Hôm nay,  

Mười: Truyền Thuyết Của Một Chân Dung

12/09/200800:00:00(Xem: 6413)
Năm 1896, Việt Nam ở vào thời kỳ Pháp thuộc.  Trong một ngôi làng nhỏ tại Đàlạt, người ta khám phá ra chân dung của một phụ nữ.  Dân trong vùng bị hấp dẫn về vẻ đẹp của người phụ nữ trong tranh và tin đồn rằng tai họa sẽ xảy ra cho người nào treo bức tranh đó.  Hơn một thế kỷ sau, một nhà văn Hàn quốc cần có một ý tưởng mới cho cuốn tiểu thuyết của cô.  Người bạn Hàn quốc của cô gây sự chú ý cho cô khi kể lại chuyện xưa một trăm năm trước đó liên quan đến bức tranh của người phụ nữ tên "Mười." Nhưng họ không biết rằng truyền thuyết bí ẩn đó sẽ gây ra một cơn ác mộng khi họ muốn khám phá ra sự thực đàng sau bức chân dung đó.  Đó là lời nguyền có dính dáng đến bức chân dung.

Cuốn phim được quay một phần ở Việt Nam với bối cảnh là những diễn viên mặc áo dài truyền thống của Việt Nam.

  Đây không phải là một cuốn phim độc đáo hay lạ lùng gì lắm nhưng có lẽ đáng nói với khán giả Việt Nam vì nó mang tựa đề rất Việt Nam, với sự tham gia của một nữ diễn viên Việt Nam (Anh Thư) trong phong trào phim Hàn quốc đang lan tràn ở Đông Nam Á, phát hành vào mùa hè năm 2007.

Chuyện phim mang máng như những cuốn phim kinh dị của nước Anh mô tả những cảnh rùng rợn trong các lâu đài cổ.

Yun-hee (do Jo An đóng) là một nữ văn sĩ đang muốn viết một cuốn tiểu thuyết nhưng cạn ý.  Cô gặp một người bạn cũ tên Seo-yoon (Cha Ye-ryun) hiện sống tại Việt Nam và được kể một câu chuyện dân gian ở địa phương này, nói về chân dung của một phụ nữ tên Mười mà số phận mang một lời nguyền tệ hại.  Yun-hee quyết định ở lại với Seo-yeon để tìm hiểu thêm câu chuyện.  Điều mà Yun-hee không ngờ là có những sự trùng hợp ghê gớm giữa cuộc đời bi thảm của Mười với một trong những người bạn của cô.  Có một sự trả thù lạnh lùng, lạnh như chiếc gỏi cuốn gói với rau thơm và tôm luộc, món ăn thường thức ở Việt Nam.

 Cuối cùng thì Hàn quốc, một trong những nước tiến triển nhất trên thế giới, không kể ở Á Châu, lại làm phim kinh dị về một vùng đất xa xôi, theo kiểu nước Anh hay làm về thuộc địa cũ của họ.  Việt Nam được giới thiệu như một thiên đường ở vùng nhiệt đới, đầy dẫy những phụ nữ trẻ đẹp mặc áo dài xinh xắn diêm dúa, nơi mà một thừa kế người Hàn quốc có thể thừa hưởng một căn nhà rộng rãi, tráng lệ.

Vài cảnh trong cuốn phim do Kim Tae-kyung đạo diễn thiếu nghệ thuật và buồn chán: cảnh bức ảnh trên tường tróc ra với một tiếng động ồn ào giống như trong phim Barton Fink của anh em nhà đạo diễn Coen hay người bị thắt cổ trong chiếc khăn choàng bằng lụa kẹt trong bánh xe đạp của Isadora Duncan.

  Phần hay nhất của cuốn phim thật ra là những cảnh quay lại cuộc đời của Mười làm cho người xem rùng mình với một cảm giác mạnh.

     Trong phim nữ diễn viên Jo An là một cô gái hấp dẫn, ngổ ngáo, đầy nhiệt tình và xác tín.  Nhưng hình ảnh của cô được dùng như một món hàng trưng bày trên liên mạng mà người ta thường thấy.  Cha Ye-ryeon khá hơn trong chiếc áo dài trắng, mặc dầu nhàm chán trong lời đối thoại.  Nữ diễn viên Việt Nam Anh Thư và diễn viên mới nổi Hong So-hee cho người ta những ấn tượng mạnh mẽ ở vai trò phụ.

 Mười là một cuốn phim kinh dị với một vài tình tiết nổi bật, nhưng lý do thực sự để người xem hài lòng là hai vai chính thực sự là xinh đẹp.  Chúng ta đừng mong đợi một cái gì mang tính cách suy tư ngoài việc người Hàn quốc đang khai thác Việt Nam như là một ngoại quốc đặc thù có chuyện ma quái và chuyện một mối tình không được đáp lại.

Có thể đối với người Việt Nam hình ảnh của Hàn quốc bị xấu đi với việc gần đây đàn ông Hàn quốc đến Việt Nam chọn vợ một cách thô thiển và một vài cô dâu Việt Nam đến nước Hàn không lâu bị ngược đãi đến phải nhảy lầu tự tử (hay bị xô xuống đất") làm tổn thương tinh thần dân tộc của người Việt Nam.  Có thể người xem Việt Nam ở hải ngoại không có thiện cảm với nữ diễn viên Việt Nam trong nước.

Dù sao sự hợp tác trên lãnh vực phim ảnh cũng đáng khích lệ vì nó đưa tên tuổi của Việt Nam lên trường quốc tế và thiết tưởng Việt Nam không phải chỉ là di sản riêng của cộng sản mà là một di sản tạm thời ở một giai đoạn nào đó trong tay của cộng sản.  Nghệ thuật phải được hiểu thoát ra ngoài biên giới quốc gia, thoát ra ngoài ý thức hệ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.