống của giống ngựa Ả Rập.

-Arabian Horse: là loại ngựa có thân hình gọn đẹp, tuy nhỏ hơn giống Thoroughbred nhưng lại có sức chịu đựng và bền vó câu hơn. Ngựa Ả Rập được xem là loại ngựa đầu tiên được dùng để lai giống với các giống ngựa khác.

-Anglo-Arabian: loại ngựa được hỗn hợp huyết thống giữa giống ngựa “Thoroughbred” và giống ngựa Ả Rập. Vì giống ngựa Thoroughbred thường hay bị đuối sức sau khi gia tăng tốc độ chạy và tính khí hung hăng nên được hỗn hợp huyết thống với giống ngựa Ả Rập để cải thiện 2 yếu tố này.

- Hệ chủng Ả Rập: loại ngựa có trên 25% huyết thống của ngựa Ả Rập.

-American Quarter Horse: loại ngựa có chiều cao khoảng 1 thước rưỡi nặng khoảng 400kg được sử dụng trong nông nghiệp chăn nuôi, cưỡi ngựa giải trí và cung ứng cho thị trường đua ngựa. Hiện nay trên toàn thế giới có hơn 4 triệu con ngựa loại “American Quarter Horse” được đăng lục đã cho thấy đây là giống ngựa có lượng sinh sản nhiều nhất. Sở dĩ loại American Quarter Horse được ưa chuộng là do được cải thiện từ nhiều sự lai giống giữa các loại khác nhau như ngựa Andalusian thuần giống của Tây Ban Nha, ngựa thuộc hệ chủng Ả Rập, ngựa thuộc hệ chủng Thoroughbred hoặc ngựa Mustang ở khu vực Bắc Mỹ v.v…

Riêng về môn đua ngựa kéo xe thì dùng các loại ngựa nặng cân

Nguyên tắc cơ bản của môn đua ngựa trên thế giới là “Ưu Thắng Liệt Bại” tức “mạnh được yếu thua”, và những cuộc đua thường được tổ chức dựa theo đẳng cấp hoặc thành tích của ngựa để phân loại giải đua dành riêng cho loại tuấn mã hoặc loại ngựa yếu kém hơn. Tuy nhiên, nguyên tắc này cũng bị giới hạn trong trường hợp có sự thay đổi điều kiện của loại ngựa chiến được ra sân đua để tranh tài cùng loại ngựa kém đẳng cấp hơn. Qua đó, phương cách áp dụng cho trường hợp này được gọi là “phụ đảm trọng lượng”, tức loại ngựa chiến phải nặng cân hơn loại ngựa kém đẳng cấp để phần nào giảm tốc độ và có thể tạo được sự cạnh tranh công bằng. Ngoài ra, người ta còn căn cứ theo số tuổi, thành tích ra sân qua số trận đua theo đúng trọng lượng hoặc chênh lệch trọng lượng của ngựa để sắp xếp những cuộc đua dành cho những đẳng cấp khác nhau, được gọi tổng quát là “Handicap Race”. Để tạo thêm sự hào hứng thu hút đông đảo khán giả theo dõi, môn đua ngựa thường tổ chức các giải đua chính hành năm gọi là “Pattern Race” quy tụ những “danh mã” trong làng đua. Pattern Race là giải đua định kỳ mang tầm vóc đặc biệt trong làng đua ngựa nên cũng kèm theo các giải thưởng lớn cho những tay đua đoạt cúp vô địch, vì vậy giải đua này được phân chia thành nhiều nhóm để phân loại đẳng cấp của ngựa đua và được các xí nghiệp hoặc cơ quan kinh doanh tư nhân tổ chức qua hình thức bán vé cá ngựa để có được những nguồn lợi nhuận chi trả cho giải thưởng. Qua đó, nếu nhóm nào tập trung được toàn những tuấn mã hạng Nhất thì được gọi là Grade -1 (viết tắt là G1 hoặc G1 Race), và các nhóm kế tiếp gọi là G2, G3 v.v…tức những nhóm ngựa mang đẳng cấp kém hơn. Hình thức phân nhóm này được bắt đầu từ năm 1971 tại các quốc gia như Anh Quốc, Pháp Quốc, Ái Nhĩ Lan. Trong khi tại Hoa Kỳ và Canada thì bắt đầu từ năm 1973, kế tiếp là Cộng Hòa Nam Phi áp dụng hình thức này từ năm 1981, Đại Hàn chính thức hình thành vào năm 2004. Riêng tại Nhật Bản, sau khi tổ chức “Hội Đua Ngựa Trung Ương” thực hiện giải đua đầu tiên vào ngày 25/9/1954 tại 2 trường đua Tokyo và Kyoto, thì mãi cho đến năm 1984 quốc gia này mới bắt đầu áp dụng hình thức phân nhóm, và từ năm 2006 đến nay các giải đua định kỳ từ cấp G1 đến G3 được tổ chức đều đặn tại xứ Phù Tang với số lượng khán giả theo dõi ngày càng đông đảo.

Trong đẳng cấp G1 còn có một giải đua mang tính cách truyền thống của môn đua ngựa dành cho những tuấn mã 3 tuổi gọi là “Classic”, vốn bắt nguồn từ thời xa xưa tại Anh Quốc nên có nhiều ý nghĩa lịch sử. Hầu như hiện nay tại các quốc gia thịnh hành môn đua ngựa đều tổ chức giải “Classic” theo khuôn mẫu của “Classic Race” Anh Quốc. “Classic Race” có tất cả 5 vòng đua và trong đó có 3 vòng dành riêng cho loại ngựa đực mang tên “2000 Guineas Stakes”, “The Derby Stakes” và “St. Leger Stakes”. Trường hợp tuấn mã vô địch cùng lúc 3 vòng đua này thì được gọi là “Triple Crown Of Thoroughbred Racing”, tức “Thần Mã Tam Cúp”.

 Về nguồn gốc lịch sử của môn đua ngựa thì ngay từ ngàn xưa con người đã biết tận dụng “mã lực” để thuần hóa ngựa trở thành một loại gia súc hữu ích trong cuộc sống hàng ngày và từ đó cũng sinh ra các thú tiêu khiển khác như cưỡi ngựa đi ngắm cảnh, đi săn rồi đưa đến hình thức đua ngựa hoặc đua xe ngựa (Harness Racing). Qua đó, ngay từ thời cổ đại những sân đua xe ngựa rộng lớn cũng đã được xây cất tại Roma hoặc Constantinopolis của triều đại đế quốc La Mã. Đồng thời trong các tài liệu lịch sử còn ghi chép lại nhiều tập tục của các giống dân du mục ở Trung Đông và Á Châu v.v…đã chứng minh môn đua ngựa rất được ưa thích từ thời xa xưa.

Kế đến, môn đua ngựa dần được hệ thống hóa dựa trên những luật lệ chính thức và trải qua những thời kỳ phát triển chính như sau:

Thế kỷ thứ 16: Vào năm 1540, trường đua <"xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Chesterđược xây dựng tại Anh Quốc và được xem là sân đua đầu tiên trên thế giới của môn đua ngựa trong thời kỳ cận đại qua các luật lệ chính thức chuyên dụng cho những cuộc đua tại nơi này.

Thế kỷ thứ 17: Khoảng giữa thế kỷ thứ 17, các giống ngựa Ả Rập, ngựa Thổ Nhĩ Kỳ được nhập vào Anh Quốc rồi được lai giống để cải thiện thành giống ngựa hoàn hảo hơn nên sản sinh ra loại ngựa Thoroughbred. Trong thập niên 1660, dưới sự tài trợ của vua Charles Đệ Nhị trường đua “Newmarket Race Course” đã trở thành trung tâm đua ngựa nổi tiếng của Anh Quốc. Đến năm 1689, giống ngựa đực nặng ký “Byerly Turk” của Thổ Nhĩ Kỳ được nhập vào Anh Quốc. Byerly Turk chính là một trong 3 giống ngựa thủy tổ thuộc dòng trực hệ để sản sinh loại Thoroughbreg, gồm có ngựa Darley Arabian, ngựa Godolphin Arabian và Byerly Turk.

Thế kỷ 18: Năm 1770, tại Pháp đã bắt đầu xuất hiện môn đua ngựa cận đại và du nhập loại ngựa Thoroughbred từ Anh Quốc. Sau đó, từ năm 1704 giống ngựa Darley Arabian cũng rất được ưa chuộng, được nhập vào từ các quốc gia Ả Rập.

- Từ năm 1790, hệ thống luật lệ về môn đua ngựa cận đại được hoàn chỉnh tại Ái Nhĩ Lan và câu lạc bộ “Irish Turf Club” được sáng lập để vận hành môn đua ngựa.

- Năm 1795, hãng Ogden Corparation của Anh Quốc được sáng lập qua mục đích kinh doanh dịch vụ cá cược theo hình thức “Bookmaker”, tức dựa vào những suy đoán về tỷ lệ thắng của ngựa để bán ra vé cá ngựa.

Thế kỷ 19: Năm 1808, loại ngựa Thoroughbred bắt đầu du nhập vào Ý Đại Lợi và khởi nguồn cho sự hình thành bộ môn đua ngựa cận đại tại đây.

Thế Kỷ 20: Năm 1907, tại thành phố St. Moritzgiải đua “White Turf” được tổ chức tại thành phố St. Moritzở trường đua “St. Moritz” được xây trên mặt hồ đóng băng.

 - Năm 1920, giải đua “Prix De L ‘Arc De Triomphe Lần Thứ 1” được tổ chức tại Pháp Quốc.

 - Năm 1993, câu lạc bộ “Jockey Club” đã chuyển nhượng quyền vận hành môn đua ngựa cho tổ chức BHB (The British Horse Racing Board)

 - Năm 1995, tổ chức “France Galop” được thành lập dể điều hành môn đua ngựa tại Pháp.

Xuyên qua dòng lịch sử phát triển từ lâu đời, môn đua ngựa đã trở nên quen thuộc tại khu vực Châu Âu và một số quốc gia khác như Canada, Nhật Bản, Cộng Hòa Nam Phi. Qua đó, ngoài 2 đặc tính là thể thao và cá cược, môn đua ngựa còn trở thành đề tài cho nguồn cảm hứng sáng tác trong các bộ môn khác như: âm nhạc, văn học, hội họa, điêu khắc. Và từ mức độ ảnh hưởng sâu rộng lan truyền sang lĩnh vực văn hóa, môn đua ngựa cũng chiếm một vị trí khá quan trọng trong cách tổ chức vận hành của xã hội hiện đại

Riêng về đặc tính cá cược thì từ khi hình thức “Bookmaker” ra đời tại Anh Quốc vào năm 1795, môn đua ngựa đã có những mối liên hệ sâu xa với nạn cờ bạc. Nhất là tại Anh Quốc, sau bộ môn Túc Cầu thì đua ngựa là môn thể thao có mức lợi tức cao nhất thu được từ các nguồn kinh doanh như bán vé, quảng cáo v.v…Hơn nữa, ngoại trừ một số quốc gia Hồi Giáo thuộc khối Trung Đông, tại những quốc gia nghiêm cấm các hình thức cờ bạc ở khu vực khác cũng phải chấp nhận hình thức cá cược trong bộ môn đua ngựa.

Hình thức cá cược của môn đua ngựa được thể hiện qua việc mua bán vé “cá ngựa”, tức loại vé ghi tên của những con ngựa đua sẽ ra quân trong cuộc đua và được suy đoán sẽ thắng cuộc theo một tỷ lệ nào đó. Nếu ngựa có tỷ lệ thắng cao thì vé “cá ngựa” đó được nhiều người mua, và số tiền trúng giải “cá ngựa” cũng sẽ được chia ra nhiều phần nhỏ vì số người trúng quá cao. Ngược lại, nếu ngựa có tỷ lệ thắng thấp mà lại thắng giải cuộc đua thì những người mua vé suy đoán ngựa đó vế Nhất sẽ được số tiền thưởng cao hơn. Dĩ nhiên, cá cược chỉ là một hình thức của cờ bạc nên cũng tuân theo nguyên tắc “đặt nhiều trúng nhiều, đặt ít trúng ít”, tức là do giá tiền của vé cá ngựa có nhiều loại khác nhau cho nên nếu người bỏ tiền để mua vé “cá ngựa” ở giá cao hơn thì khi trúng thưởng cũng nhận được nhiều hơn. Từ đó, khán giả cá cược có thể suy tính theo cách nhìn của mình để có được mức tiền lời so với số vốn bỏ ra bằng cách mua nhiều loại vé “cá ngựa” hoặc đặt tin tưởng vào những con ngựa khác nhau trong một giải đua

Về chi tiết của vé “cá ngựa”, thì ban tổ chức cuộc đua sẽ căn cứ vào sự suy đoán của giới chuyên môn về tỷ lệ thắng cuộc của những tuấn mã tranh tài lướt vó qua hình thức bỏ phiếu chọn tên ngựa theo thứ tự từ hạng cao đến thấp để quy định số tiền thưởng cho ngựa thắng cuộc, và quan trọng hơn là để quyết định giá vé “cá ngựa” bán ra cho người mua. Theo các tài liệu lịch sử môn đua ngựa thì những phương pháp suy đoán tỷ lệ thắng cuộc của ngựa đua vốn đã có từ ngàn xưa và tùy thuộc vào nhiều yếu tố dị biệt của đặc tính văn hóa, tập quán của từng quốc gia cũng như tùy theo đặc điểm của các giống ngựa.

Hiện nay, ở những quốc gia thịnh hành môn đua ngựa đều có những hoạt động của giới chuyên môn suy đoán tỷ lệ ngựa thắng cuộc thể hiện qua nhiều hình thức như: các tạp chí sách báo chuyên đề về “cá ngựa”, những nhà bình luận chuyên hướng dẫn người mua vé “cá ngựa”, những tổ chức hội đoàn chuyên cung cấp thông tin về “cá ngựa” v.v…

Đương nhiên, khi suy đoán về tỷ lệ thắng cuộc của ngựa đua, giới chuyên môn phải đưa ra những suy luận mang tính hợp lý và thuyết phục để hướng dẫn người mua nên từ đó cũng có nhiều trường phái suy luận dị biệt, chủ yếu đặt trên căn bản của 2 tiền đề chính như sau:

- Ngựa khoẻ, ngựa chạy nhanh sẽ thắng cuộc. Đây là lối suy luận phản ảnh một cách tuyệt đối về “thực lực” của ngựa đua kèm theo những con số thực tế chứng minh như tốc độ của ngựa, thành tích trong quá khứ, những cự ly thích ứng với ngựa, hoàn cảnh của đường đua phù hợp với ngựa.

 - Ngựa khoẻ, ngựa chay nhanh chưa chắc thắng cuộc. Cách suy luận này không đặt nặng vào thành tích hoặc điều kiện thuận lợi mà ngựa đang có, mà chỉ căn cứ vào kinh nghiệm của người suy đoán về những con ngựa có nhiều khả năng gây bất ngờ. Đây chính là cơ hội cho người mua có thể trúng những giải “ngựa về ngược”.

Riêng tại Nhật Bản, giới mê “cá ngựa” thường dựa vào các phương pháp suy đoán sau đây để mua vé:

-Thông số tốc độ: là cách căn cứ vào những con số biểu hiện năng lực tuyệt đối của ngựa.

- Kinh nghiệm suy luận: là cách suy đoán những con ngựa có khả năng về ngược và đưa ra lời khuyên nên mua vé đặt những con ngựa nào ở những chặng đua thích hợp trong ngày.

- Phân tích dấu hiệu: cách suy đoán này do nhà bình luận đua ngựa Takamoto Kimio thường áp dụng và đoán trúng nhiều lần nên còn được gọi là “Phương Pháp Takamoto”. Ông Takamoto lý luận rằng đa số những chặng đua chính trong ngày đua đều có sự quyết định trước về con ngựa thắng cuộc, nên phải theo dõi thật kỹ những dấu hiệu có thể phát hiện như những nguồn thông tin của ban tổ chức hoặc lời phát biểu của tuyển thủ kỵ mã v.v…để từ đó biết được con ngựa nào đã được chọn là ngựa về Nhất.

- AB-XY: là phương pháp mua vé theo cách tính: A, B là ngựa được suy đoán hàng đầu và X, Y là ngựa hạng cuối, vì vậy nên mua loại vé hỗn hợp [A-X, A-Y] hoặc [B-X, B-Y].

Tại các quốc gia tân tiến, khán giả có thể mua vé “cá ngựa” trực tiếp tại trường đua đang tổ chức cuộc đua hoặc ở những trường đua khác hay đặt mua trên mạng Internet từ các đại lý phân phối. Kế đến, tùy theo quy định của các quốc gia, việc mua vé “cá ngựa” cũng có nhiều khác biệt:

- Tại Ái Nhĩ Lan tất cả mọi người đều có thể mua vé “cá ngựa”.

- Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Thái Lan là những quốc gia cấm người dưới 18 tuổi không được mua vé “cá ngựa” và không được vào trường đua.

- Tại Cộng Hòa Nam Phi, dưới 18 tuổi không được mua vé “cá ngựa” và nếu có phụ huynh đi kèm thì có thể được vào trường đua.

- Tại Nhật Bản, dưới 20 tuổi không được mua vé “cá ngựa” và nếu có phụ huynh đi kèm thì có thể được vào trường đua.

- Tại Philippines, dưới 21 tuổi không được mua vé “cá ngựa” và không được vào trường đua.

- Tại Hoa Kỳ, các luật quy định về việc mua bán vé “cá ngựa” có sự khác biệt to lớn giữa các tiểu bang và cũng có những tiểu bang cấm bán vé “cá ngựa”.

- Tại Tiểu Vương Quốc Ả Rập (UAE: United Arab Emirates), vì lý do tôn giáo nên cấm bán vé “cá ngựa”. Thay vào đó là hình thức phân phối các thẻ dự đoán tên tuyển thủ thắng cuộc, người đoán trúng sẽ được quà tặng.

Từ cách nhìn của ban tổ chức thì môn đua ngựa chỉ thuần túy là một môn thể thao cạnh tranh tốc độ, nhưng đối với khán giả vừa theo dõi vừa bỏ tiền ra để đánh cá thì quả nhiên đây chính là một hình thức cờ bạc không hơn không kém. Do đó, người mua vé “cá ngựa” luôn đặt kỳ vọng vào số tiền thưởng mình sẽ được chia sau khi chấm dứt mỗi giải đua. Bởi lẽ có nhiều trường hợp người mua vé “cá ngựa” chọn trúng ngựa đua thắng cuộc được tiền thưởng rất to lớn đến gấp trăm lần và có khi lên đến gấp trăm ngàn lần số tiền vé bỏ ra mua. 

Sở dĩ có được những số tiền thưởng như vậy là do người mua vé đặt cược theo nhiều chặng đua trong ngày của giải và đều đoán trúng hết những con ngựa thắng cuộc nên số tiền thưởng càng nâng cao. Về chi tiết này thì có các loại vé sau đây để người mua chọn lựa:

1. Vé riêng từng chặng đua. Là loại vé chỉ dự đoán kết quả của một chặng đua

2. Vé nhiều chặng đua. Là loại vé dự đoán kết quả của nhiều chặng đua và trong đó chỉ cần chọn lựa một vài chặng theo quy định để chọn lựa ngựa đua. Cụ thể là loại vé quy định cho 7 chặng đua trở xuống thì chỉ cần đoán trúng con ngựa về Nhất của chặng đua thứ 1 hoặc chặng đua thứ 2, trong khi vé quy định cho 8 chặng đua trở lên thì chỉ cần đoán trúng con ngựa về Nhất của chặng đua thứ 1, thứ 2 hoặc thứ 3.

3. Vé nhiều chặng đua theo thứ tự. Là vé dự đoán những con ngựa về Nhất theo thứ tự các chặng đua, được chia làm 2 loại. Vé 2 chặng đua liên tục: tức loại vé dự đoán kết quả cho 2 chặng đua, thí dụ như trong chặng đua thứ 1 con ngựa mang số 19 thắng cuộc và ở chặng đua thứ 2 con ngựa mang số 3 thắng cuộc thì vé có số 13-9 được trúng “cá ngựa”, và dĩ nhiên nếu mua vé có số 9-13 thì không được trúng trong hình thức này. Vé 3 chặng đua liên tục: là loại vé dự đoán kết quả cho 3 trận đua, thí dụ trong trường hợp mua vé mang số 18-9-10 tức là chọn 3 con ngựa mang số 18, số 9 và 10 cho các chặng đua liên tục từ chặng thứ 1 đến chặng thứ 3.

4. Vé nhiều chặng đua không theo thứ tự. Đây là loại vé dự đoán những con ngựa về Nhất không theo thứ tự của các chặng đua và cũng được chia làm 2 loại. Vé 2 chặng đua liên tục: loại vé dự đoán kết quả cho 2 trận đua nhưng lại đoán ngược thứ tự ngựa về Nhất. Thí dụ như trường hợp ngựa mang số 18 thắng cuộc ở chặng thứ 1, ngựa mang số 5 thắng cuộc ở chặng thứ 2 thi vé có số 5-18 được trúng thưởng.

 Đồng thời, qua loại vé dành cho 2 chặng đua này người mua còn có thể chọn các trận đua kế tiếp nhau như: vé chặng 1+ chặng 2, vé chặng 2+ chặng 3, vé chặng 1+ chặng 3. Thí dụ như ngựa mang số 7 thắng chặng thứ 1, ngựa mang số 18 thắng chặng thứ 2, ngựa mang số 10 thắng chặng thứ 3 thí các vé có số 7-18, 10-18, 7-10 được trúng thưởng.

* Vé 3 chặng đua liên tục: là loại vé dự đoán kết quả cho 3 trận đua nhưng lại đoán ngược thứ tự ngựa về Nhất. Thí dụ như trường hợp ngựa mang số 13 thắng cuộc ở chặng thứ 1, ngựa mang số 1 thắng cuộc ở chặng thứ 2 và ngựa mang số 8 thắng cuộc ở chặng thứ 3 thì vé có số 1-8-13 được trúng thưởng.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.